Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 27-03-2022
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy,
Con vừa nhận được sự trả lời đồng ý của thầy, con vui mừng quá.
Thưa thầy,
Vậy là ngày chủ nhật 03/4/22 con sẽ cúng trai Tăng tại Tổ đình Bửu Long cùng một số đồng nghiệp của con.
Kính xin Thầy ban bố cho chúng con vài lời pháp nhũ để rọi sáng tâm hồn còn vô minh tăm tối của chúng con.
Nguyện Thầy và quý chư Tăng, Ni được an lành.
Con kính
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy hôm nay con mới đối diện cái chết ạ!
Tối nay con đậu xe oto ở ven đường để chỉnh cái đèn (con trai 4 tuổi của con ngồi trong xe), thì một người xăm trổ đầy người đi xe máy tới chửi bới con vì đậu xe ở đó dù con đỗ không sai. Sau đó hắn lấy khẩu súng kíp đeo trên người chĩa vào con và chửi bới! Con rất sợ hãi, chỉ biết van xin rối rít. Một lúc sau hắn cất súng lại gần con và xin lỗi con. Kiểu như hắn say và đang đi tìm người gây chuyện thì phải. Con không bình tĩnh nổi ngay lúc đó, theo phản xạ chỉ biết van xin và không biết làm gì và rất lo lắng cho đứa bé ngồi trên xe! Con cũng thấy được sự sợ hãi của mình, rồi một lúc thì bình tĩnh hơn... Rồi hắn đi là hết chuyện! Có lẽ tâm con còn yếu phải không thầy? Con đã hoảng loạn mất mấy phút sợ hắn bắn và làm hại con của con. Sau khi hết chuyện thì con biết pháp đã giúp con toàn mạng...
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Thưa thầy, ba con có thờ bàn thờ tượng Phật A-di-đà và Quán Thế Âm bồ-tát trên cao. Tối nay bỗng nhiên các tắt-ke bung dù được đóng rất chắc chắn, bàn thờ rớt xuống. Tượng Quán Thế Âm bằng sứ nên vỡ đứt ngang đầu. Con thì không sao nhưng ba mẹ thì rất lo lắng vì quá khứ cũng đã 2 lần bàn thờ bị sập và đều có những chuyện không may xảy ra sau đó. Con có nên tụng kinh gì để an định không, con còn 1 bàn thờ Phật Thích Ca nữa đối diện, hay chỉ lặng yên và quan sát thôi thầy.
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ Thầy!
Thưa thầy, theo như sự chiêm nghiệm của con, những bạn mà bị khiếm khuyết về thân, thì bên trong họ cũng bị tổn thương hơn những người bình thường, thiếu sự tự tin, lo lắng, sợ hãi... thầy có lời khuyên gì cho những bạn nầy, ngay cả bản thân con cũng vậy.
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,
Chỉ chưa đầy một năm dịch Covid mà con đã mất đi 3 đồng nghiệp thân thương của mình một cách đột ngột.
Dù vẫn được nghe thầy dạy về vô thường, khổ, vô ngã hàng ngày nhưng khi xúc chạm việc đời lòng con không tránh khỏi đau xót và tiếc thương vô hạn thầy ơi!
Thưa thầy!
Sáng nay trong những giây phút tinh mơ của buổi thiền sớm, lúc tâm thanh tịnh, bỗng con khởi lên ý nguyện cúng dường trai tăng để hồi hướng phước lành này cho các đồng nghiệp của con sớm được siêu thoát và được ở cảnh giới an lành.
Và con kính mong có sự hiện diện chứng minh của thầy để chúng con được nhận chút tâm từ thầy ban.
Vì ngày thường con bận đi làm nên chủ nhật ngày 03/4/22 là ngày phù hợp với con thầy ạ!
Xin thầy hoan hỷ nhận lời con.
Con kính,
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Thầy kính!
Ngày mai con sẽ lại được đến Chùa và được đảnh lễ, quy y, thọ giới từ Thầy. Vậy là con sẽ chính thức là người đệ tử của Thầy rồi. Thật là phước báu nhiều đời nhiều kiếp của con, hàng ngày con vẫn tinh tấn thực tập mọi thứ mà Thầy đã chỉ dạy chúng con. Lần trước con có xin phép Thầy vào ngày mai 27/03 con sẽ từ Tiền Giang lên đảnh lễ, quy y và thọ giới. Thầy đã đồng ý cho con).
Dạ thưa Thầy nếu được, ngày mai cho con xin phép kính trình Thầy đôi điều, con mong Thầy chỉ dạy thêm cho con, để con biết rằng con đã thực tập đúng những lời Thầy đã chỉ dạy. Con thật biết ơn khi được nghe những lời chỉ dạy từ Thầy. Lòng con bồi hồi, xúc động không thể diễn tả được. Con cảm ơn Thầy rất nhiều. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Con Trí Toàn kính đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Con chào Thầy. Thứ 2 ngày 28 tháng 03 năm 2022 con đự kiến đến chùa đảnh lễ Thầy và con xin ở lại chùa 01 vài ngày xin thầy chỉ điểm giúp con, không biết Thầy có ở chùa những ngày ấy không ạ?
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Thầy ạ,
Con xin kính Thầy mấy dòng con mạn phép trình Pháp:
Tánh biết vốn tự mình soi sáng
Bị che mờ bởi tà kiến vô minh
Đắm chìm trong dục lạc ái tình
Khổ đau mãi luân hồi sinh tử
Kẻ u mê vẫn đắm chìm ngạo nghễ
Người tỉnh thức tìm nẻo đường về
Nương khổ đau làm bản lề dắt lối
Khi vinh quang cũng như lúc u tối
Vẫn trọn vẹn thấy biết rõ, thế thôi!
Luôn định tĩnh, sáng suốt, trong lành
Soi cho tỏ nơi thân - tâm - cảnh
Từng bước con tìm về với nẻo Chánh
Pháp vẫn luôn hiện hữu ở xung quanh
Vậy sao “cái ta” cứ mãi lanh chanh
Kiếm tìm chi nơi bên ngoài kia đó?!
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Mọi hôm con để pháp danh mà con tự đặt là Giải Không vì con đến với Phật pháp từ Kiếm đạo đến Thiền Tông, rồi đến Bát Nhã Tâm Kinh và mãn nguyện khi nghe pháp thoại Thực Tại Hiện Tiền của thầy. Hôm nay con xin bạch với thầy tục danh của con là Đàm Nhật Hoàng, năm nay 29 tuổi ạ. Thưa thầy, từ bấy đến giờ con vẫn băn khoăn về một bài thơ về hoa: "Nhất hoa nhất thế giới, Nhất diệp nhất như lai, Nhất sa nhất cực lạc, Nhất tiếu nhất trần ai". Con cảm thấy hay nhưng vẫn chưa kết nối được ý tứ trong các câu, đặc biệt là cuối cuối tại sao mỗi nụ cười là một hạt bụi trần. Hôm nay con nghĩ, mỗi bông hoa là cả một thế giới vì bông hoa không có tự tính mà vốn là một pháp duyên khởi, chính mọi tồn tại trong thập phương thế giới và mọi tồn tại trong quá khứ hiện tại vị lai cùng trùng trùng duyên khởi biểu hiện nên bông hoa trong sát na này, trong bông hoa có đám mây, có mặt trời, có hạt mưa, có ánh nắng, có phân bón, có chất đất khí trời, có sơn hà đại địa, có kết quả của quá khứ, có nguyên nhân của tương lai, có khả năng của hiện tại,… Bông hoa là tất cả, tất cả là bông hoa, như câu kệ mà con không nhớ của ai "Càn khôn tận thị mao đầu thượng, Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung". Vạn pháp diệu hữu ngay khi đang chân không, chân không ngay khi đang diệu hữu, như sư Pháp Nhãn nói "Hà tu đãi linh lạc, Nhiên hậu thủy tri không", con tạm dịch là "Không ngay trong mỗi sát na, Đâu cần phải đợi khi hoa héo tàn". Cái lý tương tức, tương nhập, tương duyên giữa các mặt tưởng chừng như biệt lập ấy tương tự như cái huyền đồng, thường hữu trong thường vô, thường vô trong thường hữu, hòa kỳ quang, đồng kỳ trần, trạm hề tự hoặc tồn, trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Hôm qua con có hỏi đạo trưởng Lăng Vân phái Võ Đang xem theo đạo trưởng có thấy lý Chân Không Diệu Hữu của Phật gia tương tự lý Thường Hữu Thường Vô của Đạo gia không, thì đạo trưởng nói đạo trưởng không nghiên cứu về Phật học nhưng trên Đạo học mà nói thì hữu và vô đồng xuất nhi nhị danh, hữu và vô không tách rời nhau mà chỉ là hai mặt của một thể. Tuy cách nói hữu vô khá trừu tượng và dễ hiểu lầm nhưng con thấy cũng có ý gần như sắc không trong Bát Nhã. Con có tự làm một bài kệ, thầy xem có được không ạ: "Chân không diệu huyễn hữu, Sinh trưởng hóa thâu tàng, Nhất thiết vô phương ngại, An ninh phất phảng hoàng, Tư khoảnh khắc hề tư xứ sở, Liễu tam thế hề triệt bát hoang, Vô lượng định hề vô lượng tuệ, Kiên thiết thạch hề cố kim cang", "Chân không huyễn hữu nhiệm màu, Trùng trùng sinh trưởng hóa thâu tàng hoài, Vô phương vô ngại tuyệt vời, Luôn an ninh chẳng rối bời mảy may, Bây giờ với cả tại đây, Hài hòa tam thế sum vầy bát hoang, Bền sắt đá vững kim cang, Định tâm vô tận tuệ quang vô cùng". Đó là nói về bông hoa ở bên ngoài. Bông hoa bên trong mình cũng vậy. Hôm nay đọc kinh Hoa Nghiêm con mới nghĩ có lẽ bông hoa này không chỉ là bông hoa trước mắt mà còn là bông hoa giác tính Chủng Chủng Quang Minh Hương Nhụy Tràng nơi tự tâm hằng phát minh ra trùng trùng Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải. Có lẽ ý cảnh của bài thơ là: Mỗi bông hoa khởi lên đều bao hàm trọn vẹn pháp giới để mình trải nghiệm (thực tại hiện tiền hay giác tính hiện tiền luôn hiển bày hoàn hảo), mỗi cánh hoa nở ra đều biểu hiện rõ ràng chân như để mình giác ngộ (thực tại hiện tiền hay giác tính hiện tiền luôn hiển bày như thị), mỗi hạt cát đều mở lối về miền tịnh độ để mình giải thoát (thực tại hiện tiền hay giác tính hiện tiền luôn hiển bày thanh tịnh), toàn tính là tướng, toàn tướng là tính, toàn tục là chân, toàn chân là tục, mỗi kiếp trần ai cũng chỉ là một kiếp du lịch, kiếp rong chơi, kiếp trải nghiệm, trong hành trình bất sinh bất diệt vô tận, biết như thế rồi thì dù ở đâu hay vào lúc nào, dù là đang ở nơi trần ai cũng có thể giác ngộ, giải thoát mà nở ra nụ cười vi tiếu. Nhất tiếu nhất trần ai không phải ví nụ cười với hạt bụi ô nhiễm, mà là trên mỗi hạt bụi cũng đều thấy thể lộ ra chân như, thấy khổ tập diệt đạo, thấy duyên giác, thấy thập độ, thấy tịnh độ, thấy niết bàn, thấy giác ngộ giải thoát mà nở nụ cười vi tiếu. Nhưng nếu phải dịch thì con không biết nên dịch như thế nào cho hay, nên con tạm dịch nôm na: "Tam thiên thế giới hiển bày, Ngay trong một đóa hoa này thắm tươi, Như lai cũng thể lộ rồi, Ngay trong mỗi lá rạng ngời sắc xanh, Cực lạc cũng ở chung quanh, Ngay trong mỗi hạt đất lành sẫm nâu, Giữa vô thường chẳng khổ đau, Nụ cười vi tiếu nhiệm màu như nhiên". Chữ "diệp" trong câu thứ hai ý là "cánh hoa" nhưng con dịch thành "chiếc lá", chữ "sa" trong câu thứ ba ý là "cát" nhưng con dịch thành "hạt đất", còn màu sắc thì con tự thêm vào thôi ạ, vì tất cả thực tại hiện tiền đều là biểu hiện chân thật của pháp nên con dịch thông như vậy; còn "trần ai" là hiện tượng giả danh vô thường, chỉ khi nào nhận ra vô thường không phải là khổ đau mà là con đường giác ngộ giải thoát thì mới có thể vi tiếu, nên con dịch thông như vậy. Hồi xưa con học văn thích những bài chau chuốt câu chữ, nhưng từ khi học Tâm Kinh thì con lại thích các bài kệ phác tố, giản dị, mạch lạc, trong sáng của các thiền sư, con cũng thường tập dịch các bài kệ bằng cách nôm na, như bài "Tào nguyên nhất trích, Thất thập dư niên, Thọ dụng bất tận, Cái thiên cái địa" thì con dịch là "Tào Khê một giọt nước thiền, Bảy mươi năm trọn dùng liền chưa vơi, Bao la mặt đất bầu trời, Ngập tràn chốn chốn nơi nơi khôn cùng". Hoặc bài tán Đại Nhật Như Lai: "Xích hà thốc ủng, Quân lâm sơn xuyên, Quang bị vạn vật, Thể không bất ngôn, Hải đào hung dũng, Xứ chi đạt quan, Thiên phong nộ hiệu, Bất động trang nghiêm, Nhân sinh như tư, Nghi pháp tự nhiên, Nghịch lữ vô thường, Hy đăng bỉ ngạn, Từ bi hỷ xả, Nguyên thanh khí mãn, Đại đạo trung trực, Chư sự tích duyên", thì con dịch: "Ráng đỏ rực rỡ vây quanh, Quân lâm nước biếc non xanh muôn trùng, Chiếu soi cho đến vô cùng, Thân không tịch tịnh chưa từng nhiễm ô; Rầm rầm bể động sóng xô, Tứ thông bát đạt tha hồ thênh thang, Trong gió thét trong sấm vang, Bất động chẳng đổi nghiêm trang chẳng dời; Kìa ai đứng giữa đất trời, Tuân theo phép tắc ngời ngời tự nhiên, Giữa vô thường chẳng đảo điên, Bước đi hy hữu tới miền an ninh; Từ bi hỷ xả mông mênh, Nước nguồn tinh khiết trong lành chứa chan, Thẳng tắp ngay ngắn tâm can, Nhân duyên tự khắc kết ngàn muôn hoa". Hoặc bài kệ vua Lý Thái Tông tán thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi: "Sáng tự nam lai quốc, Văn quân cửu tập thiền, Ứng khai chư phật tín, Viễn hợp nhất tâm nguyên, Hạo hạo Lăng Già nguyệt, Phân phân Bát Nhã liên, Hà thời lâm diện kiến, Tương dữ thoại trùng huyền" thì con dịch nôm na là "Sư vừa mới đến nước nam, Nhưng từ lâu đã nghe vang tiếng thiền, Mở mang trí phật vô biên, Muôn phương hợp lại một miền không hai, Trăng lăng già mãi sáng ngời, Bông sen bát nhã xinh tươi muôn phần, Khi nao gặp gỡ một lần, Cùng nhau bàn lẽ cao thâm nhiệm màu"; bài Nhất kích vong sở tri thì con dịch là "Tiếng vang tan rã sở tri, Đâu cần giả lập tu trì mới hay, Trong khi nhíu mắt nhướng mày, Là khi tự tính hiển bày đấy thôi, Bước chân không vấp chốn nơi, Uy nghi tràn ngập ra ngoài sắc thanh, Vầng trăng cứu cánh long lanh, Mười phương chung một ngọn ngành là đây".… Nói chung câu chữ của con còn thô thiển quá. Nhưng khi đọc đến thi kệ của thầy thì con thấy thật tự nhiên nhưng cũng thật nghệ thuật, thật giản dị nhưng cũng thật uyên áo, đọc câu nào thì câu đấy liền rõ ngay trong tâm mà không bị vướng mắc. Thầy có thể dịch giúp con trọn vẹn bài Nhất hoa nhất thế giới không ạ? Con đang định lồng vào một đoạn nào đó trong cuốn Thiền Kiếm Nhất Như mà con đang viết. Con xin cám ơn thầy ạ.
Ngày gửi: 26-03-2022
Câu hỏi:
Dạ con kính thưa sư ông.
Lần trước con được sự cho phép của sư ông làm công quả trên chùa vào chủ nhật hàng tuần. Trong tuần này con xin phép buổi tối thứ 7 này được ở trong chùa. Rồi buổi sáng nghe trà đạo ở chùa, rồi tiếp tục làm công quả luôn được không ạ.
Và con có một vấn đề trong cuộc sống thường ngày, con đã suy nghĩ rất nhiều, nhưng sợ làm phiền sư ông. Nhưng hôm nay con xin phép được đảnh lễ và xin được trình bày lên sư ông vào thời gian rảnh trong ngày mai được không ạ. Đó là những rối ren và sai lầm của con đã gây ra trong quá khứ. Con thành tâm muốn đến trình bày và sám hối với sư ông, với sự chứng minh của Người cho lòng thành của con. Sư ông, người đã cứu rỗi cuộc đời con ạ.
Nammo Buddha!