Kết quả Tìm Kiếm: Có 235 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'bản ngã & đại ngã'.
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 13-03-2014
Câu hỏi:
Kinh thưa Sư, thời gian trước đây con tụng kinh tiếng Việt của Thiền tông mỗi ngày một lần vào buổi sáng. Gần đây con chỉ ngồi thiền nhiều hơn mà không còn tụng kinh như trước đây nữa. Tâm con đôi khi khởi lên niệm bị sụt lùi trên đường thực tập vì thiếu sự tụng kinh như trước đây. Kính xin Sư giải thích cho con về trạng thái tâm này như thế nào? Con kính cám ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là dấu hiệu sợ hãi của bản ngã. Bản ngã tìm mọi cách để khẳng định mình, dù là tụng kinh, ngồi thiền hay trang bị cho mình bất kỳ phương tiện nào thì bản ngã vẫn luôn nghi ngờ về bản thân mình. Khi chưa ngộ nhập thực tánh thì vẫn còn thấy có cái ngã hành trì (ngã kiến), vẫn còn không biết chắc đâu là chân đâu là giả (hoài nghi), và vì vậy vẫn còn bị trói buộc vào hình thức hay phương pháp tu tập (giới cấm thủ). Tụng kinh, ngồi thiền v.v... chỉ là hình thức bên ngoài, nó có thể là phương tiện hữu hiệu nhưng không phải là cứu cách. Lệ thuộc vào phương tiện hay phương pháp tu tập chẳng khác nào quan trọng phương tiện vận chuyển hàng hoá hơn cả phẩm chất hàng hoá. Trong tu tập, thái độ tâm là chính còn phương tiện nào thì chỉ là tuỳ duyên không nên chấp giữ. Vì vậy đức Phật dạy: "Pháp như thuyền đưa người qua sông, pháp (thực tánh chân đế) còn phải bỏ huống chi phi pháp (phương tiện chế định)".
Ngày gửi: 06-03-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, <p>
Con còn nhớ trong một quyển sách, ông Osho có dạy rằng, chỉ khi nào một cá nhân đã phát triển "cái tôi" đến cực điểm, rồi nhận thấy sự vô ích của "cái tôi" ấy thì mới buông được. <p>
Đối với bản thân mình, con luôn tự thấy hình như "cái tôi" của mình không rõ lắm, con ít khi quan trọng ý muốn của mình mà thường muốn chìu lòng những người xung quanh hoặc không dám bày tỏ ý kiến của mình, luôn thấy ý kiến của người khác hay hơn, dễ bị thuyết phục bởi những người khác... Trước những người có "cái tôi" quá mạnh mẽ, con dễ dàng bị áp đảo. Nhiều người nói con quá hiền hay quá nhút nhát, hoặc không có ý kiến riêng... Vậy có phải con còn phải trải qua cả một chặng đường dài, đến khi "cái tôi" của con cực kỳ mạnh mẽ rồi con mới buông được ạ? <p>
Con xin cảm ơn Thầy đã luôn kiên nhẫn chỉ dạy cho chúng con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con không cần phải chủ trương phát triển bản ngã đến tận cùng theo quan niệm nào cả, nếu đó là quy luật tự nhiên, thì con cứ để tự nhiên mà thấy, mà học ra bài học giác ngộ về ngã và pháp thôi là được. Nếu bản ngã mạnh mẽ con thấy là mạnh mẽ, nếu bản ngã yếu đuối con thấy là yếu đuối, mỗi lúc là một bài học của một tính cách, một giai đoạn khác nhau trong sự vận hành của đời sống. Ngay tại đây và bây giờ nếu con tạo tác để trở thành thì đó là bản ngã, nếu con thấy ra sự chuyển hóa đang vận hành theo quy trình tự nhiên của nó thì đó vô ngã, thế thôi.
Ngày gửi: 04-03-2014
Câu hỏi:
Kính thưa thầy. <p>
Con xin cám ơn thầy đã trả lời về câu hỏi hôm trước. Hôm nay con không hỏi câu gì cả, mà con xin chia sẻ cái thấy biết của con với thầy. Thưa thầy ở ngoài Bắc mùa này mưa phùn dày đặc, ngoài trời cũng như trong nhà luôn luôn ẩm ướt, rất khó chịu. Sáng hôm nọ trên đường đi đến cơ quan, khi đang tập trung chú ý trên đường đến ngã tư đèn đỏ dừng lại, con trở về với tâm rỗng lặng. Bỗng con nhận thấy mưa phùn này sao nó lại yên bình và "đẹp" lạ. Thầy ơi khi tâm con thảnh thơi con thấy hạt mưa rơi nhè nhẹ, mát mẻ, chứ không "bẩn" như mọi người tưởng, hai hàng cây bên đường con thấy rất "hớn hở" như vẫy chào mọi người, lá cây như múa, như chào. Dưới lòng đường mọi người khi di chuyển con bỗng thấy hôm nay sao đi lại chầm chầm trật tự thế êm đềm quá (so với khi trời không mưa con thấy mọi người ai cũng vội vã, đi lại chen lấn, tắc đường...). Ôi, hay sao mùa mưa phùn ai cũng thấy nhớp nháp, khó chịu mà con lại thấy trong con nó hay nó đẹp chả khó chịu thế nào thầy ạ. Sau cái cảm xúc mà con bất chợt vừa qua, con thấy chỉ có con người hàng ngày đem cái ngã chen ngang làm nó khổ như vậy phải không thầy? <p>
Vâng, một lần nữa con xin cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tốt lắm, đó là con đang chứng nghiệm được sự tĩnh lặng hồn nhiên của tâm và sự tịch tịnh tự nhiên của pháp khi vắng bóng cái "Ta" ảo tưởng. Chính vì vậy mà đức Phật dạy: "Khi tâm thanh tịnh thì thấy các pháp đều thanh tịnh".
Ngày gửi: 22-02-2014
Câu hỏi:
Kính Thầy, con ở xa và cũng mới nghe pháp Thầy gần đây thôi nhưng con cảm thấy dễ hiểu và cũng dễ thực hành. Con nguyện cho Thầy được nhiều sức khoẻ để làm Phật sự dễ dàng hơn. Hôm nay con có thắc mắc này nhờ Thầy giải dùm con. <p>
Thầy nói: "Chỉ có sự giác ngộ trong tương giao chứ không có sự giác ngộ cá nhân". Nhưng với một người chưa giác ngộ, chưa nhận ra thật tánh pháp mà phải tiếp duyên, phải tương giao nhiều quá thì cho dù có sống trọn vẹn với thực tại thì đó cũng là cố gắng của ý thức, của bản ngã phải không thưa Thầy? Chính cuộc đời Đức Phật cũng phải trở về cô đơn trọn vẹn với chính mình mới giác ngộ ra bản Tâm rỗng lặng trong sáng và sau đó mới tuỳ duyên thuận pháp vô ngã vị tha. Phải có một lần trực nhận ra Tánh Biết rỗng lặng mà thiền tông gọi là ngộ phải không Thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tương giao tức là vô ngã, cá nhân là bản ngã đo đó câu này có thể hiểu là vô ngã mới giác ngộ còn bản ngã thì chỉ có thể trở thành đại ngã chứ không thể nào giác ngộ được. Có thể trở về với cá thể (individual) nhưng cá thể (nói đúng hơn là tự thể) thì luôn tương giao với vạn pháp, trong khi nếu trở về với cá nhân (personal) thì hoặc là tự cô lập mình, hoặc là tìm mối quan hệ ràng buộc với người khác nên đã đánh mất tự thể trong sự tương giao. Chung quy con phải hiểu tự thể và cá nhân, vô ngã và hữu ngã, tương giao và mối quan hệ khác nhau thế nào con mới hiểu được câu nói con nêu trên. Siddhattha vào rừng tu chính là từ bỏ cá nhân trong mối quan hệ ràng buộc hữu ngã để tìm lại tự thể trong sự tương giao vô ngã với vạn pháp và nhờ vậy mới giác ngộ. Nếu còn bản ngã của một cá nhân thì không bao giờ giác ngộ được. Vì khi con tu với tư cách một cá nhân như là nỗ lực thực hiện ý chí của bản ngã thì chỉ trở thành đại ngã là cùng!
Ngày gửi: 31-12-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy! <p>
Con thấy sở dĩ con người sợ chết chỉ vì họ sợ mất đi cái ta, của ta trong suy nghĩ của họ. Vậy buông bản ngã xuống đồng nghĩa với việc không sợ chết. Để làm được việc này, ta phải có nỗ lực, nhẫn nại và cả sự can đảm rất lớn phải không ạ? <p>
Con xin cảm ơn và chúc Thầy luôn khỏe mạnh.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nói "ta phải có nỗ lực, nhẫn nại và cả sự can đảm rất lớn" thì đó là tiến trình tiểu ngã trở thành đại ngã mất rồi làm sao mà hết ngã được? Buông bản ngã là buông cái ý chí tạo tác để trở thành (ái - thủ - hữu) trong quỹ đạo "sinh, hữu, tác, thành" nghĩa là phải "không sinh, không hữu, không tác, không thành" mới được.
Ngày gửi: 22-11-2013
Câu hỏi:
Kính thưa thầy! <p>
Hôm nay, Con xin trình pháp lên thầy, những điều trình bày sau có gì sai con xin sám hối cùng thầy. <p>
Qua quan sát, Con nhận ra rằng điểm mấu chốt khác biệt giữa thấy biết của tánh biết và ý thức của bản ngã là ở chỗ thái độ nơi thời điểm ban đầu khi tiếp xúc với pháp. Khi có đối tượng ở thân thọ tâm, nếu ta có thái độ bám víu nắm bắt qua khái niệm rồi sau đó tư duy thì lúc đó ta đã bị cuốn trôi từ một ý niệm khởi lên ban đầu nó kéo theo rất nhiều suy nghĩ phải làm thế này, phản ứng thế kia v.v... gây ra phiền não khổ đau. Còn nếu ta có thái độ để yên cho pháp đến đi như chính nó mà không khởi lên ý niệm thì lúc đó ta như trút đi một gánh nặng rất lớn. Điểm khác biệt giữa thấy biết của tánh biết và ý thức của bản ngã là bất kỳ pháp nào xuất hiện thì tánh biết biết rất rõ mà không cố giữ lại. Còn bản ngã rất sợ sẽ quên mất đối tượng nên cố tư duy liên tục để tích lũy sự hiểu biết càng nhiều càng tốt. <p>
Con còn bị mắc kẹt chưa thông ở điểm là: Do còn nhiều tập khí nên có những đối tượng ngoại cảnh hoặc một số pháp bỗng nhiên xuất hiện nơi tâm, chúng cuốn con đi rất nhanh, sau một lúc con mới biết được. Tuy biết, nhưng con rất lúng túng, khó khăn để tỏ thái độ không chạy theo nó nữa. Mong thầy hoan hỷ khai thị giúp con. <p>
Con chúc thầy nhiều sức khỏe. Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con đã thấy ra chỗ khác biệt cơ bản giữa tri kiến của tánh biết và kiến thức của bản ngã. Tuy nhiên thói quen ý thức của bản ngã vẫn còn nhiều nên tư duy qua khái niệm vẫn lôi cuốn con trong những hoạt động của lý trí, tưởng tượng... hơn là chánh niệm tỉnh giác. Điều đó là đương nhiên khi tâm thức vẫn còn nhu cầu muốn biết, và muốn thoả mãn. Chỉ cần con thấy được những hoạt động của vọng thức đó thì dần dần sẽ có sự chuyển hoá trong thấy biết. Nhớ là chỉ thấy ra thôi chứ vấn đề không phải là chạy theo hay không chạy theo.
Ngày gửi: 31-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con có được đọc cuốn Thắp lửa tâm linh do Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh viết. Con thấy trong sách có nói Ngài Hộ Tông thực hành thiền (tọa thiền) một cách miên mật và cũng đắc được trạng thái định. Khi nghe các pháp thoại và câu trả lời của Thầy con thấy lời khuyên là không nên thực hành theo bất kỳ phương pháp có sẵn nào mà chỉ có thấy ra sự vận hành của vạn pháp. <p>
Con có ngồi thiền nên cũng băn khoăn là có nên tiếp tục không hay chỉ cần thấy ra và quan sát hoạt động của thân thọ tâm pháp trong hoạt động đời sống hàng ngày. Con xin Thầy hoan hỉ chỉ dạy. Con cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lẽ con chưa đọc câu hỏi và trả lời ngày 28/10/13 thì phải. Thiền định có hai loại: Chánh định và tà định. Tà định là định do bản ngã nỗ lực tạo tác mà thành, thuộc về định thế gian, còn chánh định là định do buông cái bản ngã lăng xăng tạo tác nên tâm không động nữa mà an nhiên tịch tịnh, vô vi vô ngã. Tổ Hộ Tông đương nhiên biết điều này nên định của Ngài là một thái độ tâm lặng lẽ tự nhiên, không động trước những lôi cuốn bên ngoài, chứ không phải là luyện tập để đạt được trạng thái bất động không bình thường của đại ngã ở cõi Sắc và Vô Sắc.
Ngày gửi: 30-10-2013
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Con xin đảnh lễ Thầy!
1. Thưa Thầy, càng chú tâm quan sát kỹ bản thân sao con thấy đâu cũng toàn là bản ngã sai khiến. Như đơn giản một bước chân trái phải hình như bản ngã đã dẫn trước, khi nhận ra thế con đã buông ra trụ vào hơi thở, nhưng trong tâm vẫn còn vướng một chút gì đó con không buông được, thấy được tại đây rồi chạy đi... <p>
2. Lúc ngồi thiền sao con ngồi được nửa tiếng đầu là có cảm giác thoải mái nhưng qua 5 phút tiếp con bắt đầu bức rức khó chịu, con ghi nhận cái tâm lúc đó rồi con đã trú vào hơi thở nhưng tinh thần lại nản, con cũng ghi nhận trạng thái lúc đó và thế là con xả thiền... Con như thế là thiếu cái gì đó đúng không Thầy? Ngày con ngồi hai thời thôi lúc đi ngủ và sáng thức dậy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Con thấy đúng đó, ngay cả việc sắp xếp ngồi thiền của con cũng do bản ngã sai khiến. Con muốn trụ vào hơi thở cũng là ý đồ của bản ngã. Bản ngã luôn muốn khẳng định mình và muốn đạt được điều mình mong cầu, nó rất sợ bị quên lãng vì vậy mà luôn cảm thấy bất an, nên nó càng muốn được an và luôn chứng tỏ là mình thường có mặt một cách chắc chắn. Nó đòi tích cực miên mật để thấy sự hiện hữu của nó là thường hằng, đó chính là nguyên nhân phát sinh ra thường kiến, và cũng chính vì thế mà nó không bao giờ thấy được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của cái ngã và pháp mà nó cho là "Ta, của ta và tự ngã của Ta".
2) Thiền thực ra là chỉ soi thấy mọi hoạt động của bản ngã để trả pháp về với thực tánh tự nhiên của pháp chứ không còn tạo tác theo ý đồ của bản ngã nữa. Sự phát hiện một số hoạt động của bản ngã nơi con là đúng, nhưng nên tiếp tục phát hiện nó nhiều mặt hơn nữa chứ không nên để nó đánh lừa bằng cách giúp nó thực hiện ý đồ qua cái gọi là "ngồi thiền" để thỏa mãn nó. Bản ngã muốn ổn định vững chắc nên nó quyết tâm ngồi thiền, nhưng bản chất của nó là bất an nên chính nó lại không nhẫn nại được. Cho dù nó có đạt được như ý thì rồi nó cũng muốn cao hơn, vĩ đại hơn... nên rốt cuộc vẫn bất an! Nên Phật mới nói "Tam giới bất an như ngôi nhà lửa" là vậy.
Ngày gửi: 28-10-2013
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. <p>
Con có nghe bài pháp thoại của Thầy nói về đề tài hạnh phúc. Con rất tâm đắc quan điểm "Hạnh phúc là ở thái độ sống chứ không phải là điều kiện sống" và đoạn cuối bài pháp thoại của Thầy, "Đừng tin Bồ tát cứu độ chúng ta...". Nhưng trước đó, có một đoạn Thầy có dạy rằng, "càng ngồi thiền càng luân hồi sanh tử". Con cảm thấy phân vân quá. Con nhớ có đoạn kinh Đức Phật nói rằng, đại ý: Hãy tu thiền tịnh, hãy thành tựu hạnh đi đến căn nhà trống, chớ để ân hận về sau... <p>
Kính mong Thầy vui lòng chỉ dạy. <p>
Kính nguyện cho Thầy sức khỏe, an lạc.
Con xin cảm ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Phật và Bồ-tát chỉ khai thị sự thật để chúng ta tự thấy, tự ngộ, tự tu, tự giác, chứ không ai được quyền xen vào cứu độ ai cả. Giống như thầy giáo chỉ giúp cho học sinh biết học để tự có khả năng lên lớp chứ không được quyền tự ý cho học sinh lên lớp, cho lên lớp như vậy thì việc chăm chỉ học tập để làm gì? Nếu Bồ-tát cứu độ được thì việc tu tập và giác ngộ của mỗi người còn có ý nghĩa gì nữa? Bồ-tát mà cứ lăng xăng cứu độ chúng sinh thì không những tước quyền giác ngộ của họ mà còn làm cho chúng sinh ỷ lại, lười biếng và hư hỏng. Ví như cha mẹ cứ học giùm con, thi giùm con để lấy bằng cho con thì làm gì có được những học sinh ưu tú.
2) Tất nhiên tu thiền đúng là tốt nhưng thiền Vipassanà là chỉ thấy ra sự thật thôi chứ không tạo tác thêm gì cả, do đó thái độ tu không phải là nỗ lực tạo tác để trở thành lý tưởng nào của cái ngã, vì như vậy là rơi vào quỹ đạo 12 duyên sinh mất rồi, nghĩa là càng tu càng sinh tử, cho dù có đạt được những trạng thái như ý đi nữa thì cũng chỉ là đại ngã. Còn nếu tu thiền là vô vi, vô tướng, vô tác, vô cầu theo Bát Chánh Đạo hay giới định tuệ, tức đi đúng nhất hướng xả ly, ly tham, đoạn diệt (vô ngã), an tịnh, chánh trí, giác ngộ, Niết-bàn mà đức Phật dạy thì sao lại không tu. Hãy nghe cho trọn bài giảng, đừng trích ra một câu mà hiểu thì oan uổng cho cả người nghe lẫn người nói.
Ngày gửi: 14-10-2013
Câu hỏi:
Xin sư giảng cho hiểu 2 câu thơ: <p>
"Cái Tôi hoàn lại đất trời <p>
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh." <p>
Xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một thi sĩ Trung Hoa họ Phạm đã viết một bài thơ nói lên thân phận sinh ra làm một kiếp người của mình để rồi không ăn thì đói, không mặc thì lạnh... Ông Trời vô cớ sinh ra ta làm gì mà phải sống, phải chết một cách vô nghĩa như thế này?
Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên Công hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi?
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ Thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời.
Hai câu cuối có thể dịch là: Trả Ông Trời cái tôi mà Ông sinh ra. Trả lại cho tôi cái thời tôi chưa sinh (Cái tôi hoàn lại Đất Trời, Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh), nghĩa là nhà thơ không muốn sinh ra làm thân phận vô nghĩa của một kiếp người, nên chỉ muốn trở về phi hữu. Theo Phật giáo thì nhà thơ này thuộc loại chấp không hoặc là đoạn kiến xuất phát từ phi hữu ái nên không những không thể thoát được thân phận làm người mà còn chuốc thêm cái khổ tâm lý nữa (Khổ khổ trong Khổ đế). Rất nhiều người tuy tu theo Đạo Phật nhưng cũng cầu mong trở về phi hữu, vì họ hiểu lầm Diệt đế tức hủy diệt tất cả, mà vô tình rơi vào đoạn kiến, khi không hiểu đúng chân lý vô ngã. Chính cái ta ảo tưởng mới muốn hủy diệt (phi hữu) hoặc muốn thường hằng (hằng hữu) mà tạo ra phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Diệt đế chính là diệt cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác để không phải trở về phi hữu mà là trở về với thực tánh muôn đời không sinh không diệt của pháp ngay trong thực tại đang là.