loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 08-07-2018

Câu hỏi:

Con thưa sư, sư cho con hỏi, sự khác nhau giữa Hành của thập nhị nhân duyên (vô minh duyên hành) & Hành của ngũ uẩn (sắc, thọ,... hành) 2 Hành này cần phải phân biệt như thế nào.
Con thành kính đảnh lễ & cám ơn sư ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-07-2018

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Thì ra đúng "đời là bể khổ" Thầy ạ. Trước con từng nghĩ lạc quan rằng cuộc đời này vốn tươi đẹp, chẳng qua do bản ngã u mê ảo tưởng mới biến cuộc đời thành khổ đau. Vì thế mà vô tình con phủ nhận sự xuất hiện của bản ngã, xua đuổi nó. Hóa ra, bản ngã cũng chính là một phần của cuộc đời, là tất yếu, là chính cuộc đời này vậy. Phải chăng, đó chính là điều Thầy dạy con khi nói rằng "bản ngã cũng là "mật hạnh" và “con chỉ cần thấy thôi là được" mà bây giờ con mới hiểu ra? Chấp nhận nó, thừa nhận nó, đón nhận nó và chung sống hòa bình, từ bi, yêu thương nó, con mới có thể hiểu nó, thấy nó phải không Thầy? Những tưởng khi tin vào một cuộc sống tốt đẹp, con mới bớt tìm kiếm, thì ra là ngược lại, khi thấy khổ, chấp nhận khổ là lẽ đương nhiên, chấp nhận những nguyên nhân ảo của khổ (khổ tập) là lẽ đương nhiên, con mới thôi tìm kiếm an lạc. Khi thấy ra Khổ, Tập, thì đã đang bước vào Diệt, Đạo rồi phải không thưa Thầy? Quả đúng là "phiền não tức bồ đề". Người ta sẽ dễ buông tay khi khổ hơn là khi sướng. Cốc nước nóng mới buông được chứ cốc nước mát giữa trưa hè thì khó mà buông. Chính sự sung sướng về vật chất và tinh thần mới làm người ta khó mà giác ngộ. Con biết ơn quá những giọt nước mắt khổ đau của con ngày hôm qua đã dần dắt con đến với những nụ cười an lạc lúc này.
Phật dạy một chữ "Buông", có phải thứ lớn nhất cần buông chính là việc đi tìm an lạc? Thầy dạy chúng con rằng Chánh kiến là Chánh đầu tiên sẽ kéo theo tất cả những Chánh khác của Đạo đế, phải chăng Chánh Kiến đó chính là thấy ra Khổ, Tập, Diệt? Thầy có nói rằng Pháp luôn cho ra một câu hỏi rằng "có được như ý của ngươi không? Đã học ra điều gì chưa?". Thì ra, vô minh là không THẤY cả khổ lẫn lạc nên mới mãi tìm kiếm những điều như ý. Khi thấy thấu khổ rồi sẽ thấy lạc cũng ở ngay đây nơi khổ này.
Con thật may mắn có những lời dạy của Thầy trong đời sống này, từng bước dắt con nhích dần ra khỏi u mê. Thầy không nắm tay dắt con đi, không chỉ cho con đâu là đích, đích như thế nào, Thầy chỉ lặng lẽ chỉnh lại hướng của mũi tên chỉ đường khi nó có dấu hiệu lệch đi ít hay nhiều, để con lại tiếp tục lần đi trên chính đôi chân của mình.
Con xin tri ân Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-07-2018

Câu hỏi:

Con xin thành kính đảnh lễ Thầy,
Con rất vui vì đã tìm được những bài giảng của Thầy qua địa chỉ mà Thầy đã cho con, con rất cảm ơn Thầy ạ. Dạ con bạch Thầy vì sao khi ngồi thiền con đã buông xuống tất cả mọi sự mong cầu về cả thân và tâm nhưng con lại bị cảm giác bồn chồn khó chịu chỉ mong nhanh hết giờ tịnh toạ của chùa con, và con thường bị trạng thái này vào thời tịnh toạ lúc 9h tối. Dạ con xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con có phải con đã thực hành sai lời Thầy dậy không ạ và con cũng xin nói thêm chùa con có 4 thời tịnh toạ trong một ngày nhưng mỗi thời chỉ kéo dài từ 20 đến 25 phút nên có khi con chưa kịp định tâm thì đã hết giờ rồi chỉ có buổi tối là giờ đi ngủ thì muốn ngồi bao lâu tùy ý, mà con lại bị trạng thái bồn chồn khó chịu đó khiến cho con không thể ngồi lâu được. Con xin Thầy chỉ dạy giúp con con cũng thành tâm sám hối Thầy vì sự tu tập của con còn kém lắm nhưng con hứa sẽ cố gắng thực tập tốt những lời Thầy chỉ dạy để có thể đem lại lợi ích cho bản thân mình và những người xung quanh. Con cũng thấy con thật may mắn khi nghe được những lời dạy của Thầy và con xin được đảnh lễ dưới chân Thầy để tỏ lòng tôn kính.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-07-2018

Câu hỏi:

Kính thưa thầy!
Cũng một thời gian con không gửi câu hỏi về các thắc mắc của con, cũng vì con muốn tự mình chiêm nghiệm để thấy ra sự thật rồi đến khi thực sự bế tắc con mới hỏi ạ!
Sau một thời gian nghe pháp thoại của thầy qua youtube và trang web này con bắt đầu thấu hiểu về "thiền" mà thầy muốn truyền đạt đến các Phật tử. Thầy đã giúp con nhận thức được thực sự thiền là gì. Các bài giảng qua pháp thoại của thầy rất nhiều nhưng con chưa có thời gian để nghe hết con mới nghe được khoảng vài chục bài giảng nhưng con cũng đã hiểu được cái gọi là "thiền" và ứng dụng vào trong đời sống làm việc và sinh hoạt hằng ngày của mình. Một thời gian dài con chánh niệm để quan sát thân thọ tâm pháp, mỗi lần tâm có tham con biết có tham, sân biết sân, si biết si (hôn trầm, trạo cự, nghi). Mặc dù nói là quán khi các pháp đó đến và xem diễn biến của nó nhưng con vẫn không thoát được sự trói buộc của nó. Cơn sân xuất hiện khi con gặp hoàn cảnh trái ý mình con phát hiện ra nó lúc nó bắt đầu chi phối và con bắt đầu cảm nhận "uy lực" của nó, con cảm nhận những cảm giác mà nó gây ra cho thân mình (mồ hôi thì toát ra, thân thì nóng lên ở sau gáy v.v...). Đúng là nếu trọn vẹn hoàn toàn thì tâm sẽ chú ý đến cảm giác chứ không phóng dật theo đối tượng và cơn sân sẽ dịu đi rồi biến mất, lúc đó con nghĩ nếu cứ trọn vẹn như vậy thì sân sẽ chỉ là một cảm giác hay trạng thái của mình mà thôi, nó sẽ không trói buộc để con gây ra những hành vi nguy hiểm nữa.
Cứ thế mỗi khi tham hay sân xuất hiện thì con cứ làm vậy. Nhưng đó là những cơn sân nhẹ, rồi con gặp sự việc quá vô lý, cơn sân mạnh đến nổi con không thể quan sát được cảm giác trong thân nữa mà toàn suy nghĩ dính mắc hoàn toàn trên đối tượng. Cũng không hẳn là không quán sát được cảm giác mà là tâm phóng dật trên đối tượng mạnh đến mức cái quan sát kia giờ chẳng nghĩa lý gì nữa. Vừa thấy cảm giác trong thân vừa phóng dật trên đối tượng và bây giờ không những thấy những cảm giác đó sẽ giúp con giảm bớt sân hận như trước đây mà ngược lại nó lại làm động lực đẩy cơn sân mạnh mẻ thêm. Sau những lần trải nghiệm như vậy con bắt đầu chán ghét bản thân con trách bản thân mình, con ghét con vì con đầy sân hận và lòng ái dục. Con không thoát khỏi được nó, con phụ những lời thầy dạy. Con mệt mỏi, buông xuôi và hành động theo những gì mình thích. Mặc dù vậy thì tâm con vẩn theo dõi những gì xảy ra nơi chính mình khi làm các hoạt động theo sở thích của con, hình như chú tâm quan sát đã tự nó miên mật như vậy lúc nào không hay, có muốn phóng tâm ra ngoài hoàn toàn cũng không được, nó vẫn trở về để thấy.
Lúc rảnh con chơi game, xem phim, khi thỏa mãn và bắt đầu thấy chán thì con vào đọc kinh sách và tìm hiểu về vi diệu pháp. Cứ như vậy đọc và nghiên cứu no nê rồi thì lại tính nào tật nấy cứ chơi theo cảm xúc vậy. Mấy hôm nay khi đi làm mọi việc vẫn tiếp diễn, cơn sân đến khi thấy người khác sai khiến những việc mà trách nhiệm không thuộc về mình. Nói chung tham sân si ba anh em này luôn có mặt thầy ạ. Tuy nó có chia nhau đến thăm nhưng tuyệt đối không chịu tha cho con. Nó như muốn nói với con rằng "ta là bất khả khuất phục, bất khả chiến bại và bất khả từ bỏ", đúng là bộ ba hoàn hảo. Rồi con bất chợt nhớ lại lời thầy hay dạy là pháp đến để dạy mình hiểu ra một cái gì đó. Lúc trước con nghĩ là nó dạy con là con biết rõ ràng toàn bộ về hoạt động của nó. Ừ thì đúng là biết nó nguy hiểm, nhưng nguy hiểm thì thấy rõ mà loại bỏ và tránh nó thì không bao giờ được. Đúng là một bài học quý giá, bài học đó học xong rồi giờ nó muốn dạy gì nữa đây? Con bắt đầu đặt câu hỏi để xem mình sai ở đâu và nó muốn giúp hiểu cái gì.
Câu hỏi đầu tiên mà con hỏi bản thân mình là "tại sao mình sân?" Câu trả lời bắt đầu hé lộ rằng "mình sân là vì sự việc đó quá vô lý". Ồ hóa ra là tại "vô lý" à. "Vậy tại sao có cái vô lý" ấy? Lại tiếp tục có câu trả lời, chính câu trả lời này khiến con như khai thông mọi bế tắc lâu nay. Câu trả lời mà con nhận được là cái mà ông gọi là "vô lý" là do ông tự dựng lên chứ ở cảnh trần chẳng hề có cái "vô lý" đó. Sau khi nhận được câu trả lời con hiểu ra vấn đề của mình lâu nay. Thực ra ngoại cảnh chỉ như nó đang là mà thôi còn chỉ khi qua tiến trình nhận thức chủ quan của mình mới có vấn đề. Mình nhận thức hình tướng của sự vật theo ảo tướng mà mình dựng lên chứ thực ra nó vô tướng, và thầy đã dùng từ "như nó đang là" là chính xác và sát thực nhất rồi. Con cứ vậy quan sát và quán chiếu như vậy thì con hiểu thêm được rất nhiều điều.
Nói ra dài dòng văn tự nên thôi con không viết nữa. Nhưng tất cả những gì con hiểu cũng chỉ nằm trong tam tướng "vô thường, khổ não, vô ngã". Bài học pháp dạy con là vô ngã vì nó là tiến trình của ngũ uẩn khởi lên chớp nhoáng không thể muốn nó theo ý mình, nó hoạt động theo duyên sinh, nó biến đổi vô thường theo thời gian, và nếu chấp lầm nó là "ta" thì khổ não sẽ theo hoài không buông tha. Bây giờ con thực sự có cái nhìn hoàn toàn khác trước, con nhìn tiến trình khởi lên ảo tưởng như một đối tượng bên ngoài. Con bây giờ mới thực sự hiểu được "thực tánh pháp" mà con vẫn thường nghe thầy nói. Có câu nói trong dân gian rằng "chín người mười ý" mỗi người sẽ dựng lên một ảo tướng về pháp chẳng ai giống ai, nó là không thực và cái thực chỉ như nó đang là thầy nhỉ.
Còn rất nhiều những điều con trải nghiệm muốn chia sẻ với thầy nhưng con cũng viết khá dài rồi nên con xin dừng ở đây. Con cám ơn công lao của thầy dạy bảo cho chúng con, con đường tu học còn dài và còn nhiều điều con phải tự khám phá, mặc dù con biết đến Phật giáo và tu học theo lời dạy của thầy hơn 1 năm nhưng bây giờ con cứ thấy như mình mới bắt đầu vậy.
Con chúc thầy luôn có nhiều sức khỏe và an bình, con chân thành tri ân thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-07-2018

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Sau rất nhiều khổ đau tưởng chừng như không thể chịu đựng được khi bị chồng phản bội con đã nghe lời dạy của Thầy: Dũng cảm đối diện với thực tại, không trốn chạy mà lắng nghe đau khổ. Con đã thấy có một sự im ắng trong tâm. Và con cũng chợt nhận ra tất cả những gì con nhận hôm nay đều là bài học nhân quả và đó cũng là những thử thách bắt buộc phải có trên con đường mà con đang đi. Trước đây con cứ nghĩ mình thật bất hạnh khi có một cuộc hôn nhân như thế, tiền mất, tình mất. Giờ con đã hiểu tất cả chỉ là giả dối không có gì là thật của ta cả và cũng chẳng ai lấy được của con cái gì vì cái quý báu nhất trong con vẫn còn đó. Giờ con nguyện Đức Phật và Tam Bảo gia hộ cho con luôn có sức mạnh để tinh tấn và vượt qua được mọi khổ đau trên cuộc đời này. Con cảm ơn Thầy đã luôn lắng nghe và chỉ dạy cho chúng con ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-07-2018

Câu hỏi:

Con thưa sư, sư cho con hỏi: chánh định trong bát chánh đạo là định của thiền định hay là định của thiền minh sát ạ.
Con thành kính đảnh lễ & cám ơn sư ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-07-2018

Câu hỏi:

Con kính bạch thầy,
Con đang cảm thấy mệt mỏi vì cái Tâm lăng xăng và bị ô nhiễm trong quá khứ. Con xin thầy chỉ giáo hướng đi cho con. Hay con chỉ cần quan sát nó bằng Tánh biết của mình và để thời gian nó tự nổi lên hết và không tiếp thức ăn cho nó bằng Tướng biết của mình thì Tâm sẽ trở lại vắng lặng và trong sáng. Con xin đa tạ thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-07-2018

Câu hỏi:

Thầy quý kính,
Thật cảm động khi nhận được câu trả lời của thầy. Lần đầu tiên con có cảm giác được một
người thầy gần gũi chỉ dạy. Con không có nhiều câu hỏi để hỏi vì dường như mỗi trải nghiệm sống là bài học và là người thầy của con đúng như thầy nói.
Xin thầy giúp con hiểu về hai câu cuối trong thư thầy viết cho con
“Thuận ngã tạo tác duyên
Muôn đời không thấy Pháp!”
Con rất cảm mến tiếng cười hồn nhiên của thầy và những trả lời phá cách với người hỏi.
Araham Samma Sambuddo

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-07-2018

Câu hỏi:

Kính thưa thầy

Nếu đã quy y mà chưa có pháp danh thì có cần quy y lại không , thưa thầy?

Con kính chào thầy và kính chúc sức khỏe thầy

Ngọc Nhẫn

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-07-2018

Câu hỏi:

Con kính bạch thầy!
Con có tự hành thiền theo youtube chỉ thiền quán hơi thở.
Con cũng làm theo hít vào thở ra đếm một rồi đến 10 rồi quay trở lại, cứ như vậy để cho tâm không động loạn. Con thấy như vậy là mình quan sát hơi thở đi ra đi vào thì cuối cùng sao mà mình tịnh tâm được. (Như thầy có nói hãy quay về tánh biết mới thấy được pháp. Tất cả pháp vốn sẵn nơi thực tại đang là, tất cả pháp đều là tự nhiên, là chơn lý). Nếu con hỏi làm sao để tịnh tâm thì con đang vướng vào tâm mong cầu được tâm an.
Xin thầy khai thị cho con: làm thế nào để rõ biết các pháp, làm thế nào để biết được chơn lý. Nếu con hỏi như vậy chính là tâm mong cầu. Làm thế nào không mong cầu mà mình rõ hết các pháp.
Con mong thấy hoan hỉ khai thị ạ.
Con chào Thầy.

Xem Câu Trả Lời »