Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 23-09-2021
Câu hỏi:
Thầy ạ! Cõi ta-bà này có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, quan niệm, khái niệm và môi trường sống khác nhau đang che mờ và tạo ra vô minh của kiếp người. Một khi đã tỉnh ngộ và sáng tỏ thì mới không còn bị chúng che mờ và lôi kéo đi lang thang nữa, Thầy nhỉ?
Ngày gửi: 23-09-2021
Câu hỏi:
Thưa thầy, gần đây khi con nghe thầy giảng pháp trên youtube. Con thấy có một pháp rất hay nhưng con chưa hiểu thấu đáo, đó là buông xả như mình đã chết. Con muốn thực hành pháp này, nhưng lúc con nằm xuống có phải con nên nghĩ là mình đã chết không ạ? Khi con nằm như mình đã chết rồi thì suy nghĩ vẫn khởi sinh, vậy mỗi lần suy nghĩ khởi sinh có phải là sẽ nghĩ là mình đã chết rồi nên không cần suy nghĩ nữa đúng không ạ? Thầy có thể giúp con để cho con thực hành cho đúng được không ạ?
Con xin chân thành cảm ơn thầy và con xin phép được nhờ mọi người nếu ai đã thực hành pháp này có thể chia sẻ kinh nghiệm với con được không ạ? Con xin cảm ơn và tri ân thầy cùng mọi người.
Xin chúc thầy và mọi người ngày mới tốt lành.
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Con từng nghe pháp của thầy, và thầy có nói mọi sự diễn ra trong tâm dù có tốt hay xấu thì chỉ cần thấy ra được sự diễn biến đó, còn việc khắc phục thì để tùy duyên. Như con cũng vậy, mặc dù con biết tâm con có những suy nghĩ sai lệch, ngay lúc đó con thấy ra được sự thật này, nhưng có 1 thế lực gì đó thôi thúc con làm, để rồi khi làm xong con cảm thấy ray rứt và hối hận lắm thầy. Có phải do con chưa hoàn toàn buông bỏ phải không thầy? Mong thầy chỉ ra cho con thấy với ạ, con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch thầy: Mọi người hầu như mắc phải một sai lầm rất vi tế đó là: Khi thấy, nghe, xúc chạm… đều phải phân tích, đánh giá thì mới cho như vậy biết. Nhưng sự thật thì khi trở về, trọn vẹn, tỉnh thức thì Tánh Biết đều rõ biết thực Tánh tất cả vấn đề, sự việc mà ta không cần phải phân tích và đánh giá. Vì khi phân tích và đánh giá như vậy là đã chạy theo suy nghĩ của bản ngã, suy diễn các vấn đề theo cái ta chủ quan. Trí tuệ như một dòng chảy tự nhiên, khi đi đứng, nằm ngồi hay tất cả sinh hoạt với tâm rỗng lặng trong sáng, buông thư thì tuệ sẽ tự động xuất hiện không cần phải tìm kiếm hay nhất định ngồi thiền mới có. Như thầy đã từng dạy: Tâm rỗng lặng trong sáng sẽ tự thấy ra sự thật, chứ không phải mục đích tu tập, hành thiền để đạt được an tĩnh, rỗng lặng trong sáng vì vốn dĩ sự an lạc và rỗng lặng trong sáng nó luôn hiện hữu ở ngay tại đây và bây giờ, không thêm bớt và mất đi đâu cả, chỉ cần trở về, trọn vẹn, tỉnh thức!
Sáng nay con xin trình thầy những gì con thấy được ạ! Xin thầy từ bi chỉ dạy thêm cho con ạ!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Xin sư ông chỉ dạy cách hành thiền của con có phải là vipassanā không!
Thưa sư ông, vì nhiều lý do, con chưa có cơ hội được đi hành thiền nhiều dưới sự chỉ dạy của các thiền sư. Đa phần những pháp học pháp hành con biết được là do đọc từ sách và học hỏi từ nhiều nguồn rồi tự chắt lọc.
Cuối năm 2017 con có xin đến Viên không Ni tá túc. Tại đây, sau khi gặp gỡ, sư cô Liễu Pháp chỉ nói với con hai điều:
1. Cần nghĩ gì cứ nghĩ cho chín chắn thì đó là chánh tư duy.
2. Tất cả chỉ là một chữ Buông.
Con đã dùng những ngày ngắn ngủi trong vườn nhãn Viên Không Ni để nhắm mắt và nghĩ thấu đáo những điều cần nghĩ. Con không quan sát hơi thở nhiều, mà chỉ liên tục nhìn kĩ vào những điều trồi lên trong tâm và truy tìm gốc rễ của nó. Dù không đạt được nhiều thành tựu, con thấy mình bắt đầu biết tự soi xét mình hơn và đi những bước đầu tiên quan sát tâm mình mỗi khi thấy sân giận tham lam nổi lên.
Sau khi trở về từ Viên Không Ni, con cố gắng duy trì chánh niệm tỉnh giác trong các hoạt động và ngồi thiền hai thời một ngày theo Kinh 16 phép quán niệm hơi thở. Con tự thấy mình hay đi qua 4 phép quán thân rất nhanh và dừng lại lâu hơn hơn 4 phép quán thọ. Con vẫn bám vào các đề mục trồi lên trong tâm, tiếp tục tư duy thấu đáo để hiểu rốt ráo vấn đề đang làm con bận lòng.
Sau những lúc “chánh tư duy” này con không còn bị đề mục đó làm cho đau khổ quá nhiều nữa. Cứ mỗi lần hành thiền con lại thấy mình bớt đi một chút phiền não phán xét (dù không nhiều). Con không hiểu có thể dùng từ “thoả mãn” trong trường hợp này không vì khi quán chiếu đến một mức nào đó thì con không còn bị đề mục này quấy rối nữa và con thấy tâm mình an lạc, không bị buộc phải nghĩ gì nữa. Trạng thái này lâu nhất kéo dài được khoảng 5 phút, đôi khi chỉ được 1 phút, đôi khi chỉ được mấy giây.
Sự an lạc này làm con dính mắc, những lần ngồi thiền sau con hay cố tìm lại cảm giác đó.
Đến lúc con sinh con .
Việc duy trì chánh niệm tỉnh giác của con theo thời gian cũng yếu dần và gần như mất hẳn. Ngày ngày con chỉ nhận ra mình đang thất niệm, và mọi việc chỉ dừng ở đó.
Cho đến gần đây con bắt đầu nghe pháp trở lại. Con cảm thấy thoả mãn khi nghe pháp của sư ông, đọc sách của thiền sư Ajahn Chah và đặc biệt là loạt vi diệu pháp của sư cô Tâm Tâm vì nó giúp con giải đáp nhiều thắc mắc về Pháp Học.
Trong thời gian nghe pháp này, dù không hành thiền, con thấy mình hiểu ra được nhiều điều một cách rất tự nhiên. Trong lúc đang cho con trai con ngủ, con bỗng hiểu ra sự luyến ái mù quáng của con đối với những người ruột thịt và một cách rất nhanh chóng, nỗi đau về gia đình đã chi phối con suốt ba mấy năm trời biến mất. Con lấy đà này để quán chiếu sâu thêm và chỉ mấy ngày sau con thấy mình không còn phiền não về những đau khổ đã diễn ra trong quá khứ nữa.
Con cũng tranh thủ hùng lực này để đẩy mạnh chánh tư duy và thoát được một nỗi sợ hãi đã chi phối con suốt 10 năm qua. Bây giờ con có thể đối diện với nó hàng ngày mà sợ hãi không nổi lên nữa.
Con được đà tranh thủ tiếp tục quán chiếu về nỗi hãi hùng đối với những bất trắc trong tương lai, lòng tham của con đối với tiền bạc và trong nỗ lực tột cùng, con thấy mình đã gột được phần nào những mảng thô ráp của lòng tham, sân hận. Con tự nhủ mình rằng: NẾU NHỮNG ĐAU KHỔ TRONG QUÁ KHỨ ĐÃ KHIẾN TA TRƯỞNG THÀNH, CÓ LÝ DO GÌ ĐỂ SỢ HÃI NHỮNG BẤT TRẮC TRONG TƯƠNG LAI?
Hiện giờ con thấy lòng nhẹ nhõm, không có nhiều tham lam, phán xét, ghét bỏ… Con cho rằng con đã đạt được một thành tựu nhỏ trong quá trình tự sửa mình.
Tuy nhiên những điều đó diễn ra khi con đang làm việc.
Khi ngồi xuống hành thiền con không biết phải làm gì nữa. Pháp “chánh tư duy” đã áp dụng giờ đây không còn hiệu quả với con. Theo kiến giải hạn hẹp của con thì có lẽ là do trong con không còn những phiền não quá thô ráp nữa. Con cần được một thiền sư chỉ dạy để đi bước tiếp theo.
Nhiều thiền sư Theravada nói rằng khi hành thiền hãy quan sát hơi thở ra vào nơi đầu mũi hoặc phồng xẹp nơi bụng và đừng chệch khỏi đề mục đó, dù tâm có đi đâu cũng nhớ đưa nó quay về. Đạt được bước khởi đầu này rồi hãy bắt đầu quán chiếu.
Đây chính là điểm con thắc mắc. Bởi có nhiều thiền sư khác cũng nói rằng đừng bám vào một đề mục mà hãy quán chiếu tất cả những đề mục trồi lên trong tâm.
Con cũng đọc được bài pháp của sư ông nói rằng nếu chỉ thuần ghi nhận hơi thở thì đó là thiền định, không phải vipassanā.
Sư ông xót thương chỉ dạy giúp con:
1. 16 phép quán niệm hơi thở mà con đã hành có phải là kĩ thuật thiền vipassana không?
2. Con thường bắt đầu bằng hơi thở nhưng không kết thúc bằng hơi thở mà quán chiếu những đề mục khác trồi lên trong tâm, kĩ thuật đó có đúng không?
3. Con rất mong được diện kiến sư ông nhưng dịch kéo dài con chưa vào Vũng Tàu được. Với tình trạng của con hiện tại thì con nên làm gì để có thể tiếp tục tự hành thiền tại nhà?
Con tạ ơn sư ông đã dành thời gian từ bi lân mẫn!
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Thưa thầy,
Bỗng dưng con nhận thấy một lẽ: Khi những nhiễm ô được lắng động, tâm tựa như mặt hồ yên ắng thì pháp hiện ra nơi tâm - đó thật là tự tánh (dù không chủ ý tìm kiếm). Còn như tâm nhiễm ô, dù là chút dính mắc của buồn, vui thế tục, khi cố gắng thực hành pháp để thấy tự tánh thì đó chỉ thấy hình tướng giả dối của vọng tưởng mà thôi.
Con nhận biết như vậy, liệu có phải chánh kiến hay chỉ là vọng tưởng điên đảo? Xin thầy từ bi chỉ dạy cho con!
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Thưa thầy, con nghe pháp thoại của thầy rất nhiều, nhưng mãi con vẫn ko hiểu “buông xả” có nghĩa là gì, đến 1 ngày con hiểu ra buông xả nghĩa là dừng mọi tạo tác, ví dụ có 1 suy nghĩ khó chịu trong đầu, thì buông xả đơn giản là nhìn ra nó nhưng cũng ko cố gắng tránh né hay cố gắng tìm cách thoát khỏi nó.
Nhưng con có 1 câu hỏi, thầy luôn dạy chúng con buông xả và quan sát pháp đến đi, đừng tạo tác. Nhưng khi con có cảm giác giận dữ, con ko muốn phản ứng mà chỉ lặng lẽ quan sát cơn giận của mình vì chánh niệm sẽ xoa dịu và buông xả được cơn giận. Nhưng có ý đồ như vậy thì cũng chẳng phải là tạo tác hay sao?
Và nếu sống thuận pháp, thì tại sao ta phải cố gắng chánh niệm tỉnh giác? Vì con thấy nếu ko nhắc nhở mình tỉnh giác thì con luôn đi theo bản ngã chứ ko hề tu tập gì hết.
Xin thầy cắt nghĩa cho con. Kính chúc thầy sức khoẻ!
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT!
Con xin chấp tay, cúi đầu đảnh lễ Thầy.
Dạ kính Thầy, hôm nay con có xem một video, ở phi trường nước Pháp, người ta có để một cái đàn Piano thật lớn để khách trong khi đợi Check in, Check out có thể biểu diễn âm nhạc cho mọi người cùng nghe.
Con thấy có người bấm vài nốt nhạc cho vui, có người thì đàn bản nhạc tươi vui, nhưng cũng có người chơi những bản nhạc buồn sầu. Ngay đó con liên hệ đến bản tâm của mình y chang như cây đàn Piano kia.
Tâm là chung cho tất cả mọi người, tâm vốn bình thường, bình lặng như cây đàn kia, bình thường ở nguyên không ai đánh hết. Nếu người ta đánh nốt tham, nốt sân, nốt si thì bản nhạc tâm trở nên tồi tệ; còn nếu đánh nốt từ, nốt bi, nốt trí tuệ thì bản nhạc tâm lại tuyệt vời.
Lúc trước con có hỏi Thầy về "động tâm sinh phiền não, định tâm tức bồ đề", Thầy đã trả lời: "nghe có vẻ đúng nhưng chưa đúng vì định tâm đôi khi phiền não hơn, còn những lúc cần động tâm về việc làm đúng tốt thì cứ động tâm miễn là rõ biết không phải ta, của ta và tự ngã của ta".
Với ví dụ cây đàn Piano ở trên, con hiểu rằng nếu cần động tâm, thì nên động tâm gì? Đó là tâm từ, tâm bi, tâm trí, tâm dũng, tâm bao dung. Nếu cây đàn Piano Tâm mà đánh lên những nốt nhạc này thì sẽ thành những bản nhạc tuyệt vời trong cuộc sống của mình.
Trong bản đồ mười Pháp giới: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên, Nhân, A-tu-la, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Địa Ngục. Đây là 10 bản nhạc tâm mà bất kỳ chúng sanh nào cũng có thể đánh lên được, muốn đánh bản nhạc Phật thì dụng những nốt nhạc Phật, cho đến bản nhạc Địa Ngục thì dụng nốt nhạc Địa Ngục.
Và để không bị đọa trong 4 ác đạo, việc học Phật và tu tập là việc cần thiết không thể thiếu mọi ngày, nhà Phật có câu "Duy Tuệ Thị Nghiệp", vì nếu có Tuệ thì biết nên dụng những nốt nhạc nào của Tâm để đánh lên những bản nhạc tốt đời đẹp đạo.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Dạ con kính chào Thầy. Thầy vui lòng cho con biết con tạm hiểu như thế này có đúng không ạ:
Khi 1 người chết thì:
1. Tiếp tục sanh vào các cảnh giới sanh tử luân hồi tùy theo nghiệp báo.
2. Thoát khỏi sanh tử luân hồi (tạm gọi là về nơi Cội Nguồn, nơi không sanh, không diệt), giống như các vị Phật và Thánh A-la-hán.
Con kính cám ơn Thầy ạ.
Ngày gửi: 22-09-2021
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con xin đảnh lễ thầy ạ!
Thưa thầy, sắp tới con phải đưa ra quyết định có xin nghỉ việc tại nơi làm hiện tại hay không, do con và người sếp thiếu kết nối với nhau và cách làm việc chung của cả hai có phần không thích hợp. Con có nghĩ đến chuyện nghỉ việc, nhưng nếu nghỉ việc thì con phải bắt đầu lại từ đầu. Con nghĩ có kết quả này là do tâm tính con không tốt, còn ngạo mạn tự cao và sân si, bám chấp. Thế rồi con bắt đầu nghĩ về những ngành nghề khác, nếu như bắt đầu lại, liệu con có lại tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn như hiện giờ. Đôi lúc con vẫn nghĩ cuộc đời và những định chế này là một trò chơi, liệu muốn thoát khỏi sự kiểm soát và thao túng của nó, thì có phải con nên tách mình khỏi những ràng buộc ấy càng nhiều càng tốt.
Bấy lâu, con vẫn có tâm nguyện xuất gia khi con ba mươi tuổi, bây giờ thời khắc ấy vẫn chưa đến, nhưng ý nghĩ ấy lại trở lại với con vào lúc này. Con không hy vọng xuất gia như một sự trốn tránh cuộc đời hay một quyết định thiếu chín chắn. Dù cho con còn rất nhiều khiếm khuyết, nhưng con vẫn mong một ngày nào đó khi có đủ duyên lành, sẽ có một vị thầy nào đó có thể mở rộng cánh cửa và chỉ dạy cho con.
Dạ thưa thầy, nếu một mai khi mà việc giao thông giữa Hà Nội và Sài Gòn không còn khó khăn như hiện tại, liệu con có thể xin phép đến làm công quả tại chùa, và nếu như con có đủ duyên lành, liệu con có thể xin được xuất gia không ạ?
Con cảm ơn thầy đã kiên nhẫn đọc những dòng tin nhắn của con. Con xin tri ân thầy, chúc thầy và quý tăng ni luôn mạnh khỏe. Con cảm ơn thầy ạ!