loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 394 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'vô ngã, bản ngã & đại ngã'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 22-08-2018

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Thưa Thầy con xin trình pháp. Con thấy cái ta ảo tưởng có ba yếu tính:
1. Sự vận động của tiến trình tâm diễn ra tự động nhưng có liên hệ với nhau vận động thành những thái độ liên tục.
2. Xuất hiện đồng thời với tiến trình tâm (sinh diệt) là cái ta chấp sự vận động của tiến trình tâm tự động này là ta.
3. Năng lực biết Pháp qua khái niệm (tướng biết).
Ba yếu tính này khi hoà lại với nhau chính là cái ta ảo tưởng đang hoạt dụng, giác ngộ giải thoát là giải thoát tướng biết ra khỏi ba yếu tính kia. Con thành kính tri ân thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-08-2018

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Con đã được duyên và học tập thực hành theo pháp của Thầy, dù chưa lần nào con trực tiếp với Thầy. Hơn 6 năm nay, con đã thấy sự thay đổi ở mình rất nhiều. Vừa qua, con gặp lại một vị oan gia ngày xưa con đã dùng lời bất thiện với họ chỉ vì tính hiếu thắng, làm họ khổ đau. Vị ấy cũng làm lại những hành động tương tự như con ngày xưa, nhưng với tâm oán hận nhiều hơn. Con đã xin lỗi và đều chập nhận hết những điều họ làm với con, bên cạnh đó con cũng dùng lời hay ý đẹp, dùng những bài viết của Thầy gửi link để phân giải cho vị ấy biết những hành động đó là bất thiện. Khi con làm như vậy, con biết tâm thiện khởi lên, con thấy thương vị ấy đau khổ trong cuộc sống, con hy vọng những bài pháp có thể giúp vị ấy thoát khỏi mê lầm, con cũng sám hối và hồi hướng trong tâm con mỗi ngày. Tuy nhiên, con lại phát hiện ra một điều rất nhỏ, là có mong muốn vị ấy đừng quấy rầy cuộc sống của con nữa, giống như giả thiện, mong có cái lợi cho mình chứ kg vô ngã vị tha hoàn toàn. Xin Thầy chỉ dạy giúp con pháp đúng trong trường hợp này, và tâm khởi lên ý niệm lợi cho mình nhỏ nhoi đó là gì?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-08-2018

Câu hỏi:

Dạ thưa Thầy!
Gần đây, bản ngã "người tốt" trỗi dậy trong con ngày một rõ ràng. Khi có ai đó chia sẻ với con những phiền não của họ, con khởi tâm muốn lắng nghe và giúp đỡ họ được thanh thản. Đa phần con thấy những cố gắng của con có hiệu quả phần nào. Tuy nhiên, khi câu chuyện qua đi, còn lại trong con là một trăn trở về những phiền não ấy, tham muốn được giải quyết và đem lại điều tốt đẹp hơn nữa cho người khác.
Tinh tấn và nhẫn nại, con nhận ra trăn trở này là khổ. Đằng sau khổ ấy là một bản ngã cướp công pháp! Thực ra, con không có ban cho ai sự thanh thản và những điều tốt đẹp, con cũng không giải quyết được chuyện gì cả dù một phần hay toàn phần. Những thứ mà con tự cho rằng là nỗ lực của mình chỉ là duyên, và không nằm ngoài sự vận hành của pháp. Con nhận ra rõ trước đó là vô minh nên khổ, giờ là minh. Không còn trăn trở nữa, không còn khổ nữa, bản ngã "người tốt" được buông xuống.
Trường học cuộc đời này thật quá ư sáng tạo và hoàn mỹ, với cái tâm hồn nhiên con trẻ, con nguyện được dấn thân, học hỏi, phục vụ, cho đi và không dính mắc một thứ gì trên đời.
Con đường này quả thật có vị của Giải thoát!
Con xinh tri ân Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 23-07-2018

Câu hỏi:

Con kính chào thầy ạ.
Con xin được đảnh lễ thầy.
Thưa thầy con có đọc K và ông nói rằng "Người kiểm soát là cái bị kiểm soát. Người suy nghĩ chính là tư tưởng. Tư tưởng đã tạo ra người suy nghĩ tách biệt với suy nghĩ, cái mà nói rằng: tôi phải kiểm soát."
Đây chắc là một điểm then chốt trong những bài nói của K, với con thì nó khó hiểu.
Thầy có thể chỉ giúp con và lấy ví dụ thực tế để con được sáng rõ hơn không ạ.
Con xin cám ơn thầy và chúc thầy thân tâm luôn được an lạc.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-07-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Thầy ơi, con chợt nhận ra cái bản ngã nơi con nó sâu dày quá Thầy ạ! Nó sâu dày tới mức con nhụt luôn hoàn toàn ý muốn bác bỏ nó ("ý muốn" cũng của nó). Con tu tập thời gian qua chả khác gì Tôn Ngộ Không khi bay ra khỏi lòng bàn tay Phật, cứ ngỡ đã bay xa lắm rồi, ít nhiều cũng đi được một đoạn rồi, hóa ra vẫn ở nguyên chỗ cũ, vẫn thấy mình dậm chân tại chỗ. Con thấy cái hình tượng nó đang dựng lên, ngay cả "không tham, không sân, không si" thì cũng là cái hình tượng của bản ngã!
Thấy điều này con không muốn tu nữa, giả sử con cứ nổi sân lên đi khi người ta làm trái ý, con cứ xấu xa, kém cỏi, sai trái đi, dám nói, dám sai, dám chịu đi, đừng có nén mình lại để "làm người tốt" thì con mới phá được cái bản ngã sâu dày này. Nhưng con biết vừa nói vậy là con đã sợ rồi, cái bản ngã nó không chịu làm vậy đâu! Cái bản ngã nó không cam tâm phá vỡ hình tượng người vợ hiền, người mẹ giỏi, người con ngoan, đồng nghiệp tốt, và một Phật tử tu Phật Pháp... đâu Thầy. Nếu con sẽ tu tiếp, thì cái bản ngã này càng "đẹp" hơn, thiện hơn, càng tu con càng nhẫn hơn, ít tham sân si hơn, vị tha hơn, "vô ngã" hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cũng chính là cái bản ngã càng dày hơn. Mà nếu con không tu, thì con cũng sẽ làm dày thêm bản ngã theo cách khác. Thậm chí, con nói con "không tu, cũng không không tu", thì cũng rơi vào bản ngã luôn, nói gì, nghĩ gì ra là rơi vào bản ngã tới đó, chạy đâu cũng không thoát khỏi bản ngã... Nó vây quanh, quấn lấy, đẹp đẽ, êm đềm và quá đỗi vi tế thưa Thầy!
Thầy ơi, nếu con cứ "tốt lên" như thế thì con có đi đúng hướng nữa không Thầy? Có khi nào vừa làm "người tốt" giữa đời mà vẫn giải thoát được khỏi trói buộc "người tốt" ấy? Thực lòng con thấy mình như nhảy từ cái lưới "tham sân si" sang cái lưới "không tham sân si" vậy. Hay đó chính là lí do để một người cần "xuất gia"?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-07-2018

Câu hỏi:

Dạ hòa thượng, con đã suy nghĩ rất nhiều về những việc mà con đã làm và nhận ra tất cả đều xuất phát từ việc con muốn được tôn trọng, muốn mọi người và chính con tôn trọng cái tôi của con. Con luôn coi cái tôi là trên hết, nhiều lúc còn trên cả những điều cực kì quan trọng. Nhận ra điều này rồi con không biết phải làm gì nữa, không biết phải làm sao để không coi cái tôi là nhất nữa. Con muốn hỏi hòa thượng là con nên làm gì tiếp theo và cũng muốn biết tại sao con và rất nhiều chúng sanh khác lại luôn coi cái tôi là nhất?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-07-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Khi đứng giữa lựa chọn đọc sách và không đọc sách, con nhận ra mình đang đối mặt với một phiền não phát sinh do việc lựa chọn này. Khi ở lại kham nhẫn với phiền não ấy, thân vẫn sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, trong tâm thì phiền não không ngừng dậy sóng cồn cào dữ dội. Nhưng có một cái gì đó bên trong cứ lắng dần, lắng dần, vững chắc và đầy sức mạnh, như muốn quả cảm thốt lên rằng "Phiền não, ngươi có giết chết ta ngay tại đây cũng được". Bằng cách nào đó, bản ngã lộ diện sau trận cuồng phong phiền não đó, đó là một bản ngã ham muốn an lạc, muốn thôi đọc để an lạc, muốn đọc cũng là để an lạc (muốn đối diện phiền não phát sinh do đọc để đoạn diệt nó). Bản ngã lộ diện, tâm tự động buông và trả lại tất cả (trả lại những lo lắng, sợ hãi, nghi hoặc, chọn lựa, tham muốn) -> nhẹ tênh như vừa trút bỏ được một gánh nặng. Sau tất cả, chỉ còn lại một tâm bình an đang trọn vẹn với các pháp. Lúc này, hỷ lạc đến và bao trùm khiến con mất ngủ...
Con vẫn đang đúng hướng phải không thưa Thầy?
Con mong Thầy thân tâm an lạc!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-06-2018

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Qua nghe những lời chỉ dạy của Thầy, con thấy ra một cụm từ quan trọng là “cái ta ảo tưởng” mà Thầy hay nhắc tới vì chính cụm từ này mà xen vào tương giao giữa 12 xứ (6 căn với 6 trần) thì không thể thấy Pháp. Con có thực hành để không cho cái ta ảo tưởng xen vào nhưng cảm thấy hay quên. Xin Thầy từ bi chỉ dạy gợi ý cho con. Tạ ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-06-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Con xin phép chia sẻ với Thầy điều con thấy ra ngày hôm nay. Thầy xem giúp con có sai điều gì không ạ?
Bản ngã như đứa trẻ. Nó thích gây chú ý với ta, kéo ta chạy tới chạy lui chỗ này chỗ khác, không chịu ngồi yên. Nếu trông trẻ mà chạy theo trẻ, thì sẽ bị nó kéo đi mãi không trở về được, bởi "đứa trẻ" này chẳng bao giờ hết trò để chơi. Nếu đứng yên một chỗ mà quan sát nó, xem nó đi đâu, làm gì, nhưng từ chối lời rủ rê của nó, kiên định đứng tại chỗ, không cố kéo nó về, chỉ mình ta về thôi, chỉ cần buông tay nó ra thôi, thì nó sẽ sớm chán trò chơi của nó mà ngoan ngoãn ngủ yên. Nếu vô minh, như người mẹ yêu đứa con ruột của mình, ta đau nỗi đau của bản ngã, vui niềm vui của bản ngã, như vậy chẳng phải là đau ảo và vui ảo sao. Nhưng nếu thấy ra nó vốn chẳng phải mình, ta chỉ biết nó khóc mà không thấy đau, biết nó cười mà không thấy vui. Nó đói, ta cho nó ăn mà không bị quằn quại bởi cơn đói. Nó bệnh, ta cho nó thuốc mà không bị thống khổ bởi căn bệnh. Ta chăm sóc nó, hiểu nó, không rời mắt khỏi nó, có mối quan hệ tốt với nó, nhưng không bao giờ là nó. Ta không cổ vũ nó, không chiều chuộng nó, không áp đặt nó, không ngăn cấm nó, không đè nén nó, không đánh giá nhận xét nó, ta thấy nó như nó đang là. Nó làm gì tốt xấu cũng là việc của nó, ta quan sát nó và mỉm cười như khi nhìn một đứa trẻ ngây ngô đang chơi trò con nít. Ta cho nó sự tự do, khi ấy ta tự do.

Con đã quan sát cơn đói mà không thấy khổ vì đói, và có những lúc bật cười khi thấy cái tâm ích kỷ hay ngã mạn khởi lên. Con chỉ thấy biết và ghi nhận "oh, ghen tị à", thậm chí không có từ "ghen tị" ở đây, chỉ thấy là như thế chứ không gọi tên nó là gì. Con không thấy khổ những khi ấy. Tuy nhiên, con thường không thấy khi những cảm xúc tiêu cực biến mất, nó thường biến mất lúc nào không hay biết. Có phải con chỉ biết lúc nó thành, trụ mà không biết lúc nó diệt? Con mong Thầy chỉ giúp cho con?
Con xin cảm ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-06-2018

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy ạ!
Đầu tuần con xin kính chúc Thầy thật nhiều sức khỏe và bình an ạ!

Hôm qua con có xem một đoạn phim nghe Thầy Eckhart Tolle dạy về sức mạnh của hiện tại. Con hiểu hết lời ông ấy và thấy không có gì sai khác so với pháp Thực tại hiện tiền mà Thầy dạy chúng con. Tuy nhiên, có một thứ mà ông ấy chỉ dạy mà con vẫn còn băn khoăn chưa biết nên hiểu nó như thế nào cho đúng, đó là một "cái Tôi sâu sắc" (the deeper I).
Theo Eckhart Tolle thì "cái Tôi sâu sắc" đó chính là Ý thức (consciousness, trái với Vô thức là thứ Tự ngã giả tạo thường thao túng con người), là Không có hình tướng (no form, no thing (nhấn mạnh rằng no thing chứ không phải nothing-không là gì cả), và Phi thời gian, là Khoảng không giữa những suy nghĩ, tư duy, là Thượng Đế.
Vậy nếu Eckhart Tolle nói hoàn toàn đúng, thì việc "có một cái Tôi sâu sắc" như trên và "vạn pháp là vô ngã" như Đức Phật dạy có mâu thuẫn với nhau không ạ?
Hiện tại con đang tự cảm thấy chúng không mâu thuẫn, và đang tự hiểu rằng từ "ngã" trong "vô ngã" mà Đức Phật dạy chính là cái Tự ngã có hình tướng (như Eckhart tolle cũng phủ nhận sự có thực và thường hằng của nó), và Đức Phật không nhắc tới "cái Tôi sâu sắc". Con mong Thầy chỉ cho con biết con hiểu như vậy có đúng không ạ? Mong Thầy chỉ giúp để con hiểu chúng một cách rõ ràng hơn ạ?

Ngoài ra, con có hiểu rõ về Đại ngã của Bà-là-môn mà Thầy thường nhắc tới, và đang tự hiểu "cái Tôi sâu sắc" mà Eckhart Tolle nói đến không phải "Đại ngã" này. Tuy nhiên, dường như trong cuộc sống còn xuất hiện một từ nữa là "Chân ngã", một cái "Chân ngã" mà nhiều người khi tìm hiểu về tâm linh thường hiểu nó giống hệt cái "Đại ngã" của Bà-là-môn. Vậy có cách nào để giúp họ phân biệt "Chân ngã" thực sự và "Tự ngã đội lốt Chân ngã" không ạ? Có khi nào Đức Phật không nhắc tới "Chân ngã" này, mà chỉ dạy chúng ta rằng "vạn pháp là vô ngã" để giúp chúng ta không bị phạm phải sai lầm khi hiểu lầm Tự ngã là Chân ngã không Thầy?
Trong cuộc nói chuyện với nhiều người, con thấy những người chưa có Đức tin nơi Phật rất khó để tiếp nhận sự thật về "vô ngã", và có nhiều cuộc tranh cãi về việc "có Ngã và không có Ngã". Nhưng khi nghe những lời của Eckhart Tolle, con nghĩ rằng cách nói thẳng ra rằng có một cái Tôi như vậy, nếu ông ấy nói đúng, thì dễ được chấp nhận hơn bởi nhiều người, mặc dù nó có thể khiến người ta hiểu lầm nếu không hiểu đúng. Thầy nghĩ sao về việc nói ra và không nói ra cái "Tôi" ấy hả Thầy? Con rất muốn nghe những hiểu biết đúng đắn và mạch lạc của Thầy ạ?
Vì con vẫn còn rối rắm, nên trình bày còn dài dòng và lủng củng, con mong Thầy từ bi tha thứ và khai thị cho con ạ!
Con xin cúi đầu đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »