Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa thầy vì mạng internet ở nhà bị hỏng nên con chưa nghe pháp thoại về "vô sư trí" và "hậu đắc trí" như thầy đã chỉ dẫn trong câu hỏi này 11/10/2013! Chiều nay internet đã được sửa nên con vừa mới nghe pháp thoại của thầy về hai khái niệm trên. Con đã hiểu! Vì vậy câu hỏi lúc sáng nay con gửi (gửi trên công ty) xin thầy thôi trả lời con, tiết kiệm thời gian để thầy trả lời câu hỏi của các đạo hữu khác! Con xin lỗi thầy! Con chúc thầy ngủ ngon và dồi dào sức khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không sao, thầy đã trả lời rồi. Con hiểu là thầy rất hoan hỷ.
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ Thầy.
Con mong được 1 ngày nào đó được gặp Thầy để được lắng nghe Thầy giảng. Con rất cảm ơn Thầy đã chỉ dẫn chúng con quan sát tâm của chính mình. Thưa Thầy cho con hỏi: <p>
Khi có một chuyện buồn, con đã thực tập quan sát cái buồn trong thân tâm của mình. Và con đã nhìn nhận thấy cái buồn đó là sự thật đang diễn ra trong suy nghĩ của mình. Và con đã thấy tốt hơn so với những cái buồn lần trước là con không tìm tòi thêm những cái buồn để tăng thêm nỗi buồn ngay trong hiện tại. <p>
Sau khi quan sát như vậy con cảm nhận nỗi buồn trong con đã không tăng thêm nhưng vẫn chưa diệt được.
Như vậy sự quan sát của con đã thực hành đúng chưa Thầy? <p>
Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải con quan sát cái buồn để cho tình trạng buồn đỡ hơn hay để nó mất đi cho con được thanh thản thoải mái đâu, mà là quan sát để thấy ra nó đến đi, sinh diệt như thế nào, thấy ra nhân, duyên sự đến đi sinh diệt của nó là gì, gốc nó sinh ra từ đâu và trở về đâu, vị ngọt và sự nguy hại của nó ra sao v.v... Cũng không phải là cố gắng tìm kiếm những điều đó một cách lý trí mà chỉ quan sát rất tự nhiên, khách quan và trung thực thôi thì con sẽ thấy hết. Nếu con chưa thấy hết mọi mặt trong thể tướng dụng của nỗi buồn như vậy thì sao con lại muốn nó.diệt đi?
Lẽ ra con phải cám ơn sự tái đi tái lại của nó vì nó đang giúp con thấy ra bản chất thật của nó. Giống như con muốn học ra được tính dược của cây cỏ mà con lại muốn diệt hết chúng đi thì làm sao học được. Tất cả pháp đang đến đi, dù là đúng hay sai, thiện hay ác, đều là bài học giúp con giác ngộ, mà không cần tìm kiếm đâu xa hay cố công rèn luyện để đạt được, chỉ cần ngay nơi thực tại đang là, như nỗi buồn đang khởi lên nơi con chẳng hạn, mà thấy ra sự thật là được. Thấy ra nỗi buồn với tâm rỗng lặng trong sáng chính là minh, là giác, không thấy ra mới là vô minh ái dục, phiền não khổ đau.
Câu hỏi:
Thầy kính! Thầy cho con hỏi thêm về "Hậu đắc trí". Thưa thầy, kiến thức, kinh nghiệm, thói quen ... (được học tập, rèn luyện qua đời sống) trong sự thấy biết rõ ràng, không có cái ta mong cầu, sân giận, si mê chen vào thì có phải là "Hậu đắc trí" không ạ? Một người sinh ra thông minh, nhạy bén hơn người kia, học hành tiếp thu tốt hơn người kia thì có phải "Hậu đắc trí" của người này tốt hơn người kia không ạ? Giả sử bị một tai nạn nào đó làm người bị mất hết trí nhớ, hoặc đời sống thực vật thì "Vô sở trí" của tánh biết bất sinh vẫn có đó? Còn "Hậu đắc trí" thì sao hả thầy? Con hỏi để thông "pháp học", con biết căn cơ con còn yếu phải trải nghiệm ngôi trường rộng lớn của pháp để từ từ học được bài học giác ngộ! Con cảm ơn thầy, chúc thầy luôn mạnh khoẻ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra, không phải là tất cả kiến thức, kinh nghiệm, thói quen... đều là nội dung của "Hậu đắc trí", thậm chí nó còn trở ngại cho "Hậu đắc trí" nữa là khác. Nhận thức có hai mặt: Khái niệm chế đinh và thực tánh chân đế. Nhận thức thuộc về khái niệm chế định thì có thể quên, nhưng là tri kiến trung thực qua trải nghiệm và chứng nghiệm thực tánh chân đế mới thật sự là "Hậu đắc trí" thì sẽ không quên. Nghĩa là nếu kiến thức, kinh nghiệm, thói quen nào do ý thức học tập rèn luyện mà có thì đều có thể mất hết, nhưng tri kiến chứng nghiệm thực tánh chân đế thì vẫn không mất, bởi vì thông tin thì mới cần ghi nhớ còn sự thật thì đã hiển nhiên đâu cần ghi nhớ làm gì.
"Hậu đắc trí" thực ra là "tầm mở rộng" của "Vô sư trí" nhờ trải nghiệm và chứng nghiệm qua mặt tướng dụng của pháp. "Vô sư trí" ví như hạt giống (thể tánh), còn "Hậu đắc trí" ví như đã phát triển đầy đủ thành cây đơm hoa kết trái (tướng dụng), tuy nói là hai nhưng thực ra là một, nhưng nói một cũng không đúng nên phải gọi là bất nhị. Tướng dụng cũng có hai: chân tướng dụng và giả tướng dụng, nên chân tường dụng thì không mất, chỉ giả tướng dụng mới mất. Vậy nếu "Hậu đắc trí" trong bản chất vẫn là "Vô sư trí" thì không phải là nó vẫn có đó như con nói mà nên nói là nó không sinh, không diệt, không thường không đoạn, không đến không đi, không có không không mới đúng.
Câu hỏi:
Con xin tri ân và thành tâm đảnh lễ Thầy. Xin thầy hoan hỷ giúp con: <p>
1/ Nhờ câu hỏi của đạo hữu ngày 12 tháng 10 con được biết thời gian hoằng pháp của Thầy ở Úc. Hiện con đang sống ở Mỹ, con sẽ về Việt Nam vào ngày 1/1/2014 và lưu lại 2 tháng. Con rất muốn gặp Thầy để được chỉ dạy thêm hoặc trong thời gian này con được tham dự khoá Thiền ở Bửu Long thì thật may mắn cho con lắm. <p>
2/ Con là thiền sinh đã học thiền với thầy Goenka, đã có lần con có gửi câu hỏi đến thầy về những cảm giác. Thầy đã khuyên con BUÔNG và tặng con 4 câu kệ. Từ đó con cố gắng nghe các bài giảng của Thầy và con hiểu ra: việc theo dõi cảm giác của cơ thể chủ yếu là đem tâm về thực tại nơi Thân-Thọ-Tâm-Pháp. Hơn 3 tuần nay con không ngồi thiền nữa mà chỉ thực hành rỗng lặng - trong sáng trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do thói quen của phương pháp thiền cũ, con thường để tâm vào các cảm giác. Vậy có cách nào giúp con sớm thoát khỏi tình trạng hiện nay không thưa Thầy? Nếu ngồi thiền con nên thực hành thế nào cho đúng? <p>
Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Tháng 1/2014 thì thầy đi Úc đã về rồi nên con đến chùa vẫn được.
2) Chính vì vậy thầy mới nói hành thiền theo phương pháp chỉ là phương tiện hữu hạn nên thường giống như con dao hai lưỡi, lợi cũng có mà hại cũng nhiều. Vào được đã khó mà thoát ra còn khó hơn. Nó giống như một hình thức nghiện vậy, do lặp đi lặp lại hàng ngày mà thành thói quen, khi đã rơi vào thói quen thì mất dần sự tinh anh, sáng tạo và mới mẻ trong nhận thức trực tiếp, nên dễ chìm vào máy móc và vô thức mà thành tập khí. Trường hợp của con là đã trở thành tập khí, dù là tập khí tốt cũng vẫn trở ngại cho việc thấy như thật của thiền. Không cần quan tâm hóa giải tập khí đó, con chỉ cần thường biết mình bằng cách thận trọng chú tâm quan sát mọi động tĩnh của thực tại thân tâm trong sinh hoạt tự nhiên hàng ngày thì những thói quen ấy sẽ tự hóa giải. Khi ngồi lại thì con cũng chỉ cần buông thư cho thân tâm an nhiên vô sự, thì tánh biết sẽ tự hoạt dụng một cách tự nhiên trong sáng mà con không cần cố gắng chú ý vào đối tượng chọn lựa nào, thì mới hóa giải được thói quen hành thiền cũ.
Câu hỏi:
Con kính xin đảnh lễ Sư. Con đọc thư Sư trả lời cho một Phật tử về vấn đề một chùa nào đó có chuyện xích mích, bất hòa. <p>
Kính thưa Sư, theo con nghĩ rằng nếu như mình biết được chính xác rằng chùa ấy có vấn đề, thì mình không nên chỉ trích hay nói xấu, nhưng mình cũng không nên tiếp tục ủng hộ nơi ấy nữa. Con nhớ hình như trong kinh cũng có kể vào thời đức Phật, có những lần các tăng bất hòa, không tu hành đúng đắn theo lời Phật dạy, nên các Phật tử cũng không cúng dường cho các thầy ấy nữa. <p>
Con nghĩ mình không nên chỉ trích hay nói lỗi người khác, vì ai cũng có lỗi lầm, nhưng mình cũng nên hành xử cho thích hợp. <p>
Con kính xin đảnh lễ Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đức Phật đi vào rừng sống độc cư, và Thiện nam Tín nữ "úp bát" hai nhóm Tỳ kheo Kosambi cũng chỉ để giúp họ đừng quá căng thẳng với nhau khi bất đồng quan điểm tu tập. Đôi lúc không phải tranh chấp nhau vì danh vì lợi mà chỉ vì bất đồng quan điểm tu tập mà thôi. Xưa cùng chung tăng đoàn nên như vậy còn ngày nay thì đã chia hẳn ra nhiều tông môn sai khác để đáp ứng trình độ nhận thức về giáo pháp đức Phật đã quá cách xa nhau, mà cũng để tránh đụng chạm quan điểm bất đồng. Bất kỳ một tôn giáo hay tổ chức nào cũng đều rơi vào tình trạng phân hóa như vậy.
Còn cách ứng xử như thể nào với tình trạng bất hòa đó thì còn tùy thuộc vào tính chất của nó và nhiều khía cạnh khác như điều kiện, hoàn cảnh, nhân tố... khác nhau nữa, nên khó mà đưa ra một cách xử lý nhất định nào được. Cách tốt nhất là nên biết rõ nội dung của sự bất hòa để tùy duyên mà có thái độ ứng xử cho thích nghi với từng trường hợp. Xử lý bằng cách hòa giải, úp bát, ủng hộ phía đúng, chống lại phía sai hay từ bỏ v.v... đều phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng tính chất của sự việc và nhất là với thiện tâm thiện chí mới được, vì đó cũng là bổn phận của người tại gia trong hàng tứ chúng.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, <p>
1- Con thường đến một chùa nọ tu tập mỗi tuần. Con biết được quí Tăng chúng trong chùa đó có chuyện xích mích, bây giờ không còn hòa hợp với nhau. Thưa thầy, con có nên tiếp tục đi chùa đó nữa không? Mỗi lần quí thầy lên giảng pháp thường khuyên Phật tử phải sống hòa hợp với nhau, nay quí thầy có chuyện bất hòa không giải quyết để sống hòa hợp được làm con thấy mất lòng tin. Xin thầy cho con lời khuyên. <p>
2- Trong giới luật nhà Phật, người Phật tử không được nói lỗi một vị tu sĩ phải không thầy? Nếu phải, thì tại sao vậy thầy, một vị tu sĩ cũng là một chúng sanh phàm phu đang tu tập như tất cả các cư sĩ Phật tử khác thôi. <p>
3- Tâm của người nói lỗi, phê bình hay chỉ trích người khác là tâm ngã mạn, phải không thưa thầy? Xin thầy hướng dẫn chúng con tu tập pháp gì để chuyển hóa tâm ngã mạn này. <p>
Con cảm ơn thầy rất nhiều. Con kính chúc thầy luôn được khỏe mạnh, bình an.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Đến chùa học đạo và tu tập thì nên "Y pháp bất y nhân" nghĩa là chỉ nên chuyên tâm học Phật pháp còn ai nói pháp và người đó có hành theo hay không không quan trọng. Tích xưa kể rằng Bồ-tát tiền thân đức Phật Thích-ca xin đổi mạng để cầu một con Quỷ Dạ-xoa nói cho ngài nghe câu Phật ngôn mà hắn còn nhớ được, dù nghe xong phải hiến thân cho Quỷ cũng cam lòng. Các vị sư trong chùa bất hòa cũng có mặt tốt của nó vì có như vậy họ mới va chạm để vỡ ra những bảo thủ cố chấp cá biệt một chiều của mình. Tính mâu thuẫn là tất yếu của đời sống để giúp mọi người thấy ra được mặt khác của chân lý đời sống.
2) Không phải chỉ không nên nói lỗi chư Tăng mà không nên chỉ trích lỗi của bất kỳ ai khác, bởi vì ai mà không từng có lỗi, nếu không có lỗi có sai làm sao thấy ra cái đúng cái tốt, làm sao biết tu tập để điều chỉnh nhận thức và hành vi. Người chỉ lo chỉ trích lỗi của người khác thì không thể thấy ra lỗi của mình. Cái sai của một số cư sĩ là muốn các nhà sư phải hoàn hảo theo ý mình nghĩ mà không thông cảm rằng họ cũng là những người còn sai nên mới đi tu. Hơn nữa mình không ở trong hoàn cảnh của họ làm sao phê phán họ được. Thầy đã từng thấy nhiều người ở ngoài chỉ trích các vị sư nhưng khi họ xuất gia thì còn tồi tệ hơn thế.
3) Đúng là chỉ trích người khác thì phần lớn là tự cao ngã mạn. Cho nên đức Phật dạy:
Chớ nên dòm lỗi người
Xem họ đã làm gì
Chỉ nên nhìn lại mhình
Thử đã làm được gì.
Vậy cách tốt nhất là thường thận trọng chú tâm quan sát để phát hiện ra lỗi mình, thì sẽ biết thông cảm với lỗi người.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con muốn biết con đường đi tới giải thoát nhất thiết phải xuất gia hay không? Vì con đang là cư sĩ tại gia, con đang cố gắng tu tập dù cũng có khi vướng bận gia đình. Con rất phân vân không biết sẽ phải tu tập thế nào để có thể đạt đến giải thoát. Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dẫn cho con. <p>
Con xin đảnh lễ Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Xuất gia hay tại gia đều là những mặt khác nhau của bài học giác ngộ giải thoát. Tốt nhất là ai đang ở trong điều kiện nhân duyên nào thì nên chăm chỉ học hết bài học của mình chứ không nên vọng động đứng núi này trông núi nọ, rốt cuộc không học được trọn vẹn bài học nào tới nơi tới chốn. Nếu chưa học hết bài học như chính mình đang là mà đã muốn học bài học khác thì kết quả là sẽ ở lại lớp để học tiếp bài học mà mình thấy chán nên chưa học trọn vẹn. Sở dĩ chán học là vì chưa thấy được ý nghĩa muôn mặt kỳ diệu của đời sống mà ở đó đâu đâu cũng là yếu tố giác ngộ, đâu đâu cũng có phẩm chất an lạc. Vậy hãy thận trọng chú tâm quan sát để trọn vẹn trong sáng mà học ra bài học giác ngộ của mình ngay nơi thực tại đang là, đừng phân vân chọn lựa chỉ mất thời gian thôi.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Câu hỏi của con thuộc về nghề nghiệp và mong Thầy dùng tuệ giác soi sáng giúp con. <p>
Nghề của con được gọi nôm na là đầu cơ trong thị trường tài chính (chứng khoán, vàng, ngoại hối) mà tỉ lệ thất bại lên đến 90-95% theo thống kê. Nguyên lý vận hành thị trường này gần như là tiền chạy từ túi người này sang túi người khác (zero-sum game) và bị thúc đẩy bởi 2 lực chính: lòng tham và nỗi sợ của con người; lằn ranh giữa kinh doanh và cờ bạc hết sức mong manh. Đây cũng chính là lý do mà tỉ lệ thất bại trong nghề này cao như vậy và hậu quả có thể từ nợ nần đến tan vỡ hạnh phúc hoặc thậm chí phải tự sát. <p>
Con đã tham gia thị trường này trong nhiều năm và nhờ thái độ chú tâm vào công việc chứ không theo đuổi làm giàu nhanh chóng, con vẫn giữ được sự sáng suốt. Điều khác thường của nghề này là khi một người quan sát biến động của giá trên bảng điện tử và mức lãi lỗ thay đổi thì các cảm xúc, ý nghĩ, ham muốn dấy khởi liên tục, mạnh mẽ và khống chế người đó. Mọi kỷ luật, nguyên tắc giao dịch đặt ra đều bị phá vỡ rất dễ dàng. <p>
Sau một thời gian vật lộn, con hiểu ra là kiến thức, kinh nghiệm, kể cả phương pháp giao dịch tốt nhất cũng không giúp gì được nhiều. Gạn lọc lại, con thấy rằng chỉ còn những nguyên lý giao dịch và sự tĩnh lặng trong tâm mình là chìa khóa chinh phục thị trường này. Do đó, con đã tìm hiểu về thiền và liên tục quan sát tâm mình, nhận biết mọi cảm xúc, ham muốn phát sinh khi làm việc. Con xem mỗi giờ phút ngồi quan sát thị trường đều là thời gian thiền tập và nhờ vậy, con đã kiếm được lợi nhuận từ nó. <p>
Thật không ngờ cái nghề khắc nghiệt này lại là phương tiện hữu hiệu dẫn con vào con đường tâm linh. Tuyệt vời! Con đang thực hành sống với giây phút hiện tại, ở đây và bây giờ. Tuy nhiên, con vẫn băn khoăn về các điểm sau: <p>
1. Lợi nhuận con kiếm được là xuất phát từ mất mát của người khác. Con phải hiểu và xử sự như thế nào về mặt tâm linh, thưa Thầy? <p>
2. Có phải những người đang sát phạt trong thị trường này đang phải học bài học của họ không, thưa Thầy? Có cần phải cố gắng giúp họ thoát ra không? Thực tế là rất khó khăn vì đa số họ đang bị khống chế bởi bản ngã nặng nề. <p>
Con cám ơn Thầy và chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp nếu như chúng ta biết lấy đó làm bài học giác ngộ. Không ai không từng trải qua cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác mà giác ngộ giải thoát được cả. Khái niệm thiện - ác, đúng - sai chỉ giúp người học đạo thấy ra hai mặt tương đối của cuộc sống và cuối cùng vượt lên cái tương đối ấy mới gọi là giải thoát. Khi nào thấy được - mất, hơn - thua, thành - bại, vinh - hư, vui - khổ... đều chỉ là bài học giác ngộ chứ không phải là mục đích phấn đấu để chọn lựa lấy bỏ thì sẽ không còn là vấn đề nữa. Thực ra thị trường chứng khoán không hẳn hoàn toàn cho người tham lợi, mà vẫn có mặt tích cực của nó, khi biết đầu tư đúng cách và biết sử dụng lợi nhuận cho đúng tốt.
2) Như thầy đã nói trên, cũng giống như trong việc giác ngộ, chỉ khi đầy đủ căn duyên mới khai ngộ được, nếu chưa thì vẫn phải để mọi người học bài học của mình trong đời sống để thật sự thấy ra thế nào là vô thường, khổ, vô ngã thì sẽ tự giác ngộ sự thật. Cuộc đời tự nó có ý nghĩa là trường học giác ngộ mà mỗi người phải tự mình trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm bản chất sự thật. Sự thật có hai mặt chân đế và tục đế mà người giác ngộ phải thấy ra cả hai. Nếu chưa thấy rõ sự tương đối của tục đế thì cũng không thể thấy được sự tuyệt đối của chân đế. Như vậy khi nào thấy đủ nhân duyên cần giúp họ thấy ra sự tham đắm của mình trong lãnh vực này thì cứ giúp để họ tự thấy ra.
Câu hỏi:
Xin sư giảng cho hiểu 2 câu thơ: <p>
"Cái Tôi hoàn lại đất trời <p>
Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh." <p>
Xin cám ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Một thi sĩ Trung Hoa họ Phạm đã viết một bài thơ nói lên thân phận sinh ra làm một kiếp người của mình để rồi không ăn thì đói, không mặc thì lạnh... Ông Trời vô cớ sinh ra ta làm gì mà phải sống, phải chết một cách vô nghĩa như thế này?
Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên Công hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi?
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ Thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời.
Hai câu cuối có thể dịch là: Trả Ông Trời cái tôi mà Ông sinh ra. Trả lại cho tôi cái thời tôi chưa sinh (Cái tôi hoàn lại Đất Trời, Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh), nghĩa là nhà thơ không muốn sinh ra làm thân phận vô nghĩa của một kiếp người, nên chỉ muốn trở về phi hữu. Theo Phật giáo thì nhà thơ này thuộc loại chấp không hoặc là đoạn kiến xuất phát từ phi hữu ái nên không những không thể thoát được thân phận làm người mà còn chuốc thêm cái khổ tâm lý nữa (Khổ khổ trong Khổ đế). Rất nhiều người tuy tu theo Đạo Phật nhưng cũng cầu mong trở về phi hữu, vì họ hiểu lầm Diệt đế tức hủy diệt tất cả, mà vô tình rơi vào đoạn kiến, khi không hiểu đúng chân lý vô ngã. Chính cái ta ảo tưởng mới muốn hủy diệt (phi hữu) hoặc muốn thường hằng (hằng hữu) mà tạo ra phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Diệt đế chính là diệt cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác để không phải trở về phi hữu mà là trở về với thực tánh muôn đời không sinh không diệt của pháp ngay trong thực tại đang là.
Câu hỏi:
Kính thưa Sư,<p>
Xin Sư hoan hỷ giải thích cho con tại sao KHÔNG - VÔ TƯỚNG - VÔ TÁC được đức Phật dạy là TAM GIẢI THOÁT MÔN, người tu học sử dụng nguyên lý TAM GIẢI THOÁT MÔN này như thế nào để có lợi ích thiết thực trong đời sống?<p>
Con thành kính tri ân Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
KHÔNG (suññatā) là vì tất cả các pháp đều vô ngã, nên người quan sát thấy bản chất vô ngã của pháp thì chứng được không giải thoát tức không còn chấp thủ vào ngã kiến "Ta" và "của Ta". VÔ TƯỚNG (animitta) là vì tất cả pháp có sinh thành, có hình tướng đều vô thường nên người quan sát thấy bản chất vô thường của pháp tướng thì chứng được vô tướng giải thoát tức không còn chấp thủ vào bất kỳ một tướng hữu vi nào. VÔ NGUYỆN (appanihita) còn gọi là vô cầu hoặc vô tác, vì tất cả pháp do mong cầu do tạo tác mà có đều là khổ nên người quan sát thấy bản chất khổ của pháp tác thành thì chứng được vô nguyện giải thoát tức không mong cầu bất kỳ một sở đắc nào nữa. Đó là ý nghĩa của TAM GIẢI THOÁT MÔN đúng hướng Đạo đế, Diệt đế.
Điều này rất quan trọng vì nhắc nhở người tu hành không nên mong cầu sở đắc trạng thái an lạc lý tưởng mà nỗ lực tạo tác để trở thành - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu nguyện hệ lụy chứ không phải là Vô nguyện giải thoát. Khi một người nỗ lực tu hành vì nghĩ rằng sẽ đạt được một cảnh giới, một sở đắc, một trạng thái thường hằng lý tưởng - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu tướng hệ lụy chứ không phải là Vô tướng giải thoát. Và khi một người nỗ lực tu hành để cho mình trở thành ngày càng hoàn hảo hơn theo một mẫu lý tưởng nào đó - mà người ấy ảo tưởng là đang tinh tấn tu hành - nhưng chỉ rơi vào hữu ngã hệ lụy chứ không phải là Không giải thoát. Tu như vậy chỉ đạt đến TAM HỆ LỤY MÔN theo hướng Khổ đế, Tập đế mà thôi.