Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con có đọc được câu hỏi đề ngày 17/9, nói về các chú tập sự xuất gia. Con xin chia sẻ chút ít. <p>
Trước kia vào chùa con chỉ thường để ý tôn trọng chư tăng, tu nữ thôi, với các chú con chỉ nghĩ là họ bằng tuổi con của con, trẻ tuổi nên có ý xem nhẹ, nhiều khi có ý phê phán trước những thiếu sót của các chú. Một lần về nhà con kể lại cho con của con nghe, thì cháu nói: <p>
"Họ còn hay hơn con nhiều lắm đó mẹ, con còn có cha có mẹ bảo bọc, họ một thân một mình vào chùa, thầy tổ nhiều đệ tử làm sao bằng cha bằng mẹ ruột của mình? Những nơi phồn hoa náo nhiệt họ tránh xa, sớm hôm làm bạn với kinh kệ. Gặp người thông cảm cho tuổi trẻ, non nớt thì thôi, không thì lắm khi nước mắt chan cơm. Liệu lúc mẹ còn trẻ như thế, có sống như vậy được không? Dẫu biết rằng ăn cơm đàn việt là phải sống sao cho xứng đáng, nhưng các chú cần chính là sự đồng cảm, chia sẻ, động viên, hơn là sự phê phán chủ quan theo cái đúng đã định sẵn đó mẹ." <p>
Nghe cháu nói như thế con ngạc nhiên vô cùng! Nhưng quả thật cháu nó nói đúng thưa thầy! Từ nay, con cần phải xem lại thói quen áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người khác và cần chia sẻ, quan tâm đến mọi người hơn là phê phán có phải không, thưa thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con con có tâm rộng lượng thông cảm với các chú giới tử mới tập tu như vậy thật đáng khen. Không nên quá cầu toàn mà đánh giá những sai lầm của người khác, biết đâu từ cái sai mà người ta học ra cái đúng, như vậy còn tốt hơn người cho mình là đúng nên không biết mình sai. Hơn nữa nếu chỉ nhìn bên ngoài hiện tượng mà đánh giá đúng sai xấu tốt thì khó mà thấy được uẩn khúc bên trong của người khác. Tình người tốt nhất là nên thương yêu và thông cảm.
Tuy nhiên thương yêu thông cảm là một chuyện mà vẫn thấy đúng-sai xấu-tốt là chuyện khác. Không phải vì thương yêu thông cảm mà không biết đúng sai, cũng không vì thấy đúng sai mà không thương yêu thông cảm. Một bên là từ bi một bên là trí tuệ. Trí không bi thì quá khắc nghiệt, bi không trí thì quá dễ dãi. Nhưng cũng có lúc cần nghiêm khắc thì phải nghiêm khắc, có lúc cần dễ dãi thì nên dễ dãi miễn sao thể hiện được đức tính từ bi và trí tuệ để giúp người khác tỉnh ngộ mới là tốt.
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi: <p>
1. Vì sao Phật dạy thân này không phải ta nhưng khi Phật khổ hạnh thân thể suy kiệt thì trí tuệ suy giảm? <p>
2. Đâu là ranh giới giữa không nuông chiều bản thân và khổ hạnh (ức chế thân tâm)? <p>
3. Con người làm gì cũng có mục đích. Lúc hành thiền Phật dạy phải tinh tấn. Nhưng phát niệm muốn thành Phật, giải thoát, bình an... lại là tà niệm. Vậy con phải lấy gì làm mục đích và làm sao cho đúng ạ? <p>
Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thân là thân, tâm là tâm, trí là trí như thực tánh của nó nên dĩ nhiện không có cái Ta, của Ta và tự ngã của Ta trong đó, vì khái niệm "Ta" chỉ là ảo tưởng, hoàn toàn không có thực. Thân-tâm-trí vốn vận hành theo nguyên lý tự tánh (sabhāva) của nó nên không chìu theo tư ý của cái Ta ảo tưởng. Chính khi cái Ta ảo tưởng xen vào mới thấy thân-tâm-trí lệch lạc đi theo ảo tường mà nó cho là, phải là, sẽ là mà thôi.
2) Nuông chìu bản thân là cung phụng lợi dưỡng cho cái Ta ảo tưởng được tha hồ buông lung phóng dật theo tư kiến tư dục của nó, ngược lại khổ hạnh là bắt buộc, dồn nén, áp chế bản thân phải chịu những khổ hình với hy vọng biện pháp khắc kỷ ép xác này sẽ giúp sớm thoát khỏi ảnh hưởng của thể xác để rèn luyện cho tâm hồn được hoàn hảo và tự do giải thoát, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của cái Ta, vì thực ra cái thân vốn vô tội, nó chỉ là công cụ của cái tâm mà thôi.
3) Tất nhiên ai cũng có mục đích, nhưng vấn để ở chỗ mục đích đó là gì, và do động cơ nào. Nếu động cơ là tham sân si thì mục đích chắc chắn là ảo vọng. Còn nếu động cơ là giới định tuệ thì mục đích chắc chắn là giải thoát Niết-bàn. Thí dụ phát nguyện thành Phật, muốn giải thoát nhưng động cơ là bản ngã tham sân si thì chỉ có thể thành đại ngã để rồi càng tự trói buộc mình. Không phải khởi niệm nào cũng là tà, khởi chánh tư duy từ chánh kiến sao gọi là tà niệm được?
Câu hỏi:
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Sư và toàn thể chư Tăng. Con mong Sư và Chư tăng giải đáp thắc mắc cho con ạ. <p>
1. Con không hiểu tội phước của người thọ nhận của đàn na tín thí ạ. Người thọ nhận phải làm gì để xứng đáng với điều đó. Và khi thọ nhận tâm nên như thế nào ạ? Thọ nhận như thế nào là đúng, là sai ạ? <p>
2. Theo con được biết, thời kỳ Đức Phật không có giới tử mà chỉ có sadi, người chưa đủ tuổi xuất gia hoặc là người ba-la-môn ngoại đạo, nhưng bây giờ con thấy chùa nào cũng có giới tử, mà có rất nhiều kiểu giới tử khác nhau, người có Đức Tin trong sạch trong giáo pháp, thấy được vị ngọt của giáo pháp và mong muốn xuất gia, nhưng cũng có người nương nhờ nơi Tam Bảo chùa chiền để kiếm sống, trốn chạy đời... Vậy với thái độ nào là đúng cho những vị giới tử ạ? Phải chăng dù họ ở trường hợp nào cũng phải thực hành thiền, học pháp học và pháp hành, giữ gìn giới luật để xứng đáng thọ nhận bố thí của thí chủ có Đức tin trong sạch nơi Tam bảo và trả ơn thầy tổ mình ạ? <p>
Mong Sư và chư tăng giải giảng giùm con hoài nghi này? <p>
Con xin chân thành cám ơn Sư và chư Tăng!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Người cúng dường có tâm cung kính và ủng hộ cho người tu hành, nên dĩ nhiên người thọ nhận phải tu hành đúng tốt theo giới định tuệ hay Bát Chánh Đạo thì mới xứng đáng với tâm cúng dường và vật cúng dường của thí chủ.
2) Người xuất gia trong thời Đức Phật dĩ nhiên là khác với bây giờ. Đức Phật biết hết căn cơ trình độ chúng sinh mà còn phải cho tu Sadi, huống chi bây giờ nhiều lắm là vị thầy chỉ biết lý lịch của người xin tu thôi, còn tâm địa họ ra sao thì không biết gì cả nên nếu không cho làm giới tử để xem họ có thực tâm tu không thì làm sao cho thọ giới được? Thậm chí, không phải cho làm giới tử ngay mà phải vào làm công quả một thời gian để xem tính nết, trình độ, sự quyết tâm v.v... như thế nào mới cho làm giới từ. Rồi phải xem làm giới tử có được không mới cho đắp y thọ giới sadi là hoàn toàn hợp tình hợp lý, nếu không Tăng đoàn sẽ vô cùng tạp nhạp.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy! <p>
Trước tiên con xin cảm ơn thầy về những gì thầy đã khai ngộ cho con trong câu hỏi lần trước.
Thầy ơi! Hôm nay con lại có một băn khoăn kính mong thầy chỉ giúp con với ạ. <p>
Bạch thầy! Trước đây con rất chịu khó nghe kinh điển để hiểu kinh điển nhưng thực ra kinh điển mỗi thầy luận giảng một kiểu nên nhiều khi con rất hoang mang không biết đâu là đúng sai nữa ạ. Thật may mắn cho con, cũng vì qua một người bạn trên facebook mà con được biết trang web này. Từ đó con chăm chú nghe các bài giảng của thầy và chú tâm quan sát thân, tâm, cảnh để thấy các pháp như nó đang là không xen cái ta ảo tưởng vào. Nhưng con vẫn còn một băn khoăn mong thầy chỉ cho con với. Đó là có phải những tất cả kiến thức kinh nghiệm trong quá khứ đều cản trở sự thấy biết trong sáng không ạ? <p>
Trong thời gian học vừa qua khi quan sát tâm mình con thấy chỉ những kiến thức, kinh nghiệm khiến não bộ khởi sinh dòng tư tưởng thì mới khiến ta buồn phiền, đau khổ. Còn những kiến thức như toán học, vật lý,... thì con thấy chỉ ứng ra khi ta cần dùng đến nó khi không dùng nữa thì thôi, con cũng không thấy có dòng tư tưởng, phán đoán, suy lường khi dùng những kiến thức này. Vậy phải chăng loại kiến thức này không cản trở sự thấy biết trong sáng đúng không ạ? Con mong thầy từ bi chỉ cho con với ạ. Con xin cảm ơn thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tốt lắm, con đã bắt đầu thấy ra vấn đề rồi đó. Kiến thức thật ra không hề là sở tri chướng, chỉ khi nào chấp vào kiến thức mà quên khám phá sự thật mới là trở ngại. Chấp vào kiến thức dù đúng hay sai đều là trở ngại cả, kiến thức đúng mà không thấy sự thật thì còn tệ hơn không có kiến thức mà biết trải nghiệm để thấy sự thật.
Có hai loại kiến thức:
Một là kiến thức cụ thể và thực tế mang tính kỹ thuật chuyên môn như kiến thức về lái xe, nấu ăn, kế toán v.v... giúp con hiểu biết thông thạo công việc hơn thì không trở ngại nếu nó không làm cho con quá bận tâm. Chính loại kiến thức này đưa đến kinh nghiệm và ngược lại, vì kinh nghiệm hữu ích cũng làm cho kiến thức thực tiễn đa dụng và phong phú hơn, gọi là giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên khi tự mãn về kinh nghiệm và kiến thức của mình thì thường rơi vào cố chấp nên sẽ là trở ngại cho sự sáng tạo mới mẻ.
Hai là kiến thức trừu tượng hoặc kiến thức về cái chưa từng trải nghiệm thực tế thì dễ sinh tưởng tượng, suy luận, dự đoán... mà sinh thành kiến nên làm cho tâm trí dễ bị đánh lừa và nếu cố chấp vào loại kiến thức này thì sẽ là trở ngại cho nhận thức sự thật, hoặc trở ngại cho tâm định tĩnh trong sáng. Nếu không vội kết luận qua kiến thức và kinh nghiệm thì tri kiến qua trải nghiệm trực tiếp trên sự kiện thực tế chính là trí tuệ.
Câu hỏi:
Con chào Thầy và xin đảnh lễ Thầy! <p>
Kính thưa Thầy, con được nghe dòng TÂM nơi ta (một chúng sinh chưa giác ngộ) luôn chảy và sinh diệt trong những đơn vị thời gian rất ngắn, mà TÍNH BIẾT là đặc tính của TÂM, vậy phải chăng tính biết cũng sinh diệt? <p>
Tiến trình tâm này nơi một vị Thánh A-la-hán (đã giác ngộ) có điểm gì khác biệt so với chúng sinh chưa giác ngộ không hả Thầy? <p>
Kính xin Thầy khai ngộ, con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giống như sóng sinh diệt nhưng tính nước không sinh diệt, hoặc nước có thể chảy từ suối qua sông qua biển rồi biến thành hơi, thành mây, thành mưa nhưng tính nước vẫn không đến đi. Tính biết cũng vậy, tuy biểu hiện sinh diệt qua mắt tai mũi lưỡi thân ý, hữu thức, vô thức nhưng vẫn không sinh diệt. Đừng nói là tính biết mà ngay cả tính vật lý như đất, nước, gió, lửa, hư không cũng không sinh diệt như vậy. Đừng nhầm lẫn giữa bản chất với hiện tượng bên ngoài. Giữa không sinh diệt với thường tồn bất biến
Tiến trình tâm một vị Thánh với một người phàm đều diễn ra theo quy luật của tâm nên cơ bản là giống nhau nhưng một bên là tuệ tri với đối tượng là Thánh đế, bên kia là thức tri hoặc phàm tuệ với đối tượng là tục đế. Nói cách khác là một bên tâm thuận theo đạo đế, diệt đế nên sống ung dung tự tại, còn bên kia tâm bị cuốn trôi trong khổ đế, tập đế nên sống ràng buộc đắm chìm.
Câu hỏi:
Thưa Thầy! <p>
Con được một người bạn giới thiệu vào trang hỏi đáp về đạo pháp của thầy. Con có một nỗi niềm mong thầy khuyên giải. Con tốt nghiệp trung cấp xong và cũng đi làm đã được 2 năm. Con làm trong một bệnh viện ở một thành phố. Nơi con làm là chăm sóc và điều trị những bệnh nhân bị bệnh tâm thần thầy ạ. Con đi làm đã lâu mà con vẫn chưa thoát khỏi sự mặc cảm. Ánh mắt mọi người nhìn con khi con nói nơi con làm. Lạ lùng và con thấy tủi thân lắm. Con đã cố gắng và cũng đã tìm được niềm vui trong công việc, đồng cảm với những bệnh nhân có số phận không may mắn, nhưng thái độ của những người xung quanh làm con không dễ chịu. Càng ngày con càng ít nói, ngại tiếp xúc và sống thu mình, tự ti và không tin vào bản thân mình nữa. Mong thầy cho con những lời khuyên. Con cảm ơn Thầy. Kính chúc thầy sức khỏe và bình an ạ!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó là vì con bị áp lực của những lời phê phán bên ngoài nên sinh ra mặc cảm tự ti về nghề nghiệp của mình mà đâm ra chán đời tí thôi. Con đừng buồn khi nghe những lời bình luận thị phi của những người thiếu hiểu biết và nghèo tình thương yêu ấy. Thực ra, việc làm của con rất cao quý, đó là cơ hội, là duyên đến giúp con hiểu rõ nỗi khổ của những người không may mắn, họ cũng có thể bị bệnh bẩm sinh, bị áp lực của một biến cố nào quá lớn, cũng có thể do tham vọng quá tầm tay v.v... mà nên nỗi. Nhưng dù sao bây giờ họ đang chịu cảnh khó khăn, bị cuộc đời và kể cả những người thân yêu ruồng bỏ, nên ai có tấm lòng vàng cảm thông thương yêu chăm sóc họ thì quả là người hiếm có trên đời. Sự hiểu biết, cảm thông và thương yêu là những đức tính cao quý nhất trên thế gian này.
Thầy có biết một người Phật tử ở bên Úc, kể rằng ở bên đó người chăm sóc bệnh nhân tâm thần rất được quý trọng, nhà nước Úc sẵn sàng chi ra ngân sách rất cao để chăm sóc miễn phí cho người bệnh tâm thần và những người chăm sóc bệnh nhân này được trả lương rất cao. Thầy vô cùng tán dương chính sách nhân đạo đầy lưong tri như vậy. Đã nói là "chỗ nào cần thanh niên có, chỗ nào khó có thanh niên" thì tại sao không ít thanh niên ngày nay thậm chỉ sẵn sàng đút lót để được làm việc ở những nơi dễ dãi nhất? Không phải như vậy mới là những người thanh niên đáng chê trách sao? Có thể có những người có cái nhìn tiêu cực và lệch lạc về việc làm của con, nhưng khi con làm việc với tinh thần thương yêu chia sẻ thì chắc chắn nhân lành sẽ gặp quả lành. Thầy chúc con giữ vững tinh thần, đừng dao động trước những lời thị phi, để vui với việc làm cao quí và lương thiện của mình.
Câu hỏi:
Con chào Thầy ạ, Thầy vẫn liễu liễu thường tri chứ ạ! Dạ, con nói chơi một chút thôi, thưa Thầy. Đợt vừa rồi con mắc việc không có vô Sài Gòn chơi được đành chờ dịp khác. Và nhân đây con có bài thơ vui vui tặng Thầy:<p>
1/Thế gian vạn pháp hữu vi <p>
Cái gì đến đi cứ đến đi <p>
Đừng quá bận tâm làm chi <p>
Bởi vì nó đến rồi nó đi<p>
........... <p>
2/Công Đức còn trả về không<p>
Huống chi vạn pháp rồi hư không<p>
Đành rằng pháp là không <p>
Nhưng TÂM này viển vông! <p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thế gian vạn pháp hữu vi
Đến đi thì cứ đến đi như thường
Bận tâm chỉ khổ so lường
Tâm không đi đến, tỏ tường đến đi.
2) Công đức cứ trả về không
Để cho vạn pháp thong dong vận hành
Buông tâm ham muốn trở thành
Thì liền ngay đó trăng thanh giữa trời.
Câu hỏi:
Thưa Thầy! <p>
Khi đọc bộ sách Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (tác giả Minh Đức Triều Tâm Ảnh) con rất tâm đắc. Trong sách có những câu chuyện và những lời dạy của Đức Phật rất hay, rất dễ nhớ. Con rất muốn mua bộ sách này để dành tham khảo nhưng con tìm ở nhiều nhà sách rồi mà vẫn không thấy. Thầy có biết nơi nào con có thể tìm mua được không? Xin Thầy chỉ giúp giùm con. <p>
Con xin chân thành cảm ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con thử tìm ở nhà sách Văn Thành hoặc nhà sách Trí Tuệ ở Thành Phố HCM, nếu không có lên Phòng phát hành cuar chùa Bửu Long Quận 9 xem sao.
Câu hỏi:
Bạch thầy, sao nhiều lúc con ngồi một mình con lại nhìn thấy con sống trên cõi ta-bà này không phải một kiếp mà rất nhiều kiếp. Nhiều sự thật trên thế gian này vốn dĩ nó đã có sẵn cho dù con người mình có tìm ra hay không tìm ra thì nó vẫn tồn tại theo một quy luật nào đó. Nhiều khi con đang ngồi chơi bình thường tự nhiên trước mặt con hiện lên một cảnh rất lạ, tâm con luôn thổn thức tìm đến nó, nhưng rồi được một lúc nó lại biến mất. Dạ kính mong thầy hoan hỉ dạy bảo cho con biết tại sao được không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con thấy điều này với tuệ tri thì tất nhiên là đúng, nhưng nếu con thấy với tưởng tri hay thức tri thì chỉ là ảo tưởng hoặc là sản phầm vẽ vời của lý trí vọng thức. Nếu những điều con thấy phù hợp với bản chất và nguyên lý vận hành của pháp (tức thực tánh chân đế) thì đó là sự thật, còn nếu đó là ý tưởng viển vông thì vẫn chỉ là ảo ảnh của một tưởng uẩn quá mạnh mà thôi.
Nếu là ảo ảnh, không phải là sự thật - mà thậm chí còn là hoang thưởng - thì coi chừng đó là dấu hiệu của... tẩu hỏa nhập ma. Hãy thận trọng chú tâm quan sát ngay nơi thực tại đang là để thấy chân lý hiện thực chứ không nên để tâm rơi vào ảo ảnh, dù đó là linh thị chăng nữa. "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng" nên dù là linh ảnh thì cũng đừng vội tin, trừ phi qua đó thấy được nguyên lý đích thực của pháp.
Câu hỏi:
Thưa thầy, <p>
Con có một người bạn khá thân và đồng điệu trên nhiều quan điểm. Bạn con có nhận xét là nếu con theo đạo Phật thì sau một thời gian không lâu nữa con sẽ trở nên bớt phong phú vì đã lấy quan điểm của đạo Phật làm gốc và làm hệ quy chiếu nên sẽ không còn cởi mở, sẽ khó chấp nhận một giải thích dựa trên những quan điểm khác. <p>
Con có suy nghĩ về điều này 2 ngày nay, tuy chưa thâm nhập sâu vào đạo Phật nhưng con thấy đạo Phật có một sự thâm sâu mầu nhiệm mà khó diễn đạt bằng lời. Sự mầu nhiệm, tự tại không chấp thủ vào bất cứ điều gì mà con nói đến này là con cảm nhận được qua cách hành xử tự tại của các vị sư. Và con thấy sự mở rộng hay thu hẹp không dựa vào Đạo Phật hay bất kỳ đạo nào mà nó dựa vào tâm hồn của mỗi người, biết cởi mở chấp nhận và chiêm nghiệm sự thật mới là điều quyết định. Hơn nữa đạo Phật không ràng buộc chúng ta, trói buộc chúng ta vào những sự cố chấp. Mà có ràng buộc, cố chấp là do chúng ta mà thôi. Tuy nghĩ như vậy nhưng bạn con ảnh hưởng với con khá lớn, bạn ấy nhận xét rất sắc sảo về mọi thứ. Và điều đó làm con lo lắng rằng bạn ấy đúng trong trường hợp của con vì con sợ mình chưa đủ vô tư, vô ngại nên sẽ bảo thủ và bị giới hạn tầm nhìn như bạn ấy nói. Mong thầy chia sẻ và chỉ bảo cho con để con được thấy đúng, thấy rõ ràng về những băn khoăn của mình. Con xin thành kính tri ân thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bạn ấy nhận định khá đúng bởi vì không ít người theo Phật Giáo nghiêng về triết lý, và đồng thời cũng rất đông người khác nghiêng về đức tin. Hạng người thứ nhất đã biến Phật Giáo thành những hệ thống luận thuyết đầy lý trí và cố chấp. Hạng người thứ hai biến Phật Giáo thành những tín ngưỡng dân gian đầy mê tín và chấp thủ. Trong khi Đạo Phật thật sự có nghĩa là giác ngộ chân lý. Bạn con nhìn hai hiện tượng trên mà đánh giá nên chỉ đúng với những loại Phật Giáo đã thoái hóa như đã nói trên, nhưng lại không đúng với tính chất uyên nguyên và cốt lõi của Đạo Phật thật sự.
Đức Phật là người giác ngộ ra Sự Thật nơi chính mình và đời sống nên Ngài chỉ ra Sự Thật ấy để giúp mọi người có thể thấy được và sống được với Chân Lý ấy. Như vậy Đạo Phật nguyên không phải là tôn giáo, lại càng không phải là tín ngưỡng có tổ chức thành giáo hội hay tông môn, hệ phái. Do đó y cứ trên trên các tổ chức Giáo Hội mang tên Phật Giáo hoặc các hệ thống tín ngưỡng xem đức Phật là thần linh để nhận định về Đạo Phật chứng tỏ là trình độ nhận thức về Đạo Phật còn rất non nớt. Giống như thấy một viên đá bên ngoài xù xì mà vất bỏ, không biết rằng người trí sau khi loại bỏ lớp thô xấu bên ngoài đã lấy được bên trong viên kim cương cực kỳ quý giá. Chân lý muôn đời vẫn là chân lý cho bất kỳ ai biết quan sát, trải nghiệm, chiêm nghiệm để thấy ra sự thật và sống thuận sự thật muôn đời ấy, đó mới chính là Đạo Phật đích thực.