Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 11-10-2014
Câu hỏi:
Thưa sư cho con hỏi chánh niệm tỉnh giác có khác nhau không ạ, hay là cùng một ý nghĩa? Con kính đảnh lễ sư.
Ngày gửi: 11-10-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! <p>
Ngày nay con thấy có nhiều hội Phật tử tu hành theo lối "Phước Tuệ Song Tu", vừa tu theo pháp môn Tịnh độ, vừa tu Thiền với ý nghĩ "trong đời này không giác ngộ được thì khi thân hoại sẽ cầu vãng sanh Tây Phương". Cái lý này con thực sự không hiểu thế nào. <p>
Và con được biết rằng điểm thù thắng khi tu theo Tịnh độ đó là "đới nghiệp vãng sinh", dù người tu hành chưa phá được hết vô minh vẫn có thể chấm dứt luân hồi mà vãng sinh... Chuyện đó là thật hay cũng lại là phương tiện độ sinh của các bậc Chư Tổ, thưa Thầy? <p>
Đây là những thắc mắc đã từ lâu trong con. Nay cúi xin Thầy từ bi, hoan hỷ chỉ cho con thấy cái lý chân thật để con có sự nhất hướng trong việc tu học. <p>
Con thành kính đảnh lễ Thầy ạ!
Ngày gửi: 11-10-2014
Câu hỏi:
Con thưa thầy, con viết thư xin được nhờ thầy chỉ bảo cho con. Thời gian gần đây con thường xuyên quán tâm ý mình khi mình đang làm những việc hàng ngày hoặc nhìn thấy mọi việc hàng ngày, và con nhận ra là con có quá nhiều suy nghĩ chưa tốt, dù đó là suy nghĩ rất nhỏ nhưng xét kĩ ra con thấy rõ ràng đây là bản ngã xấu xa của mình biểu hiện một cách vi tế. Từ trước đến nay con cứ nghĩ mình cũng đã cố gắng làm điều tốt, nói việc tốt, nhưng khi phát hiện ra dưới vỏ bọc trong suy nghĩ của mình, che đậy dưới vỏ tốt đẹp lại là những ý thức về bản ngã vô cùng xấu, khiến con cảm thấy có phần choáng váng, xấu hổ và đau khổ, tự dằn vặt mình tại sao lại xấu như vậy. (ví dụ gặp người chịu đen đủi con thấy thương họ dù có thể giúp hay không giúp được gì cho họ nhưng rồi con vẫn thấy tâm mình khởi lên mừng thầm rằng may quá mình không phải là họ, không phải chịu cảnh như họ. Hoặc thấy người hơn mình con cũng mừng cho họ nhưng rồi vẫn có tâm ghen tị, rồi tự ti về bản thân một cách vô thức mà con không hề mong muốn. Sau khi như vậy thì con cảm thấy rất xấu hổ). <p>
Con xin thầy chỉ cho con cách để thoát khỏi ý niệm xấu xa về bản ngã trong đầu, hoặc cách để con đối trị với chúng để thóat khỏi sự dằn vặt hàng ngày khi nhận ra mình vốn không tốt như mình đã lầm tưởng. Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 10-10-2014
Câu hỏi:
Con xin chào thầy! <p>
Thưa thầy, đã có lần con tâm sự với thầy về chuyện của con... và thầy cũng từng cho con lời khuyên rằng nên đối diện với thực tại thay vì lẩn tránh nó. Nhưng thầy ơi! Sao nhiều lúc con thấy ngột ngạt, khó thở quá thầy ạ. Sức khỏe của con, công việc của con, những áp lực con đang phải chịu khiến con khó thở quá, không tài nào còn chút sức lực để mà đối diện với nó nữa. Con đã từng chia sẻ với thầy, bệnh tật, nợ nần và áp lực phải thành công tại việc con đang làm mà khả năng thành công là rất thấp khiến nó bào mòn đi chút ít sức lực còn lại của con để mà con tinh tấn, tu thiền... Cụ thể đơn giản nhất là, giờ ngoài bệnh tật, mỗi ngày con đều phải lo nghĩ làm gì ra tiền để trả nợ... nhiều khi cũng không còn nghĩ gì đến sự thành công hay thất bại của canh bạc đời con, của việc vô cùng mạo hiểm mà thành công là quá ít kia nữa... Thật sự là con quá ngột ngạt thầy ơi! <p>
Con giờ cũng không thể muốn hỏi thầy con phải làm sao nữa... vì sức khỏe con dường như khiến con đang buông xuôi rồi hay sao thầy ạ. <p>
Con xin cám ơn thầy đã lắng nghe con tâm sự!
Ngày gửi: 10-10-2014
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, con có nên tham gia vào làm việc trong giáo hội PG hiện nay hay không? Kính mong Thầy có con lời hướng dẫn. Con thành kính cám ơn Thầy.
Ngày gửi: 10-10-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Tôn Sư, <p>
Trong niềm hân hoan, khi con được tham dự lễ dâng y Kathina sáng nay tại Tổ Đình Bửu Long. Con thấy hình bóng chư Tăng thật là thanh cao và tôn kính biết bao. Lúc làm lễ thọ y, Tôn Sư đứng dậy trình trước đại chúng, Tôn Sư có y mới. Hình bóng ấy thật là giản dị, đơn sơ nhưng thắm đượm tình Đạo Pháp. Hình bóng của một người Cha lành cho chúng con noi theo. <p>
Sau khi biết đến Phật giáo Nam truyền qua lời chỉ dạy của Tôn Sư và nhân duyên do con là Phật tử tu học trong môi trường Phật giáo Bắc truyền nên trong tận đáy lòng con, con thành tâm tri ân đến Tam Bảo - Phật, Pháp, Tăng ba ngôi báu bất khả tư nghì. Tự Tánh Giác ngộ, Tự tánh Thanh Tịnh và Tự tánh hòa hợp, trong lành. Ba ngôi báu tôn quí để chúng sanh quay về mà có suối nguồn an lạc nơi tại chính mình. Bằng đầy đủ các Pháp duyên phương tiện và tùy theo căn cơ, trình độ khác nhau của mỗi chúng sanh mà Chư Tăng - sứ giả Như lai - mang trọng trách thiêng liêng hoằng truyền chánh Pháp do Đức Đại Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đã chỉ dạy cho chúng sanh noi theo để đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho mỗi người khi biết quay về nguồn cội. <p>
Tùy theo căn cơ mỗi người mà Chư Tổ đã dẫn dụ nhiều Pháp duyên phương tiện khác nhau để chỉ dạy cho chúng sanh Chánh Pháp. Vào thời Đức Phật còn tại thế - thời Chánh Pháp mà bây giờ Phật giáo Nguyên Thủy đang truyền thừa - thật tuyệt vời những vị thời ấy là những bậc thượng căn. Do đó chỉ qua một câu kệ, hay lời nói mà Phật dạy thì liền trực nhận và đắc Thánh Quả. Qua đến thời tượng Pháp, chư Tổ dùng nhiều Pháp duyên phương tiện khác nhau để hướng dẫn nhưng tiêu biểu là Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông. <p>
Mật tông thì dùng những những câu Chơn Ngôn để làm phương tiện dựa trên nguyên tắc tam mật tương ưng Thân, Khẩu và Ý. Thân thì trang nghiêm, khẩu thì trì Chơn ngôn và ý thì phải trong chánh niệm câu Chơn ngôn ấy. Và mỗi câu Chơn ngôn đều có công dụng riêng, ví dụ như Chơn ngôn Đại Bi khi trì thì có công dụng là hóa giải tâm sân của mỗi chúng sanh để về Tự Tánh Từ Bi mà mỗi người ai cũng có. Đức Chuẩn Đề Vương Bồ tát có 18 tay là tượng trưng cho 6 căn, 6 thức và 6 trần. Do đó, Chơn ngôn này có công dụng hóa giải những cấu nhiễm của căn, trần và thức để quay về Tự Tánh. Mỗi câu Chơn ngôn đều có công năng riêng biệt mà Chư Tổ đã chỉ dạy ngõ hầu chúng sanh phải biết sử dụng nhằm tẩy gội Tham, Sân và Si mà quay lại bổn gốc Tự tánh Giác Ngộ, Thanh Tịnh và Hòa Hợp, Trong Sáng mà tất cả ai ai cũng có. Nếu hành giả tu học không biết quay về thì sẽ rất dễ bị lầm đường lạc lối. Tịnh Độ Tông cũng vậy, Chư Tổ dạy ra nhiều Pháp môn niêm Phật để trở về nhất niệm, kế đến phải nhất Tâm và sau cùng là về lại Tự Tánh sẵn có của chính mình. <p>
Qua đó, con vô cùng trân quí và tri ân đến chư Tổ, chư Tăng. Các Ngài vì hàng hậu học mà tạo ra nhiều Pháp duyên phương tiện khác nhau để dẫn chúng sanh biết quay về Bổn gốc. <p>
Qua quá trình tu học, con có những thấy biết như trên. Kính mong Tôn Sư thùy từ chỉ dạy thêm cho con được tỏ tường. <p>
Kính nguyện xin Tôn Sư từ bi trụ thế lâu dài. Kính chúc Tôn Sư Pháp thể khinh an mãi mãi là ngọn đèn Chánh Pháp soi sáng cho hàng chúng sanh chúng con.
Thành kính tri ân Tôn Sư.
Ngày gửi: 09-10-2014
Câu hỏi:
Thưa thầy, đầu tiên, con kính chúc thầy luôn được mạnh khỏe, an khang.
Con có hai thắc mắc về Pháp mong được thầy giảng giải: <p>
1. Trong Bát Chánh Đạo, có Chánh Tư Duy đối lập với Tà Tư Duy. Tà Tư Duy là 3 tư duy: tư duy về dục tham, tư duy về sân hận, tư duy về hại người. Con thắc mắc là ngoài 3 điều đó ra, phiền não có rất nhiều, như ngã mạn, ganh tỵ... Vậy 1 người có tư duy "ta hơn người khác" thì không phải là tà tư duy sao ạ? Và Chánh Tư Duy là 3 tư duy ngược lại của Tà Tư Duy, vậy 1 người có suy nghĩ "ta hơn người khác" thì có phải thuộc Chánh Tư Duy không, hay có 1 loại Tư Duy thứ 3 nữa: không phải là Chánh, cũng không phải là Tà. Quả thật, điều này làm con khúc mắc mãi ạ. <p>
2. Khi hành thiền, có 5 triền cái làm chướng ngại: tham dục, sân hận, hoài nghi, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá. Tương tự như câu hỏi trên, về nguyên tắc phiền não còn có những loại khác như ngã mạn. Và ngay cả trong thực tế hành thiền, con thấy cũng có lúc tâm mình khởi lên suy nghĩ theo dạng "ta là thế này, người kia là thế nọ", suy nghĩ đó cũng làm chướng ngại cho việc hành thiền, và đó rõ ràng là 1 suy nghĩ ngã mạn, nhưng sao nó không được liệt vào 5 triền cái ạ. Con chỉ có nghĩ đến 1 khả năng: đó là 5 triền cái là 5 cái gốc khởi lên trước tiên khi có tâm thiền, sau khi 5 triền cái khởi lên đầu tiên rồi, coi như thiền đã bị hư, thì tiếp theo sau mới có những phiền não khác nối đuôi theo, khi những phiền não khác nối đuôi theo, thì lúc đó không còn được coi là thiền nữa, vì lúc đó tâm toàn loạn động suy nghĩ lung tung - dù cái thân vẫn ngồi đó. Liệu có phải như vậy không, hay có nguyên nhân khác, xin thầy giảng giúp con. <p>
Con kính thầy.
Ngày gửi: 08-10-2014
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, <p>
Có hai pháp lạ đến với con hơn một năm rồi nhưng con chưa kịp trình lên Thầy. Gọi là “pháp lạ” vì con vẫn thường theo dõi các bài giảng và học hỏi thêm trên mục Hỏi đáp để bổ túc cho pháp học và điều chỉnh pháp hành nhưng chưa thấy (hoặc con đã bỏ sót) đạo hữu hỏi trường hợp tương tự. <p>
Giai đoạn đó Thầy đang trong chuyến hoằng pháp ở Mỹ, con có được chút thời gian rảnh vào cuối tuần nên thường lên Bửu Long vào các chiều thứ bảy. Con một mình hay thơ thẩn đi dạo khắp chùa nhất là vào buổi tối hay sáng sớm tĩnh lặng. Tối hôm ấy con dạo quanh Bồ đề Phật cảnh, tâm rỗng lặng nhẹ nhàng trong sáng, được chừng bốn vòng bỗng nhiên con thấy mình đang bước sang một thế giới khác, vẫn là cảnh vật ấy nhưng giờ đây sống động lạ lùng, kỳ diệu làm con kinh ngạc. Cỏ cây hoa lá đang được cấu tạo từ những hạt lóng lánh chuyển động không ngừng, con vẫn bước tiếp và quan sát cảnh vật trong sự ngỡ ngàng. Cúi xuống lượm một chiếc lá bồ đề đã héo khô lên con vẫn thấy sự lóng lánh chuyển động đó. Ngay cả cái lon sữa Ensure có vết rỉ sét các cô dùng để múc nước đổ vào bình hoa cúng dường Đức Phật tưởng như “vô tri vô giác“ cũng có cùng một sự sống động kỳ lạ đó Thầy ạ. Chưa biết xử lý ra sao đây với pháp lạ bất ngờ này nên chừng 10 phút sau con chọn giải pháp rút lui về cốc. <p>
Sau đó con tất bật với công việc trở lại nên không lên chùa thường được hoặc lên phải về ngay nên đến nay con chưa có dịp trải nghiệm lại, nhưng thực ra tâm con cũng không có chủ ý tìm kiếm hay mong mỏi gặp lại pháp trên. Xin Thầy hướng dẫn cho con trong trường hợp này. Nhiều năm trước con có đọc về hạnh phúc chúc của bà Thiền sư Dipa Ma đến mọi người, mọi loài nhưng tới đoạn kể về việc bà phúc chúc cái máy bay hay chiếc xe hơi đã chở bà thì con không hiểu được là tại sao, nhưng con nghĩ hẳn phải có lý do. Sau này con đọc thấy Eckhart Tolle viết: “Mọi vật đang tồn tại đều có một mức độ nhận thức nào đó... Ngay cả hòn đá cũng có một mức độ nhận thức thô sơ của nó. Nếu không thì nó sẽ không tồn tại được... Mọi thứ đều là ở thể sống.” Và con cũng có lần nghe trong bài giảng của Thầy nói về “tánh biết ẩn tàng ngay cả ở mỗi cội cây, hòn sỏi...” <p>
Ở phần trên, có phải con đã bất chợt thấy được một tầng lớp sâu hơn của sự sống thể hiện nơi vạn vật không ạ? Con xin thành kính đảnh lễ Thầy.
Ngày gửi: 08-10-2014
Câu hỏi:
Chúng con muốn có một cuốn kinh cầu an theo nghi thức Phật giáo Nguyên thuỷ nhưng bằng tiếng Việt thì thỉnh ở đâu thưa sư? Và một số kinh thường tụng hằng ngày sau thời ngồi thiền. Đa số chúng con theo Phật giáo Phát triển nên không hiểu lắm những nghi thức Phật giáo Nguyên thuỷ. Nhưng theo như tìm hiểu con thấy kinh Nguyên thuỷ ngắn gọn dễ hiểu dễ hành trì hơn nên chúng con tha thiết có một số kinh để hành trì như kinh cầu an cầu siêu theo niềm tin tín ngưỡng, mong sư hoan hỷ.
Ngày gửi: 08-10-2014
Câu hỏi:
Kính lạy Thầy, <p>
Con có thắc mắc xin được Thầy từ bi chỉ dạy. Khi 1 tư tưởng hay 1 tâm niệm khởi lên, có khi con nhận biết ngay hay sau 1 lúc mới nhận biết, vấn đề là thường kèm theo phán đoán cái nầy thuộc bản ngã hay thiện, ác... Sự nhận biết nầy giúp con rất nhiều trên đường tu tập. Đó có phải là sự phân biệt tự nhiên của tánh biết hay vẫn chưa phải là cái biết thuần tuý nhận biết thực tánh pháp? <p>
Con kính chúc Thầy nhiều sức khoẻ.