Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Con được nghe thầy giảng về Thiền tại đà nẵng. Con đã thực hành tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác. Con vừa học xong năm thứ 4 - Đại học bách khoa Đà Nẵng. Con đang nghỉ hè ở quê. Thưa Thầy, con thực hành thiền mọi lúc mọi nơi trong ngày bất cứ khi nào nhớ tới, do đó con không thấy đói và bây giờ một ngày con chỉ ăn một bữa. Nhưng cũng vì thế mà con cũng gầy (ốm) hơn. Khi về nhà thấy con gầy đi thì ba mẹ và tất cả anh em bà con nội ngoại đều phản đối kịch liệt. Thời gian đầu, con có cãi lại nhưng bây giờ con phát hiện đó cũng chỉ là hành vi của bản ngã. Do đó bây giờ mọi người nói con chỉ lặng yên lắng nghe và giữ im lặng, quan sát sân hận nổi lên rồi mất đi. Con bây giờ sẵn sàng chấp nhận mọi chuyện xảy ra một cách bình thản được rồi thầy à, nhưng con còn một thắc mắc và một thỉnh cầu mong thầy giúp con
1. Tất cả mọi người đều nói là vì con mà mọi người khổ, nếu con không bỏ tu đi thì chuyện sẽ càng lớn, và mọi người càng khổ. Con thì vẫn bình an nhưng con không muốn làm mọi người khổ chút nào dù biết khổ đó cũng do mọi người tự chuốc lấy vì muốn áp đặt, và quản lý con.Vậy con phải xử sự ra sao cho đúng pháp?
2. Thưa thầy, Nếu lúc này con xin đi tu thì Thầy có thể nhận con làm đệ tử không ạ? Con bây giờ luôn bình an và hạnh phúc rồi thầy ạ, con chỉ muốn mọi người cũng bình an và hạnh phúc như con thôi. Nhưng con biết mình vẫn chưa được giải thoát, nên cũng chẳng nên và chẳng thể làm ai thức tỉnh được. Con xin sẵn sàng nhận mọi thử thách, đau khổ vì bây giờ nó rất có ích với con.
Kính thầy.
Mong thầy sức khỏe và an lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con chánh niệm tỉnh giác đúng đắn và tự nhiên thì không thể vì vậy mà mất ăn và gầy đi được. Nhiều người nhờ chánh niệm tỉnh giác mà hết bệnh và khỏe ra. Vậy trường hợp con gầy đi có thể do 2 nguyên nhân: Một là do cơ thể con đang có vấn đề, không liên quan đến việc tu tập của con. Con nên đi bác sĩ khám để chẩn bệnh và để được tư vấn cách chữa trị. Hai là do con căng thẳng quá nên thần kinh thực vật bị yếu đi, do đó con không thích ăn. Ngược lại nhiều người hành thiền thấy mau đói bụng và ăn nhiều hơn bình thường. Nếu do căng thẳng thì có thể bắt nguồn từ những năm học đại học con đã cố gắng học hành quá sức, sau đó nếu con hành thiền đúng thì lẽ ra có thể giải tỏa được những căng thẳng đó dễ dàng, nhưng con lại gầy đi làm mọi người lo ngại. Vậy phải chăng con đã cố gắng hành thiền hơi quá?
Chánh niệm tỉnh giác là một động tác hoàn toàn tự nhiên, thậm chí nó chỉ là một thái độ rỗng lặng trong sáng nên không cần một chút dụng công nào để cố gắng tạo tác gì cả. Nó làm cho tâm trí hồn nhiên thoải mái thì sao con lại mất ăn và sút cân được? Lão Tử nói: "Hư kỳ tâm thực kỳ phúc" nghĩa là tâm nên rỗng lặng trong sáng, còn bụng thì phải ăn đầy đủ. Nếu con để bụng biếng ăn, còn tâm thì cứ đầy ắp cả những nỗ lực tu tập thì đã đi ngược lại với nguyên lý "không, vô tướng, vô tác" mà Phật dạy rồi đó. Con đừng để cho người nhà con nói tại hành theo pháp thầy mà gầy đi đó nha, thầy còn mập ra nữa đó. Hãy sống thật tự nhiên với tâm tĩnh lặng trong sáng, ăn uống cho điều độ, tập thể dục trong chánh niệm tỉnh giác thì con sẽ phục hồi sức khỏe nhanh thôi.
Lúc này con chưa nên đi tu, hãy ở nhà làm cho tốt để chứng minh cho mọi người trong nhà tin rằng tu sẽ tốt hơn chứ không phải xấu đi như họ tưởng. Nhớ ăn, ngủ và tập thể dục điều độ. Cái gì sai thì nhận là sai để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt thì con có thể lấy lại niềm tin nơi mọi người, nhất là cha mẹ, nếu cha mẹ không cho đi tu thì đi không được đâu.
Câu hỏi:
Kính bạch sư, con có một số bạn đang niệm Phật. Họ là những người tri thức và khá giả. Có một chị cho con ba tấm hình do một người không tin tôn giáo chụp trong buổi di quan một cô trong đạo tràng niệm Phật. Trong ảnh thấy có những luồng sáng và một số hình ảnh mà họ gọi là chư Thiên và Phật đến đón hương linh về cực lạc. Thực tình khi xem thì con không chút gì xúc động mà con chỉ thấy trên thế gian này có những tuyệt tác, những kỳ quan vô cùng sinh động do con người hay thiên nhiên tạo ra. Cõi ta bà mà còn có nhiều cảnh quan đẹp đẽ đến thế, vậy tại sao một vị Phật và chư Thiên đến rước mà hình ảnh chụp rất tầm thường, mặc dù hơi lạ và kỳ quái nhưng thua xa cảnh đẹp của thế gian và các tác phẩm của những nghệ nhân. Phàm nhân chụp kỳ quan thiên nhiên rất nghệ thuật. Tại sao oai lực lại thua xa phàm nhân? Con xin sư từ bi chỉ dạy thêm cho con, đó có phải là phi nhân hóa hiện không?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Hiện tượng những đốm sáng mờ mờ chụp được trong hình, không nhất thiết xuất hiện khi chụp những nơi linh thiêng mà có thể trong nhiều cảnh trí khác nhau. Tùy theo niềm tin của một số người mà những đốm sáng ấy được phỏng đoán là các vong linh, chư thiên, hoa mạn-đà-la, thiên thần v.v... nhưng không ai khẳng định chính xác đó thật sự là gì. Nếu niềm tin đó làm cho người ta tốt hơn thì cũng tốt, còn nếu vì vậy mà mê tín hơn thì lại xấu.
Một người Phật tử chân chính thì thường tự thấy biết rõ ràng hành động, nói năng, suy nghĩ nơi thực tại thân-tâm-cảnh, ngay đây và bây giờ để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, chứ không tin tưởng vào những phỏng đoán hay tin đồn. Cho dù những đốm sáng đó là gì thì cũng đừng tin vào bên ngoài mà quên mình, phải thường chánh niệm tỉnh giác đối vời thân, thọ, tâm, pháp. Dù đốm sáng đó là chư thiên hay thiên thần ở cõi cao đi nữa thì họ vẫn còn trong tam giới mà đã là tam giới thì vẫn bất an như ngôi nhà lửa, nghĩa là vẫn còn vô minh ái dục. Việc tu hành là soi sáng thân tâm để không bị rơi vào tình trạng vô minh ái dục, phiền nào khổ đau, chứ không dựa vào niềm tin ở năng lực siêu nhiên bên ngoài. Phật dạy tin vào tha lực quá nhiều sẽ sinh tham lam, nếu không có trí tuệ để tự giác, huống chi đây chỉ là những phỏng đoán căn cứ trên niềm tin mà thôi.
Câu hỏi:
Venerable Vien Minh, I have two questions to ask you.
When Venerable was in Bodhi Heart Sanctuary, you talked about Right Effort, Right Mindfulness and Awareness. I asked if awareness is clear comprehension and you responded yes. In the seven factors of enlightenment, the first three factors are Sati, Dhamma Vicaya and Viriya. My questions:
1. Is awareness the same as Dhamma Vicaya (Investigation of Dhamma)?
2. Do we need to think or at least incline our mind towards when we cultivate investigation of Dhamma? There is a certain kind of curiosity, interest to know and understand isn't it? We have to keep reminding ourselves to pay conscious attention example "what is the state of the mind now?" "How is the mind relating to the object?"
Please respond only when you have time. Thank you Venerable.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Dhamma has two meanings: 1. The teachings of the Buddha (Buddhasāsana), 2) The reality. There are two kinds of reality: 1) Ultimate reality (paramattha dhamma) 2) Conventional reality (paññatti dhamma).
1) When dhammavicaya deals with a paramattha object (ultimate reality), it is the same as awareness, but it is used specially for observing carefully what is happening (not that is happening). So, no need to think or to do anything else but to observe it with clear mind.
2) When dhammavicaya concerns in a paññatti object (conventional reality), which is a Dhammapāda verse, for example, vicaya means thinking about or reflecting on the verse to seek for its meaning.
In the first case dhammavicaya is an attitude of right comprehension (sammā diṭṭhi), in the second one dhammavicaya is an action of right thought (sammā saṅkappa). So the term investigation (vicaya) can be understood differently according to its situation.
The funtion of dhammavicaya in the seven factors of enlightenment is to awake the mind from drowsiness, so it must be the insight to realise the ultimate truth, not the thought or the curiosity to know or to understand the teachings of the Buddha. Wishing to know "what is the state of the mind now?" and "How is the mind relating to the object?" may be good in conceptual or intellectual activities, but not good for enlightenment which requires a void (suñña) and clear (suddha) mind.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, con xin Thầy vui lòng chỉ cho con một cuốn sách nào của Thầy bằng tiếng Anh để con có dịp giới thiệu với các bạn sử dụng tiếng Anh mà chưa sử dụng được tiếng Việt. Con cũng xin Thầy chỉ cho con cách học tiếng Pali vì con cũng muốn được theo tấm gương của Thầy.
Thưa Thầy, lũ trẻ nhà con hỏi con: Sáng suốt Định tĩnh Trong lành/ Thận trọng Chú tâm Quan sát/ Tinh tấn Chánh niệm Tỉnh giác viết bằng tiếng Anh như thế nào? Con mang hỏi Thầy để xin Thầy cho con những chữ sát nghĩa nhất. Con cảm ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy chưa có viết cuốn sách nào bằng tiềng Anh mà sách thầy cũng chưa được dịch ra tiếng Anh. Vừa rồi có một số câu hỏi bằng tiếng Anh của Phật tử nước ngoài nên thầy trả lời bằng tiếng Anh thôi. Trong câu hỏi số 18 con sẽ thấy những chữ in đậm, thầy trích lại đây và thêm chú thích tiếng việt như sau:
Purity (trong lành), Serenity (định tĩnh) and Clarity (sáng suốt). Purity is the core of Morality (Sila), Serenity is the core of Concentration (Samadhi) and Clarity is the core of Wisdom (Panna). When your activity is taking place in a pure, serene and clear mind, that is perfect vipassana. Don’t try to practise anything else. The interference of your will-and-effort will frustrate the best vipassana. The mind has three other active qualities: Carefulness (thận trọng), Attentiveness (chú tâm) and Observability or observance (quan sát). When you have to do something rather quite hard, the mind will automatically take caution, pay attention and observe fully and clearly the process of doing. You only need to make use of Right Effort (tinh tấn), Right Mindfulness (chánh niệm) and Awareness (tỉnh giác) when your thoughts or your intentions are wandering away.
Sách dạy Pāli có bán ở Học Viện Phật Giáo Tp.HCM.
Câu hỏi:
Thầy tôn kính, Thầy dạy con là bên cạnh sự buông xả để thấy ra thực tánh của Pháp mà còn phải thấy ta thực tánh ảo tưởng của bản ngã. Đúng là trong sự tu tập, trong con vẫn âm thầm có cái nhìn chủ quan đối với những gì tồn tại trong tâm mình. Có một điều con vẫn không tự giải quyết được, đó là vấn đề tích luỹ kinh nghiệm. Như con hiểu thì việc tích luỹ kinh nghiệm cũng là một sự tự nhiên của Pháp, nếu không thì con người không tồn tại được. Và cuộc sống tự nhiên của một con người cũng bao hàm việc tích luỹ của một "khối kinh nghiệm". Từ việc bật công tắc điện, mặc áo quần, sử dụng máy tính..., đều là những kinh nghiệm. Và dù bản thân ý thức rằng không tích luỹ kinh nghiệm thì kinh nghiệm tự thân nó vẫn hình thành. Nhưng trong sự giác ngộ thì luôn đòi hỏi phải "chết đi" những kinh nghiệm cá nhân, vậy có phải chăng sự chết đi này là sự không dính mắc và bản thân quá trình kinh nghiệm tự nhiên cũng là sự vận hành của pháp. Con hiểu như vậy có đúng không thưa Thầy? Xin Thầy chỉ dạy cho con cách sáng suốt hồn nhiên trước một kinh nghiệm đã có. Cụ thể đối với một kinh nghiệm giác ngộ, nếu nói rằng quên hết đi để luôn thấy Pháp mới mẻ con thấy là điều thực là khó, nên con vẫn bị lúng túng. Một lần có nghe Sư ông Thanh Từ nói: điều khó nhất với người tu không phải là tập khí mà là thấy lẽ thật rồi mà không sống được với lẽ thật đó. Điều con hỏi có phần mang tính lý luận nhiều, xin thầy tha lỗi, từ bi chỉ dạy cho con ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp, nếu chúng ta thấy đúng bản chất của nó, nghĩa là thấy rõ tánh tướng thể dụng... của nó. Nếu kinh nghiệm là tự nhiên thì đó không phải là tích lũy kinh nghiệm, cố chấp kinh nghiệm hay lệ thuộc vào kinh nghiệm. Vấn đề là hãy để những trải nghiệm luôn luôn mới mẻ chứ không phải là cái đã trở thành định kiến, hay quan niệm cũ kỹ của điều đã trở thành kinh nghiệm. Điều này không phải là lý luận mà là thực trạng. Tại sao con nhìn đóa hoa hồng lần đầu bao giờ cũng đầy ngạc nhiên hứng thú, và tại sao trải qua bao lần nhìn nó con lại không còn ngạc nhiên hứng thú nữa? Phải chăng những kết luận có từ trải nghiệm trước, tức những kinh nghiệm, đã giết chết sự hứng thú vì không còn thấy gì mới mẻ?. Chắc chắn một người đi du lịch lần đầu đến một phong cảnh lạ sẽ hứng thú hơn người đang thuyết trình về nó. Tất nhiên, khi nói dẹp bỏ kinh nghiệm là nói trên phương diện chân đế, chứ không nói trong phương diện tục đế. Trong chân đế kinh nghiệm hoàn toàn vô nghĩa, còn trong tục đế thì kinh nghiệm đôi lúc có ích, đôi lúc có hại. Do đó chính con phải tự khám phá xem kinh nghiệm nào vô ích, kinh nghiệm nào có lợi hay có hại cho nhận thức đúng đắn của con.
Câu hỏi:
Thưa Thầy cho con hỏi là nếu khi đang đi đứng nằm ngồi con cũng phải chánh niệm tỉnh giác, như vậy có nghĩa là trong lúc đi đứng nằm ngồi con không được suy nghĩ về bất cứ việc gì khác ạ? Vì đi đứng nằm ngồi là tư thế nên giả sử những lúc con phải làm 2, 3 việc như ngồi nghe giảng hay đứng nói chuyện thì con phải chánh niệm tỉnh giác thế nào ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thực ra chánh niệm tỉnh giác vốn là vô vi, vô ngã và vô hạn, nhưng khi con sử dụng nó cho một phương pháp hay một ý đồ chủ quan trên một đối tượng thì nó trở thành hữu vi, hữu ngã, và hữu hạn. Nói vậy chắc con khó hiểu, để thầy ví dụ: Khi tâm con rỗng lặng trong sáng vô tư thì hầu như con có thể đồng thời thấy, nghe, cảm, biết một cách rất rõ ràng mọi đối tượng dù chúng xảy ra cùng lúc. Đó là lúc chánh niệm tỉnh giác tự nhiên nhất mà cũng là chính xác nhất. Và nếu cũng do nhu cầu tự nhiên mà con cần chú ý vào một đối tượng thì tự động tâm con ứng ra thận trọng chú tâm quan sát trên đối tượng đó. Đó cũng là một động tác tự nhiên biểu hiện chánh niệm tỉnh giác. Trong hai trường hợp trên chánh niệm tỉnh giác vẫn vô vi, vô ngã và vô hạn. Nếu đã vô vi, vô ngã, vô hạn thì đừng nói là hai sự kiện mà dù vô số sự kiện cùng một lúc con vẫn chánh niệm tỉnh giác được. Nhưng khi con cố ý chánh niệm tỉnh giác vào một đối tượng chọn lựa sẵn (nghĩa là không tự nhiên) với một mục đích chủ quan nào đó, ví dụ như để tìm biết thân, thọ, tâm ... là gì, ra sao, hoặc để định tâm trên đó v.v... thì chánh niệm tỉnh giác liền trở thành hữu vi hữu ngã và bị giới hạn. Nói chính xác đó không còn là chánh niệm tỉnh giác nữa.
Một số trường phái niệm thân, niệm tho, niệm tâm... cục bộ bị bế tắc là vì họ gò ép chánh niệm tỉnh giác vào đối tượng chọn sẵn (không phải là đối tượng tự nhiên, tùy ngộ nhi an), và vào một phương pháp cố định lặp đi lặp lại (không phải là thái độ tự nhiên, tùy cảm nhi ứng), kèm theo ý đồ hoạch định sẵn để tìm kiếm sở tri và sở đắc tương lai. Chắc chắn đó là trở ngại lớn cho chánh niệm tỉnh giác, vì đối tượng của chánh niệm tỉnh giác phải là thực tánh tự nhiên, và bản thân chánh niệm tỉnh giác phải trọn vẹn tại đây và bây giờ, không lệ thuộc vào thời gian và phương pháp. Sở dĩ thầy không đưa ra phương pháp và đối tượng nhất định nào để chánh niệm tỉnh giác, vì tâm phải hoàn toàn rỗng lặng trong sáng mới thấy được thực tánh của tất cả pháp. Thầy nói dài như vậy để con hiểu chánh niệm tỉnh giác thực sự là gì trước khi con đem ra sử dụng, nếu không con sẽ lúng túng vô ích.
Câu hỏi:
Con kính chào Thầy,
Đầu thư con xin được chúc Thầy vạn sự an khang. Con chưa có hạnh ngộ được trực tiếp nghe thầy giảng Pháp, nhưng nhờ duyên lành mà biết đến trang Trung Tâm Hộ Tông và vẫn thường xuyên vào Thư Viện đọc sách và nghe Pháp Thoại. Con có một câu hỏi vẫn đau đáu trong lòng bấy lâu nay, tuy hơi ngô nghê một chút nhưng con thực lòng kính mong Thầy gỡ đi cái gai trong lòng con.
Theo cái hiểu của con, những nỗi khổ đau mà con người ta gặp phải đều vì sống không tùy duyên, không thuận pháp, đều vì nảy ra những ham muốn do điều động của Vô Minh, Ái Dục (dục ái, hữu ái, phi hữu ái). Thế nhưng, nếu con người bỏ đi những ham muốn đó (và chỉ giữ lại những ham muốn thuộc bản năng sinh tồn như ăn uống ngủ nghỉ...) thì phải chăng là ta cứ sống mà không nỗ lực, không ước mơ, không phấn đấu gì sao? Làm sao ta có thể phân biệt giữa ham muốn thuộc Vô Minh và ham muốn có tính tích cực? Con lấy ví dụ, một sinh viên học không khá, nhưng cậu ta quyết tâm "lấy cần cù bù thông minh", ngày đêm đèn sách, như vậy cái quyết tâm học giỏi và cái nỗ lực của cậu sinh viên này có phải là Khổ hay không? Có phải là trái duyên trái pháp hay không? Phải chăng, nếu như tùy duyên thuận pháp thì cậu ta sẽ thấy ngay từ đầu là không nên cố gắng làm gì? Phải chăng, những ai yếu kém thì cứ nên chịu phận yếu kém mà không nên nỗ lực, mong cầu?
Suy rộng ra, con thấy là những thành tựu khoa học kỹ thuật mà con người đạt được, những tiện ích mà chúng ta dùng ngày nay, phải chăng ở một mức nào đó đều là "trái duyên trái pháp"? Nếu như tất cả khoa học gia đều buông bỏ, không nỗ lực đấu tranh (với bản thân mình, với thiên nhiên, thậm chí với cả xã hội), không mong cầu, thì không rõ xã hội con người sẽ đi đến đâu? Và cao cả hơn tất thảy, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni toàn năng của chúng ta, phải chăng nếu Ngài thuận Pháp thì Ngài đã ngồi lại dưới cội Bồ Đề mà không bôn ba đi cứu chúng sinh (bởi chúng sinh thì làm sao hiểu được Pháp)?
Kính thưa Thầy, có lẽ Thầy sẽ cười khi đọc những câu hỏi này của con, bởi chúng thể hiện kiến thức Phật Pháp hết sức yếu kém của con. Nhưng với con, việc giải đáp được những khúc mắc này có tính chất cực kỳ quan trọng cho con đường mà con sẽ lựa chọn ở phía trước.
Con xin tri ân Thầy và kính chúc Thầy sức khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thầy thì thấy hoàn toàn ngược lại. Nếu các nhà khoa học làm việc một cách sáng suốt, định tĩnh, trong lành, luôn thận trọng, chú tâm, quan sát, không để cho vô minh ái dục xen vào, không bị thất niệm, tạp niệm, vọng niệm chi phối thì khoa học ngày nay đã tiến bộ hơn hàng ngàn hàng vạn lần hơn mà không đem lại đau khổ cho loài người, không gây tổn hại môi sinh, không làm mất cân bằng sinh thái trầm trọng như ngày nay. Nếu các bác sĩ, kỹ sư, các nhà chính trị, những người công nhân... cũng luôn chánh niệm tỉnh giác, thì đã không có chiến tranh, thảm sát, khủng bố, và những khổ đau, bất hạnh, khốn cùng. Nếu tất cả công dân trên thế giới đều sống đúng nguyên lý của cuộc sống thì quả địa cầu này đã biến thành thiên đàng từ lâu rồi. Vậy những xấu xa tội lỗi như chém giết, trộm cắp, tham nhũng... trên thế giới này do vô minh ái dục hay do sáng suốt, định tĩnh, trong lành? Những người sống lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha như đức Phật, như các vị Bồ tát là do vô minh ái dục hay do giác ngộ giải thoát?
Sigmund Freud đã cảnh báo rằng: "Văn minh là hậu quả của tính dục", vì vậy mới đưa đến cuộc khủng hoảng toàn cầu như ngày nay. Những nhà thông thái và có lương tâm cũng đang tiên liệu trái đất có thể bị hủy diệt một ngày không xa nếu con người cứ tiếp tục nền văn minh tính dục như thế này. Dục tự nó không sai, nhưng dục kết hợp với tham sân si thành dục ái, hữu ái, phi hữu ái mới là sai lầm trầm trọng. Dục được sử dụng đúng nguyên lý của pháp (thuận pháp) trở thành pháp Tứ Như Ý Túc trong Phật giáo, có thể thực hiện được vô số điều lợi lạc quần sanh mà không gieo đau thương phiền khổ. Nếu con có nhiều ý muốn (dục) lợi lạc quần sanh vô ngã vị tha thì con cứ làm càng nhiều càng tốt, có điều con phải đủ sáng suốt, định tĩnh, trong lành, đừng để vô minh ái dục sai khiến, nếu không con sẽ chỉ làm cho thiên hạ đau khổ thêm mà thôi.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy, đầu tiên con xin gửi tới Thầy tất cả lòng biết ơn ạ. Thầy đã chỉ cho con một con đường và bây giờ chính con sẽ phải tập đi trên con đường ấy. Như vậy con xin được hỏi thầy một lời hướng dẫn ạ. Thầy đã nói "khi ăn con cần chánh niệm tỉnh giác biết rõ động tác đang ăn một cách minh bạch, không để ý niệm, tư tưởng hay quan niệm của cái ta ảo tưởng xen vào". Và các hành động khác thì con nghĩ con cũng sẽ phải làm tương tự như vậy. Nhưng còn khi suy nghĩ thì sao ạ? Giả dụ như khi con đọc một quyển sách hay, hay như ngay trước lúc ngủ thì con không thể kiểm soát được các suy nghĩ của mình. Như vậy thì con phải làm thế nào ạ? Con sẽ phải chánh niệm tỉnh giác biết rõ mình đang suy nghĩ ạ? Vậy còn những lúc con đang có cảm xúc như đau khổ, sợ hãi thì sao ạ? Điều đó là có thể không ạ? Thực sự đây cũng là một lý do con mới mạo muội hỏi Thầy một cách Thiền ạ. Vì con nghĩ hay là những lúc như vậy thì con sẽ nhập Thiền, còn khi nào làm những động tác cụ thể nào đó thì con sẽ chánh niệm tỉnh giác các động tác đó riêng ạ? Một lần nữa con xin cảm ơn Thầy rất nhiều ạ.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả những tình huống của con đều không nằm ngoài bốn niệm xứ: trạng thái thân, trạng thái thọ, trạng thái tâm, trạng thái pháp. Dù con đang trong trạng thái nào tánh biết đều có thể biết được.
1) Khi tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì bất cứ sự kiện nào liên hệ xảy ra trong hay ngoài tâm đều biết rõ.
2) Khi cần để ý một đối tượng nào thì tâm sẽ tự chú tâm quan sát một cách thận trọng.
3) Khi tâm ý lan man rong ruổi thì chỉ cần con tinh tấn chánh niệm tỉnh giác liền trở về thực tại.
Không cần kiểm soát, không cần thiền định... trừ phi có nhu cầu cần thiết. Đây không phải là những biện pháp thường trực, giống như thuốc chỉ dùng khi bệnh, còn bình thường chỉ cần sống đúng nguyên lý dưỡng sinh thì sẽ khỏe mạnh không bệnh tật. Tâm cũng vậy, chỉ cần sống đúng 3 nguyên lý giác ngộ giải thoát nói trên là không phiền não khổ đau. Còn các pháp môn chế định chỉ sử dụng như phương tiện tạm thời thôi. Con nên đọc lại thật kỹ những sách và bài viết trong trang web này, những điều con hỏi thầy đã nói hết rồi.
Câu hỏi:
Dear Bhante, Happy vassa 2011 on 16th july. May Bhante be strong and healthy to continue the propagation of Buddha sasana.
For washing cutleruy activity, have a lot of plates, cup, fork & spoons to wash after each meal at home. During the process of washing spoons (1st object), I observed my habitual mind tends to swift change to (2nd object) very fast - very disliked to see dirty leftover food on the plates. I awared the hands movement of holding the objects and moving here and there with 3 factors - careful, attentive and observant when the process flashing with water, clean w detergent. While cleaning, awared the sensation of water - cold, sometimes awared degree of coldness at different part of hands... at times, wandering mind like planning object (concepts) interfer in very fast... start thinking, thinking... before end of the process... Bhante, am I doing the right satipatthana at this moment/process???
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
That's right! You are doing it correctly. Just do it naturally, without any purpose in the future. You need only doing it properly in carefulness, attentiveness and observation then the dhamma will carry out other process of operation. Watching, watching everything with pure, serene and clear mind you will see things - body, sensation, state of mind, phenominon inside or outside - as they are. Then you see that the reality is merely nāma and rūpa without self, that things are always rising and passing away, that all phenomina are impermanent, insatiable and nonself... Your mind will be free from defilments of the illusive self, without expectation. Be in the Bliss of Dhamma.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy, vậy Thầy có thể chỉ cho con một cách cụ thể nào, giả dụ như một phương pháp thiền nào đó để thoát khỏi ám ảnh không ạ? Vì với tâm trạng của con bây giờ thì thực sự là con không thể nào nhiệt tình với thứ gì được, dù là khi làm những chuyện vốn khiến con thấy vui. Con vẫn biết và vẫn cố sống sao cho tốt, nhưng mỗi khi đêm về hay mỗi khi rảnh ra một thoáng thời gian rỗi là con lại chìm vào những ám ảnh như Thầy nói. Và thế là con cứ đau khổ, sợ hãi; rồi lại tạm kìm nén những cảm xúc này lại mà sống; rồi lại đau khổ, sợ hãi... Con thấy mệt mỏi quá Thầy ạ...
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đúng là con đang rơi vào tình trạng "cước căn bất điểm địa", lơ lửng không có chỗ đặt chân. Lý trí với những ảo tưởng đã hiểu Phật Pháp nhưng thực ra chỉ là những kiến thức vay mượn chưa được kiểm nghiệm. Bây giờ con lại muốn vớ lấy một cái phao phương pháp nào đó để bám níu, nhưng càng như thế con càng rời xa đất thật, vẫn chỉ muốn đặt chân trên cái phương tiện nào đó hơn là đặt chân trên đất thật để bước đi từng bước vững vàng. Con thiếu thận trọng chú tâm quan sát, nên ngay trong câu hỏi trước thầy đã nói: "khi ăn con cần chánh niệm tỉnh giác biết rõ động tác đang ăn một cách minh bạch, không để ý niệm, tư tưởng hay quan niệm của cái ta ảo tưởng xen vào" nhưng con không để ý nên không thấy ra trong đó nghệ thuật sống giác ngộ giải thoát. Mảnh đất thật chính là thực tại thân-tâm-cảnh ngay đây và bây giờ. Thực tại có thể là niềm đau, nỗi khổ, có thể là sợ hãi, muộn phiền... nhưng hãy quan sát nó một cách trọn vẹn và nhiệt tình thì không những con thông suốt được nó mà ngay đó con tìm thấy được một niềm an lạc tuyệt vời. Đừng nương tựa vào đâu, hãy tự thắp sáng chính mình thì mọi phiền não khổ đau sẽ không còn tồn tại.