loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 23-09-2017

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ thầy.
Thưa thầy con xin trình pháp.
Thưa thầy có một việc mà con không hiểu và con biết phải tự mình mở ra. Đó là ai tu, ai nghe pháp và ai biết pháp. Trong cái thấy hạn hữu con xin trình bày:
Tướng biết tu trong sự soi sáng vô hình của tánh biết. Bản ngã sinh lên thu hút tướng biết theo ý đồ của nó. Khi nhận ra các tâm sinh diệt là phản ứng quán tính của bản ngã và luôn thu hút tướng biết theo ý đồ của nó thì chính tướng biết vô vi vô ngã buông ra, không chạy theo và trở về với tánh biết thì tánh tướng đều vô ngôn nhưng vẫn biết.
Khi thất niệm tức tướng biết bị lôi cuốn theo dòng tâm sinh diệt của bản ngã thì cái biết mà hiện hữu hằng ngày trong đời sống mỗi người là cái biết trong tình trạng vô minh nên gọi là mộng. Khi tỉnh ra (chánh niệm, tỉnh giác) thì không còn trôi lăn trong tình trạng mộng mị nữa.
Bản ngã không phải là một chủ thể có ý chí và đầy sự khôn khéo. Bản ngã chỉ hoạt động theo một lập trình. Nếu là thái độ thì thái độ lấy cái thực của pháp làm cái gốc để hợp thức hóa lý do sinh khởi. Nếu là trạng thái thì nó sinh lên một cách bất giác (chỗ này con cũng chưa rõ lắm). Chính vì vậy bản ngã thực chất nó cũng vô ngã vì nó hoạt động theo lập trình mà như là pháp an bài. Có lẽ vì vậy mà thầy luôn nhắc nhở chúng con là thấy ra chứ không phải đoạn tận bản ngã. Và có lẽ vì vậy mà thầy dạy bản ngã giúp tánh biết phát huy trí tuệ và đạo đức.
Con thành kính tri ân thầy. Con chúc thầy luôn mạnh khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-09-2017

Câu hỏi:

Kính gửi Sư Ông,

Đầu thư con kính chúc Sư Ông luôn khỏe mạnh, để là ngọn hải đăng hướng dẫn Phật tử chúng con tu tập ạ! Con xin phép trình pháp mà con đã trải nghiệm, từ sự tu tập của riêng con ạ. Lúc con đang ngắm nhìn hoa trên ban công nhà con, con chợt thấy là đằng sau cái thấy thường ngày còn có một cái thấy lặng lẽ, chỉ đơn thuần là nhận thấy, chiếu soi, tuyệt đối vô ngã. Và xung quanh con tự nhiên sáng rỡ ra trong phút giây đó, tiếng chim hót cũng rõ và rạng ngời hơn thường ngày ạ. Và con mỉm cười như thấu hiểu những gì Phật Tổ đã dạy dù là cái tỏ ngộ này chỉ là trên kiến giải thôi ạ! Con càng hiểu được bên trong mình luôn có một ông Phật luôn thấy và luôn nghe, như công án Tiếng vỗ của một bàn tay, để nói lên tánh nghe không sinh diệt, không có tiếng vẫn nghe, đó chính là ánh sáng của Tâm. Để ứng dụng cái hiểu này, con trong cuộc sống bình thường vẫn buông xả, trọn vẹn tỉnh thức trong đi đứng nằm ngồi, sáng ngời trong hiện tại ạ!
Dạ vâng, con xin phép được dừng bài trình pháp tại đây ạ! Kính mong Sư Ông từ bi khai thị cho con được hiểu thêm là con đang thực hành có đúng đường không ạ? Con xin chân thành tri ân Sư Ông!
Trân trọng,
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-09-2017

Câu hỏi:

Thưa Thầy kính mến.
Thầy không trả lời câu hỏi trước của con chính là câu trả lời hay nhất cho con. Qua các bài pháp thoại, các bài hỏi đáp con đã phần nào thấy được các pháp đang là. Con liên tưởng mình cũng như một cái máy tính mà thân tứ đại này như phần cứng của máy tính còn tâm hồn, trí tuệ, bản ngã... như các phần mềm ứng dụng. Bản ngã chính là virus độc hại còn Phật pháp là một phần mềm diệt rút. Nếu thường xuyên quét virus thì máy tính chạy tốt. Cũng như vậy một người phải thường xuyên cảnh tỉnh bản thân mình thì sẽ dần trở thành người tốt được. Con cũng có cảm nhận là những gì Thầy nói cũng chính là những trải nghiệm trong đời con.
Tuy nhiên cái gì cũng phải có chừng mực, vừa đủ giới - định- tuệ thì tốt nhất, phải không ạ? Con thấy các bài giảng của Thầy rất hay và hình như con đang tham lam muốn nghe tất cả các bài giảng của Thầy. Muốn học hết tất cả các bài Thầy giảng. Bất cứ lúc nào rảnh con lại học, hết nghe thì đọc. Vì thế mấy ngày nay con thường trong trạng thái "lâng lâng", đầu đau ê ẩm. Không biết tình trạng của con có giống phật tử nào không hả Thầy?
Con kính đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-09-2017

Câu hỏi:

Con xin chào Thầy,

Gần đây con có chiêm nghiệm nhiều về chữ “Nghi” trong cuộc đời con và của những người xung quanh. Con có rút ra 1 câu nhưng con không biết đúng không, con xin trình đến Thầy. Con nghĩ: “đoạn nghi là bình an” hoặc xa hơn là “đoạn nghi là Niết bàn”.

Con thấy lúc con chưa tu thì vẫn còn loay hoay chọn lựa nhiều thứ của thế gian: học trường nào, làm nghề nào, yêu người nào, mặc quần áo, giày dép của hiệu nào, mua điện thoại Apple hay Android, mua xe hãng nào tốt, đi làm công ty lớn nhưng lương không cao, hay chỗ lương cao nhưng công ty nhỏ, hay chỗ có môi trường phù hợp nhưng lương không cao…

Từ khi biết tu thì gần như không còn phải chọn lựa những thứ của đó nữa. Mỗi buổi sáng rất hạnh phúc là mình không còn phải chọn 1 trong hàng chục cái áo như lúc trước nữa, vì giờ cái nào cũng gần như giống nhau và chỉ có 1 đôi dép để mang. Đi xe nào cũng được, không cần phải đi thật xa để ăn một món thật ngon, xếp hàng để uống/mua một món nào đó đang "hot" hoặc đang có siêu khuyến mãi... Thật không còn hạnh phúc nào bằng.

Nhưng khi đã rũ bỏ những thứ của thế gian thì đường tu cũng lắm phức tạp, có khi còn hơn ngoài đời: pháp học hay pháp hành; nguyên thủy hay đại thừa; Tịnh, Mật hay Thiền; thiền định hay thiền tuệ; định trước tuệ sau hay định tuệ song hành; nếu thiền định thì nên bắt đầu sổ tức hay tùy tức; quan sát hơi thở vô ra hay quan sát phồng xẹp của bụng; thiền tuệ rồi thì chuyên về cái nào trong thân, thọ, tâm, pháp; hay là thân và tâm kết hợp; rồi thiền có phương pháp hay không phương pháp…

Giờ đây thì con biết tất cả đều đúng, nhưng chỉ mỗi người mới có câu trả lời cho chính mình trong những món ăn đã được bày sẵn đó. Đạo Phật là đạo của trí tuệ nên việc nghi ngờ là rất cần thiết, nhưng không giải nghi thì sẽ loay hoay mãi trong đường tu. Không biết mình là ai và từ đó cũng không biết mình hợp với những pháp nào…

Gần đây được dịp hỏi Thầy trong mục hỏi đáp và nghe pháp thoại, gần như con được giải nghi hết tất cả những câu hỏi tiềm ẩn bên trong nhưng không gọi tên ra được rõ ràng. Nhờ việc Thầy trả lời và sau đó con đối chiếu lại những gì mình đã được học và chiêm nghiệm, con thấy mọi thứ ngày càng rõ ràng, tưởng như là con đang trực tiếp xem cuộc đời của Đức Phật một cách chân thực mà không cần qua phim ảnh. Đặc biệt là Ngài đã từ bỏ những pháp tu gì và giác ngộ bằng cách nào, 45 năm đã thật sự dạy những gì, khai thị bằng cách nào. Con thấy người tu học nếu nghiên cứu kỹ cuộc đời Đức Phật thì sẽ không rơi vào nhiều tà kiến phát sinh sau thời gian dài 26 thế kỷ. Con đường tu học con thấy cũng quá nhiều cạm bẫy không kém gì ngoài đời, có khi còn nguy hiểm hơn.

Con cảm thấy khi được giải nghi hết tất cả những điều đó thì mới thật sự an trú được hiện tại một cách trọn vẹn. Lúc viết những dòng này thỉnh thoảng con nhìn những vạt nắng trên những bụi cây ở công viên đối diện, con thấy vui lắm và phát hiện cái nhìn những vạt nắng đó khi đã không còn nghi ngờ khác với thời gian đầu biết Vipassana, lúc trong đầu còn nhiều câu hỏi. Các Thầy đều dạy rằng hiện tại là mầu nhiệm, chỉ có giây phút hiện tại nhưng nếu không chính mình tự giải quyết các nghi ngờ thì cái nhìn vào thực tại ít nhiều là sự cố gắng “cho là” chứ không hoàn toàn tin vào chính mình là chân lý đang nằm ở đó, giải pháp của tương lai đang nằm ở đó.

Hiện tại con cảm giác sự bình an do không còn phải loay hoay các pháp tu nữa. Con mới chiêm nghiệm là, hình như bớt chọn lựa, phân vân, lấy bỏ thì cuộc sống mình càng đơn giản, càng hạnh phúc. Và quá trình rất dài và gian nan đó cũng chỉ để thấy cái đã có sẵn, nhưng nếu gã cùng tử chỉ nghe các Thầy nói “viên ngọc đã có sẵn” mà không tự mình bước đi, tự mình tìm viên ngọc đó trong túi thì những câu hỏi vẫn còn ở đó, vẫn mãi loay hoay và cái thấy của Đức Phật, của các Tổ vẫn không giúp gì được cho mình.

Vì vậy con mới nghĩ là “Đoạn nghi là bình an” hoặc nếu không nói quá “Đoạn nghi là Niết-bàn”. Hiện tại thì con vẫn bị các tập khí, thói quen cũ chi phối và vẫn chưa hết nghi hoặc hoàn toàn. Nhưng con biết bây giờ chỉ là “thấy hay không thấy”, “minh hay vô minh”, “tỉnh thức hay si mê”, “hữu ngã hay vô ngã”, “dụng tâm hay vô tâm” chứ không có gì khác nữa. Con vẫn dùng pháp học và thiền định hoặc đôi khi sử dụng phương pháp chỉ để bổ trợ thêm những lúc cần thiết vì Thầy đã giúp con hiểu được nguyên lý rốt ráo của thiền, của đạo.

Sáng nay đầu tuần con xin trình với Thầy vài việc con chiêm nghiệm trong cuộc đời của mình. Con xin Thầy chỉ dạy thêm.
Con chúc Thầy một tuần nhiều an lạc.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-09-2017

Câu hỏi:

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. Kính bạch thầy, con xin trình pháp:
Gần đây khi con quán thân trong chánh niệm đôi khi con thấy thân bị tách khỏi tâm và thấy thân như một đối tượng như các pháp khác, con mong thầy từ bi chỉ điểm cho con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-09-2017

Câu hỏi:

Kính gửi thầy!
Nghe pháp thoại của thầy con thấy có nhiều điểm giống như con từng trải nghiệm rồi. Khi con ngồi lại nhìn ngắm nỗi buồn "như nó là" và chấp nhận nó như một điều hoàn hảo dĩ nhiên của pháp thì con cảm thấy không buồn nữa, con như bị tách ra khỏi cảm xúc. Con thấy có một cái biết cao hơn cái suy nghĩ bình thường, nó không bị tác động mà chỉ ẩn và hiện nhập vào và tách ra khỏi cảm xúc. Vậy con có bị hoang tưởng không thầy?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-09-2017

Câu hỏi:

Thầy kính,
Con thấy vấn đề lớn hiện tại là của con là tâm phóng dật. Con đã thấy con đường mình cần đi là buông xuống tri kiến khi Hữu Sự (Nói làm thường thận trọng/ luôn trọn vẹn chú tâm/ Lắng nghe quan sát rõ/ Đến đi Pháp lặng thầm) và khi Vô Sự (Học Đạo quý vô tâm/ Làm nghĩ nói không lầm/ Sáng trong và lặng lẽ/ Giản dị mới uyên thâm). Nhưng tâm con như ngựa hoang, lúc hăng hái chạy nhanh, lúc ương bướng ù lì. Con đề ra thời khóa biểu cụ thể để thực hành, trong khả năng của con thôi không khó khăn gì mà vẫn phóng dật, không nghiêm túc với chính mình. Khi phát hiện ra con nghĩ chắc do con không được rèn tính kỷ luật, nên con tự đề ra thử thách thì con thấy con vẫn làm được. Nhưng nếu giữ tâm trong sáng vô tâm tỉnh giác thì nó lại phóng dật. Con thấy buồn bản thân, không lẽ mãi là thân lừa ưa nặng sao? Phải chờ đau khổ nguy cấp đến thử thách sao? Hình như con càng tự soi mình càng thấy nó vi tế chống đối. Con đang sai lầm chỗ nào Thầy ơi?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 16-09-2017

Câu hỏi:

Dạ, Con bạch Sư!
Con mới biết các bài Pháp Thoại của Sư gần đây qua Kênh youtube Quán Nguyên và trang nhà http://www.trungtamhotong.org
Con trình sự hiểu của Con qua 2 trường hợp, mong Sư chỉ dạy thêm cho con ạ!

- Trong khi đang rửa chén, con khởi ý nghĩ về chuyện quá khứ (hoặc tương lai), sau đó biết là đang thất niệm, rồi quay lại với việc rửa chén. (không khởi ý nghĩ gì hết)
- Trong khi đang rửa chén, con khởi ý nghĩ về chuyện quá khứ (hoặc tương lai), sau đó biết là đang thất niệm, có thêm một ý nghĩ khởi lên là phải quay về với hiện tại, rồi quay lại với việc rửa chén.

Trường hợp thứ 2: là sai phải không Sư? Vì có bản ngã, muốn quay về hiện tại để được cái gì đó.
Sự thấy sân, luôn biết sau khi “sân đã khởi lên”, theo con hiểu “sự thấy sân” này cũng là “bản ngã ngủ ngầm”?
Con xin chân thành cảm ơn lời chỉ dạy của Sư!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-09-2017

Câu hỏi:

Kính Bạch Thầy. Từ bữa Con trình pháp hành lên Thầy đến nay hơn một tháng đã trôi qua, khi buông thư Thuận Pháp có những lúc con tự tại dường như đến vô ngại nơi các pháp, sáng suốt trong dòng Tuệ Giác, uyển chuyển trên duyên nghiệp của mình vượt qua những trở ngại của thân căn và cảnh trần một cách tự nhiên ứng pháp để rồi con chứng nghiệm lộ trình đi của mình. Nhưng không phải pháp nào đến với con con cũng đều sáng suốt như vậy .
Thưa Thầy rồi một hôm trong cuộc sống gia đình con đã thi rớt bài học của Pháp khi pháp thuyết, những giọt nước mắt trôi lăn, sự động Tâm nơi vọng ảo hóa, con đã giật mình nhận ra mình đang sinh tử luân hồi vì thiếu tỉnh giác. Lúc này khiến con rà soát mình ở tốc độ cao trong Thiền Quán Tư Duy. Đây là "có đi mới có về". Vài giờ đồng hồ con soi rọi chính mình buông Vạn Pháp bên ngoài, lắng nghe tiến trình tâm thì hoát nhiên Tuệ giác sáng chói lại lần nữa bừng ứng hiện phổ chiếu. Khi hòa trong biển rực sáng Tịch Diệt ấy con như thấm nhuần lời dạy của Đức Phật Thích Ca năm xưa do các tổ các bậc giác ngộ truyền thừa, của hòa thượng Như Huyễn, của Thầy "buông hết một phen đừng luyến tiếc, mới hay ngay đó thấy đạo mầu". Thầy dạy không hư dối. Một phút thiếu tỉnh vọng liền tấn công, sát-na trọn vẹn thực tại đang là không vọng tức nhường quyền cho Tuệ Giác chiếu soi.
Dạ thưa thầy Tuệ giác luôn có sẵn và tròn đủ như Thầy dạy chỉ cần lắng tâm lại tức trở về là thấy ra, không qua không gian và thời gian.
Thưa thầy một trạng thái sự giải thoát bất tư nghì thiện thường, những thấy biết không bị chi phối dính mắc nơi thân căn và vọng thức. Vâng pháp thân Tịnh - Mặc luôn hằng hữu trong vũ trụ muôn loài, dù Đức Phật Thích Ca chưa ra đời, hiện hữu hay đã nhập diệt. Tánh giác sáng chói vô lượng ấy cũng không tăng không giảm, cũng không thêm không bớt. Đây là điều khó nói khó diễn tả, từng giờ từng khắc để tùy duyên Thuận pháp (Tùy thuận Pháp tánh) con luôn nhớ lời thầy "khi định mà tâm không trụ, khi động mà tâm không loạn tùy cơ duyên mà ứng pháp" Mỗi một lần vấp là một lần con trưởng thành khi đứng dậy bước tiếp.
Thưa thầy nếu không phải con là người luôn trình pháp lên Thầy trong mấy năm qua thì con không biết dụng ngôn gì để viết. Nhớ một lần con về chùa Bửu Long thưa với Thầy rằng Thưa thầy có rất nhiều lần những thấy biết trong sáng ứng hiện nơi con, trong tư duy thiền quán nơi buông bỏ mọi vọng duyên, những điều không thuộc dòng Ý thức con muốn trình lên Thầy nhưng lại sợ vướng vào sở đắc nên con thôi không viết trình, lúc đó con đón nhận từ Thầy lòng đầy Từ Bi Hỷ Xả Thầy nói "không, không, sở đắc là khác con à..." Con nghe lòng thư thới và từ đó yên tâm rà soát thái độ khi trình bày những thấy biết cũng như vướng mắc trở ngại trên lộ trình xả ly, ly tham, đoạn diệt và rồi hôm nay với lòng thành kính nơi sâu thẳm kèm theo niềm sung sướng vô hạn. Kính trình lên Thầy lòng biết ơn tri ân sâu sắc. Con Diệu An Bình Phước.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 14-09-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy,
Trước đây, con có tu tập theo một pháp thiền buông vọng tưởng nên có những lối suy nghĩ dần dần trở thành thói quen. Ví dụ như khi con thấy mình nghĩ về chuyện gì đó đã qua, thì lập tức ý thức con xác định là "à, mình đang vọng tưởng quá khứ rồi, buông thôi". Nó giống như hình thành một "sơ đồ tư duy" từ xác định niệm A, niệm B là gì, nó là nên hay không nên, rồi mình đang theo hay không theo... Con thấy thật ra con như vậy không phải là buông, mà là "dùng đá đè cỏ". Con nghĩ không cần phải kết luận nó là gì, đánh giá nó đúng - sai, tội - phước, hay cũng không cần cố gắng thấy nó cho hết mới là trọn vẹn. Đơn giản là chỉ cần thả lỏng đầu óc, quan sát một cách trong sáng, không cần xen vào khái niệm, quan điểm nào cả. Còn có niệm, thọ gì sinh diệt thì cứ trôi chảy tự nhiên. Con đã hiểu lầm từ buông. Con không phải xen vô gì cả, vì buông không phải chuyện của con.
Thưa Thầy, đó là những điều con vừa nghiệm ra từ bản thân con. Con kính mong Thầy từ bi dạy bảo và sửa lỗi cho con.

Xem Câu Trả Lời »