Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính đảnh lễ Chư Tôn Đức! Con đọc kinh thấy nói "Hồi hướng vô thượng bồ đề", nhưng con không hiểu là như thế nào. Kính xin Chư Tôn Đức từ bi chỉ dạy cho con được rõ hơn. Con thành kính cúi đầu đảnh lễ tạ ơn Chư Tôn Đức.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vô Thượng Bồ-đề tức là trí tuệ giác ngộ (tuệ giác) không có gì sánh bằng. Hồi hướng là bất kỳ lúc nào làm công đức gì cũng nghĩ đến. Một vị bồ-tát dù đang làm công hạnh gì cũng luôn nghĩ đến mục đích thành tựu tuệ giác Vô Thượng Bồ-đề nên gọi là hồi hướng Vô Thượng Bồ-đề.
Câu hỏi:
Con xin hỏi ở VN có chùa (nơi nào) dạy pháp niệm thọ (theo phương pháp của ngài Goenka) hay không? Con thành kính cám ơn sự trả lời của quý sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hiện nay chưa có chùa nào chuyên dạy thiền Niệm Thọ của Thiền sư Goenka. Thỉnh thoảng ở chùa Nguyên Thủy (Giồng Ông Tố, Quận 2) và Tịnh xá Ngọc Thạnh (Thủ Đức) có mở khóa dạy môn thiền này. Xin liên lạc với các địa chỉ nói trên để biết thêm tin tức.
Câu hỏi:
Xin dược hỏi: 1. Tại sao người tu thấy khổ sinh tử và mong ra khỏi luân hồi? 2. Nói vô thường có gieo bi quan chán nản cho con người không? 3. Tại sao nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước trong 4 biển?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đúng vậy, chỉ khi nào thấy khổ sinh tử luân hồi thì người ta mới tu để ra khỏi nó, nếu không người ta vẫn ham mê trong dục lạc cõi trần gian. Sinh tử luân hồi là thế giới do vô minh dục vọng của "cái ta ảo tưởng" tạo ra. Rốt ráo mà nói, nó không có thật, nhưng nó rất thật giống như cái thật của người hoang tưởng. Người bị bệnh hoang tưởng khổ vui trong hoang tưởng của chính mình, ai nói gì cũng không chịu nghe. Nhưng khi biết mình bệnh rồi ai mà chẳng muốn ra khỏi, phải không con?
2) Con nói ngược rồi đó. Nếu con bệnh mà con tin rằng bệnh con cứ mãi mãi như vậy không thể thay đổi mới bi quan đó. Nghĩa là nếu không vô thường thì làm sao con chữa lành bệnh được? Nếu người mẹ sinh ra một em bé mà nó cứ mãi... như vậy, không chịu lớn tí nào, thầy chắc rằng bà mẹ nào cũng sẽ lạc quan khi thấy vô thường đến với con mình để nó lớn lên từng giây từng phút, phải không con?
3) Con cứ lấy máy tính ra mà tính thử đi. Thôi cho mỗi người trong đời mình chỉ chảy ra 1 lít nước mắt thôi, thì từ khi trái đất này có sinh vật cho đến bây giờ nước mắt của tất cả sinh vật cộng lại sẽ là bao nhiêu? Thực ra, Đức Phật nói như vậy để muốn nhắc nhở chúng ta rằng đừng nên làm cho ai đau khổ nữa. Con thấy có ví dụ nào ấn tượng hơn để người ta ngừng làm khổ lẫn nhau như thế không, vậy mà người ta vẫn không nghe, phải chăng trái tim con người từ lâu đã hóa đá rồi?
Câu hỏi:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính thưa quý Tăng Ni. Con xin được hỏi phụ nữ chúng con hàng tháng có những ngày bất tịnh thì chúng con có thể tụng kinh hay niệm Phật được không? Con nghe một số người nói là được nhưng cũng có một số nói không. Con không biết bên nào đúng. Mong quý sư cho con câu trả lời. Kính tri ân.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có hai loại bất tịnh: Thân bất tịnh và tâm bất tịnh.
- Thân bất tịnh cũng có hai: Thân không sạch sẽ và thân làm điều ác. Người nhiều tham ái nên quán thân bất tịnh, như 32 thể trược chẳng hạn, để thấy chẳng có gì đáng tham đắm nơi xác thân này. Nhưng thân bất tịnh mà đạo Phật muốn nói là thân làm ác, hại mình hại người. Thực ra thân dù tắm rửa sạch sẽ đến đâu vẫn là bất tịnh, nhưng nếu thân bất tịnh đó làm điều lành, lợi mình lợi người, thì vẫn xem là nghiệp thân thanh tịnh. Vậy khi con làm điều gì lành là thân con thanh tịnh, còn cái xác thân thì biết đời nào mà thanh tịnh được!
- Tâm bất tịnh cũng có hai: Bất tịnh do quả và bất tịnh do nhân. Tâm buồn bực khổ sở do thọ quả gọi là tâm bất tịnh do quả của nhân bất thiện trước kia. Còn nếu con khởi tâm tham. sân. si, ngã mạn, tà kiến để tạo ra nghiệp ý bất thiện thì đó là tâm bất tịnh do nhân tạo nghiệp ác hiện tại.
Nói tóm lại, chỉ cần thân tâm hành động, nói năng, suy nghĩ tốt lành, hiền thiện là thân tâm thanh tịnh, còn thân dù thế nào thì cũng vẫn là thân bất tịnh thôi.
Câu hỏi:
Con thành kính đảnh lễ Ngài HT Viên Minh tam bái và kính gởi đến Ngài lời cầu chúc sức khỏe. Có những việc con chưa được liễu thông, thành tâm cung thỉnh tôn ý và lời chỉ giáo của Ngài. Kính bạch Ngài, theo con thấy những gì mình đang có trong tay hoặc không có, đều là do nghiệp lực của quá khứ mà đủ nhân đủ duyên sẽ trổ ra quả, theo luật nhân quả con hiểu là vậy. Và con hiểu rằng lý nhân quả không thể nghĩ bàn được. Nhưng thời nay có rất nhiều tín ngưỡng nơi thần, thánh, tiên, Phật, Tổ sư, v.v... Người ta thờ phượng các vị đó để mong cầu được cái nầy cái kia. Nếu sự việc xảy ra như mình mong đợi thì cho là linh thiên linh ứng. Còn nếu ngược lại thì cho là chưa thành tâm thành ý hoặc đã tu sai! Niệm Phật cũng vậy, chỉ là mong cầu đến sự tiếp độ vãn sanh thế giới cực lạc hoặc mong cầu việc nầy việc kia,v.v... Như vậy thờ phượng vái lạy với cái tâm mong cầu có đúng không, có được các vị ấy giúp đỡ không? Các vị Bồ-tát thường có hạnh nguyện phổ độ chúng sanh, các vị ấy có thực chăng? Theo con thấy, Phật hay Bồ-tát cũng do cái tâm của mình. Luôn giữ chánh niệm tỉnh giác, có sự sáng suốt hay biết một cách chính xác không lầm tức là có Phật hay Bồ-tát ở trong tâm mình, có sự tôn kính chứ không phải sự mê tín. Nều sự suy xét của con có gì sai thành tâm mong Ngài từ bi chỉ dạy cho con được liễu tri am tường. Cầu chúc Ngài luôn thân tâm thường lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một cách tổng quát những điều con hiểu về nhân quả nghiệp báo, về niềm tin quần chúng, về niệm Phật, về quan niệm Bồ-tát đều là nhận thức đúng. Hiểu biết đúng về nhân quả nghiệp báo để học ra từ đó bài học về chính mình và bản chất cuộc sống là một bước tiến khá xa trên đường giác ngộ. Nếu đã thấy biết đúng như vậy thì người ta sẽ không quá ỷ lại vào Phật Trời, Thần Thánh hay chư Bồ-tát nữa, mà chính yếu là phải biết tự mình chuyển hóa nghiệp chướng của mình. Niệm Phật mục đích để tâm được nhất niệm thanh tịnh, chứ không phải để cầu xin Phật Trời phù hộ hay rước về cõi Phật. Bồ-tát là người lấy trí tuệ làm sự nghiệp, mà trí tuệ luôn thấy rõ mọi nhân duyên sinh khởi để không bị mê lầm chìm đắm nên gọi là "cứu độ chúng sinh", thực ra mỗi người là vị Bồ-tát duy nhất cứu độ "chúng sinh" nhân duyên sinh khởi nơi chính mình. Luôn chánh niệm tỉnh giác chính là hành động "cứu độ" của tự thân Bồ-tát. Chúc mừng con đang tiếp cận với sự thât.
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính Bạch Quí Thầy. Tình cờ con vào xem trang web của chùa Bủu Long thấy có những câu hỏi được Quí Thầy trả lời. Lòng con cảm thấy như tìm được con đường sáng. Nay con có một thắc mắc nhờ Quí Thầy chỉ dẩn cho con: Con nay đã 57 tuổi. Lúc nhỏ con có học trường TH Bồ Đề có học thêm phần giáo lý Phật Giáo do Quí Thầy giảng giải. Từ đó trong tâm con đã có Phật tánh. Sau một thời gian dài con cũng thường đi chùa lể PHẬT. Năm 2002, ba con sắp mất mà ba con lại theo đạo Cao Đài, ý ông lại muốn về Tòa Thánh Tây Ninh. Con có đến Thánh Thất Sài Gòn để hỏi thăm thì các vị Chức Sắc lại bắt buộc con cái phải tiếp tục theo đạo. Nhưng anh em con không ai chịu theo nên ba con đã chỉ con vì con là anh cả và ba con đã nói rằng con không được bỏ. Con có hứa với ba con mà lòng con lại rất buồn vì thú thật con rất thích Đạo PHẬT. Sau đó con nhập môn nhưng con đã kinh hoàng vì họ đã bắt con thề là nếu sai quấy sẽ bị Trời tru Đất diệt! Từ đó đến năm 2008 là được 6 năm, con tham gia đầy đủ nghi lễ của Đạo, nhưng có một điều là trong 6 năm đó ở nhà con có bàn thờ PHẬT và hằng đêm con vẩn tụng kinh Pháp Hoa. Sự việc bắt đầu từ đầu năm 2008, con được Tòa Thánh phong chức Phó Trị Sự đặc trách Quận 5 TP Hồ Chí Minh. Họ lại bắt con thề nữa để nhận quyết định. Con chịu hết nổi và con đã bỏ luôn đến nay. Con ở nhà, buổi trưa tụng kinh A-di-đà và kinh Sám Hối Hồng Danh, chiều đi chùa Phật gần nhà, tối tụng kinh Pháp Hoa. Con ăn chay kỳ 10 ngày trong 1 tháng từ năm ba con mất. Và từ đầu năm đến nay con đã ăn chay trường luôn. Xin Quí Thầy cho con hỏi: 1) Con có mang tội bất hiếu với ba con không? 2) Con có bị Trời tru Đất diệt không vì tội bỏ đạo Cao Đài? 3) Những người trong Đạo Cao Đài nói rằng con sẽ bị thê thảm trước khi chết và không thể chết được trừ khi ăn năn trở lại đạo! 4) Có phải con có duyên với đạo PHẬT không vì con thấy đạo kia không có chơn lý mà hình như họ thần quyền, chỉ có thưởng phạt mà thôi, không có lòng từ bi như đạo PHẬT, còn giáo lý của họ nói chung chung về Thượng Đế con không thể hiểu nổi. 5) Lòng con rất muốn qui y nhà PHẬT nhưng không hiểu tại sao con chưa thực hiện, có phải tại con kén chùa không? 6) Con mua kinh sách băng đĩa của chùa Hoằng Pháp ở nhà tự tu lấy, việc đó có sai quấy không? Xin Quí Thầy cho con một lời chỉ bảo. Cầu ơn trên ban cho Quí Thầy nhiều sức khoẻ để dìu dắt chúng con trên đường đạo. Nam mô A Di Đà Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Hiếu thảo không có nghĩa là cha mẹ nói gì phải nghe nấy. Thậm chí đức còn Phật dạy nếu cha mẹ không đi đúng chánh đạo thì con cái phải cố gắng giúp họ quay về đường chánh mới là có hiếu.
2) Đạo hữu yên tâm đi. Nếu là chánh đạo thi luôn dạy con người trở nên tốt. Vậy đạo hữu đang tu hành tốt thi làm sao Trời tru Đất diệt được.
3) Đạo hữu tu hành theo đường tốt là được rồi. Còn người chết thê thảm hay không là do nghiệp quá khứ. Vì vậy chết thế nào là do luật nhân quả nghiệp báo chứ không ai có quyền định đoạt. Điều quan trọng là lúc lâm chung tâm có ổn định, sáng suốt hay không mà thôi. Nếu một người chết rất đẹp nhưng tâm người ấy lúc đó lại sợ hãi, luyến tiếc, hận thù, cố chấp v.v... thì mới là thê thảm.
4) Thầy nghĩ không phải đạo Cao Đài xấu mà đôi lúc do những người theo đạo quá chấp nê nên đặt ra thêm luật lệ để ràng buộc người theo đạo mình thôi.
5) Quy y có hai mặt: hình thức và nội dung. Về hình thức, đến một ngôi chùa xin quy y và được một vị thầy đại diện Tam Bảo truyền tam quy ngũ giới cho là trở thành người Phật tử đã quy y Tam Bảo. Về nội dung thì người nào tin theo Phật Pháp, thường sáng suốt trong hành động, nói năng, suy nghĩ gọi là quy y Phật. Thường đủ trầm tĩnh để hành động nói năng suy nghĩ theo sự thật là quy y Pháp. Và thường hiền thiện, chánh trực trong hành động nói năng suy nghĩ là quy y Tăng. Nhiều khi quy y có đủ hình thức nghi lễ nhưng không thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong hành động nói năng suy nghĩ thì coi như chưa quy y. Ngược lại một người chưa quy y nhưng tin Tam Bảo và thường sáng suốt, định tĩnh trong lành trong hành động nói năng suy nghĩ thì còn hơn người đã quy y.
6) Mua kinh sách, băng đĩa về nghe là tốt, nhưng đừng nghe gì tin nấy mà phải suy tư, chiêm nghiệm và thực hành xem có thật sự đem lại sáng suốt, định tĩnh, trong lành không, có đem đến nhẹ nhàng thanh thoát không mới theo. Chúc đạo hữu thân tâm an lạc.
Câu hỏi:
Kinh bach Chu Ton Duc Tang Ni. Kinh thua quy thay. Xin cho con duoc hoi la mot nguoi Phat tu co tim hieu, hoc va tu tap theo Phat phap, hay tung kinh, tri tung Chu Dai Bi, la nguoi rat tin vao Phat phap, vao ly nhan qua cua nha Phat. Tuy nhien, trong cuoc song gap nhieu lan dan va kem may man, co the la do nghiep cua con qua nang, phuoc duc khong co nhieu... Da nhieu lan ban be than thuoc bao con di xem boi, xem tu vi, xem sao han cua minh nhu nao de biet ma ne tranh va han che. Con cu suy nghi mai khong biet co nen khong, co gi do khong dung voi tinh than nha Phat khong? Kinh tri an quy thay, con mong som duoc hoi am.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khổ sở lận đận đúng là do nghiệp nhân quá khứ bây giờ đang trở thành duyên quả. Cũng không cần phải biết trước mình sẽ ra sao, mà chỉ cần dù lao đao lận đận bao nhiêu thì cũng cứ sống tốt, cứ giữ tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành là được. Như thế mới thật gọi là tin Phật Pháp, tin nhân quả. Người ta có lý khi nói: "Cảnh khổ là nấc thang cho bậc anh tài, là kho tàng cho người khôn khéo, nhưng là vực thẳm cho những kẻ yếu đuối". Vậy nhờ khổ mà con học ra biết bao bài học quý giá trên đường đạo như: nhẫn nại, cảm thông, thương yêu, hỷ xả, bao dung và nhất là suốt thông được đạo lý sống. Vậy đúng là: "Con người là kẻ học nghề, mà thầy là những ê chề đớn đau". Con thấy sao?
Câu hỏi:
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni. Con là Phật tử mới biết qui hướng về Tam Bảo. Con có vấn đề chưa hiểu về ý nghĩa HỘ TRÌ PHẬT PHÁP là như thế nào? Xin từ bi chỉ dạy cho con hiểu rõ hơn. Con xin cảm ơn Quý Ngài rất nhiều. Thành kính cúi đầu đảnh lễ tri ân. Kính chúc Quý Ngài Vô lượng kiết tường.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hộ trì Phật Pháp hiểu theo nghĩa thông thường là duy trì và hoằng dương giáo lý mà đức Phật đã giảng dạy, bằng cách dịch thuật, ấn tống Kinh Điển, học Pháp, thuyết Pháp, trì tụng Kinh Luật v.v. kể cả việc xây chùa, hộ Tăng cũng là gián tiếp hộ trì Phật Pháp. Tuy nhiên, với nghĩa sâu hơn, hộ trì Phật Pháp là thực hành theo Giáo Pháp của đức Phật.
Mặt khác, chúng ta nên lưu ý một lời Phật dạy là "Pháp hộ trì người thực hành theo Pháp". Ở đây không còn là hộ trì Phật Pháp mà chính là Phật Pháp hộ trì. Khi có nhiều người thực hành đúng theo Chánh Pháp và đạt được giác ngộ giải thoát thì không những Phật Pháp ngày càng hưng thịnh (hộ trì Phật Pháp) mà đồng thời Phật Pháp cũng đem lại nhiều lợi lạc cho người thực hành và cộng đồng xã hội (Phật Pháp hộ trì).
Câu hỏi:
Đóng góp của Phật giáo cho nền văn hóa thế giới?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Xin lỗi bạn, câu hỏi của bạn quá lớn, phải viết nhiều cuốn sách mới trả lời hết. Hiện nay có rất nhiều sách viết về đề tài này, tiếng Việt cũng như tiếng Anh. Bạn có thể tìm đọc ở các thư viện Phật giáo như Thư Viện chùa Quán Sứ, Thư viện Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP. HCM v.v... hoặc trên nhiều trang Web Phật Giáo như Budsas, Thư Viện Hoa Sen, v.v... Chúc bạn tìm được nhiều tài liệu cho nghiên cứu của bạn.
Câu hỏi:
Con niệm Phật đã lâu. Con thấy rất an lạc. Con xin hỏi thầy một câu là sao con thấy đầu óc con rất tĩnh, nó không còn vọng tưởng mà sao trong lúc làm việc không nghe tiếng niệm Phật?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm Phật có mục đích giúp tâm được nhất niệm thanh tịnh. Tâm con đã yên tĩnh không vọng động như vậy là tốt rồi còn muốn nghe tiếng niệm Phật làm gì nữa. Khi tâm không còn vọng động, đã nhất niệm thanh tịnh thì nó tự chuyền thành chánh niệm tỉnh giác, soi chiếu các pháp một cách trung thực. Ví dụ như khi con làm việc thì tâm phản ánh việc làm một cách rõ ràng minh bạch, không bị phân tán hay bị bên ngoài chi phối, nhờ đã nhất niệm thanh tịnh. Nếu lúc đó mà con còn nghe tiếng niệm Phật thì tâm đã bị phân tán giữa "nghe niệm Phật" và công việc đang làm, như vậy là đã mất nhất niệm thanh tịnh rồi! Tóm lại với tình trạng hiện thời của con, không nghe văng vẳng tiếng niệm Phật là tốt.