Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Con tên là Anh Duy, pháp danh Huệ Truyền. Bạch thầy: Để đạt được sự cảm ứng của các đức Phật và chư vị Bồ Tát thì có cần nhất thiết phải niệm Phật nhiều hay không? Chứ con đã niệm Phật được hơn nửa năm rồi, mà con thành tâm van vái được học giỏi, trí tuệ sáng suốt nhưng cho đến bây giờ con vẫn chưa đạt được ước nguyện đó. Xin thầy chỉ cho con cách nhận được sự cảm ứng của chư vị Bồ Tát. Con cám ơn thầy nhiều ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Niệm Phật có mục đích giúp tâm nhất niệm. Niệm nhanh hay chậm tùy con, miễn sao tâm nhất niệm là được. Khi nhất niệm, tức không còn tạp niệm hay vọng niệm, chính là lúc tâm con thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đương nhiên có thể cảm thông với tánh thanh tịnh của chư Phât. Và cũng nhờ nhất niệm mà con có thể tập trung vào việc học tốt hơn, kết quả hơn, chứ không phải nhờ van vái oai lực chư Phật chư Bồ-tát mà được. Đó cũng là điều để con chiêm nghiệm thêm về sự vận hành của luật nhân quả nghiệp báo, như con đã hỏi trong câu trước. Chúc con luôn nhất niệm và học hành tiến bộ bằng chính sự chú tâm và sáng suốt của mình, không ỷ lại vào ai khác.
Câu hỏi:
Con xin kinh le chu Tang Ni. Con dang tim hieu ve Phat giao Nam Tong. Cho con hoi Gioi luat doi voi cac vi ty kheo theo Phai Nam tong la gi? Neu bi dut gioi thi lam sao? Con muon tim hieu them ve cac gioi trong phai Nam Tong thi lam sao? Nam tong va Bac tong thi cac gioi luat khac nhau nhu the nao? Con xin cam on quy Su.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Muốn tìm hiểu giới luật tỳ kheo Nam Tông bạn nên xem cuốn Gương Bậc Xuất Gia của Hòa Thượng Hộ Pháp hoặc cuốn Luật Nghi Tổng Quát của Thượng Tọa Giác Giới, có phát hành tại chùa Bửu Long. Tỳ kheo đứt giới có nhiều loại: Đứt giới nhẹ thì sám hối, đứt giới trung thì hành phạt, đứt giới nặng thì trục xuất. Nói chung giới luật Bắc Tông và Nam Tông cơ bản là giống nhau, chỉ khác những phần thêm vào về sau mà thôi, nhưng không nhiều lắm. Bạn cứ tìm hiểu thêm sẽ rõ. Chúc bạn thành công.
Câu hỏi:
Nam Mo Bon Su Thich Ca Mau Ni Phat. Con kinh danh le Chu Ton Duc Tang Ni. Con xin hoi: Con thuong nghe Chu Tang giang "kheo tac y". Thua thay, theo con hieu, chu "kheo tac y" la "kheo suy nghi". Nhu vay co dung khong? Kinh xin thay tu bi chi cho con. Kinh tri an.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tác ý có hai loại: Như lý tác ý (yoniso manasikara) và phi như tác ý (ayoniso manasikara). Tác ý có nghĩa là ý hướng của tâm. Khi làm việc gì cũng đều phải có ý hướng đi trước, nếu ý hướng đúng (như lý tác ý) thì việc làm sẽ đúng, nếu ý hướng sai (phi như tác ý) thì việc làm cũng sai. Khéo tác ý tức có ý hướng đúng hay có như lý tác ý vậy. Nhiều người dịch tác ý là suy nghĩ nhưng thực ra suy nghĩ cũng cần có tác ý đúng mới suy nghĩ đúng, vậy tác ý còn đi trước cả suy nghĩ nữa. Khi quán chiếu theo Vipassana thì chỉ cần trực giác chứ không cần suy nghĩ nhưng vẫn phải có như lý tác ý mới thấy đúng thực tánh.
Câu hỏi:
Xin hỏi trong Phật pháp, câu: "Ở hiền gặp lành" có hay không? Cám ơn.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
"Ở hiền gặp lành" là câu nói nhân gian của người Việt Nam, nhưng cũng là hệ luận của luật nhân quả nghiệp báo trong Phật Pháp. Cái gì là chân lý đưa đến giác ngộ giải thoát đều là Phật Pháp, không nhất thiết điều đó Đức Phật có nói hay không. Tốt nhất bạn nên chiêm nghiệm cho thấu đáo rồi hãy tin, đừng vội tin chỉ vì câu nói đó do đức Phật hay vị đạo sư nào đó đã thuyết. Một câu nói không quan trọng mà sự chứng nghiệm của bạn trên sự thật mới thực sự giúp bạn giác ngộ. Một câu nói dù hay dù đúng vẫn vô nghĩa với người không tự mình thể nghiệm, giống như cái vá trong nồi canh không tự biết được canh ngon hay dở, phải không bạn?
Câu hỏi:
Mo Phat, kinh bach thay! Con la nguoi Phat tu. Moi lan con niem Phat, thinh thoang vong tuong trong tam khoi day, ma vong tuong cua con la khong ton kinh Phat. Con rat so va so bi doa dia nguc lam! Con dang niem Phat ma lai khoi len mot tam khac khong ton kinh Phat! Con biet ma khong kiem che duoc. Xin Thay cho con hoi do la nghiep nhieu doi kiep cua con hay la con phi bang Phat? Con xin Thay chi day cho. Mo Phat.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bạn đừng quan tâm đến cái gì khởi lên khi bạn đang niệm Phật. Thường khi chúng ta làm một điều gì đều có lực đối nghịch, cản trở việc làm đó. Đừng lo lắng, bạn càng chuyên chú vào câu niệm Phật thì lực đối nghịch càng giảm đi và tự động biến mất khi bạn đạt được nhất niệm. Lực đối nghịch có vẻ như bất lợi cho bạn nhưng thật ra đó là thử thách giúp bạn vững vàng hơn trong hành trình đi đến nhất niệm. Có câu nói rằng: Tu tâm đừng mong được dễ dàng vì dễ dàng thì không thể thấu suốt được bản tâm. Hãy chuyên tâm niệm Phật rồi mọi chuyện sẽ tự động giải quyết.
Câu hỏi:
Kính thầy! Con mới biết đến Phật pháp, lòng con còn nhiều khúc mắc. Xin thầy cho con hỏi: Trước khi sinh ra tôi, tôi là ai. Chưa từng sinh ra tôi, tôi la ai? Xin cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin hỏi bạn một câu: "Hiện giờ bạn là ai vậy?". Có hai giả thiết: Một là bạn không biết hiện giờ bạn là ai, vậy thì có nói cho bạn biết trước khi bạn sinh ra là ai cũng vô ích thôi. Hai là bạn đẫ thật sự biết hiện giờ bạn là ai thì câu trả lời sẽ không cần thiết nữa, phải không bạn? Giống như một cậu học sinh được gọi lên bảng giải một bài toán. Cậu ta hỏi thầy giáo: "Trước khi có bài toán này là cái gỉ?". Thầy giáo nói: "Cậu cứ giải bài toán đi đã rồi ta sẽ trả lời cho. Nếu cậu giải được thì tất nhiên cậu đã biết những gì cậu có trước đây, cần gì phải hỏi. Còn nếu không giải được tức là cậu đã không học bài, vậy trà lời cho cậu liệu có ích gì?" Mong rằng bạn đã thấy ra vấn đề của bạn.
Câu hỏi:
Mô Phật, cho con hỏi là: con người vì sao lại có mặt trên cuộc đời để rồi phải chịu luân hồi sinh tử?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vấn đề không phải là vì sao con người có mặt trên đời để phải chịu luân hồi sinh tử, mà là vì sao hiện giờ con đang khổ. Hãy quan sát chính mình để thấy ra vì sao con đang khổ rồi con sẽ biết tại sao con phải sinh ra đời với những nỗi khổ đau ấy. Thầy không muốn giải thích dài dòng theo kinh điển hay một lý thuyết triết học hoặc khoa học nào để chứng minh cho sự thật ấy. Điều thú vị chính là tự con khám phá ra câu trả lời đúng đắn bằng chính sự quan sát, học hỏi, chiêm nghiệm của mình. Chúc con sớm thấy ra câu trả lời ổn thỏa.
Câu hỏi:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Con kính đảnh lễ chư Tăng và quý Tu nữ. Con xin hỏi là trong thời gian sắp đến khi nào Tổ đình Bửu Long có tổ chức lễ quy y Tam Bảo và Phật tử nếu muốn tham gia thì cần chuẩn bị những gì ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Quy y thì ngày nào cũng được, không nhất thiết phải tổ chức vào một ngày đặc biệt nào đó. Thường những ngày lễ lớn như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Tư, lễ Vu-lan báo hiếu v.v.... đều có truyền Tam Quy, ngũ giới. Nhưng ngày thường nhiều người vẫn đến xin quy y. Quan trọng là ở chỗ hiểu ý nghĩa quy y là gì và có tự nguyện quy y hay không chứ không phải là tổ chức quy mô hay chọn ngày đặc biệt nào đó. Có thể là con nên xin hẹn ngày trước để khi con đến chùa chư Tăng không đi vắng hoặc bận công việc gì khác là được.
Câu hỏi:
Xin cho con hỏi, con có đọc trên một diễn đàn Phật pháp nói về cách niệm Phật bằng cách mặc niệm mỗi chữ A DI ĐÀ PHẬT. Khi đọc trong tâm chữ A và 1 giây sau mới niệm chữ DI. Nhung sao khi niệm trong tâm, tiếng niệm Phật không đuợc rõ ràng. Cho con hỏi có cách nào để tiếng niệm Phật trong tâm rõ ràng không ạ? Xin các thầy hoan hy chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sở dĩ đưa ra cách đó để người niệm có thể chú tâm dễ dàng hơn. Thực ra niệm Phật có nhiều phương pháp khác nhau nhưng tựu trung cũng chỉ để tâm được nhất niệm, không tán loạn. Vậy điều quan trọng là con có chú tâm nhất niệm được không, có bớt tạp niệm không, có bị thất niệm không, chứ không phải con có thực hiện được đúng theo qui định của phương pháp nào hay không. Muốn nhất niệm con càng nên niệm đơn giản chừng nào càng dễ chú tâm chừng đó. Ngược lại, khi con quan tâm xem mình có niệm đúng thế này thế nọ chưa thì tâm con đã bị tán loạn, nghi hoặc làm sao nhất niệm được nữa. Hãy suy nghĩ kỹ con nhé.
Câu hỏi:
Kinh bach quy Ngai! Cho con mao muoi hoi la: Su phu cua con la hoc tro cua mot vi thuong toa nen dung ra con phai goi vi nay la su ong! Bay lau con duoc su phu cua con gui cho di theo hoc hoi vi do. Tu truoc den gio con chi don gian goi la Thay, bay gio con lon, con muon hoi la nen xung ho nhu the nao cho dung? Con mong quy Ngai tra loi cho con!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Xưng hô có nhiều cách. Cách chung là gọi: Sư, Thầy, Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, Ngài, Ôn... tùy theo giáo phẩm của vị ấy. Cách thân mật là gọi: Sư huynh, Sư đệ, Sư phụ, Sư thúc, Sư bá, Sư ông... Vậy nếu gọi theo cách thân mật không tiện thì con cứ gọi theo giáo phẩm là được.