Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, <p>
Gần đây con cũng có trải qua những pháp tương tự như đạo hữu đã trình Thầy hôm 23/9:<p>
- Khi vô sự con nằm nghỉ hoặc ngồi thong dong đọc sách, lúc khép nhẹ mắt lại tâm quay vào trong dù không chủ ý gì cả nhưng sao tự động con thấy chuỗi hít thở vào ra rõ mồn một và chỉ còn sự nhận biết của con cùng chuỗi hít thở tồn tại, một cảm giác tĩnh lặng và an lạc nhẹ nhàng lan tỏa. <p>
- Những khi tất bật trong công việc, sực nhớ lại con quay vào thận trọng chú tâm quan sát trên thân tâm và con thường hay thấy "hắn", một thực thể sống động đang song hành làm việc cùng con - chính xác hơn là làm việc dưới sự giám sát, điều động của con. "Hắn" có vẻ như là một công cụ, một người phụ tá giúp việc cho con và từa tựa như vô hồn, có hành động và cảm xúc tách biệt bên ngoài con. Con đã có lần thốt nhiên ngâm nga mô tả: <p>
Hắn đi, hắn đứng, hắn ngồi <p>
Hắn nghe, hắn nói, hắn cười hồn nhiên<p>
Lặng nhìn nắng sớm mai lên <p>
Hắn thương cánh bướm lượn vờn bên hoa. <p>
Vậy thì "hắn" là ai và con đang thấy "hắn" là con đang... ra sao? <p>
Thỉnh cầu Thầy giải nghi cho con. Con có cần điều chỉnh gì trong pháp hành của con không. <p>
Con xin tri ân Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
- Khi con buông thư vô sự mà thấy chuỗi hít thở vào ra một cách nhẹ nhàng tự nhiên với tâm rỗng lặng trong sáng là rất tốt đó chính là thiền minh sát. Còn nếu con thấy hơi thở với cảm giác tĩnh lặng an lạc thì đó là tâm đang đi về hướng thiền định, như vậy cũng tốt. Cả hai đều tốt vì thấy một cách tự nhiên chứ không cố ý tạo tác mà thành.
- Ngôn ngữ thật khó diễn đạt! "Hắn" là ai, "con" là ai mà hắn chịu sự giám sát của con? Phải chăng hắn là individual, con là personal? Hắn là bản ngã, con là lý trí? Hắn là pháp, con là tâm? Hắn là thân-thọ-tâm-pháp, con là tánh biết trong sáng? Hắn là sắc, con là danh, hay hắn và con đều là khái niệm, là ảo tưởng?... Cái ngã rất khó thấy! Một khi nó khởi lên thì luôn phân đôi, nó vừa là người hành động vừa là người giám sát điều động, cả hai cùng là bản ngã ở thế tách biệt nhị nguyên.
Khi trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thì thân tâm nhất như, không còn người quan sát và vật bị quan sát, tâm và cảnh đều lặng lẽ tịch nhiên, trong đó không còn ý niệm, tư tưởng nên không có ngã và pháp, ta và người. Nếu con thấy điều này một cách trọn vẹn trong sáng, không qua khái niệm nhưng vì mô tả nên phải tạm dùng từ "hắn" với "con" thì không sao, nhưng nếu có "hắn" có "con" thì vẫn còn nhị nguyên đối đãi. Chỉ con mới biết được chính xác hắn là ai và con là ai, hắn với con là hai hay thực ra chỉ là bất nhị?
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xin cảm ơn Thầy đã giảng nghĩa câu hỏi về Chú Đại Bi cho con. Từ nay con sẽ không đọc chú gì nữa mà chỉ thực hành đúng hướng "Xả ly - ly tham - đoạn diệt - an tịnh - chánh trí giác ngộ Niết-bàn" như đức Phật đã dạy. <p>
Kính chúc Thầy thân tâm thường an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Sādhu lành thay! Đó chính là "Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa Kinh" (chỉ căn cứ trên Kinh liễu nghĩa, chứ không căn cứ trên Kinh không liễu nghĩa) nên trong bài kệ Pháp Cú số 100 đức Phật dạy:
Ngàn từ nhưng vô nghĩa
Không bằng chỉ một từ
Có ý nghĩa chân thực
Nghe xong được tịnh lạc.
Tất cả chân lý đều sẵn có nơi mỗi người, chỉ vì bị che lấp bởi vô minh ái dục của cái Ta ảo tưởng mà không thấy, nên mới hướng ngoại tìm cầu mà tạo thêm nghiệp buộc ràng và đau khổ. Vì vậy không cần cầu cạnh đến thần lực nào mà chỉ cần thấy ra những gì mình đã tự trói buộc mình để xả ly, ly tham, đoạn diệt những ảo tưởng ấy thì ngay đó chân lý vốn đã hoàn hảo.
Câu hỏi:
Con xin cúi đầu đảnh lễ và bày tỏ lòng biết ơn đến Thầy. Từ khi nghe pháp thoại và xem mục giải đáp thắc mắc trong trang web này làm cho con sáng tỏ rất nhiều điều si mê lầm lạc trong việc học Phật Pháp của con. Lúc trước con hay đọc nhiều sách về Phật giáo của nhiều Tông phái khác nhau nhưng sau khi nghe các bài pháp thoại của Thầy con thấy rõ một việc là hằng ngày mình chỉ quan sát thân tâm mình thôi là đang thực hành rồi. Ý nghĩ của con như vậy có chủ quan không Thầy? <p>
Một việc khác là khi một người thân trong gia đình mình không chịu lắng nghe những lời khuyên chân thành thì mình cứ để mọi chuyện tùy duyên, vì một người có tập khí dễ sân mà mình cứ nói làm cho người đó càng sân thì tốt nhất là im lặng và quan sát tâm mình cái gì đang khởi lên và mất đi một cách hoàn toàn tự nhiên. Con xin Thầy cho con lời khuyên. Con kính chúc Thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng lắm con. Tất cả những lời đức Phật dạy đều chỉ vào sự thật sẵn có nơi mọi người, hiểu được tôn ý của Phật thì cứ ngay thực tại thân tâm nơi chính mình mà quan sát rõ ràng (minh sát) thì liền thấy chân lý. Thấy như vậy gọi là thiền (Vipassanā) hay nói đúng hơn là sống tùy duyên thuận pháp (Dhammānudhamma patipanno vihārati), chứ không phải hành theo bất kỳ phương pháp chế định nào của ai khác. Chân lý luôn mới mẻ nên không thể rập khuôn và lại càng không do tạo tác để trở thành.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài chỉ thẳng chân lý cho người nghe thấy ra sự thật nơi chính mình và sống với sự thật ấy, nên thời kỳ này gọi là Đạo Phật vì chỉ cần ngay nơi sự thật mà giác ngộ chứ không qua điều gì khác. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn thì lời dạy của Ngài được ghi nhớ lại bởi trí nhớ của hàng đệ tử, và do trí nhớ của mỗi người một khác mà sinh ra nhiều Tông môn, Hệ phái. Tông phái nào cũng có hệ Kinh Điển riêng và cho đó là lời dạy quan trọng nhất của đức Phật, nên thời kỳ này gọi là Phật Giáo. Rồi chẳng bao lâu Phật Giáo cũng phân thành hai khuynh hướng: Phật Giáo như những hệ thống Triết học, và Phật Giáo như những tín ngưỡng dân gian nhận Phật làm Thần linh. Như vậy con không theo hệ giáo lý nào nữa mà trở về ngay nơi thực tại thân tâm mà thấy chân lý mới đúng với tôn ý của đức Phật.
Đối với người thân thì cũng phải tùy duyên mà chia sẻ pháp khi họ có nhu cầu thật sự, chứ không nên gượng ép chia sẻ khi họ chưa cần, làm như vậy sẽ phản tác dụng. Giống như cho ăn khi chưa đói thì không thấy ngon mà còn thấy ngán nữa. Hãy tin vào pháp vì pháp luôn tác động vào mỗi người để giúp họ thấy ra sự thật, nên sớm muộn gì rồi họ cũng thấy ra sự thật khi duyên đã chín mùi. Ngay cả đức Phật Ngài cũng tùy duyên mà khai thị, thậm chí có nhiều người hỏi pháp nhưng không thực tâm, chỉ để trang bị kiến thức thì Ngài vẫn không trả lời. Do đó muốn thuyết pháp phải có người thành khẩn thỉnh cầu mới được.
Câu hỏi:
Con xin đảnh lễ và chúc Thầy sức khỏe. Thầy dạy con thư giãn buông xả và thận trọng chú tâm quan sát tức tinh tấn chánh niệm tỉnh giác. Con thực hành như vậy mà sao có khi con thấy hơi thở của con, vậy chắc là con hành sai phải không thưa Thầy? Nếu sai con phải sửa làm sao, xin thầy chỉ giùm con. <p>
Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con thận trọng chú tâm quan sát thực tại thân-tâm-cảnh, tức trở về trọn vẹn trong sáng với thân-thọ-tâm-pháp thì đó chính là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác trong thiền minh sát. Nếu trong khi minh sát như vậy mà có lúc con thấy diễn biến của sự kiện đang thở một cách tự nhiên - không cố ý điều khiển - thì đó chính là niệm thân, không sai gì cả.
Nhưng nếu con thấy tướng hơi thở do tưởng sinh - cái gọi là hơi thở chỉ do tưởng sinh vì nó là vật khái niệm và danh khái niệm chứ không có thực tánh - thì lúc đó con đang đi qua hướng thiền định chứ không còn là thiền minh sát nữa. Nếu chỉ như vậy thì con thấy như vậy thôi chứ không ham thích đi sâu vào thiền định thêm nữa thì cũng không sao.
Nhiều người hành đến đây (thấy tướng hơi thở) tưởng đã phát sinh tuệ thấy danh sắc là nhầm lẫn rất lớn. Khi nào thấy diễn biến của sự kiện đang thở mà không còn ý niệm "Ta thở" thì mới thấy được sắc pháp và cái thấy đó là danh pháp, không phải Ta, của Ta hoặc tự ngã của Ta thì mới là tuệ thấy danh sắc. Như vậy con phải tự xác định là con thấy tướng hơi thở hay thấy sắc pháp trong khi thở, thì mới biết đó là thiền tuệ hay thiền định.
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy. <p>
Bài Chú Đại Bi thực chất có ý nghĩa gì trong đời sống tu tập theo giáo lý của Đức Phật? Vì sao trong tất cả các Kinh Bắc Tông đều có bài Kinh này? <p>
Con xin cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy không hề có câu chú nào cả. Tất cả chú thuật đều được một số Tông phái Phật giáo về sau đặt ra để đáp ứng nhu cầu của các tín đồ từ các tôn giáo thần bí mới quy y theo Phật giáo, như là phương tiện tạm thời mượn tha lực để trợ duyên cho những người tu còn sơ cơ chưa có đủ tự tin và niềm tin nơi Pháp nên chưa thấy được Chánh Pháp ( Thiền Tông gọi là Chánh Pháp Nhãn Tạng Bồ-đề Diệu Tâm).
Tất nhiên sử dụng các chú thuật nầy cũng có hiệu quả cho một số căn cơ ở một mức độ nhất định nào đó, chủ yếu là giúp họ vượt qua những sợ hãi bất an, mang tính trị liệu tâm lý. Đức Phật dạy Chánh Pháp chỉ có một hướng duy nhất là: "Xả ly --> ly tham --> đoạn diệt --> an tịnh --> chánh trí giác ngộ Niết-bàn". Cho nên Tâm Kinh Bát-nhã mới nói chú cao nhất không có chú nào sánh bằng đó là: "Gate --> gate --> paragate --> parasamgate --> Bodhi svaha", có nghĩa là: vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, vượt qua hoàn toàn, đó chính là tuệ giác.
Vượt qua thứ nhất là xả ly tham ái, vượt qua thứ hai là xa lìa chấp thủ, vượt qua bên kia là đoạn diệt hữu vi tạo tác để đến bên kia vô vi vô tác, và vượt qua hoàn toàn là không còn vô minh ái dục nữa, đó chính là tuệ giác, là chánh trí giác ngộ Niết-bàn như đức Phật đã dạy. Vậy nếu cần phải tụng đi tụng lại một câu thần chú thì tốt nhát nên thường tự nhắc mình câu đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú - cao tột vô song là "Xả ly --> ly tham --> đoạn diệt --> an tịnh --> chánh trí giác ngộ Niết-bàn" mới thật sự chân chính "năng trừ nhất thiết khổ ách" như Kinh Bát-nhã đã nói.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy,<p>
Khi con đọc được 1 điều gì hay, con thích chia sẻ cho người khác, nếu họ cũng tâm đắc như con thì con vui, còn người khác không đồng cảm, không đồng ý thì con cảm thấy sân, không vui. <p>
Nói rộng ra, ví như con thấy Phật pháp hay, hoặc cuốn sách nào đọc có lợi ích với con, con cũng muốn người khác cảm nhận được lợi ích đó, nếu họ hiểu được thì con vui, họ không quan tâm, không cảm nhận được thì con không vui. <p>
Xin thầy giảng giải để con nhìn thấu và xả được tâm trạng này.
Con cám ơn thầy và kính chúc thầy nhiều sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lúc đầu thầy cũng như con vậy thôi, nguyên nhân là vì con mới nhận ra cái hay cái lợi bằng lý trí chứ chưa thật sự thâm nhập đạo lý mà con đọc hoặc nghe được nên xem đó như quan niệm và thậm chí chấp chặt quan niệm ấy mà trở thành kiến thủ hay thành kiến, do đó khi ai không đồng ý với kiến thủ của mình thì liền sinh tâm nóng giận, ngã mạn. Nhưng dần dần đụng phải thực tế, phá bớt kiến chấp, con mới khám phá ra bản chất thật của đạo lý ấy trong đời sống, từ đó con bắt đầu biết sống trọn vẹn với nó, và khi đó con mới cảm thấy thương yêu, thông cảm với những ai chưa nhận ra sự thật này chứ không còn buồn phiền hay tức giận như trước nữa.
Câu hỏi:
THƯA THẦY XIN THẦY TỪ BI CHỈ DẠY CHO CON: BIẾT CHÂP NHẬN MÌNH LÀ NHƯ THẾ NÀO Ạ? VÀ LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CHẤP NHẬN MÌNH? CON CẢM ƠN THẦY!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Câu hỏi của con quá ngắn mà lại không nêu lý do cụ thể vì sao con lại hỏi như vậy? Chẳng lẽ con không nhìn nhận mình hay muốn chối bỏ mình sao? Chỉ những người chán đời, hoặc đã làm những điều sai trái với lương tâm, với người khác, với gia đình, xã hội v.v... mới có ý nghĩ không chấp nhận mình. Nhưng dù mình đúng hay sai, tốt hay xấu thì cũng phải chấp nhận sự thật để từ đó học ra bài học điều chỉnh nhận thức và hành vi. Cho dù bất mãn với tình trạng hiện tại của mình vì muốn mình tốt hơn, thì lại càng phải chấp nhận sự thật mới có cơ may chuyển hóa. Giống như gỡ chỉ rối, phải chấp nhận sự thật rối ren ấy để ngay đó mà lần ra mối mới gỡ được. Gỡ cái nghiệp của mình cũng vậy, phải chấp nhận chính mình để học ra bài học nhân quả nghiệp báo chứ không thể nào trốn tránh được.
Nhận thức ra cái sai xấu, cái khổ đau nơi chính mình thì mới học ra được cái đúng tốt, cái an lạc, vậy tại sao lại không chấp nhận sự thật sai xấu như mình đang là để thấy sự chuyển hóa kỳ diệu từ bên trong? Thật ra chân lý ở ngay tại đây và bây giờ, vì vậy chỉ cần ngay nơi sự kiện mình đang là mà thấy ra chân lý chứ không cần phải hướng ra bên ngoài hay hướng về tương lai mà tìm cầu lý tưởng. Đức Phật dạy trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại thân-thọ-tâm-pháp nơi chính mình là con đường độc nhất trở về Niết-bàn, vì: "Mình là nơi nương nhờ của chính mình chứ không nương nhờ ai khác, khi (tâm) mình thuần tịnh thì đó là nơi nương nhờ hy hữu". Và đức Chúa cũng nói "Không qua đường đi, lẽ thật và sự sống thì không ai đến được với Chân Lý Rốt Ráo". Mạnh Tử cũng khẳng định: "Trời Đất đều đầy đủ nơi mình, chân thành trở về với mình thì không hạnh phúc nào lớn hơn" . Tổ Huệ Năng nói: "Nào ngờ tự tánh vốn đã hoàn hảo". Vậy chỉ không chấp nhận mình khi nào vọng tưởng rằng sự hoàn hảo là lý tưởng ở bên ngoài.
Câu hỏi:
Lần trước con gửi tới thầy câu hỏi về cách hành thiền của con, thầy có nhận được không? Kính xin thầy từ bi, con chỈ cần một lời của thầy cho con yên "tâm". Vì con không biết hành như vậy tương lai con đi đâu về đâu? Con chỉ còn biết hướng về thầy. Nơi xa con chắp tay quỳ xuống bái thầy, mong thầy nhận cho con một chút lòng thành, con xin thầy thu nhận.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy có nhận câu hỏi trước của con, nhưng vì con không muốn ai biết cách hành của con nên thầy không hiển thị câu hỏi lên đây và định sẽ trả lời qua email. Bây giờ con cần ý kiến thầy gấp nên thầy xin góp ý nhanh thế này:
- Con tạm thời ngưng những phương pháp hành thiền của con trước đây lại và chỉ mở Pháp Thoại trong trang web này nghe thầy giảng thiền cho đến khi hiểu rõ thiền rồi mới hành lại cho đúng, con cũng nên đọc cuốn Sống Trong Thực Tại - mục Thư Viện (cũng trang web này). Bởi vì nếu con chưa hiểu thiền thật sự là gì mà hành theo phương pháp hướng dẫn trong sách thì rất nguy hiểm, nếu không tẩu hỏa nhập ma cũng luống công vô ích. Thay vì hành thiền như từ trước đến nay con nên đổi lại như sau:
- Cứ sinh hoạt bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng ngay đó thận trọng chú tâm quan sát thân tâm một cách hoàn toàn tự nhiên, thoải mái. Đừng cố gắng dụng công làm theo ý mình để mong cầu đạt được điều gì, vì đó là tham muốn của bản ngã, tức cái TA ảo tưởng. Nhờ vậy con sẽ dần giảm bớt tâm lăng xăng hướng ngoại tìm cầu (thất niệm) và thường trở về trọn vẹn trong sáng với mọi hoạt động của thân tâm (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác). Nếu con làm đúng như vậy con sẽ trở về được với bản chất sáng suốt, định tĩnh, trong lành (giới - định - tuệ) vốn có của tâm: Đó chính là tánh biết rỗng lặng trong sáng hay Tính Giác vốn đã đầy đủ nơi mỗi người.
- Khi nào con thật sự rảnh rỗi, chứ không cố gắng tranh thủ thời gian và công việc, con có thể ngồi hay nằm thư giãn toàn thân, buông xả cho tâm rỗng rang, để cho thân tâm được thoải mái, vô sự và tự nhiên. Nhớ là tự nhiên thoải mái chứ không cố ngồi hay nằm theo tư thế gò bó nào hoặc bị áp lực bởi mục đích nào cả. Chính khi đó là con đang chánh niệm, nghĩa là tâm đang hoàn toàn trọn vẹn với thân (thân tâm nhất như) chứ không dụng công tạo tác bất cứ điều gì. Đồng thời ngay khi đó tánh biết rỗng lặng trong sáng đang tự phản ánh trung thực thân-thọ-tâm-pháp một cách rõ ràng minh bạch mà con hoàn toàn không cần dụng ý dụng công gì cả. Đó mới chính là lúc tánh biết hay Tính Giác đang tự chiếu soi thực tại thân-tâm-cảnh một cách hoàn toàn vô ngã, như tấm gương trong sáng hiện lên mọi cảnh vật như thị. Nếu lúc đó tâm có theo tập khí khởi lên lăng xăng thì cũng vẫn thấy nó một cách hồn nhiên trong sáng, không phản ứng tham ưu, lấy bỏ gì thì cái mà con gọi là Chân Tâm vẫn không động. Đó chính là thiền.
Câu hỏi:
Con xin hết lòng thành kính đảnh lễ Thầy! <p>
Con xin cám ơn những lời dạy của Thầy đã giúp con có nhiều thay đổi tốt trong cuộc sống. Con sẽ nghe pháp nhiều hơn để dần dần loại bỏ những tư tưởng sai lầm. Con sẽ luôn ghi nhớ lời Thầy dạy "Học đạo Quý vô tâm"... <p>
Kính thưa Thầy, con có 1 người bạn rất tốt, đã giúp con rất nhiều trong cuộc sống. Thời gian trước kia bạn đã học tử vi, nhân điện, thiên điện, diện chẩn... và hiện nay có nghiên cứu Đông y và thường xuyên đi chữa bệnh từ thiện. Con không hiểu sao mỗi lần đi về thì mệt ghê lắm, sắc mặt tái đi, tính tình thì thường hay nổi sân. Con biết rằng không phải chuyện của mình thì khó nhờ Thầy chỉ dạy nhưng cơn sân đó thường xuyên chuyển sang con mỗi khi con nói chuyện. Con cũng đã bị mệt và bị tổn thương Thầy ạ, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để con quán sát tâm mình phải không Thầy? Lần đầu con phải mất 1 tuần, rồi 5 ngày, 4 ngày, rồi 1 ngày, lần sau cùng con đang sân, con nghe được lời Thầy giảng (trong 4 pháp hỗ trợ) con áp dụng ngay thì mất thời gian khoảng nửa tiếng là con hết sân. Thật là mầu nhiệm quá thưa Thầy! <p>
Con cũng đã thường xuyên đưa những file Thầy giảng và sách cho bạn. Sau mỗi lần không bình tĩnh như vậy, bạn con cũng hối hận lắm, nhưng vẫn vậy. <p>
Con không biết do cuộc sống cô độc tạo ra bản tính hay do hậu quả những gì đã học trong quá khứ. Mặc dù không vì danh lợi nhưng công việc của bạn con có can thiệp sâu vào nghiệp của người khác không Thầy (cả âm lẫn dương, giống như câu "thọc gậy bánh xe Pháp" mà Thầy hay nói?) <p>
Con cần làm gì thêm nữa để giúp bạn hả Thầy? Con xin cám ơn Thầy. Chúc Thầy luôn nhiều sức khỏe!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con muốn trang bị thêm cho mình một số khả năng bên ngoài để chữa bệnh tức là đã có tâm cầu toàn, mà cầu toàn giữa cuộc đời bất toàn thì chắc chắn sẽ không vừa ý rồi. Trong trường hợp này sân dễ khởi lên xuất phát từ nhiều lý do, như thấy khả năng mình còn giới hạn, chưa hoàn hảo, thấy không thể giải quyết được bệnh tật như ý mình, và khi cố gắng chữa bệnh không khỏi hao tâm tổn khí đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi khí trì trệ hoặc tán loạn của người bệnh. Điều này có thể khắc phục được bằng cách biết buông thư cho thật tự nhiên, thoải mái, vô tâm nghĩa là đừng quá dụng ý, dụng công trong khi chữa bệnh vì như thế sẽ sinh ra mệt mỏi và bực bội đưa đến dễ sân. Nên giải thích cho người bệnh biết tự ngừa bệnh, biết sống thuận theo nguyên lý nội lực tự sinh hơn là mượn lực bên ngoài.
Hơn nữa, việc chữa bệnh cũng tùy duyên, không nên quá chủ quan mong được như ý mình mà vô tình "thọc gậy bánh xe pháp" trong trường hợp bệnh do nghiệp quá khứ chứ không do thời khí, ẩm thực, khí huyết không điều hòa v.v... trong điều kiện nhất thời hiện tại. Có người nói rằng do chữa bệnh nghiệp nên bị nghiệp hành cũng không phải là không có lý. Trong chữa bệnh cần có từ bi và trí tuệ mới có thể biểu hiện được tinh thần vô ngã vị tha, nếu không có trí tuệ mà hành động chủ quan và ngã mạn, thiếu y đức, thì chính mình tự hại mình, tự tạo nghiệp chứ không phải do ảnh hưởng nghiệp của người bệnh. Nên xem việc chữa bệnh như cơ hội để học ra nguyên lý vận hành của đời sống, của đất trời và vạn vật, đồng thời học ra tâm ý của chính mình mới là tùy duyên thuận pháp.
Câu hỏi:
Thưa thầy, trong Tăng Chi Bộ, một vị Thiên hỏi Đức Phật là: <p>
"Phải cắt đoạn bao nhiêu,<p>
Phải từ bỏ bao nhiêu,<p>
Tu tập thêm bao nhiêu,<p>
Vượt qua bao trói buộc,<p>
Ðể được có danh xưng,<p>
Tỷ-kheo vượt bộc lưu?<p>
(Thế Tôn):<p>
Phải cắt đoạn đến năm,<p>
Phải từ bỏ đến năm,<p>
Tu tập thêm năm pháp (lực),<p>
Vượt qua năm trói buộc,<p>
Ðể được có danh xưng,<p>
Tỷ-kheo "vượt bộc lưu".<p>
Thưa thầy, cắt đoạn 5 và tu tập thêm 5 pháp đó là những điều gì ạ? Con cám ơn thầy ạ!
--------------------------------
(TT, đoạn Kinh đó nằm trong Tương Ưng Bộ Kinh chứ không phải Tăng Chi Bộ, mục số V ở đây:
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu1-01.htm)
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Theo Chú giải của Tương Ưng Bộ Kinh:
- Năm pháp cần cắt đoạn (pañca chinde) chính là năm hạ phần kiết sử (pañca orambhāgiyasaṃyojanāni) gồm có thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân.
- Năm pháp cần từ bỏ (pañca jahe) là năm thượng phần kiết sử (pañca orambhāgiyasaṃyojanāni) gồm có hữu ái, phi hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh.
- Năm pháp cần tu tập thêm (pañca cuttari bhāvaye) là năm căn (saddhāpañcamāni indriyāni) gồm có tín, tấn, niệm, định và tuệ.
- Năm pháp cần vượt qua (pañca saṅgātigo) là dục ái, sân, si, mạn và tà kiến (rāgasaṅgo dosasaṅgo mohasaṅgo mānasaṅgo diṭṭhisaṅgoti).