loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 05-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy!
6 năm trước, khi con biết đến Phật giáo qua một người bạn xuất gia và học thiền 5 ngày tại 1 thiền viện thuộc phái Thiền tông, và sau đó đọc các sách về phật giáo nữa thì con nghĩ là con đã hiều thiền là gì, Phật giáo là gì, tu là gì.
4 năm trước, con tu tập 1 tháng ở một tu viện yoga cổ điển và học về kinh Vệ Đà, con nghĩ là con đã hiểu về thiền, bản ngã, giải thoát, mục đích cuộc đời là gì, tu tập tâm linh là gì.
2 năm trước con tham gia khoá thiền vipassanā 10 ngày của một thiền sư, con nghĩ là con đã hiểu Pháp là gì, thiền là gì, tu là gì.
Tết vừa rồi con lại đến 1 tu viện khác học thiền vipassanā 1 tuần, lúc đó con nghĩ là con đã hiểu rõ đời sống tu hành, sơ đồ thiền định đi đến giải thoát, về nghiệp quả, về nhân duyên, về Pháp, và con đường cần đi trong cuộc đời.
Trong 6 năm này, con tập thiền, đọc nhiều sách của các thầy tu, thiền sư, triết gia, kinh thánh, sách kinh tế chính trị, tâm lý học... để hiểu hơn về cuộc đời và chọn cho mình 1 con đường tu tập phù hợp cũng như việc giúp người tốt nhất trong khả năng của mình (con từng dạy học miễn phí, trồng cây, phát thực phẩm, dạy yoga, trị liệu cho người nhưng thấy chẳng ích lợi nhiều vì khổ đau vẫn cứ bám lấy tâm trí họ, cả cha mẹ con cũng vậy mà sức mình thì có hạn).
Cho đến cách đây khoảng 2 tháng, con đang nằm thảnh thơi trên thảm yoga, và mở thử 1 bài pháp của thầy nghe xem sao. Nghe thầy giảng với giọng nói đầy nội lực, giọng cười rất sảng khoái làm con cười theo, đạo lý giảng đơn giản nhưng rất thâm sâu, trong con như bừng sáng. Rồi con tiếp tục những ngày sau đó là nghe và đọc các bài giảng Pháp của thầy. Nghe tới đâu con hiểu ra tới đó. Và con như phủ định lại tất cả những kiến thức, nhận thức, kinh nghiệm của bản thân có được trong 6 năm qua. Con tự cười với chính mình vì giờ mới hiểu thiền là gì, bản ngã là gì, Pháp là gì, duyên là gì, vô ngã là gì... (trước giờ con tu tập và chia sẻ với người khác như đúng rồi thầy ạ)
Và rất có thể những năm sau này con lại hiểu khác hơn, vì con không thật sự tin vào tâm trí mình nữa. Mỗi lúc lại nhận thức khác nhau.
Những năm qua con tu tập như một người suy dinh dưỡng bước đi trên sa mạc, những bước chân xiêu vẹo nghiêng bên này ngả bên kia, lâu lâu gặp bão cát lại muốn mất hút luôn. Cho đến khi nghe thầy giảng pháp như gặp được hồ nước mát trong, tắm mình mát lành để tu lại từ đầu.
Những năm qua con mong muốn có một người thầy chỉ dẫn trên con đường tu tập tâm linh nhưng vì tâm trí con thường hay tư duy phân tích và phản biện, sợ tu lạc đường không có lối về nên chưa có từ bỏ thế gian để theo một vị thầy nào, và có lẽ cũng vì con chưa sẵn sàng nên vị thầy chưa xuất hiện.
Mấy hôm nay con đọc lại sách của các thiền sư nổi tiếng và các triết lý cổ xưa, rồi con đọc lại về đức Phật, con lại hiểu khác đi so với trước, rồi thực hành và con thấy những gì thầy giảng rất giống với phần cốt lõi mà con nắm bắt được từ những gì con đọc. Con thấy phước lành thật lớn lao ở kiếp sống này được biết đến Phật pháp và được nghe thầy giảng. Và thật quý giá vì thầy vẫn dành thời gian để trả lời các thắc mắc của mọi người. Tất cả như là kho báu vô giá vậy. Con biết ơn vô cùng.
Nay con có kế hoạch xuất gia trong 1-2 năm nữa (sau khi dịch ổn định) để toàn tâm toàn ý đi theo con đường tu tập một cách trọn vẹn. Con nhận thấy đây là con đường lợi mình lợi người nhất, và cũng là cách báo hiếu tốt nhất cho cha mẹ. Con thấy con phù hợp với lối giảng dạy của thầy, và con cảm thấy đây là con đường đúng đắn, cho dù con có đi chậm hay nhanh, con không bận tâm nữa vì con biết rằng chỉ cần mình đi đúng hướng thì dù đi bao lâu nữa rồi cũng sẽ tới đích.
Thầy cho con hỏi là ở Việt Nam thì tu viện nào nhận người xuất gia mà có dạy và hướng dẫn tương tự như lối giảng dạy của thầy ạ, hoặc là ở trong tu viện đó cho phép nghe pháp hoặc đọc sách của thầy. Và họ có giới hạn độ tuổi xuất gia không ạ?
Con là nữ, năm nay 33 tuổi ạ.
Con rất cám ơn thầy. Kính chúc thầy và chư tăng sức khoẻ ạ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Đầu tiên xin Thầy nhận ở con lòng biết ơn sâu sắc bởi nhờ những bài pháp quý giá, chân thành và đầy tình yêu thương của của Thầy mà con đã và đang hiểu ra một số pháp.
Con ở xa (Sydney, Úc) nhưng quê con ở Quảng Trị và có tham gia 1 khóa 10 ngày thiền Vipassanā ở Blue Mountain và 1 khóa ngắn hạn khác.
Thật lòng con rất biết ơn khóa học đó (và tất cả những người đã tạo duyên, tạo điều kiện cho con một chỗ học, chỗ ăn ở và tuyệt vời nhất là cho con một phương pháp thực tế và hiệu quả để con nhìn nhận pháp đúng hơn và sống hài hòa hơn), và nhờ duyên lành, vô tình con được nghe nhiều bài pháp của Thầy (con kể thầy đừng cười, con nghe mọi lúc mọi nơi và đến giờ thì không thể biết được là mình đã nghe bao nhiêu bài, có những bài giảng của Thầy con nghe 3-4 lần và càng nghe càng thấm).
Con rất biết ơn thầy đã yêu thương chia sẻ, chỉ dạy cho chúng con!
Con có hai câu hỏi mong thầy từ bi chỉ dạy:
1- Mỗi lần thiền là chỉ được một lúc sau là con ngủ gục, điều này con bị từ ngày đầu tiên và lần đầu tiên tập thiền, kéo dài cho tới giờ. Dù trong khóa thiền 10 ngày tại Trung Tâm con cũng "đạt" được một số trạng thái như thấy mình bay lên trần nhà, thấy mình to lớn bao phủ cả thiền đường có sức chứa hơn 100 người, thấy vòng tròn ánh sáng bao quanh mình v.v...
Con thật lòng muốn tinh tấn tiến bộ trong thiền nhưng cứ giậm chân ở chỗ "ngủ gục". Có một vài lần con đổi sang thiền buổi tối sau 10h thì lại bị nhức đầu và sau đó là không ngủ được. Thậm chí hơi đáng sợ. Mong thầy chỉ dạy cho con phương pháp (có thể là tạm thời, chỉ để tránh tình trạng ngủ gục hiện nay, sau đó khi đã tạo được thói quen tỉnh thức, con sẽ không bám chấp vào phương pháp nữa ạ).
2- Con theo học thiền Vipassanā của thầy Goenka nhưng từ khi về nhà, con chỉ có thể ngồi thư giãn và cảm nhận hơi thở ra vào nơi dưới mũi, chứ con không "dẫn ý" hay "quét" từ đầu đến chân hay từ chân lên đầu được. Như thế có phải là con thiền thiếu sót, không đúng cách phải không thầy?
3- Câu này không thực sư là câu hỏi, con chỉ nêu thắc mắc, được thì thầy khai thị hộ con: chuyện là có hai lần, khi đang đi bộ, con thấy hai cái cây khác nhau, ở hai nơi khác nhau dù đều ở Sydney, thời gian cách nhau khoảng 5 năm, 1 cây to vừa, một cây rất cao rất to, bỗng dưng như chào hỏi con vui vẻ, rộn ràng vui tươi, nói chuyện ríu rít, con không thể tả hết trạng thái của hai cây đấy, nhưng nó khiến cho con phải dừng lại quan sát, ngắm nhìn; Và một lần khác ở Queensland, khi đang ngồi trên hòn đá ngắm biển, con bỗng rơi vào một trạng thái thấy không gian xung quanh như co lại, vừa ấm áp, vừa mát mẻ, như thể con đang ở trong lòng mẹ thiên nhiên, được mẹ đu đưa. Cảm giác đó rất LẠC.
Ba sự kiện đó con khiến con có đôi chút thắc mắc, lúc đầu còn không dám nói ai vì sợ người ta cho là mình bất bình thường. Có phải ba lần đó là do tâm con vắng bặt suy nghĩ (cái này con không chắc vì tâm con hay chạy lung tung) hay do sao mà con thấy như thế ạ?
Con rất mong nhận được sự chỉ dẫn của thầy. Kính chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe.
Ước mong có dịp được gặp thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy,
Con thường nghe thầy chia sẻ tu là trở về trọn vẹn soi sáng thân tâm để rồi biết điều chỉnh nhận thức và hành vi sao cho tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha.
Con hiểu nhận thức chính là ý thức. Ý thức có một tác dụng vô cùng mạnh mẽ, nó chi phối tất cả mọi thức khác (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân thức), lại có quyền năng sáng tạo và thay đổi cả một cuộc đời của con người.
Nghiệp quá khứ giống như sức của mũi tên, chỉ khi nào hết đà thì nó mới rơi xuống đất.
Nhờ điều chỉnh ý thức và hành vi thiện đức nên đã gieo được nhiều chủng tử tốt cho mình và cho mọi loài hữu tình và vô tình chung quanh, nên đã tạo được một tự nghiệp và cộng nghiệp tốt đẹp, đủ năng lượng đánh tan được cái mũi tên độc của nghiệp quá khứ của mình.
Con thành kính biết ơn thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-09-2021

Câu hỏi:

Kính bạch Sư Ông!
Hôm nay con có đọc được một ý kiến về luật nhân quả của một dịch giả như sau:

"HIỂU THẤU ĐÁO HƠN VỀ NHÂN QUẢ
Trong đời sống, bà con cô bác hẳn thường nghe câu: "sống thế có ngày sẽ bị 'quả báo'", hoặc câu "cuộc đời hiện nay chính là 'nghiệp báo' của kiếp trước"
Cả hai cách nói này đều xuất phát từ một cách hiểu về nghiệp như điều gì có tính công bằng 1:1 kiểu ác giả ác báo. Đây là cách hiểu về nghiệp rất phổ biến trong đại chúng ở Việt Nam.
Cách hiểu này về nghiệp thực ra là dựa trên một sự hiểu/dịch một thuật ngữ Sankrit/Pali sang Hán Văn. Thuật ngữ đó là: Vipàka. 2 dịch giả dịch Kinh Phật sang Hán Văn là Cưu Ma La Thập và Chân Đế đều dịch chữ này là quả báo, và theo đó, karmavipàka được dịch là nghiệp báo.
Tuy nhiên, sau này, cách hiểu/dịch này đã bị đặt vấn đề. Bản thân Vipàka còn có nghĩa "chín" (ripening). "Chín", là một quá trình làm biến đổi trạng thái ban đầu của sự vật, và khiến cho chúng đổi khác. Gạo, sau khi được nấu chín, sẽ thành cơm. Trái, sau khi chín, thì ăn vào sẽ không còn đau bụng. Nhìn rộng ra, một người lao động vất vả hôm sớm chuyên cần chăm chỉ, thì đó là họ đang gieo một dạng nhân. Cái nhân này không có gì dễ chịu sung sướng cả. Thế nhưng khi họ thành công, tức là thu về quả, thì cái quả đó lại là sự thoả mãn, sung sướng. Chưa hết, trong giai đoạn gieo nhân, có thể họ chỉ là một người lao động ở dưới đáy xã hội, song khi gặt quả, họ lại có cơ hội tạo điều kiện cho con cái mình biến đổi địa vị xã hội, để bước vào các tầng cấp cao hơn, vân vân
Chính vì lẽ đó, vipàka sau này đã được dịch là dị thục, trong đó, "thục" là chín, và "dị" là khác. Có nghĩa là khi quả chín thì sẽ khác với nhân. Có nhiều cách hiểu về sự dị thục này, tuy nhiên, về bản chất, tất cả các cách hiểu này đều bác bỏ cách hiểu đơn sơ kiểu "quả báo" 1:1 nói trên.
Thậm chí, vào những năm 70 của thế kỷ trước, chính thiền sư Lê Mạnh Thát, trong công trình quan trọng (chính là luận văn tiến sỹ Phật học của ngài) nghiên cứu về triết học của ông tổ Duy Thức Học Vashubandu (Thế Thân) còn đề nghị dịch vipàka là "tiến trình xử lý" (processing), hiểu theo cách hiểu công nghệ thông tin, mà ở đó, nhân là input, sau khi qua tiến trình xử lý, sẽ ra ouput (quả).
Tóm lại, mối quan hệ nhân và quả hiểu theo cách hiểu này, hoàn toàn không có nghĩa "hoàn báo", "quả báo" hay "nghiệp báo", tức một cách hiểu có vẻ tương tự với định luật vật lý thứ 3 của Newton: Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất.
Nhân và quả hiểu theo cách hiểu mới, "dị thục" (quả chín khác với nhân) thực tế mới chính là cách hiểu thấu đáo, và nó nắm bắt được tính phức tạp về triết học cũng như bản chất của đời sống.
Quan trọng hơn cả, cách hiểu này về nhân quả (dị thục) nhấn mạnh khả năng chuyển biến, thay đổi, và nó hoàn toàn đối lập với cách hiểu trước về nhân quả (hoàn báo), tức một cách hiểu nhấn mạnh khía cạnh ngăn chặn, cảnh báo hay doạ dẫm.”

Do nhận thức còn sơ cơ, nên con xin được tham khảo nhận định của Sư Ông về ý kiến trên để có thể hiểu thấu đáo hơn về quan hệ nhân quả có được không ạ?
Con cảm ơn và chúc Sư Ông thật nhiều sức khoẻ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Khi con người ta không còn mục đích sống thì phải làm gì ạ?

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Con chào thầy,
Gần đây khi đang tập trung vào chơi chứng khoán và thất vọng vì mọi thứ không theo ý mình, dù đã cố gắng áp dụng Luật Hấp Dẫn, con nhận ra 1 thứ gì to lớn bao trùm lấy con. Con chợt nhận thấy bản ngã mình thật bé nhỏ khi đối diện với thứ này. Thứ này có sự từ bi vô lượng như 1 người mẹ. Con chợt nghĩ đến có lần thầy kể về khi trong cơn bệnh thì gặp thứ này và ví nó như 1 người mẹ. Con cũng hiểu sao chúa Jesus lại gọi nó là Cha. Nhưng được một lúc thì cái đó biến mất đi. Con để ý khi thứ này hiện diện thì bản ngã con khởi lên và phán xét đủ thứ về nó. Cảm giác khi thấy nó thật dễ chịu, như toàn thân được bao trùm bởi 1 luồn gió mát. Mọi áp lực dường như biến mất. Có phải đây là cái thầy đã thấy không ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Thầy ơi!
Cha của con khi còn sống cùng gia đình đã không chung thủy với Mẹ, làm khổ mẹ con nhiều lắm. Giờ đã li hôn, cha sống cùng người phụ nữ khác. Nhưng trong lòng Cha lại thù hận Mẹ con con, lòng đầy tham vọng mãi không nhận ra bài học của mình, thường hay say sỉn tìm đến con để gây chuyện, nhìn thấy rất đau khổ. Giờ đây Cha cũng không có nhà để ở, trời càng mưa, nghĩ về Cha lòng con thêm xót xa. Thương Cha vô minh, yếu đuối để giờ đây đắm chìm trong đời sống làm khổ mình, khổ người. Tuy nhiên con cũng chỉ có tấm lòng và tình thương dành cho Cha, ngoài ra con không giúp được gì. Con kính xin Thầy gửi năng lượng yêu thương đến Cha con. Vì con tin rằng năng lượng từ bi của Thầy sẽ giúp được Cha con, giúp Cha được khai tâm, tỉnh trí, thoát khỏi những đau khổ hiện tại.
Con biết ơn Thầy thật nhiều! Con nguyện cầu Thầy có thật nhiều sức khoẻ! Vì con biết tuổi Thầy cao, nhưng vì thương chúng sinh mà Thầy chịu bao vất vả. Con chỉ biết luôn nhớ lời Thầy dạy để tỏ lòng biết ơn đến Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Thưa Thầy cho con hỏi, con là một đứa rất tính toán, con không thich ai đụng vô đồ của con, và sống kiểu hay lấy lòng người khác, con cảm thâý rất mệt mỏi với kiểu sống đó. Mỗi lần tâm nổi lên sự tính toán chi ly là con thấy nó, và con phiền não với nó, cảm thấy rất mệt mỏi. Làm sao để mình chỉ thấy cảm xúc tiêu cực nổi lên thôi mà mình k dính mắc vào đó hả thầy, mặc dù con biết đó là cái bản ngã tham sân si thôi nhưng vẫn phiền não.
Xin thầy giải đáp giúp con. Con cảm ơn ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ Thầy!
Lúc chiều con có xin Thầy khai thị về tâm tưởng, con đọc câu hỏi trả lời của Thầy ban đầu con chưa thông suốt lắm nhưng khi chia sẻ với vợ thì tự nhiên con lại thông suốt nên con muốn trình lại với Thầy.
Con xin lấy ví dụ về sự sợ hãi khi gặp con rắn, con hổ và chuẩn bị tử hình. Nỗi sợ khi con gặp rắn thì đó là tâm tưởng rất rõ ràng và dễ nhận ra. Khi gặp con hổ trong rừng, con có nỗi sợ bị hổ vồ vì đó là bản năng của hổ khi gặp con là con mồi nhưng khi người ta để con hổ giả mà con tưởng con hổ thật thì con vẫn sợ - đó là do tâm tưởng của con. Trường hợp một người bị án tử hình chuẩn bị ra pháp trường, người đó biết chắc mình chết và xuất hiện nỗi sợ bị súng bắn. Khi đứng trước súng thì dù có thay súng thật thành súng giả thì trong người đó vẫn có nỗi sợ - nổi sợ do tâm tưởng.
Vì những mối nguy hiểm ở trên chỉ có ở "tương lai", con đang ở hiện tại mà con lại sợ những điều ở "tương lai" là tâm tưởng của con. Nếu con trọn vẹn 100% ở phút giây hiện tại thì làm sao nỗi sợ ấy xuất hiện được.
Con cám ơn Thầy luôn từ bi chỉ dạy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 04-09-2021

Câu hỏi:

Kính thưa thầy,
Bàng bạc trong lời dạy của thầy con nhận ra "diệt đế" nghĩa là không còn chán cái khổ ải của đường sinh tử mà trốn thoát, cũng không còn mộng ước cái vui sướng của cảnh Niết-bàn mà cầu chứng.
Con kính tri ân thầy.

Xem Câu Trả Lời »