Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Kính chào thầy!
Đầu thư con xin kính chúc sức khỏe thầy. Thưa thầy, con xin gửi thầy lá thư này với tất cả tấm lòng biết ơn! Trong lúc con thất vọng nhất không biết nói với ai, không có ai thông cảm, con đã gửi thư bộc bạch hết nỗi lòng của con và được thầy động viên và dạy dỗ. Con biết là con không ngoan, con vẫn chưa làm được hết những điều thầy dạy. Con hiểu những điều thầy dạy, con biết là đúng thế nhưng con vẫn chưa thực hành tốt lời dạy của thầy. Con vẫn chưa thể dẹp bỏ hết những mặc cảm, tự ái. Thưa thầy, thế nhưng cho tới hôm giỗ ba con, khi thầy ban pháp cho tất cả mọi người ở đó, con cảm thấy rằng những điều thầy nói dường như đang dạy dỗ cho riêng con và vấn đề của con. Một lần nữa thầy lại khuyên con làm một con người cởi mở, tự tin, không bảo thủ và thay đổi cách đối nhân xử thế của mình. Kính thưa thầy, khi đó sâu trong lòng con cảm thấy biết ơn thầy với niềm xúc động sâu xa, con cảm thấy thật có lỗi, chỉ vì tự ái và bảo thủ mà con đã không nghe lời thầy, mặc dù lúc đó con biết và con hiểu những lời khuyên của thầy là đúng. Con cảm thấy có lỗi với sự quan tâm của thầy, con nhận ra rằng bởi vì sự bảo thủ của con mà có lẽ con đã làm nhiều người thất vọng trong đó có cả những người con yêu kính. Thưa thầy, con xin nghe theo những điều thầy dạy, con sẽ tự nhìn lại những sai lầm của chính mình và không quan tâm những thị phi bên ngoài, con xin nhớ những gì thầy dạy bảo.
Cuối thư con xin kính chúc thầy an lạc, mong thầy giữ sức khoẻ. Con xin thành kính tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tốt lắm, thầy rất hoan hỷ. Con đừng mặc cảm sai lầm, có sai con mới thấy ra đúng. Điều quan trọng là con đang thấy ra chính mình, chỉ có như vậy con mới điều chỉnh được nhận thức và hành vi ứng xử tùy duyên thuận pháp trong cuộc sống. Thực ra hôm giỗ ba con, trong bài giảng chính là thầy muốn nhắc nhở để con thấy ra vấn đề của mình. Khổ đau hay hạnh phúc đều xuất phát từ thái độ nhận thức và hành vi của con. Chính thái độ nhận thức và ứng xử sai lầm làm khổ mình và làm khổ người khác. Khi thấy ra điều đó con không còn cho rằng nguyên nhân đau khổ đến từ bên ngoài mà giờ đây con đã hiểu rõ nó đến từ thái độ bên trong của chính con. Đây là nhận thức cơ bản nhất để con bắt đầu có thái độ cởi mở, thương yêu và thông cảm với mọi người và rồi mọi người cũng thương yêu thông cảm và cởi mở với con.
Hôm đó thấy con gầy đi, có vẻ như đầy muộn phiền, bất an và căng thẳng, lại thấy mẹ con cũng lo lắng không yên nên khi lên làm lễ thầy đã giảng để chủ yếu giúp con và mẹ con thông suốt được nghệ thuật sống vô ngã vị tha. Lão Tử nói: "Ngoại kỳ thân nhi thân tồn, hậu kỳ thân nhi thân tiên". Bỏ mình ra ngoài thì mình lại còn, để mình ra sau thì mình được trước. Chúa Jesus cũng nói: "Kẻ nào chịu đứng sau rốt trên thế gian này thì sẽ được ưu tiên trên nước thiên đàng" Còn Phật thì triệt để dạy chúng ta hãy sống lợi lạc quần sinh vô ngã vị tha thì sẽ không còn khổ đau phiền muộn nữa. Hãy tích cực lên con, một tâm hồn trong sáng đầy tình yêu thương chính là nguồn hạnh phúc bất tận. Chúc con ngập tràn ân sủng của pháp.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy, con đang rất cần một lời chỉ dẫn của Thầy. Trước nay con vẫn luôn tìm hiểu về Phật Pháp, nhưng chỉ dừng ở mức "thấy" Phật Pháp có lý mà thôi. Nhưng cách đây không lâu, trong một lần con suy tưởng về sự Chết và sự Sống, về cái Bản Ngã (do con có tìm hiểu Phật Pháp nên con cũng có thường xuyên suy tưởng nhũng khái niệm này) thì đột nhiên con cảm giác như mình đã hiểu ra trên mặt lý trí về Tứ Đế. Nói như vậy vì từ khi ấy con nhìn đâu cũng thấy khổ. Ngay cả khi con tự ép mình đọc những sách trước nay con thấy hay, xem những phim trước nay khiến con vui thì con vẫn thấy khổ, một cảm xúc vẫn vui mà vẫn khổ con không thể giải thích nổi. Rồi sau đó một đoạn thời gian thì gần như loại trừ lúc ngủ hoặc lúc nào con ép mình không suy nghĩ gì cả, ngoài ra thì lúc nào con cũng chỉ thấy khổ. Vào lúc ấy con chỉ muốn vứt hết tất cả, chỉ muốn đến ngay một ngôi chùa để quy y, chỉ muốn được giải thoát khỏi nỗi đau khổ và sợ hãi này. Rồi sau đó một thời gian nữa thì mọi chuyện trở nên "đỡ" hơn. Có lẽ là do đoạn thời gian khổ kia khiến đầu óc con kiệt quệ chăng, giờ tuy con nhìn đâu vẫn thấy khổ, nhưng chỉ là khổ trên nhận thức thôi, còn "cảm xúc" khổ thì không nhiều. Bây giờ cảm xúc chủ yếu của con là một loại cảm xúc như buông xuôi, như không có cảm xúc mà con không thể giải thích được. Con chỉ biết là bây giờ dù con làm gì đi nữa thì cũng sẽ có cảm xúc vui vui buồn buồn mơ hồ không rõ. Có những khi con muốn suy tưởng thêm về Phật Pháp, nhưng không được. Bổ sung thêm kiến thức về Phật Pháp thì con làm dễ dàng, bây giờ thì con đã nắm trên mặt tri thức gần đủ các Pháp cơ bản nhất rồi. Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Tứ Thánh Đế, Bát Chính Đạo, Duyên khởi, Nghiệp, Tam Độc, Luân Hồi, Tam Giới, Niết bàn, những khác biệt cơ bản giữa Phật giáo Thượng Toạ Bộ và Phật Giáo Đại Thừa... con đều có thể "giảng giải" cho những người chưa biết được. Nhưng thực sự "suy tưởng" như trước kia con vẫn làm thì bây giờ con không làm nổi. Chưa bao giờ con thấy mình chỉ đang sống "qua ngày" như thế này. Một ngày bây giờ với con thì gần như chỉ là "À, đến lúc ăn rồi"; "À, đến lúc giải trí rồi"; "À, đến lúc nghiên cứu về Phật Pháp rồi"; "À, lại một ngày mới rồi"... Con bây giờ có cảm giác thật kiệt quệ. Muốn dùng trí tuệ thì không được, muốn cảm xúc thì cũng rất phù du... Bây giờ con thật sự không biết phải làm thế nào cho phải. Kính mong Bạch Thầy chỉ cho con một con đường.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có thể do con hiểu Phật Pháp qua lý trí suy luận nên cái khổ mà con nói mang tính tâm lý, ảo tưởng, ảo giác hơn là cảm giác thực. Nếu con thực sự thấy vô thường, khổ, vô ngã thì tham ưu đoạn giảm, mà tham ưu đoạn giảm thì bớt chấp thủ, bớt dính mắc, bớt bị ràng buộc, như vậy lẽ ra con sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản, tự do và an lạc mới đúng. Sao lại có thể rơi vào buồn khổ, chán chường, buông xuôi, kiệt quệ? Phải chăng con bị ám ảnh bởi ý tưởng vô thường, khổ, vô ngã hơn là thực sự chứng nghiệm những bản chất thật của nó? Như vậy chẳng lẽ con đã rơi vào tâm si hay vô ký?
Con nói: Một ngày bây giờ với con thì gần như chỉ là "À, đến lúc ăn rồi"; "À, đến lúc giải trí rồi"; "À, đến lúc nghiên cứu về Phật Pháp rồi"; "À, lại một ngày mới rồi"... Đây chỉ là những ý niệm, tư tưởng, quan niệm... hình thành từ sự hiểu biết Phật Pháp qua tưởng tri và thức tri, chứ không phải thực thấy qua trí tuệ (paññāya passati) trong chánh niệm tỉnh giác. Từ nibbindati thường được định nghĩa là nhàm chán, nhưng thực ra nó ám chỉ thái độ không còn ham thích trong dục lạc chứ không phải là trạng thái chán chường của một tâm sân. Nibbindati thường đi chung với virajjati (thoát khỏi mê đắm) và vimuccati (giải thoát ràng buộc), mà giải thoát tham đắm ràng buộc thì sẽ không còn cái khổ tâm lý từ ảo giác của cái ta lý trí nữa.
Không phải là ăn với ý tưởng "À, đến lúc ăn rồi" mà là khi ăn con cần chánh niệm tỉnh giác biết rõ động tác đang ăn một cách minh bạch, không để ý niệm, tư tưởng hay quan niệm của cái ta ảo tưởng xen vào. Con cần phải sống nhiệt tình với tâm vô ngã vị tha, không nên sống thụ động tiêu cực, mà nên sống thiết thực đem lại lợi lạc cho mình và người, thì từ đó con mới có thể chứng nghiệm bài học giác ngộ giải thoát.
Câu hỏi:
CON KÍNH CHÀO THẦY! CON CÓ ĐỌC QUYỂN ĐỨC PHẬT VÀ PHẬT PHÁP TRONG ĐÓ CÓ ĐOẠN ĐỨC PHẬT ĐÃ ĐẮC QUẢ CHÁNH ĐẲNG GIÁC, VẬY TẠI SAO ĐỨC PHẬT CÒN GIÀ, BỆNH VÀ CHẾT? VẬY ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT ĐI ĐÂU VÀ ĐẾN ĐÂU? ĐỨC PHẬT CÒN THUYẾT PHÁP NỮA KHÔNG? CON RẤT MONG THẦY GIÚP GIẢI ĐÁP GIÙM CON ĐỂ CON HIỂU THÊM VỀ ĐỨC PHẬT. CON XIN CẢM ƠN THẦY.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đức Phật đã đắc quả Chánh Đẳng Giác nên tâm không còn bị ràng buộc hay lo sợ sinh già bệnh chết nữa, nhưng cái thân là do duyên sinh nên có hợp có tan, có già, có chết. Nhập diệt là thân hoại mạng chung, còn tâm Phật thì không sinh không diệt, không đi không đến... mà chỉ diệt cái thân ngũ uẩn và vì không còn bản ngã vô minh ái dục nên cũng không còn luân hồi sinh tử. Đức Phật đã nhập diệt nên không còn thuyết pháp theo cách thuyết bằng ngôn từ mà bằng cách biểu hiện chân lý trong thực tánh của pháp tự nhiên, qua đó nếu con biết lắng nghe quan sát thì vẫn chứng ngộ được như chính Phật thuyết bằng ngôn từ vậy. Những vị nghe đức Phật thuyết pháp bằng ngôn từ mà giác ngộ gọi là Thanh Văn Giác, những vị "nghe" đức Phật "thuyết" bằng biểu hiện chân lý qua thực tánh pháp gọi là Duyên Giác.
Điều này thầy chỉ nói đại khái để tạm thời lý trí con không suy đoán lung tung nữa thôi, còn muốn thấy rõ sự thật thì chính con phải tự mình lắng nghe quan sát để thực chứng sự thật mới không còn phân vân nghi hoặc nữa. Con nên nghiên cứu Phật Pháp trong hướng thấy ra chân lý để không còn bị cái ta lý trí vọng thức dẫn đến phiền não khổ đau, chứ không nên tìm hiểu những điều chỉ thuần thỏa mãn sự tò mò của lý trí vọng thức.
Câu hỏi:
Bạch Thầy, con nghe thầy giảng là muốn dẹp bỏ bản ngã mình phải để các pháp diễn ra một cách tự nhiên, vậy trường hợp con muốn thành một bác sĩ, hoặc một giáo sư nên con cố gắng học thật tốt, như vậy có phải là đã bị bản ngã chi phối không? Phải làm sao để trở thành Bác sĩ hoặc giáo sư mà vẫn không lệ thuộc vào cái ta ảo tưởng này? Xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Đó chính là công việc khám phá vô cùng lý thú cho sự giác ngộ giải thoát của con sao con lại đi hỏi thầy? Thầy chỉ giúp nêu rõ ra nguyên lý về ngã và pháp để con thấy mà tự giác ngộ thôi chứ thầy đâu có giác ngộ dùm con được. Chính con phải tự mình thấy ra ý muốn trở thành bác sĩ hay giáo sư của con là do tham vọng của cái ta ảo tưởng hay đó là tùy duyên thuận pháp theo nhu cầu thiết yếu của đời sống. Nếu con muốn thì con cứ làm, nhưng điều quan trọng là qua đó con có thấy được đâu là ngã, đâu là pháp, đâu là đúng, đâu là sai... để con tự biết điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt, cho thuận pháp thì mới không còn bị sai sử bởi cái ta ảo tưởng nữa. Thầy nhắc lại một lần nữa là không phải dẹp bỏ cái ta, vì nó đâu có thật mà phải dẹp, nó chỉ là ảo tưởng, do vậy con chỉ cần thấy ra nó thì nó tự biến mất thôi. Có điều chắc chắn là khi còn bị cái ta ảo tưởng chi phối thì vẫn còn phiền não khổ đau, dù con có trở thành bác sĩ hay giáo sư đi nữa.
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, con đang gặp lúng túng trong tu tập, xin Thầy chỉ dạy. Trước đây, cũng đã lâu, trong một lần tình cờ con thấy được mọi pháp vận hành như nó đang là (con đã trình với Thầy). Từ đó con sống bình thường, lặng lẽ quan sát thấy biết một cách tự nhiên, và con không một lần nào có lại được sự thấy biết rỗng lặng trong sáng như vậy được nữa. Sự tu tập của con thời gian qua như sau: 1. Con cố gắng để không rơi vào sự so sánh và mong cầu trạng thái đó. Mỗi khi có sự cố gắng, con nhận thấy ngay việc tu tập có năng sở, đối tượng không còn tự nhiên. 2. Khi con buông xuống những cố ý tạo tác của cái ta cá nhân thì dễ bị rơi vào tâm si. 3. Điều rõ nhất con thấy được là sự thấy biết của mình luôn bị ngăn trở bởi một cái gì đó (phải chăng đó là nghiệp lực) và lý trí luôn luôn xen vào bất kỳ lúc nào.
Thưa Thầy, có phải chăng khi "rỗng lặng trong sáng" được cũng là một sự kiện "xảy ra" khi hội tụ đủ nhân duyên, không thể cầu. Vì thế tuy con hiểu không cố tâm tham cầu, nhưng dù sao cũng đã đôi chút cảm nhận mùi vị của Pháp nên con thấy lúng túng với viêc tu tập của con hiện nay. Kính mong Thầy chỉ dạy. Con kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi con trải nghiệm thực tánh thì đừng hình thành kinh nghiệm về nó. Kinh nghiệm là nắm bắt thực tánh bằng kết luận, bằng ý tưởng. Đó là tiến trình khái niệm hóa của lý trí vọng thức. Bản thân thực tánh vượt ngoài khái niệm, do đó khi đã bị khái niệm hóa thì nó không còn là thực tánh mà chỉ là hình ảnh quá nhỏ nhoi về nó. Giống như con chụp tấm hình một dòng sông, trong tấm hình dòng sông đã dừng lại còn dòng sông kia thì vẫn tiếp tục trôi chảy không ngừng.
Vấn đề không phải ở chỗ con có thấy lại thực tánh hay không, bởi thực tánh luôn mới mẻ không ngừng, khi con muốn nắm bắt nó thì "ý muốn biết, muốn được" đã che mờ thấy biết của con, và thực tánh đã qua mất rồi. Khi thấy biết có ý đồ thì thực tánh không bao giờ xuất hiện, dù muôn đời nó vẫn là như vậy chẳng mất mát đi đâu cả. Vậy vấn đề không phải là thấy lại được thực tánh con đã thấy, mà là tâm thấy biết có rỗng lặng, vô tâm và trong sáng không. Khi con không thấy thực tánh tức con đang thấy qua khái niệm của bản ngã. Đó không phải là cơ hội để con thấy ra bản chất của cái ta ảo tưởng hay sao? Thấy hành trình tham sân si hay vô minh ái dục của bản ngã cũng là thấy thực tánh. Con phải khám phá cả hai: thực tánh của pháp tự nhiên và thực tánh của cái ta ảo tưởng. Khi bản chất của cái ta ảo tưởng đã bị phơi bày thì đồng thời thực tánh của pháp chân đế cũng xuất hiện.
Lần con thấy trước đây chỉ là nhờ cái ta bỗng nhiên vắng mặt, nên chỉ thấy thực tánh pháp tự nhiên mà không thấy hành trình của cái ta ảo tưởng vẫn còn đó trong vô thức chưa khởi lên. Nay khi nó đang hiện khởi và xen vào sự thấy biết của con thì con không khám phá nó mà lại muốn thấy thực tánh thôi, sai lầm của con chính là ở chỗ đó. Trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy thấy thân, thọ, tâm, pháp như nó đang là, bao gồm cả tham, sân, si, khổ, lạc, xả... chính là thấy thực tánh, chứ không phải mong đừng có thực trạng đó để thấy thực tánh của pháp nào khác. Cái gì con thấy nó như nó đang là, chứ không phải con nghĩ là, chính là thấy thực tánh.
Vậy: 1) Con cố gắng buông tức là buông mà không xả, nên trong buông còn ý chí buông của cái ta. Hãy để tự nhiên thì tánh biết tự thấy pháp mà không cần cố gắng gì cả. Vì thấy với tâm rỗng lặng trong sáng tức là buông chứ không có ai buông và cái gì để buông cả. 2) Nếu con biết bị rơi vào tâm si thì đâu còn si nữa. Phật dạy, "nội tâm có si biết là nội tâm có si" tức là đang chánh niệm tỉnh giác, nghĩa là tánh biết vẫn sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Khi con không biết bằng lý trí của thức tri, tưởng tri thì con lầm tưởng đó là tâm si. Nhưng không biết không hẳn là tâm si, chính cái biết bị chi phối bởi trạo cử và nghi hoặc mới gọi là tâm si. Còn biết (tuệ tri) mà không biết (tức không bị tưởng tri và thức tri che lấp) mới thực sự là biết thực tánh.
Câu hỏi:
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật! Kính bạch sư Viên Minh. Con xin có vài câu hỏi:
1. Có nhiều vị thiền sư giảng về thiền khác nhau như: Thiền sư Như Huyễn Thích Từ Thông giảng có 2 loại thiền là xuất thế gian thiền và thế gian thiền; Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm vừa viết dịch cuốn sách Thiền và Chỉ Quán; Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại dạy thiền ôm; v.v... Vậy xin sư chỉ dạy mọi người nên tu thiền như thế nào, tu theo trình tự nào, từ phổ thông đến nâng cao, để có kết quả tốt?
2. Những bệnh về thiền mà các người tu thiền thường gặp phải.
3. Cách tu thiền minh sát tuệ.
Riêng con, con có đến chùa Kỳ Viên và được dạy phương pháp phồng xẹp, con tu thấy có kết quả tốt đẹp.
Con cảm ơn sư đã bớt chút thì giờ giảng giúp chúng con, những người bận rộn để có thể tu tập đúng theo chánh pháp của Đức Phật mà không phải mò mẫm hoặc lang thang vòng vo mà mau chóng đi đúng thiền hành để có kết quả tốt đẹp.
Kính bái. Nguyễn Tiến Thành.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Sư không muốn bình phẩm về các vị thiền sư khác. Mỗi vị có một cách riêng tùy theo nhận thức và kinh nghiệm của mình về thiền. Tuy lý thuyết và phương pháp của họ không giống nhau nhưng vẫn phù hợp với căn duyên của một số người nào đó. Mỗi người có quyền tự do chọn lựa pháp thiền của vị nào phù hợp với mình, sao có thể thấy ra sự thật là được.
2) Bệnh thiền gồm những trạng thái tẩu hỏa nhập ma sau đây: Nhức đầu do căng thẳng, Suy nhược thần kinh, Hoang tưởng, Nói lý sự nhảm nhí, Tâm thần phân liệt, Bị điển nhập v.v... Phần lớn bệnh thiền do: 1) Hiểu sai. 2) Hành sai. 3) Quá thiên về lý hay sự nên sự lý không dung thông. 4) Quá mong cầu sở đắc. 5) Tinh tấn quá sức. 6) Ý chí quá mạnh. 7) Miên mật không cần thiết. 8) Quá thông minh hoặc si mê nên bị kiến thức xen vào. 9) Thiếu vô tâm (tự nhiên). 10) Tưởng trạng thái hỷ lạc là mục đích. 11) Lệ thuộc vào phương pháp. 12) Rơi vào quan niệm có tu có chứng. 13) Rơi vào quan niệm không tu không chứng. 14) Lấy bản ngã để tu chứng chứ không tùy duyên thuận pháp. 15) Tu vì ích kỷ cá nhân không vô ngã vị tha, vân vân và vân vân...
3) Ngay nơi thực tại thân-thọ-tâm-pháp mà thấy như thực, nghe như thực,... biết như thực, không để ý niệm bản ngã xen vào khiến tham sân si khởi lên, không lệ thuộc vào bất cứ phương pháp chế định nào, không nương tựa, không chấp trước điều gì nơi thực tại đó... Như vậy chính là đang hành thiền Minh Sát Tuệ.
Câu hỏi:
With respect and anjali......very happy to recieve bhante truthfull advise...I truly believed in past and present kamma. I like intensive retreat when really put my heart to practise... Of course as beginner, I had high expectation to gain insight knowleges. But years goes by as regular yogi practioner, my expectation became less and less. The intended mind (intention) was wish to lesser my gross defilement to subtle defilement and build up mindfulness every moment of kayanupasana. I did practised cittanupassana in year 2002 at Shwe Oo min centre, that how I met up Sayalay Dhammarati and sister Ai Hua. I also experienced gross defilement, not so serious as year 2006. I was there for 3 months under Sayadaw Tejaniya and old Shwe Oo Min. I was carefully guided by them.
Bhante, you are right, before the incident arise, I was very upset with depression in the retreat, failure to establish nunnery centre in Penang and to helps our local nuns in needs. That tome, I was in nun uniform. All past bad experienced arised, example: the negative attitudes of our local nuns and unharmony with each other, in years I serviced them (5 nuns). This was my high expectation, want them to live harmony and close to each other and take care of each other when they getting old. I forgot to look into my own mind during this retreat... too upset and bad experiences kept arising very often throughtout last 2 weeks. I didn't report this experience. I had been servicing them many years - 15 years financially and their needs and wants.
After this retreat, I getting fear of giving my services to nuns, I stopped from 2007 until 2009.
Then 2010, I start worked BHS, remind myself, with sincere heart and sympathy help our local nuns. Some veteran nuns did called for assistance.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thank you! With your complement, now I know the exact reason that made you be upset. Don't be so much worry about your defilements, or others' unharmony state. Only observe them with the clear mind, without expectation to remove them. Let them come and pass away in its natural way for you to see its true nature.
Câu hỏi:
Kính sư! Con xin cám ơn sư về câu trả lời của sư hôm 26/06/11 nhưng con còn một thắc mắc là đã là vô ngã thì làm sao sau khi chết mẹ của Đức Phật còn sinh lên ở cung Trời? Có phải sau khi chết, thể xác không còn nhưng tâm vẫn còn? Hay tánh biết còn hiện hữu? Con xin sư explain again cho con hiểu rõ thêm. Con xin lỗi đã làm phiền sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Vô ngã có nghĩa là tất cả pháp đều không phải là ta hay của ta. Ta và của ta chỉ là ý niệm thôi chứ không có thật. Vì dù không có ý niệm "ta" gán vào thì pháp vẫn vận hành. Trong mỗi cá nhân có những yếu tố hợp lại mà thành như thân vật lý (physical body), cảm giác (sensation), tri giác (perseption), phản ứng tâm lý (mental action and reaction), tâm thức (mind, consciousness), chúng tương quan với nhau mà tạo thành quá trình sự sống (living process), trong đó không có gì là ta và của ta cả. Mẹ đức Phật sinh lên cõi Trời có nghĩa là thân gồm 5 yếu tố (ngũ uẩn) nơi bà (ở cõi người) biến đổi qua một quá trình để tái sinh thành một thân gồm 5 yếu tố (uẩn) dưới dạng tinh vi hơn (ở cõi trời) chứ trong quá trình ấy không có bản ngã hay linh hồn bất biến nào đi tái sinh cả. Vui lòng đọc The Buddha and His Teachings của Ngài Narada sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề này, vì sư chỉ hướng dẫn về thiền thôi, nên chỉ nói vắn tắt chứ không giải thích nhiều về giáo lý.
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy.
Hiện nay con đang nghiên cứu bộ sách Một cuộc đời Một vầng nhật nguyệt, quả là một bộ sách hay và dường như tất cả các triết lý sâu rộng đều có trong bộ sách này. Tuy nhiên con thấy có một số điểm mà con chưa hiểu xin Thầy chỉ dạy cho con
- Phải chăng khi Đức Phật chiến đấu với Ma Vương là chiến đấu với chính ngũ dục của mình?
- Nếu như con không thể bố thí được: gia đình, của cải, thân thể... thì con vẫn bị vướng vào luân hồi sinh tử?
- Nếu thực hành định-tuệ mà không đi kèm Bát chánh đạo thì không thể đắc quả được và Bát chánh đạo là phải sinh cùng lúc chứ không thể sinh cái này trước cái này sau?
Con còn rất nhiều điều muốn hỏi nhưng hôm nay chỉ xin Thầy giảng cho con như vậy thôi ạ.
Con cảm ơn Thầy. Chúc Thầy luôn An Lạc
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Ma bên ngoài gọi là Thiên ma, Tử ma; ma bên trong gọi là Ngũ uẩn ma, Phiền não ma, Pháp hành ma. Cảm thắng ma có nghĩa là cảm hóa được các loại ma trên.
2) Không dính mắc vào gia đình, của cải, vợ con, thân thể, mạng sống... cũng gọi là bố thí.
3) Bát Chánh Đạo gồm Chánh kiến, Chánh tư duy thuộc Tuệ; Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng thuộc Giới; Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định thuộc Định. Vậy khi tu Giới Định Tuệ chính là hoàn thiện Bát Chánh Đạo. Trong Siêu thế tâm, Bát Thánh Đạo mới tròn đủ.
Đúng ra thầy chỉ hướng dẫn pháp hành thôi chứ không giải đáp thắc mắc về giáo lý, những điểm về giáo lý con nên hỏi các vị giáo thọ thì đúng hơn.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy, hồi đầu năm con vào Huyền Không Sơn Thượng cúng dường trai tăng. Khi đến thăm sư cô ĐH, cô có mang Xá-lợi của Đức Phật và chư Thánh Tăng xuống cho chúng con chiêm bái. Sau khi chiêm bái xong, con thấy xung quanh bảo tháp phóng hào quang rất đẹp (trước khi chiêm bái con có nguyện, nếu tâm con thanh tịnh thì sẽ có sự mầu nhiệm), trong khi đó các cô ở xung quanh thì không thấy nên cô TN bảo con sống trong tưởng. Vậy có hiện tượng này xảy ra không ạ? Mong thầy chỉ dẫn cho con. Con xin cám ơn thầy và kính chúc thầy thân tâm thường lạc.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chiêm bái Xá-lợi thấy hào quang có thể là thấy hiện tượng thật, có thể là do niềm tin quá mạnh mà thấy. Trong cả hai trường hợp thì vẫn có người thấy người không.