loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 16-02-2020

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy.
Con xin trình bày sự nhận biết của con.
Do duyên nghiệp, do căn cơ trải nghiệm, chiêm nghiệm với nhiều gian nan, khổ đau nhưng quan trọng bậc nhất là gặp được pháp của Phật và được Thầy khai thị, khi có nhân duyên cực lớn đã trực nhận được tánh biết, dù là trong khoảnh khắc ngắn ngủi thì từ đây đã biết được đường về. Tức là lúc này bản ngã tham, sân, si đã mỏng nhạt đi rất rất nhiều nên không còn đủ năng lượng lôi kéo mãnh liệt khi căn, trần, thức hoạt động để tạo ra ngũ uẩn như trước đây nữa. Tức là đã quay trở về được với thế giới đoạn diệt, xa mờ dần thế gian tập khởi. Tức là đã trở về được với nguyên lý tự hoạt động sẵn có trong ta: Căn trần thức tự hoạt động, tự nhận biết, tánh biết và tướng biết hòa vào nhau như là nguồn sáng tự động, tự ứng soi chiếu, nhận biết một cách linh hoạt thân tâm cảnh trong mọi oai nghi, giúp đời sống, hoạt động, suy nghĩ, làm việc chính xác, linh hoạt và thoát ra được mọi trói buộc, khổ đau về tâm lý.

Khi đã về được với nguồn sáng rồi thì năng lượng của nó sẽ từ từ làm tiêu hao đi những tập khí của bản ngã ngủ ngầm đang còn dư sót lại. Lúc này sống bình thường, tu mà như không tu. Càng sống như vậy thì càng ngộ ra nhiều điều mới mẻ mà trước đây không thể biết được, càng ngày càng biết chính xác đúng, sai, không chấp vào cái đúng nhưng loại trừ dần được cái sai và càng ngày lại càng có xu hướng trở về với lối sống giản dị đến cùng cực, cũng là lúc thực sự sống tùy duyên thuận pháp như Thầy đã chỉ bày. Người khác có thể không biết và coi sống như vậy là không có trí nên có thể dễ bị dao động.

Khi đã trở về sống được với nguồn sáng rồi thì sao lại còn hướng trở lại sở tri, sở đắc như trước đây nữa để "Hủy phần sáng của mình, tự chẻ đầu chính nó" mà Đức Phật đã khai thị. Con đã thấy và biết vậy nên con hoàn toàn tin và đi theo con đường mà Đức Phật và Thầy đã khai sáng. Một con đường thiện lành, ít người đi, không hại mình, hại người, hoàn toàn độc lập, có tầm nhìn, từ, bi, hỷ, xả, không chú trọng đến chủ động nhưng lại rất linh hoạt, hoàn toàn không bị động, tưởng như không làm gì nhưng thực chất lại làm được nhiều việc mà không gây tổn hại đến ai.
Con xin tri ân Thầy và kính mong Thầy góp ý thêm cho con ạ.
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 14-02-2020

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Qua câu hỏi về Niết-bàn ngay trong kiếp sống hiện tại, và đã được Thầy trả lời chỉ dạy thêm cho con, khiến con cảm thấy như được củng cố thêm niềm tin trong quá trình học giáo lý của Đức Phật và thực hành những nội dung trong giáo lý ấy (cụ thể là Tứ Niệm Xứ).
"Đến để Thấy, chứ không phải đến để Tin", con đã từng nghe câu nói này, và con cảm thấy mình rất may mắn khi được tiếp cận với giáo pháp - một tài sản vô cùng quý báu, và may mắn hơn khi được Thầy chỉ dạy và khai thị thêm. Càng thấy ra sự thật thì con càng có niềm tin vững chắc hơn nơi giáo pháp. Bản thân con cũng rất cảm ơn cái thế giới ảo này (internet) đã giúp cho con có cơ hội được nghe các pháp thoại và nghiên cứu kinh sách ngay tại nhà. Đối với con thật là điều tuyệt vời!
[Thế giới ảo và đời sống thật] ngay đây đã có sự phân biệt về ngôn từ cũng như ý nghĩa của ngôn từ (ngôn ngữ). Con thấy rằng dù Ảo hay Thật đều là đặc trưng của thế giới vọng tưởng - đều không đích thực. Khi đã vượt khỏi sự phân biệt Có và Không, Ảo và Thật thì sẽ không bận tâm đến ý nghĩ Thỏ không có sừng, bởi lẽ điều đó không có một bản chất thâm sâu nào khi sự phân tích về sừng tiếp tục đi sâu vào những phần tử tinh tế nhất gọi là các vi hạt (vi trần). Ngay cả cái thân tứ đại của chúng ta - con người, cũng chỉ là các vi hạt hiệp thành, theo nghĩa chế định.
Trong quá trình thực hành Tứ Niệm Xứ kết hợp với một chút kiến thức về Vi Diệu Pháp (A-tỳ-đàm) con thấy ra rằng, suy cho cùng toàn bộ thế giới hiện tượng mà mọi diễn biến trong đó chẳng qua chỉ là sự tự diễn biến của một phần tâm của con, hay nói theo cách khác thì thế giới ảo và đời sống thật tất cả đều không đích thực - vọng tưởng. Chỉ nên nương vào nó để tiếp cận đến chân lý.
Con tin rằng tiếp cận được đến chân lý là điều chắc chắn sẽ thành tựu, bởi vì có một chủng tử thiện, và hơn thế nữa, một chủng tử vô lậu, sẽ được gieo vào tâm (đặc biệt là tàng thức - alaya thức), và sẽ luôn duy trì tinh tấn chánh niệm tỉnh giác như thế trong từng khoảnh khắc tại đây và bây giờ. Như vậy sẽ là một cứu cánh duy nhất cho chính con ngay trong đời sống hiện tại, còn tương lai mặc nhiên sẽ phản chiếu từ thực tại này (không bận tâm về tương lai).
Ngay trong lúc này khi viết thư cho Thầy, con ý thức rằng con đang nương vào ngôn ngữ, vào máy tính, vào internet, vào điện năng..., con hiểu rằng các hiện tượng, khái niệm, tên gọi, sự phân biệt (nhị biên)... chỉ là phương tiện, qua đó biết nương vào một cách thiện xảo để giúp mình thấy ra (không bị ngăn che), để tiến gần hơn đến chân tâm.
Như lời Thầy đã nói "Niết-bàn thật thì chỉ khi thực chứng mới là thứ thiệt". Câu nói này làm cho con nhớ đến nội dung câu chuyện đối thoại giữa rùa và cá. Qua thực hành thì con mới chạm đến được trạng thái "Rỗng lặng - Trong sáng" là như thế nào, mà nếu trước đây chỉ nghe nói thôi thì không thể cảm nhận được.
Trên tất cả, con muốn nói lời cảm ơn thật sâu sắc đến Thầy và vạn pháp, đã giúp cho con ngày càng bớt bị ngăn che bởi những khái niệm tên gọi, những sự phân biệt nhị biên...
Con xin chân thành cúi đầu đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 14-02-2020

Câu hỏi:

Thầy ơi!
Hôm nay, ngồi yên, con thấy tâm mình rỗng lặng và thật hoan hỉ. Con mỉm cười với những sự việc trái ý nghịch lòng đã qua, với những điều tồi tệ diễn ra trong đời sống hằng ngày.
Tự nhiên con thấy quả thật Pháp vận hành hay thật. Nếu không gặp người không như ý mình, trái ý mình, hoặc những biến cố nghịch cảnh thì làm sao con hiểu được hỉ nộ ái ố là thế nào và nó bắt nguồn từ đâu.
Nếu luôn được như ý mình thì làm sao con biết được tâm mình đang tham ra sao, sân khi không như ý ra sao, và si mê ảo tưởng ra sao. Cảm giác đó khổ thế nào! Nếu không có điều trái ý, thì con đã bị ngủ quên, cho tâm Tham đắm và Si mê thỏa mãn, cho Sân được nuôi dưỡng mà mình không hay biết. Con biết ơn sự vận hành của Pháp.
Và con thấy sự phán xét có trong mỗi con người, con thấy ai cũng có điều này. Chính sự phán xét chủ quan theo ý mình này làm cho nội tâm mình xáo trộn và gây ra nhiều mâu thuẫn. Có người nói ra hoặc không nói ra nhưng lại để nội kết trong lòng, chính con cũng vậy. Nhìn thấy được điều đó, buông nó ra, thấy mọi người trong cuộc đời ai cũng có điều đáng thương, đáng quý và đáng để mình học. Học bài học nhân quả thông qua mỗi người.
Có những điều con nghe lý thuyết thật nhiều, nhưng phải thật sự chân thật với chính mình và phải tự mình thấy ra thì điều đó mới làm mát mẻ cho tâm hồn mình thật sự.
Có thể con không trình bày được rõ ràng những điều con cảm nhận. Nhưng thật sự, giờ phút này đây, con chỉ muốn được quỳ dưới chân Phật, dưới chân Thầy để đảnh lễ Phật, đảnh lễ Thầy với tất cả lòng biết ơn vô hạn.
Con kính chúc Thầy và tất cả quý Thầy trong trung tâm thân tâm thường an lạc!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-02-2020

Câu hỏi:

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy!
Dạ thưa Thầy, con xin trình Pháp.
Khi mới bắt đầu bước chân vào đạo, thì điều quan trọng đầu tiên là thấy, quan sát, thấy ra. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở thấy và quan sát không thôi thì vẫn chưa đủ. Muốn giác ngộ thì cần phải thật sự dũng cảm, dám dấn thân vào đau khổ mới được. Thường khi gặp cảnh bất như ý xảy đến thì thân tâm bất ổn vì khi đó thân tâm chạy theo cảnh, vui buồn theo cảnh. Cho dù có quan sát thấy thân tâm mình đang bất ổn đi nữa thì rồi cũng sẽ bị cảnh cuốn đi thôi. Lúc này sự dũng mãnh chính là cần phải tinh tấn để đưa thân tâm trở về thực tại như nó đang là. Ví dụ thực tại là đang đau khổ hay bất ổn, thì hãy dũng cảm sống trọn vẹn với chính tình trạng đau khổ hay bất ổn đó. Coi đây là bài học mà Pháp đang dạy mình, coi đây là cơ hội để mình được trải nghiệm bài học bất ổn đó. Nói suông thì nghe rất đơn giản, nhưng thực ra không hề đơn giản chút nào. Trở về trọn vẹn với bất ổn đang là tức là trọn vẹn cảm nhận lại thân tâm của chính mình trong lúc bất ổn như chính nó đang là mà không thêm vào đó mong muốn thoát ra, mong muốn mọi sự nhanh chóng trôi qua. Cảm nhận sâu sắc và trung thực nhất, không chống đối, không phản kháng, không mong muốn, chỉ đơn giản là cảm nhận trọn vẹn ngay trên chính thân tâm mình trong tình cảnh ấy mà thôi. Nếu có đủ sự dũng mãnh để làm được như vậy thì sẽ nhận ra rằng ngay trong quá trình tinh tấn trở về trọn vẹn với thực tại bất an, đau khổ ấy sẽ cùng lúc phát sinh ra chánh niệm và tỉnh giác. Cùng lúc ba yếu tố tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác có mặt. Và ngay lúc đó chính là giải thoát. Mặc kệ cảnh bên ngoài đang như thế nào nhưng thân tâm đã được giải thoát.
Con trình Thầy những điều trên ngay khi con vừa thực hành tinh tấn trở về trọn vẹn và thấy ra như vậy. Nhưng vì sự “trọn vẹn” trở về của con vẫn chưa được trọn vẹn 100% như thực tại đang là nên sự “giác ngộ và giải thoát” của con ngay lúc này cũng chưa trọn vẹn Thầy ạ.
Con chào Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-02-2020

Câu hỏi:

Lúc này, khi thiền tứ niệm xứ bằng cách quan sát sự xúc chạm của hơi thở ở mũi và phồng xẹp ở bụng thỉnh thoảng tôi thấy mình rơi vào trạng thái không còn suy nghĩ gì hết và an tĩnh tuyệt đối, tiếp đó tôi chỉ quan sát tình trạng đó và không mong cầu, níu kéo dài tình trạng đó mà chỉ tiếp tục quán sát hơi thở đang vận hành êm nhẹ. Gần đây, tôi thường nằm mơ mình biết bay và biết là đang mơ, dù là giấc ngủ trưa cũng vậy. Mong các bạn có kinh nghiệm cho biết ý nghĩa của các hiện tượng này. Xin cảm ơn.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-02-2020

Câu hỏi:

Kính thưa Sư !
Con là nam giới, 29 tuổi, nghề nghiệp kỹ sư xây dựng, độc thân, sống tại TPHCM, Con rất hâm mộ Vật lý và Khoa học để dùng nó khám phá bản chất của Thế giới và con người nhưng càng tìm hiểu con thấy Khoa học dường như bị kẹt và không thể đi sâu hơn nữa vào thế giới vật chất, còn thế giới về mặt tâm lý (tinh thần) thì gần như họ đề cập rất ít, Con thường suy nghĩ về vấn đề bản thể của thực tại này là Vật hay Tâm, ở đâu mà có? Chúng ta là gì?, Mục đích của cuộc sống này là gì?, Những câu hỏi đó luôn thúc đẩy con từ lúc những năm đầu học học Đại học. Và đó là lý do con tiếp cận Phật Giáo nhằm giải đáp các thắc mắc trên, Ban đầu tìm hiểu Phật Giáo con rất hay thích các tác phẩm của Ngài Long Thọ như Trung Quán Luận, các sách Thiền, bên cạnh đó các sách về Vũ trụ và Phật giáo, từ đó con rất nghưỡng mộ thế giới quan, mục tiêu và con đường cứu cánh của Phật.
Có 1 thời gian cách đây khoảng 5 năm, vào năm 2015 khi con làm việc cho một công ty Thiết Kế Xây Dựng, trong lúc làm việc, con thường quan sát thân tâm này xem hành động ra sao; trong lúc đó sự chú ý chuyển về tự hỏi "Vậy, Ai đang hành động đây?, người đang hành động này là cái gì?", trong những lúc có Ý thức và trong những lúc lờ mờ của Vô thức con nhận thấy mình cố gắng tìm hiểu nó, con Phân tích rằng Cái ta này là tổng hợp của "thân và tâm, của các bộ phận riêng lẻ" vậy cái Ta này nằm ngoài thân hay trong thân, v.v..., Tư duy con tự động phân tích nó trong vô thức mặc dù con vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường, thậm chí con còn thấy mình đạt được sự tập trung hơn nữa trong lúc làm việc. Có 1 ngày kia, trong lúc con đang làm việc, trong vô thức con biết câu hỏi vẫn tự hỏi, bỗng có 1 người gọi tên con, con đột nhiên nhìn lại vào tâm mình và tìm kiếm chính nó Ai đang nghe đây?, tự nhiên con thấy nó trống rỗng và có 1 luồng ánh sáng tràn ngập tâm trí, giống như 1 người đột ngột bước ra khỏi đường hầm tối hình trụ đi ra ngoài trời sáng, trong 1 lúc con ngất ngây và hơi choáng, lúc đó tự nhiên con xúc động và bật khóc.
Sau thời gian đó thắc mắc trên giảm giảm bớt nhưng trong thỉnh thoảng con vẫn tự hỏi vậy rốt cuộc "ta là gì". Vài năm sau cuộc sống con vẫn diễn ra bình thường, nhưng con luôn có 1 mối bận tâm về con đường tâm linh và sâu thẳm con thấy con muốn hoàn toàn dấn thân và trả lời rốt ráo các vấn đề trên, khoảng hơn 1 năm nay con biết tới Sư với các bài giảng về Thiền và nói về Tánh biết, con thấy rất hay và phù hợp. Hiện con vẫn chưa quy y, con không biết ở chùa mình có thường tổ chức các buổi sinh hoạt hoặc khoá thiền không ạ, con muốn đến và học hỏi. Sư có thể cho con lời khuyên trên con đường khám phá chính mình này không ạ ?
Con chân thành cảm ơn Sư và bộ phận quản lý đã giúp con gửi tâm sự này đến Sư!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-02-2020

Câu hỏi:

Thầy ơi!
Mỗi ngày trôi qua, mỗi sự kiện đến đi, nhìn lại mình, rồi nhìn cuộc đời, mỗi lúc con càng thấy rõ thêm "bài toán khó" của cuộc đời.
Tuy là khó vậy mà sao lại vẫn hoàn hảo quá!
Con chỉ muốn nói với thầy là con vẫn đang kham nhẫn với những bài học từ bi của Pháp và mỗi ngày mỗi tiến bộ hơn, nhẫn nại hơn.
Và con cũng đã biết thương mẹ con, thương người thân quanh con với cái "đầu lạnh" - là tình thương như thầy từng nói trong một bài giảng nào đó là đầy đau buốt...
Mỗi lần con thấy ra được điều gì con đều vui sướng và thầm reo lên: con thấy rồi thầy ơi!
Con xin tri ân thầy và cầu mong thầy được nhiều sức khỏe!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-02-2020

Câu hỏi:

Thầy kính mến!
Dạ thưa Thầy! Hạnh phúc thế gian quả thực đôi khi giống như ai đó đã ví von, rằng giống như một tấm chăn hẹp mà người này kéo qua cho đủ ấm thì những người kia sẽ phải chịu lạnh. Vậy nhưng thậm chí khi lý trí đặt mọi sự lên bàn cân để so sánh, lựa chọn, và chọn phần lạnh về mình để cho những người kia được ấm, thì sự lựa chọn ấy cũng vẫn bất khả thi.
Con ngẫm ra thì vẫn là do sự cầu toàn của bản ngã luôn muốn mọi thứ được tốt đẹp, bình yên. Nhưng thế gian này làm gì có cái gì là hoàn hảo và bình yên như ý của bản ngã đâu, cho nên bản ngã vẫn luôn khổ đau, phiền não từ vô thức nối dài đến hữu thức. Khi bản ngã còn mong muốn, cho dù đó là mong muốn cho mình hay mong muốn cho người khác, thì khổ đau sẽ vẫn còn tiếp diễn, không thể nào chấm dứt. Ngay khi một ý muốn khởi lên, lập tức phiền não liền xuất hiện theo sau như bóng với hình. Khi cái thấy đủ mạnh, chánh niêm có mặt, thì phiền não khởi lên rồi diệt đi khá nhanh. Nhưng khi cái thấy không đủ mạnh, chánh niệm yếu ớt thì liền bị nhấn chìm vào cơn cuồng phong của bản ngã. Bởi vì nghiệp lực có một sức mạnh vô cùng lớn.
Nhưng mà dù sao, đã nhận ra rằng luôn có Tánh biết ở đó sáng soi, cho dù tạm thời đang bị trói buộc bởi những sợi dây trói vô hình của bản ngã. Và đã thấy ra khi mây trôi qua thì vầng trăng lại sáng trong, thì đó mới là điều quan trọng. Con chỉ cần vững tin vào Pháp thôi, phải không Thầy?
Và thật may cho chúng con, là vẫn còn Thầy ở đó.
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-02-2020

Câu hỏi:

Thưa sư ông, trước đây khi con vào chùa tu, con cũng mong muốn mình học tốt, con muốn đi du học, muốn học lên tiến sỹ, con muốn trở thành một tỳ kheo ni phật giáo nguyên thủy có khả năng giảng dạy Phật pháp để có thể giúp ni đoàn Phật giáo nguyên thủy được giáo hội công nhận, con muốn học giỏi hơn để giúp đỡ sư phụ giảng dạy cho chị em ở chùa trong tương lai. Con thấy những ý muốn đó cũng tốt và chính đáng. Nhưng khi con học con lại tạo áp lực cho con, và con thấy con không sống thật, con bị mất mình ở hiện tại mà bị cuốn vào cái trở thành trong tương lai. Con biết điều đó, nên có khi con bỏ đi ý định tương lai đó giống như sư ông nói quả mít non cứ trọn vẹn là mít non đến khi chín thì nó tự chín. Ý muốn của con có thể tốt nhưng khi làm con lại làm nó với nỗ lực của bản ngã. Nên có khi con cố gắng học chăm chỉ, xong có khi lại thấy áp lực, mệt mỏi thì con lại buông ra và trở nên lười nhác. Trong khi quan sát con thấy mình lúc vui vẻ tràn đầy năng lượng, lúc lại mệt mỏi và chán nản, con tự nhủ rằng những cái đó chỉ là cái ta ảo tưởng, chỉ là tham vọng của bản ngã. Hôm nay là một ngày con cảm thấy hơi buồn vì gần đây con buông lung mất chánh niệm nhiều, con cảm thấy mất phương hướng. Mong Sư ông khai thị cho con ạ
Con cảm ơn sư ông.
Nam mô bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-02-2020

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy
Kính Bạch Thầy. Con nhận ra được bài học như sau:
Khi trồng cây, phải học và thuận theo cách sống của từng cây như loại đất, cách bón phân, tưới nước, loại cây trồng. Và trong cuộc sống, về việc làm, về cách sống, giữa người với người, về tu học cũng vậy, phải quan sát, học hỏi và sẽ nhận ra làm thế nào để thuận pháp. Tất cả mọi việc không theo ý riêng của mình nếu không có cách nhìn đúng được. Con hiểu rằng trong tất cả mọi hoàn cảnh nên tỉnh giác với chính mình.
Con cũng nhận ra ba trường hợp:
1. Khi không có đối tượng bên ngoài, trong tâm mê mờ, không biết mình thế nào.
2. Khi có duyên bên ngoài, thì tâm chạy theo, bị cuốn vào.
3. Khi có cảnh bên ngoài, trong tâm biết rõ và thấy rõ cả trong lẫn ngoài nhưng chỉ trong chốc lát là bị cảnh ngoài chi phối.
Dạ Thưa Thầy, con nhận ra như thế đúng chưa ạ?
Con thành kính tri ân Thầy.

Xem Câu Trả Lời »