Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 05-07-2016
Câu hỏi:
Thưa Thầy.
Ngày hôm nay tình cờ con phát hiện ra điều này rất thú vị, con xin thưa với Thầy, đó là niềm vui khi ngồi thiền. Làm thế nào có thể nhìn được tâm mình, có thể nhìn được khi ngồi thiền trong lúc rảnh rỗi. Khi tâm thiện lành trong sạch biết là có tâm thiện lành trong sạch, khi tâm an vui biết là có tâm an vui, khi tâm phiền não sân hận biết có tâm phiền não sân hận, có một cái tâm đang nhận biết cái tâm kia. Cái tâm có lúc thiện lành trong sạch phiền não kia là tâm ai và cái tâm đang nhận biết là tâm ai?
Con biết rằng cái tâm đang nhận biết chỉ thấy được sự thật đang diễn ra của cái tâm kia và muốn biết bạn đang như thế nào thì chỉ cần ngồi xuống để nhìn thấy, vui lắm. Cho đến một ngày, khi ngồi xuống, chỉ thuần thấy có một cái tâm hân hoan trong sáng, và gì là sau đó, từng trạng thái tâm lần lượt xuất hiện ngoài sự tưởng tượng của con, lạ lùng lắm, và việc của con bây giờ là chỉ thuần nhận biết thôi, vui lắm.
Con xin thưa với Thầy trạng thái tâm con hôm nay, xin Thầy dạy con thêm!
Ngày gửi: 05-07-2016
Câu hỏi:
Con xin thành kính đảnh lễ Thầy tôn kính.
Thưa thầy như con thấy cuộc đời mỗi người có 3 vị thầy và một người học trò.
1. Vị thầy thứ nhất là cuộc sống mà tâm điểm là luân hồi sinh tử phiền não khổ đau, nhờ có vị thầy này mà mỗi cá nhân trên trái đất này đến một lúc nào đó sẽ nhận ra mình không thể cứ tiếp tục chạy theo cuộc sống tưởng chừng như hạnh phúc mà sự thật lại là vô thường và phiền não khổ đau.
2. Vị thầy thứ 2 là những bật giác ngộ, ví dụ như Thầy chẳng hạn, nhờ có thầy chỉ dẫn nên con đường trở về với sự thật nhanh và chính xác. Nếu không có những vị thầy này thì không biết mỗi người phải mày mò đến bao lâu và không biết đến bao giờ mới hiểu ra được những bài học kỳ diệu mà pháp mang đến.
3. Vị thầy thứ 3 là bản ngã ảo tưởng nơi mỗi người. Tánh biết nhận ra sự thật là nhờ thấy ra bàn ngã ảo tưởng, thấy ra sự lầm lạc của bản ngã, thấy ra bàn ngã 100% là giả, nhờ vậy mà tánh biết nhận ra thế nào là vô ngã.
Người học trò mà con muốn nói chính là tánh biết.
Thầy dạy cho con rất nhiều về việc thấy pháp bằng thái độ vô ngã thông qua các bài giảng ở mục pháp thoại. Con xin trình bày thêm về đề tài “thấy’
Thấy pháp hay thực chứng pháp là điểm khởi đầu cho cuộc sống quay về, một cuộc sống hoàn toàn mới. Tiến trình thấy pháp với con có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 là giai đoạn tánh biết thấy pháp nhưng vẫn có bản ngã chen vào, giai đoạn này là giai đoạn mang tính giáo dục bản ngã để bản ngã nhận ra sai lầm và xác định chính xác bản ngã là nguyên nhân gốc rễ của phiền não khổ đau chứ không phải đối cảnh bên ngoài.
- Giai đoạn 2 là giai đoạn tánh biết có thể độc lập thấy vận hành của bản ngã, ở giai đoạn này bản ngã dễ dàng bị phát hiện, bản ngã dần nhỏ nhoi và nhường chỗ cho tánh biết hoạt động. Khi tâm thực sự định tĩnh thì chỉ còn lại là tánh biết thấy các pháp và thấy bản ngã sinh, diệt. Con nhận thấy hoạt động đời sống là hoạt động tự nhiên, bản ngã chỉ chen vào đánh lạc hướng trong một phạm vi nào đó chứ bản ngã không bao trùm hết đời sống của bất kỳ ai, dù người đó không biết tu hay đang phiền não khổ đau. Ví dụ như một người đang đi thì hoạt động đi thực chất là hoạt động vô ngã, bản ngã chỉ chen vào gây ra chút rắc rối, vì vậy cho nên ít ai có thể chánh niệm trên hoạt động đi. Tóm lại khi bản ngã vắng mặt thì mọi hoạt động đời sống không hề thay đổi, chỉ có thái độ thay đổi, cho nên lúc này pháp tự vận hành và không có tôi hoạt động… Chánh niệm không phải là một nỗ lực quan sát thân, thọ, tâm, pháp mà chánh niệm là không có bản ngã chen vào, khi không có bản ngã chen vào thì tất yếu sẽ chánh niệm, tỉnh giác và đương nhiên là chánh niệm tỉnh giác trên thân, thọ, tâm, pháp vì thế giới của mỗi người chỉ có vậy.
Con xin cảm ơn Thầy vì đã đọc trình pháp hơi dài của con. Con chúc Thầy luôn mạnh khỏe.
Ngày gửi: 05-07-2016
Câu hỏi:
Kính Thưa Thầy!
Tối hôm qua, con đọc đi đọc lại câu trả lời của Thầy: “Đó là bí mật của Pháp, có những lúc Pháp vận hành rất kỳ lạ…” rồi chiêm nghiệm lại những sự kỳ lạ xảy ra với con trong nhiều năm nay và thấy như bừng sáng ra một điều gì đó, hiểu ra một số vấn đề gì đó. Con xin trình Thầy để Thầy kiểm tra lại xem con hiểu có đúng không?
Con gặp rất nhiều sự kỳ lạ trong cuộc sống đời thường cũng như trong tu tập. Con nghĩ là có vị Bồ Tát nào đó hay có Tha Lực nào đó đang theo dõi con, trợ duyên cho con trong từng sát na nên dần dần con buông xả mọi thứ dễ hơn. Nhưng sự buông xả này chỉ là do nghĩ rằng “đằng nào cũng có người lo cho mình, hơi đâu mà mình phải nghĩ cho mệt”.
Khi đọc câu trả lời của Thầy, suy ngẫm, chiêm nghiệm lại con hiểu rằng: mỗi Pháp đều có nhân và quả riêng của nó. Có những Pháp rất đơn giản nhưng giá trị của nó to lớn vô cùng, vấn đề là mình có thấy giá trị của nó hay không. Khi thấy được rồi thì cũng sẽ hiểu được rằng ”Vạn Pháp chẳng có Pháp nào liên quan đến ta cả”. Vì vậy mà con sống chung được với bệnh tật, con thấy trạng thái thiền khi giao tiếp, vì vậy mà con thấy mình có hai thân nhưng chẳng có thân nào là con cả. Sự buông xả của con trước đây cũng chỉ là của bản ngã mà thôi.
Con không biết cách diễn tả hết cảm nhận của con, con cũng thấy ngôn từ chẳng nói hết được nhưng con biết Thầy hiểu con đang nói gì.
Kính xin Thầy chỉ cho con biết con hiểu như vậy có đúng không? Nếu đúng thì con làm gì để thấu triệt hoàn toàn vấn đề này.
Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Ngày gửi: 04-07-2016
Câu hỏi:
Bạch Thầy.
Thầy cho con hỏi có phải tất cả những bài pháp thoại mà Thầy dạy là về thiền vipassana không ạ, có gì khác không ạ ? Nếu có khác thì pháp Thiền Thầy dạy tên là gì ạ?
Ngày gửi: 03-07-2016
Câu hỏi:
Thưa Thầy.
Con muốn kể cho Thầy nghe về 1 trải nghiệm của con ngày hôm qua khi con nằm nghỉ vào buổi tối. Thường thì khi nghỉ ngơi, con vẫn luôn có "ý thức" về sự nghỉ ngơi của mình. Chẳng hạn như, con sẽ nghĩ "ái chà, mệt rồi, mình nghỉ thôi", hoặc "nằm nghỉ như thế này thật thích quá đi!", hoặc "nghỉ xong rồi chút nữa mình làm gì tiếp đây ta?" Nhưng tối hôm qua một điều gì khác lạ đã xảy ra. Giống như cái đầu óc của con nó đi vắng, con chẳng nghĩ được gì, mà không phải theo nghĩa tiêu cực là "bối rối" hay "kinh hoàng" đâu Thầy. Trái lại, con cảm thấy thật thư giãn, tươi tắn, và sáng sủa. Con không biết diễn ta làm sao nữa. Giống như bình thường con là con ếch nhìn trời qua miệng giếng, con thấy con, con thấy thành giếng, và con thấy "bầu trời" phía trên. Giống như bình thường con sống trong một không gian nhỏ nhỏ tối tối mà ở đó luôn luôn có chủ thể (con) và khách thể (những thứ không phải con). Tối hôm qua thì tự nhiên cái không gian đó nó mất tiêu, tự nhiên cái giếng mất tiêu, và con ếch con cũng mất tiêu. Không chỉ là cái giếng mất tiêu, để lộ bầu trời rộng lớn chói lòa chói lọi, mà là con ếch cũng mất tiêu luôn. Trống lốc! Chỉ một tích tắc thôi! Xong rồi cái giếng trở lại, và con ếch trở lại, mọi chuyện đều trở lại. Con lại bắt đầu suy nghĩ này nọ nọ kia, dù rằng con nghĩ đại khái là "thôi nào, hãy ngừng suy nghĩ". Trong thâm tâm, con biết là dù mình có ngừng suy nghĩ (được chăng nữa) thì cũng vậy thôi, chỉ là bịt miệng con ếch thôi, chứ nó vẫn ở đó. Tình hình 1 con ếch im thin thít trong 1 cái giếng không hề giống với tình hình trống lốc.
Con không biết diễn tả sao cho rõ nữa. Con cảm thấy rất ngạc nhiên và thú vị vì trải nghiệm này. Và bây giở con cũng hơi lo lo nữa, vì con cứ nghĩ tới nó hoài, trong đầu tua tới tua lui giây phút ngắn ngủi ngày hôm qua đó, mà không tập trung vào những chuyện khác đang xảy ra hôm nay. Thầy có lời khuyên gì cho con không ạ?
Con cám ơn Thầy!
Ngày gửi: 03-07-2016
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, lúc vô sự cần ngồi buông thư cho thân tâm nghỉ ngơi, thư giãn, lúc ấy tính biết tự động ứng ra. Còn hữu sự cũng thoải mái chú tâm vào công việc, vào thái độ của mình với công việc ấy để có điều chỉnh kịp thời. Nếu cảm giác sân hận nổi lên, mình trực nhận và quan sát chúng với thái độ vô tâm. Vậy suy cho cùng tinh yếu của thiền là buông xả để cho tính biết tự vận hành, tùy duyên thuận pháp chứ không nhất thiết là phải ấn định thời gian, nơi chốn và cách thức. Con xin có vài lời trình pháp với Thầy như vậy. Xin cho con lời khuyên!
Ngày gửi: 01-07-2016
Câu hỏi:
Thưa Thầy!
Gần đây có nhiều bạn nói về Thiền Định. Con cũng xin chia sẻ một chút Thiền Định.
Ngày xưa (khoảng hơn 12 năm trước) khi vừa lớn lên thì cảnh gia đình con rất khổ vì chuyện nợ nần. Hầu như ngày nào anh chị em con đều sống trong nước mắt cả. Khi vừa tốt nghiệp đại học con luôn muốn kiếm nhiều tiền và thật nhiều tiền. Vì cái muốn đó mà làm con khổ lắm.
Con chẳng theo đạo gì cả. Có lần con đọc đâu trên mạng người ta viết là khi đạt được tứ thiền thì có thể kết thúc sự sống theo ý muốn và người ta cũng diễn tả các hỷ lạc trong các tầng thiền định. Thế là con quyết tâm ngồi thiền (mục tiêu chính là để thoát khổ và kết thúc sự sống càng nhanh càng tốt, khổ quá mà). Đọc trên mạng người ta chỉ cách quán sổ tức gì đó rồi làm theo. Con ngồi thiền chăm chỉ lắm. Tự ngồi chứ cũng chẳng ai chỉ gì cả. Kết quả của một thời gian rất dài ngồi thiền quán sổ tức (theo hơi thở) là con bị đau ngực dữ dội.
Công việc càng bận rộn thêm, con phải làm việc một ngày trên 12 tiếng. Không còn thời giờ ngồi thiền nữa. Và con cũng quên hẳn đi chuyện ngồi thiền một thời gian vài năm. Vì sống trong hoàn cảnh như vậy nên con sợ cảnh lập gia đình lắm và cũng cố kìm nén chẳng yêu đương gì cả. Thế rồi con cũng không thoát khỏi chữ tình. Con bị thất tình, khổ sở vô cùng. Lúc đó như người không còn biết làm gì. Khổ, đau, tuyệt vọng, chán nản ngày nào cũng như vậy. Con nhớ đến việc thiền định trước kia con đã làm. Thế là tối tối con tìm một nơi yên tịnh ngồi thiền và con tạm vượt qua cảnh khổ được vài tuần. Khi con gặp người đó thì con bị khổ đau còn khinh khủng hơn nữa chứ.
Có một hôm vì đau khổ quá nên con mới quan sát nỗi đau khổ (thật ra bây giờ con mới biết cái này là con quan sát toàn bộ thân, thọ và tâm của con cùng một lúc). Nhanh hơn cả một chớp mắt, toàn bộ nỗi khổ niềm đau của con nó tan biến hết, một cái gì đó rỗng lặng mà nó vẫn biết. Chấm dứt toàn bộ đau khổ. Từ đó con sống nhẹ nhàng thoải mái. Mà con cũng chẳng biết đó là cái gì.
Trải qua một thời gian cũng lâu. Có lần con nghe người ta đọc kinh sa môn quả. Con nghe đọc tới các tầng thiền và sau khi đạt tứ thiền thì bước thêm nhiều bước nữa. Con nghe tới đoạn “với tâm định tĩnh, thuần thuần tịnh… thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu”, chấm dứt khổ đau. Nghe tới đoạn này con thật sự hiểu là trong nhà Phật có một cái đoạn tận sầu, bi, khổ, ưu não. Vậy nên con lại quyết tâm ngồi thiền để mong đạt được tứ thiền rồi mình sẽ thoát khỏi sầu bi khổ ưu não. Có lần ngồi thiền con đạt được cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ toàn thân, một niềm hỷ lạc mà chẳng thể tìm được bằng niềm vui vật chất. Thế là con bị vướng mắc vào trạng thái này. Ngày nào ngồi thiền con cũng mong trạng thái mát mẻ đó. Nhưng chẳng được gì cả. Thế là con mới quyết tâm đi tìm trên mạng xem có ai giảng giải về chuyện này không. Con bôn ba đi tìm đến các chùa chiền để hỏi các thầy nhưng hơn một năm mà cũng chẳng được gì. Tự dưng còn rước thêm một phiền não vào tâm của mình.
Duyên may giờ con hiểu được có cũng được mà không cũng được. Chẳng cần tìm kiếm gì nữa. Cứ sống vậy thôi. Hễ mà mình còn tỉnh còn quan sát thân thọ tâm pháp thì chuyện gì xảy ra cũng để nó xảy ra. Khi không còn tỉnh thì bị lôi cuốn theo. Nhưng cũng có lúc giật mình tỉnh lại chút thì bình thường trở lại. Sống vậy cũng thoải mái rồi.
Bạn nào muốn tìm Thiền Định thì cứ hành đi giống mình. Rồi sẽ trải qua mà thôi. Mong sao còn tỉnh ra một chút để còn thấy rõ tai hại của Thiền Định mà không có Tuệ.
Cảm ơn Thầy!
Ngày gửi: 01-07-2016
Câu hỏi:
Con chào Thầy ạ!
- Khi đi kinh hành trên một đoạn đường con chỉ biết trọn vẹn thân thọ tâm pháp trong sự đi mà không cần biết hay chú tâm đến âm thanh, xe cộ hay cảnh vật bên ngoài. Con đi như vậy có đúng không ạ?
- Nếu đi kinh hành trên một đoạn đường gồ ghề, ổ gà, sỏi đá lởm chởm ta tập trung chú ý quan sát để tránh bị vấp ngã như vậy là yếu tố định được phát huy nhiều hơn so với khi ta đi trên một đoạn đường bằng phẳng không có chướng ngại chỉ việc trọn vẹn với sự đi phải không ạ? Yếu tố tuệ sẽ mạnh hơn nếu đi chỉ chú tâm bên trong so với chú tâm cả tâm cả bên trong và cảnh bên ngoài phải không ạ?
Con cảm ơn Thầy ạ!
Ngày gửi: 01-07-2016
Câu hỏi:
Thưa Thầy,
Hôm qua con có hỏi Thầy thắc mắc về Thiền Định và Thiền Tuệ. Con đồng ý với Thầy về Thiền Định nếu có sự cố gắng, xen lẫn của bản ngã thì đã trở thành tà định.
Vì vậy hôm nay con muốn chia sẻ với Thầy cách hành thiền của con, nhờ Thầy góp ý để con biết điểu chỉnh lại cho đúng.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày thì con chỉ biết quay về với hiện tại quan sát thân, thọ, tâm, pháp một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không quá cố gắng, tùy theo sức lực của mình.
Trong một ngày con vẫn dành một chút ít thời gian khoảng 15-30 phút để ngồi thiền, và lúc đó chỉ hoàn toàn buông xả, cảm giác toàn thân, biết toàn thân một cách nhẹ nhàng, không quá cố gắng, không quá mong cầu phải đạt một mức định gì hết, vì định cũng vô thường dính chấp vào cái định cũng không tốt.
Nhưng có một điều như thế này nhờ Thầy tư vấn cho con, là khi con ngồi yên một chỗ, lúc đó con cảm nhận hơi thở một cách rõ ràng, tự nhiên, không gượng ép, và mắt con muốn nhắm sâu lại, lúc đó tâm con an trú vào hơi thở biết một cách nhẹ nhàng. Hôm qua Thầy nói con là đừng để định quá nhiều, thì chỗ này con phải xử lý như thế nào Thầy, để nó nhắm sâu lại hay tạm dừng không đi quá sâu?
Sau khi xả thiền thì con trở lại quan sát thân tâm mình và kiểm soát hành vi đạo đức của mình có thật sự vô ngã vị tha theo lời Phật dạy chưa. Thỉnh thoảng con cũng suy nghiệm về vô thường, vô ngã và quán từ bi.
Nhờ Thầy tư vấn giúp con về cách hành tu của con. Con cảm ơn Thầy rất nhiều!
Ngày gửi: 01-07-2016
Câu hỏi:
Bạch Thầy!
Thầy cho hỏi thêm một vài thắc mắc sau:
1. Khi ngồi thiền, với tâm thư giãn buông xả, khoảng gần 30 phút - 1h thì thân tâm hoàn toàn lắng dịu, có thể quan sát được những nội giới sinh khởi bên trong (con có thể lắng nghe được rung động của dây thần kinh rung lên rồi lắng dịu do một âm thanh bên ngoài tác động vào đồng thời vẫn quan sát được sự thở tự nhiên và toàn bộ cảm giác toàn thân). Cứ tiếp tục như thế thì có thể đến cận hành định hay không thưa Thầy?
2. Trí tuệ phân biệt danh sắc: Có phải đạt được do pháp học hay là phải qua thực chứng?
3. Trí tuệ tách bạch danh sắc: Điều kiện cần có phải đạt đến cận hành định mới có khả năng quán xét hay không?
Con kính chúc Thầy sức khỏe!