Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 03-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông,
Con năm nay 20 tuổi, trước đây vì học giỏi ở trường phổ thông mà con rất tự cao tự đại, dù không biểu hiện thô thiển nhưng khi tiếp xúc với ai con cũng có một vẻ tự tin lạ lùng mà không quan tâm, chú ý chân thành với những người mà mình tiếp xúc. Nay con lên đại học và kết bạn với một người bạn, hoàn cảnh của con và bạn đó khác xa nhau. Nhà bạn đó thì khá giả hơn nhà con và bạn đó có nhiều tài lẻ bẩm sinh như đàn, hát,... thông minh và cả trí tuệ hơn con.
Con đã tự nghĩ là mình gặp được người bạn tốt, nhưng sao trong tâm con luôn muốn soi mói lỗi xấu bạn đó và luôn cảm thấy nhỏ bé khi tiếp xúc với bạn. Có lần vì không có gì để hơn thua được bạn ấy, vì kiến thức tục đế bạn ấy hơn con mọi mặt, con đã khoe mẽ về những cái vi diệu ở trong đạo Phật để cho bạn đó nể mình. Và có lần con sân vì ganh tị với bạn, nhưng bạn vẫn rất điềm tĩnh và sau đó lại tinh tế cho con thứ làm con ganh tị với bạn, làm cho con vừa nể bạn mà vừa tự ti về bản thân mình hơn.
Con đã thận trọng chú tâm quan sát nhưng vẫn có cái gì đó hụt hẫng, nhiều lúc con muốn chơi với bạn vì con muốn đạt được lợi ích từ bạn chứ không thật lòng.
Vậy con nên ứng xử thế nào cho đúng thưa Sư Ông? Và con chơi vì muốn có kiến thức từ bạn thì có mắc nợ bạn không Sư Ông và làm sao để trả khi con không hơn bạn mặt nào cả?
Con cảm ơn Sư Ông!
Ngày gửi: 03-11-2021
Câu hỏi:
Bạch Thầy. Khi mình bị cuốn vào những cảm giác tiêu cực trong tình yêu như liệu một ngày hai người không còn yêu nữa thì sao, liệu một ngày như thế này hay như thế kia thì sao, lúc đó con tự ý thức rằng mình đang bị tương lai cuốn đi dù hiện tại hai đứa tụi con vẫn đang vui vẻ ạ. Thầy cho con hỏi, con nên làm gì để trở về hiện tại ạ vì những cảm giác này ảnh hưởng rất nhiều trong đời sống hằng ngày của con. Con thành kính cảm ơn thầy.
Namo Buddhaya.
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Dạ thưa Sư Ông!
Thực sự là càng ngày con càng không còn niềm tin vào những lời dạy về "luật nhân quả", "luân hồi nghiệp báo", "nhân nào quá nấy", "ở hiền gặp lành",... Nó gần như là nỗi trăn trở lớn nhất đối với con, con rất muốn tin nhưng sự thực diễn ra hiện nay giữa cuộc đời này lại đối nghịch với những lời dạy của Đức Phật.
Những điều xấu ác, những sự bất nhẫn diễn ra liên tục và ngày càng nhiều. Và những con người thực hiện điều xấu ác mà con thấy được lại gần như không bị gì. Không phải con mong muốn họ phải gặp điều gì đó tệ mà qua đó con thấy được rằng những lời dạy về "luật nhân quả" gần như mơ hồ, gần như không thực.
Vì nếu có thực thì đáng lý điều thiện phải ngày càng nhiều lên, nhưng không, ngược lại người xấu ác lại một ngày một rất nhiều.
Con biết câu trả lời của sư ông có thể sẽ là: "Nhân quả không thể nghĩ bàn, phức tạp". Con ghi ra như một lời tâm sự với sư ông vì thực sự đây là câu hỏi mà con đau đáu và muốn tìm câu trả lời. Do chứng kiến quá nhiều điều xấu ác, bất nhẫn ngày càng nhiều nhưng gần như những con người thực hiện điều đó đều vô sự. Nhưng những người là nạn nhân lại luôn phải mang những hậu quả đầy tồi tệ, bi thảm.
Mông lung, mơ hồ, phân vân, hỗn loạn là những gì trong con lúc này. Có lẽ đợi đến lúc trải qua vô lượng kiếp thành Phật con mới có thể giải đáp câu hỏi này.
Con cảm ơn Sư Ông!
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con thường nghe pháp và thực hành lời khai thị của Thầy: thấy ra sự việc và diễn biến của Tâm trong công việc hằng ngày mà chuyển biến nhận thức hành vi cho thuận pháp.
Con có một câu chuyện nhỏ xin kể nhờ Thầy khai thị chỗ đúng sai cho con.
Lúc sáng vợ con rất bực bội hậm hực với con nói có một con chuột vào nhà cắn phá đồ ăn làm mất vệ sinh và muốn con bằng bất cứ cách nào loại bỏ để không còn nữa. Con mỉm cười nói nó cũng đi kiếm ăn để sống thôi, nếu không có môi trường cho nó ăn ở thì nó tự đi, phải xem lại môi trường trong nhà có tương thích với môi trường sống của nó mới khiến nó tìm đến, nếu không điều chỉnh thì diệt hết con chuột này sẽ có con chuột khác đến thôi.
Nói đến đây con chợt nhận ra sự bực bội của vợ con hình như đang đổ dồn cho con vì nghĩ mọi nguyên nhân là do con gây ra, điều này khiến con bực mình. Con nhận ra cơn giận của con cũng bắt đầu khởi sinh con định lớn tiếng hỏi lại. Nhưng lúc đó con lại chợt nhận ra là con đang giận và tự nhiên con trở lại bình tĩnh nghĩ ra phải chăng chính bản thân và tâm thức của mình là đối tượng và cũng là môi trường khiến cho vợ con bực bội, nếu không có nó thì vợ và bản thân mình sẽ tránh đi sự bực bội đó, nghĩ vậy con không nói gì cả, thản nhiên lấy ly cà phê lên sân thượng từ từ uống, ngắm mấy bông hoa mới nở cảm thấy lòng nhẹ đi và thầm cảm ơn lợi ích những gì con học ra từ những lời Thầy khai thi.
Con thực hành như vậy có tùy duyên thuận pháp không, kính xin Thầy khai thị cho con rõ hơn.
Con luôn biết ơn và kính chúc Thầy luôn có sức khỏe để khai thị chân lý cho chúng sinh.
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Con kính bạch trên Sư Ông,
Con đọc được câu chuyện dưới đây về hạnh nhẫn nhục của một vị nữ cư sĩ 59 tuổi. Nghĩ lại mình đã trải nghiệm những cộng đồng đầy nhỏ nhen, ích kỷ, tính toán, sân hận, hơn thua (và mình luôn có phần trách nhiệm trong đó), nay được thấy những vị "siêu nhân tái thế" như nữ cư sĩ này (cùng nhiều trường hợp đệ tử tại gia khác của Sư Ông), con thật bất ngờ lắm! Con thật bất ngờ khi những vị bồ tát vẫn luôn hiện hữu trên thế gian. Như con biết thì bồ tát có 3 bậc, nhưng dù họ có là bậc thấp nhất (Tinh tấn Bồ tát) thì con cũng đã thán phục họ lắm rồi. Và qua họ, con lại càng thấy được sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" trong cộng đồng tu tập của Sư Ông, một bậc chân tu đức hạnh mới có thể chiêu cảm được những người đệ tử tuyệt vời như thế! Con thì không được như những vị ấy, lại là người có nhiều tâm sân và hoài nghi, nhưng cũng chính do vậy mà việc được biết đến Sư Ông và cộng đồng tu tập này thật là "phúc lành cao thượng" đối với con. Con chúc Sư Ông, các Hoà thượng sư đệ và các vị đệ tử luôn mạnh khỏe và thật an nhiên tự tại!
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! Con thọ giới Bát Quan Trai tại gia. Trong đó có giới không trang điểm, ca xướng, múa hát, nếu người thân trong gia đình con mở TV hoặc nghe nhạc từ điện thoại, con không xem TV nhưng nghe thấy, như vậy có xem là phạm giới không ạ.
Mong Thầy chỉ bảo con, con xin chân thành cảm ơn Thầy!
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Thầy ơi! Con con đã thường cảm ơn đời, cảm ơn cái duyên được biết đến Thầy được nghe Pháp thầy khai thị, được đọc những lá thư của Thầy dành cho mọi người.
Con vô cùng cảm động sau mỗi lời hồi đáp của Thầy cho những câu hỏi. (Còn đây là lần đầu con viết thư cho Thầy)
Bản thân mình con cảm nhận được rất rõ năng lượng từ bi, yêu thương từ những dòng chữ hồi đáp ấy, đây là điều thật sự đặc biệt và nó xảy ra riêng với những dòng trả lời của Thầy và con chắc rằng cũng có nhiều bạn có được cảm nhận như con!
Ngày ngày con vẫn luôn tự nhủ, tự nhắc mình trở lại sống trọn vẹn, không dính mắc và thực hành theo những gì đã được tiếp thu từ Thầy.
Có lúc con ngẫm, cả 2 đứa nhỏ (con của con), chúng thật may mắn, may mắn hơn hẳn bố mẹ chúng. Vì chúng đã được sinh ra khi bố mẹ chúng được có duyên gặp và thực hành chánh pháp. Nói đến đây con xin chia sẻ thêm một điều hạnh phúc khác, là vợ con cũng mới thật sự bắt đầu tiếp cận và thực hành Thiền tuệ từ những lời thầy dạy được một thời gian ngắn và cô ấy bắt đầu thấy ra được nhiều điều lợi ích từ đó. (Dù chúng con đã lấy nhau được 8 năm và con đã thực hành cũng như nghe đọc Pháp thầy giảng khoảng 9 năm nay rồi). Dù rất muốn vợ con tham gia học và hành lời Thầy, nhưng con hiểu tính cô ấy nên cũng muốn để mọi chuyện đến tự nhiên, tuỳ duyên tuỳ thời, như những lời mà Thầy đã chỉ dạy nhiều bạn khác về "giác tha" - Rồi đến hiện tại con thấy thật may mắn và đáng mừng khi hai vợ chồng có thể ngồi đàm đạo với nhau về những điều Thầy chỉ dạy thầy ạ!
Quay lại chuyện may mắn của 2 đứa nhỏ nhà con. Rồi từ suy nghĩ đó, có lúc con lại thấy con thật hạnh phúc khi được nghe những bài giảng của Thầy, còn có 1 lần được ngồi gần dưới chân Thầy chỉ để nhìn thầy! Cảm động vô cùng ạ! Xong con thoáng nghĩ sau này mấy đứa nhỏ nhà con không có được cái may mắn đó như con. Nhưng rồi con sẽ giữ lại toàn bộ những tài liệu có thể có về Thầy.
Con sẽ tự thân hành những điều khai thị của thầy, để sau này dù chúng không được cảm nhận sự gần gũi như lúc thầy còn tại thế như con đang được cảm nhận. Thì chúng vẫn có thể thấy được tình thương yêu, từ bi ấy từ những phương tiện truyền thông mà chúng sẽ được tiếp cận về Thầy, những điều mà thầy đã vô tư để lại thế gian này!
Một lần nữa con xin gửi những sự biết ơn tới Thầy, một người Thầy, Người Cha, Người Ông... mà con vô cùng trân quý!
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Con chào thầy, thầy có thể giải thích ngắn gọn cho con hiểu được không ạ:
"Sống trọn vẹn tỉnh thức với chính mình - thực tại thân thọ tâm pháp nơi mỗi người..."
THỰC TẠI THÂN THỌ TÂM PHÁP nghĩa là thế nào ạ?
Theo con thì THÂN là thân thể, THỌ nghĩa là cảm xúc, TÂM là tâm trí, PHÁP là vạn hữu...
Nhờ thầy xem hiểu biết của con như vậy Đúng hay SAI nhé.
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Chào thầy ạ, con xin phép hỏi vài điều ạ:
"CÁCH LẮNG NGHE"
TRONG YÊN LẶNG TUYỆT ĐỐI... KHỔ ĐAU SẼ KHÔNG THỂ CHI PHỐI CON ĐƯỢC NỮA
Con ạ, thực là giản dị nếu con có ước muốn, con hãy lắng nghe trong yên lặng tuyệt đối rằng “đây là ước muốn”.
Nếu con dao động, con hãy lắng nghe trong yên lặng tuyệt đối “đây là dao động”.
Nếu con có chán nản, hãy lắng nghe trong yên lặng tuyệt đối “đây là chán nản”.
Nếu có khổ đau, con hãy lắng nghe trong im lặng tuyệt đối “đây là khổ đau”...
Khi nào con như thực thấy “nó phát sinh như vậy”, “nó an trụ như vậy”, “nó hoại diệt như vậy”, tự nhiên con sẽ thoát ly đau khổ.
Tuy rằng khổ đau vẫn đến và đi nhưng chúng không bao giờ còn có thể chi phối con được nữa..."
Con muốn hỏi là: có khái niệm yên lặng tuyệt đối trong bài pháp của thầy. Vậy theo thầy YÊN LẶNG TƯƠNG ĐỐI là gì vậy thầy?
Rảnh rỗi thầy giải đáp giúp con nhé. CON CÁM ƠN THẦY NHIỀU.
Ngày gửi: 02-11-2021
Câu hỏi:
Kính thưa Sư Ông,
Gần đây con tìm hiểu được thêm một số thông tin khá thú vị liên quan tới ngũ uẩn, giúp con hiểu rõ hơn những lời Sư Ông dạy. Con xin chia sẻ, hi vọng có thể cung cấp cái nhìn mới, có thể giúp một số bạn hiểu rõ hơn Pháp Sư Ông dạy.
Trong truyện Tây Du Kí, có đoạn Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, không ai trị được; sau đó Ngọc Hoàng thỉnh Phật Như Lai, Phật đố Ngộ Không bay ra khỏi 5 ngón tay của Phật, kết quả là dù có thần thông biến hóa nhưng Ngộ Không vẫn không thoát khỏi 5 ngón tay Phật. Thiền Sư Thánh Nghiêm giảng là 5 ngón tay Phật chính là tượng trưng cho ngũ uẩn: dù tu luyện thần thông cỡ nào nhưng nếu vẫn là bản ngã tu thì người ta cũng vẫn loanh quanh trong tiến trình ngũ uẩn, trong sinh tử luân hồi. Phần này Sư Ông hay nói, dù luyện Thiền định, thần thông mấy thì cũng là trong luân hồi, sinh tử.
Trong khoa học thần kinh, một trong những phát hiện quan trọng nhất trong thế kỉ 20 là việc phát hiện ra có một tiến trình tự động trong tâm mỗi người, tên khoa học là "default mode network", con tạm dịch là "hệ thống kết nối thần kinh ở chế độ mặc định", hay đơn giản hơn là "tiến trình tự động". Đây là tiến trình được xây dựng từ nhỏ trong tâm trí em bé, thông qua quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, phản ứng... với môi trường xung quanh. Hệ thống này giúp chúng ta diễn giải sự vật hiện tại theo các kinh nghiệm trong quá khứ, đồng thời đưa ra các phản ứng phù hợp. Tại một thời điểm, nếu không tỉnh giác, ý thức thì ta để chế độ mặc định tự động vận hành, khi đó kinh nghiệm lại được làm dày thêm, chế độ này lại mạnh hơn... Con thấy tiến trình tự động này rất giống tiến trình ngũ uẩn mà Sư Ông giảng dạy. Và việc giải thoát cũng chỉ có thể ở thời điểm hiện tại: nếu bây giờ ta chánh niệm, tỉnh giác thì không rơi vào tiến trình tự động (tiến trình ngũ uẩn, bản ngã), nghĩa là được giải thoát khỏi tiến trình này; như Pháp thực tại hiện tiền Sư Ông thường nói.
Con xin cám ơn Sư Ông.