Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 07-11-2021
Câu hỏi:
Con xin chào Thầy,
Thầy ơi, sao con thấy trong hạnh hoan hỷ với người vẫn có bản ngã rất lớn, nó giống như tự kỷ ám thị chứ không phải thanh thản thật sự. Thí dụ như mình muốn thành công hoặc giàu có mà tập hoan hỷ với người thì thực ra trước tiên là có ái dục mong muốn khởi lên rồi, chưa kể khi so sánh người khác thì làm sao thoát khỏi sự đố kỵ, hoặc sự hoan hỷ nó chỉ là tạm thời và mỏng manh, khi gặp biến cố hoặc đi con đường giống họ mà không thành công như họ thì cũng mất luôn tâm hoan hỷ. Con cảm thấy hạnh hoan hỷ chỉ thật sự hiệu quả đối với sự vô ngã của người khác như sự bố thí (nhưng con thấy so sánh khởi lên là có ngã rồi). Bỏ ngã này theo ngã khác (là muốn thành công, thấy mình tốt đẹp khi hoan hỷ) thì cũng chỉ làm tạm bợ phải không thầy.
Con biết rằng mình sống ở đời sống tại gia thì mình phải chấp nhận cả 2 mặt trong tâm hồn mình, vì chưa buông được thì mọi thứ chỉ là tương đối, nhưng con vẫn luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, sống tốt. Dù con biết trong mình vẫn có sự đấu tranh gay gắt giữa 2 mặt, nhiều sự giả tạo của chính mình. Vì con còn nhiều tâm phàm phu, nhưng con vẫn cố gắng tạo phước để hồi hướng đến sự giải thoát, mong đến 1 lúc nào đó con có đủ duyên để đi theo bước chân Phật.
Con xin cảm ơn Thầy đã đọc!
Ai di đà Phật!
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Thưa HOÀ THƯỢNG, con xin hỏi là có phải khi tâm định đến một ngưỡng cao nào đó thì có thể nhìn thấy các cảnh giới hay những chỗ mà người thường không nhìn thấy không? Có phải là thật hay chỉ là bệnh tâm thần hoang tưởng ạ. Mong Hoà Thượng nói rõ cho con hiểu thêm. Con xin cảm ơn Hoà Thượng nhiều ạ.
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Thua Thay,
Nhan co nhieu ban hoi ve Tu Vi. Con xin duoc phep chia se nhu sau:
Truoc nam 1975, tai Saigon co mot nha Tu Vi rat gioi, doan dung nhieu viec kinh hon, ong la nguoi khiem thi ten la Quang Thong, nha o khu Tan Dinh Saigon luc bay gio. Khi khach den, ong hoi nguoi do sinh nam nao, gio nao, ngay lap tuc ong lay ngay la so Tu vi cho nguoi ay bang cach tinh nham trong dau. Sau do ong noi neu nhu ngay gio dung thi la so nay phai la nguoi (vi du nguoi nho con, da trang, nha co may anh em, gia the trung binh… Ông hoi co dung khong? Neu nguoi kia tra loi dung, ong moi di vao la so va noi ve cac cung (ong la nguoi khiem thi nen khong dung giay to chi tinh nham trong dau), nguoc lai neu noi khong dung ong se noi ngay gio, nam sanh khong dung va ong se khong xem nua.
Luc do co nhieu nguoi cung noi tieng tai Saigon nhung khong gioi bang ong. Ba con cung biet nhieu ve Tu vi nen thinh thoang co den ong de tu van hoc hoi. Khoang thap nien 1980, nguoi ta den tim ong rat dong de hoi ve viec di vuot bien (co bi bat khong? Co den noi khong, co bi gat khong? co chet tren bien khong…). Luc do ong doan co nguoi dung nguoi khong. Lan cuoi cung Ba con den gap ong de hoi them ve la so Tu vi cua nguoi em con luc do cung dang cho ngay vuot bien. Ong noi voi Ba con mon Tu vi chi dung 40% thoi ma da so chi dung cho qua khu, khong dung cho tuong lai nen sau hom nay ong se dap trat khong xem nua. Sau lan do ong khong tiep khach nua (khach den rat dong).
Do la dieu con biet ve ong Quang Thong, nguoi xem Tu Vi gioi, loi lac cua Saigon truoc nam 75.
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, sau khi đọc qua các trường phái con thấy có điểm chung như sau: tướng Ngã Nhân Chúng sinh Thọ giả là bản ngã tham sân si, là khổ, trong tâm con người chỉ có Phật tính và bản ngã, bản ngã là vô số chúng sanh cần được độ vào vô dư Niết bàn, tức là chuyển hóa cho hết khổ. Khi độ hết khổ rồi là Vô ngã, lúc đó nhìn chúng sinh vạn vật bên ngoài với Tứ vô lượng tâm, sẽ không có sân hận tham lam hay si mê, mà với tất cả lòng Tôn kính, vì ta người chúng sinh không khác, thân xác có thể khác bên ngoài nhưng đều là đất nước gió lửa sẽ trả về hư không, còn phần không thấy được sẽ tùy vào duyên nghiệp, sẽ hòa vào cái toàn thể hay tiếc nuối vào một cái gì đó riêng lẻ theo ta và cái của ta tiếp tục khi còn bản ngã. Các phương pháp sẽ có tác dụng trong một thời điểm nhất định, khi có phương pháp nếu bám víu mãi sẽ sinh căng thẳng mệt mỏi và luân hồi khổ đau vì "pháp còn phải buông huống chi phi pháp". Thấy vô thường, thấy khổ chuyển hóa khổ và vô ngã thì nên buông pháp vô thường và khổ đi. Chỉ còn trả lại định tĩnh trong lành sáng suốt của cái thấy, đón nhận mà không đón nhận đó là đón nhận, theo con nghĩ đó là tâm Kim Cang. Có tâm Kim Cang thì cái định tĩnh trong lành sáng suốt của cái thấy sẽ trôi chảy, không bước tới không dừng lại và sẽ thoát khỏi được bộc lưu "thoát khỏi mà không thoát khỏi gọi là thoát khỏi".
Con thấy đọc sách nào cũng là con dao hai lưỡi, đọc mà trực nhận ra liền thì nên đọc hấp thu và quên sạch. Còn đọc mà cố hiểu sẽ dễ sa đà vào lý luận, sai phương pháp hành hay cố luyện tập mãi, thì giống như khúc gỗ trên sông bị tấp vào bờ bên này, tấp vào bờ bên kia sẽ chậm tới ngày ra biển.
Con xin thành tâm biết ơn Tam Bảo, biết ơn thầy, biết ơn những chân lý đã đến với con, biết ơn những thiện hữu tri thức đã giúp con không ngừng học hỏi và chuyển hóa.
Con xin trình thầy, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Kính bạch Sư Ông,
Mẹ chồng con và con đều là người duy tâm. Tuy nhiên mẹ chồng con duy tâm theo hướng thường đi xem bói, tin lời người âm. Con thì hoàn toàn không thích những điều đó.
Nhà chồng con có bà nội và bà cô đã mất từ lâu, thi thoảng các bà sẽ về báo mộng “sang tai” cho mẹ chồng con, hoặc bà “nhập” vào một người họ hàng và lên nói chuyện với con cháu. Từ khi con về làm dâu đã thấy như vậy, đến nay đã gần 3 năm. Trước những chuyện này con có phần bán tín bán nghi, vì con không biết tại sao các cụ đã mất lâu như vậy mà không siêu thoát. Và cũng có đôi lúc con ngờ vực không chắc những vong này có thực sự là người nhà mình không hay là vong lạ trà trộn. Nhưng do con chỉ là cháu dâu, hơn nữa con cũng hiểu rằng ai cũng đều có quyền tự do tín ngưỡng riêng nên con luôn tôn trọng và không hề bày tỏ thái độ gì.
Tuy nhiên gần đây có hai sự việc khiến con suy nghĩ:
Một là bà nội chồng con “hiện về” nói với mẹ chồng con là mỗi khi thắp hương thấy con không chịu xin gì cả, không thấy con nói thành tiếng. Quả thật như vậy, dù là trước bàn thờ gia tiên hay nơi cửa đền cửa chùa, con chỉ thường chắp tay tĩnh lặng không suy nghĩ. Rất hiếm khi con mở lời cầu xin điều gì. Có lẽ là do con tâm niệm mọi sự đều xuất phát từ chính bản thân con người, nếu có gì không may xảy ra, thì nên tự chịu trách nhiệm, chứ không phải là xin xỏ cầu cho tai qua nạn khỏi. Phú quý, địa vị hay công danh sự nghiệp cũng vậy. Nếu chỉ cần cầu mà được thì đâu cần nỗ lực, nên con không tin và cũng không có nhu cầu khấn vái để xin xỏ điều gì. Con vẫn thành tâm thắp hương nhưng không cầu xin gì vậy con có sai không ạ? Nếu không tại sao con lại bị trách thưa Sư Ông?
Chuyện thứ 2 là như lần trước con đã viết thư tâm sự cùng Thầy, em bé trong bụng con đang gặp vấn đề sức khoẻ, thêm nữa con cũng có nguy cơ sinh non. Mẹ chồng con rất lo lắng và lại đi xem âm phần. Về mẹ kể lại rằng bà nội chồng con hiện về “nhập” vào người xem và trách mắng mẹ chồng con không biết đi kêu cầu sớm, bảo rằng con sẽ không qua được đến tháng thứ 8, bước qua ngày rằm sẽ bị hỏng thai. Bắt ngày mai phải làm lễ để bà xin cho tai qua nạn khỏi. Mọi người trong nhà đều sợ con lo lắng quá ảnh hưởng đến tâm lý. Nhưng ngược lại con rất bình tĩnh và không lo sợ. Thú thực với Sư Ông rằng hiện tại con chỉ cảm thấy ngán ngẩm mà thôi. Bởi vì con không thích và không tin mà vẫn phải chấp nhận làm để cho yên lòng cha mẹ. Con không đủ năng lực giải thích được những chuyện tâm linh đang diễn ra để khẳng định là sai hay đúng. Nhưng nếu duyên nghiệp của con thực sự đã như vậy, liệu lễ lạt cúng bái này nọ có thể thay đổi số mệnh được không? Con nghĩ là không. Con chỉ đồng ý làm vì con không muốn cha mẹ chồng con lo lắng. Và tuy con không hề vui, nhưng con vẫn chấp nhận vì con hiểu những điều mẹ chồng con muốn con làm đều xuất phát từ sự lo lắng cho con cháu của bà mà thôi. Nhưng liệu con cứ “thoả hiệp” mãi như thế này về sau thì liệu có là điều nên làm hay không ạ?
Là một người mẹ, lại hết sức vất vả để có được đứa bé này, con là người lo lắng nhất và cũng sẽ đau khổ nhất nếu có bất kỳ chuyện gì không may xảy đến với em bé của con. Nhưng bên cạnh đó dường như trong con cũng tồn tại một tiếng nói song song khác, hết sức bình thản, nói với con rằng nếu đó là số phận thì mình chấp nhận thôi, lo lắng cũng không giải quyết được gì. Đôi khi con ngạc nhiên với “khía cạnh” này của mình, nó tỉnh táo và bình thản một cách kỳ lạ.
Mỗi lần con viết cho Sư Ông, muốn đặt câu hỏi thì ít mà giãi bày tâm tư thì nhiều. Mỗi khi chới với, nghĩ đến Sư Ông con như người lang thang trên biển nhìn thấy ánh đèn hải đăng. Nhưng con biết sẽ đến ngày con phải tự mà bước đi, tự làm ngọn hải đăng soi sáng nơi chính mình. Con biết ơn vì đã được sinh ra tại thời điểm mà Sư Ông đang hiện diện trên đời.
Cảm ơn Sư Ông đã dành thời gian đọc hết tâm sự của con. Chúc Sư Ông nhiều sức khoẻ!
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Con chào thầy ạ,
Con mới tìm hiểu về Phật giáo nên con muốn hiểu rõ hơn vài điều. Con mong thầy có thể giải đáp giúp con ạ.
1. Nếu như những cơ hội hay những việc xảy đến với mình là duyên, và là điều phải đến, vậy thì có phải cuộc sống mình đã có số mệnh sẵn rồi không ạ? Và mình không thể thay đổi những điều đến với mình nhưng mình có thể thay đổi cách mình đối diện nó để tạo ra kết quả khác phải không ạ?
2. Con đang không biết sự tự tin là khi một người họ đề cao cái tôi hay khi họ coi cái tôi bằng không ạ? Vì nếu họ đề cao bản thân họ thì họ mới có thể thoải mái thể hiện cá tính của mình. Nhưng đồng thời họ cũng cần đặt cái tôi thấp để không bị ý kiến người khác ảnh hưởng đến mình. Vậy thì bản chất của sự tự tin là gì ạ?
Con vẫn đang đi học và mới tìm hiểu về Phật pháp nên chưa có nhiều trải nghiệm và kiến thức ạ. Con mong thầy dạy bảo để con hiểu đúng hơn ạ.
Con cảm ơn thầy nhiều ạ.
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
NAMO SAKYA MUNI BUDDHA!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay con viết bài chia sẻ để được sám hối trước Thầy và chư Phật mười phương.
Vẫn như mọi ngày, con ngồi tĩnh tâm thì bỗng dưng con thấy ra trong con, phiền não ngủ ngầm, tập khí xấu ác xưa thức dậy, nó khiến con rất đói dục, khát dục, muốn phải thỏa mãn cái dục xấu ác mà ngày xưa con phạm phải, và khi đó con thấy rất rõ mình có xu hướng nuông chiều cái dục này bất chấp nhân quả, bất chấp là Phật, hay bất chấp luôn cả những lời dạy của Thầy, con bất chấp hết tất cả để buộc phải thỏa mãn cái dục này mới được. Và rồi nhờ Phật gia hộ, con quán hơi thở, ngồi tĩnh lặng lại một lúc, miệng niệm Phật, rồi cái dục đó từ từ biến mất.
Lúc này con mới vỡ lẽ, hóa ra tất cả những công phu tu tập của con từ trước đến giờ chỉ là đang ru ngủ phiền não, tập khí xấu ác ngủ ngầm trong A-lại-da thức, chứ không hề diệt đi chúng phần nào hết. Cho dù tu 10 năm, 20 năm, 30 năm hay cả lúc cận tử nghiệp thì phiền não ngủ ngầm muốn sát sanh, muốn trộm cắp, muốn tà dâm, muốn uống rượu, muốn nói dối thì vẫn còn y nguyên đó, nó không mất đi đâu cả, chỉ là nó đang ngủ ngầm thôi, chỉ cần đủ duyên là nó thức dậy và sai sử.
Chưa bao giờ con thấy giá trị câu nói: "Thận trọng, chú tâm, quan sát" của Thầy nó lại lớn như lúc này. Đối với ngoại tâm thì khi làm bất kỳ việc gì thì thận trọng, chú tâm, quan sát để không mắc phải sai lầm đáng tiếc. Còn bây giờ đối với nội tâm, sau việc vừa rồi, thì thận trọng, chú tâm, quan sát để không bị thất niệm và cũng không là điều kiện để phiền não ngủ ngầm thức dậy và xui khiến có thái độ và hành vi xấu ác.
Con xin đảnh lễ Thầy, sám hối trước Thầy và xin Thầy rải lòng từ để con luôn thận trọng, chú tâm, quan sát, sống trong chánh niệm để không lặp lại điều tương tự ạ.
NAMO BUDDHAYA!
Ngày gửi: 06-11-2021
Câu hỏi:
Con chào Thầy ạ,
Thưa Thầy con muốn kể Thầy nghe cái hiểu của con. Khi chánh niệm tỉnh giác có đối tượng nào khởi lên mình cứ ngay đó quan sát đối tượng ấy. Ví dụ con suy nghĩ miên man thì thấy suy nghĩ miên man, có ý muốn muốn dập tắt suy nghĩ miên man đó thì cũng thấy cái ý muốn đó, thấy khó chịu vì nó cứ khởi lên thì cứ thế mà thấy cái khổ cái khó chịu đó... cứ như vậy tự nhiên cái mâu thuẫn, cái khổ nó tự hoá giải, nó chỉ có 1 mà không có 2. Không có cái hiện tại và cái khác đi ở trong tương lai nên không còn mâu thuẫn. Cái hiện tại nó trôi chảy uyển chuyển, ở đó chánh niệm tỉnh giác là con đường mà cũng là đích đến, không có mục đích không có suy niệm, phân tích, đánh giá mà chỉ có cái đang là. Thưa thầy thực tập như vậy là thực tập "trọn vẹn" mà thầy nói phải không ạ?
Con thành kính biết ơn Thầy.
Con chúc Thầy và Chư Tăng sức khoẻ ổn định ạ.
Ngày gửi: 05-11-2021
Câu hỏi:
Con chào Thầy ạ,
Kính thưa thầy, con có biết coi về lá số tử vi do tự tìm tòi, học hỏi. Hôm nay, bạn bè con nhờ con giúp xem lá số của họ, sau khi con nói ra những điểm tốt và điểm xấu thì bạn bè con có muộn phiền và để tâm vào những điều xấu trên lá số. Con thực sự thấy hối hận vì bản thân kiến thức còn hạn hẹp và tri kiến vậy mà lại đi nói ra những điều "hại mình hại người". Con rất sám hối với việc làm trên của con. Thưa thầy, con nghe nói việc tiên đoán và nói trước những điều có thể xảy ra trong cuộc đời người khác là điều tối kị, sẽ nhận quả xấu có đúng không thầy?
Mong Thầy có thể từ bi dạy bảo cho sự vô minh của con
Con xin cảm ơn thầy rất nhiều ạ!
Ngày gửi: 05-11-2021
Câu hỏi:
Con chào Sư Ông ạ,
Con xin được hỏi 3 câu hỏi ạ:
1) Có phải mình phải thường định tĩnh sáng suốt trong lành thì khi phiền não nổi lên mình mới thấy được cái gốc của nó, còn mình lăng xăng, nhiều tạp niệm thì khi thấy phiền não chỉ là thấy cái bóng của nó thôi, nếu tư duy để tìm nguyên nhân càng sai phải không ạ?
2) Sao con thấy con nhắm mắt lại mới thấy được phiền não, còn mở mắt thì con hay bị cuốn đi. Con cũng có cảm giác sợ bị cuốn đi nên mới nhắm mắt, và cũng hay cảm thấy căng thẳng khi giữ như vậy.
3) Có những cái phiền não vi tế con không dám nhìn thẳng hay đặt tên cho nó, nó gian xảo và dối trá lắm Sư Ông. Ví dụ như con tưởng con đang góp ý cho người đó tốt hơn, nhưng sâu thẳm bên trong đó là sự đề cao bản thân, hoặc dìm người ta xuống. Những lúc như vậy con không hiểu mình là ai nữa, tốt xấu lẫn lộn. Kiểu con đang nói chuyện xong con thấy ra, cảm nhận được gì đó sai sai. Con hơi rùng mình khi nhận ra sự gian xảo của phiền não, xong con chỉ hít một hơi để trở lại thực tại. Mặc dù có lẽ con đã nhìn thấy được nó, cảm được nó trọn vẹn nhưng không dám đối diện với nó, như có 2 con người trong mình vậy. Con có cảm giác như con đang nhìn con bằng con mắt nhị nguyên tốt xấu, sợ hãi chính mình.
Tâm trạng con đang rối như vậy, nên viết hơi khó hiểu. Mong Sư Ông giúp con!
Con cảm ơn Sư Ông.