Hỏi Đáp Phật Pháp
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch thầy, trong giới Phật tử và thiền sinh có một số người cho rằng cách dạy quan sát các vấn đề của Ngài Jiddu Krishnamurti (1895-1986) chính là thiền Vipassana, điều đó có phải không ạ? Con đọc một số bài nói chuyện của K. bằng tiếng Anh cũng thấy rất nhiều điều liên quan đến Phật pháp. Vậy việc Phật tử học hỏi từ các tôn giáo khác hay cả người không tôn giáo, miễn là tiến bộ cũng hoàn toàn kkông có gì là "phản bội" tôn giáo mình phải không ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Krishnamurti là một trong những nhân vật kiệt xuất trong thế kỷ 20. Ông thường bài xích các hệ thống tôn giáo, chính trị, triết học, tư tưởng, truyền thống v.v... Nhưng thực ra, ông chỉ bài xích kiến thức sai lầm hiện nay của con người về những lãnh vực đó thì đúng hơn. Ví dụ như hầu hết những người theo tôn giáo đều không hiểu đúng tôn giáo của mình. Hiểu sai rồi áp dụng cái sai của mình để tu tập mà vẫn nghĩ là tu theo lời dạy của giáo chủ mình. Như vậy, quan sát ngay nơi thực kiện để thấy sự thật còn tốt hơn là theo một tôn giáo mà hiểu sai. Nhiều người hiểu lầm K., cũng bắt chước bài xích tôn giáo, truyền thống v.v... nên rơi vào lý thuyết không không, không biết đâu để tu tập. Nếu đọc kỹ, toàn bộ cốt lõi lời thuyết giảng của K. đều mang tinh thần Tứ Diệu Đế và thiền Vipassanà.
Nếu có điều kiện, nghiên cứu những tôn giáo khác để mở rộng tầm nhìn là tốt, không nên cố chấp cho tôn giáo của mình là đệ nhất mà không chịu học hỏi thêm cái hay của tôn giáo khác. Càng có tầm nhìn rộng càng hiểu đúng hơn về tôn giáo mình chứ có sao đâu mà gọi là "phản bội"!.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, có thể nói rằng con người hiện nay đang sống trong vô minh, tăm tối. Thế nhưng cá biệt, trong đó có một số người bỗng dưng được ánh sáng tuệ giác soi vào phá tan sự vô minh đó. Tại sao vậy? Tại sao giác ngộ có thể chợt đến với người này còn người khác thì không? Con có thể tự thỏa mãn bằng những câu trả lời từ quan điểm nhận thức (Phật Pháp) của mình. Nhưng con không dám tin đó là sự thật. Con không tin rằng tất cả mọi tiến trình diễn biến qua thời gian là cái nhân của sự giác ngộ. Khi sống trong vô minh, ta luôn tạo tác, sinh ra nhân quả. Nhưng giác ngộ lại không hề liên hệ, phụ thuộc vào sự nhân quả ấy. Chỉ là bỗng dưng ánh sáng tuệ giác chợt đến phá tan bóng tối vô minh, chẳng còn nhân quả. Tại sao đối với người giác ngộ thì nó thật tự nhiên còn những người khác thì không thưa thầy?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Không phải vậy đâu. Làm gì có chuyện "bỗng dưng được ánh sáng tuệ giác soi vào" mà "ngồi chờ sung rụng"! Tuệ giác giống như mặt trời tự soi sáng, nên tuệ giác tự đến, không phải do ai nỗ lực tạo tác ra được. Tuy nhiên phiền não như những đám mây che khuất mặt trời, mây càng dày mặt trời càng tối, nhưng thực ra mặt trời vẫn vậy. Muốn mặt trời tuệ giác soi sáng thì phải không còn mây phiền não che lấp nữa mới được. Tu không phải là để tạo ra mặt trời tuệ giác, mà để loại trừ phiền não, thì lập tức mặt trời tuệ giác chiếu sáng ngay thôi. Nhưng phiền não phát xuất từ cái ta ảo tưởng, nên diệt trừ phiền não chỉ là diệt trừ cái ngọn, phải diệt trừ tận gốc cái ta ảo tưởng thì phiền não mới không còn, tuệ giác tự hiện. Việc tụê giác xuất hiện có vẻ bất ngờ nên tưởng là "hoát nhiên" bất chợt. Bản ngã tưởng rằng do công phu tu tập của mình mà có tuệ giác nên mới rơi vào nhân quả, thời gian. Khi tuệ giác tự nhiên xuất hiện thì quá ngạc nhiên bất ngờ nên mới gọi là "hoát nhiên giác ngộ"! Tất nhiên mặt trời chiếu sáng không phải là quả của nhân diệt trừ cái ta ảo tưởng. Quả của diệt trừ này là không còn mây phiền não che lấp nữa mà thôi. Tuy nhiên, phá trừ cái ta ảo tưởng cũng chính là việc của tuệ giác chứ không phải là ai khác cả. Đó là lý do tại sao các vị thiền sư nói "Chân giác vô công" vậy.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
1.Trước đây con thực hành Thiền theo Pháp Lý Vô Vi Khoa học Huyền Bí Phật Pháp. Hiện nay con đã chuyển sang thực hành Thiền Minh sát; nhưng một số thói quen cũ đôi khi vẫn còn như: khi đang ngồi thiền thì đỉnh đầu có cảm giác rút rút làm cho con dễ bị lôi cuốn vào đối tượng này. Nếu con không chú ý thì một lúc sau sẽ hết.
2. Khi bắt đầu ngồi Thiền con hít thở sâu 3 lần bằng bụng, sau đó mới ngồi bình thường.
Kính xin Thầy chỉ dạy hai điều trên đúng hay sai và con nên làm thế nào? Con rất cám ơn Thầy
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Trong thiền vô vi mà anh nói thì chữ vô vi có nghĩa là dựa vào "năng lực cõi trên" theo Tiên Đạo, chứ không phải nghĩa không tạo tác nhân quả nghiệp báo như lời Phật dạy. Anh không nên dựa vào tha lực để tu tập, mà tu vô vi theo Phật chính yếu là xả ly cái bản ngã tạo tác hữu vi. Muốn xả ly bản ngã thì phải thấy rõ nó và hóa giải tiến trình tạo tác của nó. Điều này không phải là việc làm của bản ngã, bản ngã không thể xả ly chính mình, nó có thể từ chối bản ngã này nhưng lại tạo ra bản ngã khác. Bản ngã cũng không xuất hiện riêng trong thế ngồi mà nó có thể hiện diện khắp mọi hoạt động của mỗi người, vì vậy thiền là khám phá bản ngã trong mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động.
2) Đi đứng ngồi nằm là tùy duyên, không nên ngồi nhiều. Ngồi nhiều trệ khí chỉ sinh bệnh thôi. Khi duyên cần thiết hay phù hợp với ngồi thì chỉ cẩn ngồi buông cái ta ảo tưởng lăng xăng đi thì tánh biết sẽ tự soi sáng, lúc đó dù tĩnh hay động cũng đều là pháp vô thường, khổ, vô ngã. Đâu phải ta hay của ta mà phải cố gắng lấy cái nầy bỏ cái kia theo tư ý của bản ngã. Ngồi thiền không phải để giữ trạng thái tĩnh (bất động) mà là thái độ không lăng xăng tạo tác nên mới gọi là vô vi theo đúng nghĩa thiền nhà Phật. Hít thở sâu hay làm một vài động tác cho khí huyết điều hòa là tốt, nhưng đó không phải là thiền. Thiền thuộc về trí tuệ nên điều chính yếu là thấy thực tánh chứ không phải để đạt bất cứ điều gì. Nếu có cái gọi là "đạt" thì đó là việc của pháp.
Câu hỏi:
Bạch Sư, trong khi ngồi tĩnh lặng hay làm việc gì dù đang theo dõi quan sát nhưng thỉnh thoảng con niệm thầm: "tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác", hay đọc thầm bài thi kệ phù hợp với hoạt động lúc đó trong Tỳ Ni nhật dụng để tránh bị hôn trầm. Xin Sư dạy con làm như vậy được không? Con cảm ơn Sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả mọi phương tiện đều tốt cả. Nhưng cứ xem như đó là pháp phương tiện hỗ trợ thôi. Trong tu tập phải biết pháp gì là chính pháp, pháp gì là tùy pháp để đừng nhầm lẫn phụ thành chính là được. Khi vô sự, tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành là chính, nếu không được mới phải sử dụng một phương tiện để lấy lại sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Khi hữu sự thì thận trọng, chú tâm, quan sát là chính, nếu bị thất niệm, bất giác thì mới dùng một phương tiện nào đó thích hợp để thận trọng, chú tâm, quan sát trở lại. Cái chính là cái không thể thiếu, còn cái phụ khi nào cần mới phải sử dụng, đừng để cái phụ lấn lướt cái chính, nên khi không cần nữa phải bỏ đi ngay. Tất cả pháp môn phương tiện khi không cần nữa phải bỏ ngay nếu không mãi mãi ở trong tượng pháp, không thể vào được. Ví dụ như khi chân đau không tự đi được mới phải dùng cái nạng, nhưng nạng chỉ là phương tiện tạm thời, đừng để nó thay thể chân, nên bất cứ khi nào chân có thể tự đi được rồi thì phải bỏ nạng đi, nếu không sẽ bị lệ thuộc vào cái nạng, không thể tự mình đi được. Trừ phi cái chân vô dụng mới phải dùng nạng suốt đời. Phật dạy: chính phápPháp như thuyền đưa người qua sông, pháp còn phải bỏ huống chi phi pháp.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con được biết Chùa Tổ Đình Bửu Long hiện đang xây dựng một đại Bảo Tháp rất quy mô. Và con có nghe mẹ con nói là việc xây Bảo Tháp có rất nhiều phước báu và lợi ích. Để cho chúng con hiểu biết thêm, xin Thầy cho chúng con biêt những lợi ích đó là gì? Con rất cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bảo Tháp xá-lợi đang xây tại Chùa Tổ Đình Bửu Long, có chiều cao gần 70 mét, mặt bằng tầng trệt khoảng 2000m2, gồm 7 tầng có tổng diện tích mặt bằng khoảng 5000m2. Tầng trệt dùng làm văn phòng, phòng phát hành, và các sinh hoạt văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội v.v... Tầng 2 và 3 làm giảng đường và hội trường có thể chứa được khoảng 1500 người, tầng 4 là Chánh Điện, tầng 5 là thiền đường, tầng 6 là tháp thờ Xá-lợi Phật và các bậc Thánh Tăng, tầng 7 thờ kim thân đức Phật.
Sau khi việc xây dựng Bảo tháp hoàn thành có thể đưa vào sử dụng, Chùa sẽ tổ chức các khóa thiền cho Tăng Ni và đồng bào Phật tử, tổ chức các buổi thuyết giảng, sinh hoạt văn hóa, từ thiện xã hội, mở lớp giáo dục đào tạo Tăng Ni v.v... để hoằng dương Chánh Pháp, phục vụ quần sinh. Do những lợi ích thiết thực hiện tại và lâu dài cho nhiều thế hệ, có lẽ vì vậy mà mẹ con mới nói đó là việc làm có phước đức to lớn. Đây cũng là cơ hội cho bá tánh thể hiện tinh thần vô ngã vị tha trên đường giác ngộ giải thoát.
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy,
Thầy dạy rằng khi ngồi Thiền chỉ cần buông xả ra, đối tượng nào đến thì hay biết là đủ. Trong khi có một số sách dạy Thiền Vipassana (của các Thiền sư nổi tiếng) là phải quán phồng xẹp của bụng, đồng thời vẫn hay biết khi có các đối tượng khác đến. Hiện nay con đang thực hành theo cách mà Thầy đã dạy, nhưng khoảng 15 phút đầu thì con chú ý sự phồng xẹp của bụng để giúp định tâm. Con vẫn còn băn khoăn là: có phải là cách hành thiền bằng cách duy trì theo dõi sự phồng xẹp của bụng là dành cho những thiền sinh sơ cơ, sau một thời gian hành thiền, khi đã đạt đến một trình độ nào đó thì mới hoàn toàn buông xả, chỉ cần nhận biết đối tượng nào đến một cách tự nhiên là đủ. Con chỉ sợ rằng mình như người mới học chơi đàn, nên khi tập đánh đàn thì phải nhìn từng phím đàn chứ không thể vừa chơi đàn vừa nhắm mắt như những nghệ sĩ giỏi được. Con kính xin Thầy minh giải cho con để con tự tin là đang hành thiền vừa đúng pháp vừa phù hợp với căn cơ trình độ của con.
Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên nếu người chưa đủ khả năng "buông ra là thấy cái thấy của thiền tuệ" thì cần 4 pháp hỗ trợ như thầy đã nói (Niệm Phật, niệm bất tịnh, niệm tâm từ, niệm sự chết tùy theo căn tính của mỗi người). Tuy nhiên 4 pháp hỗ trợ này không phải là thiền tuệ mà chỉ giúp cho hành thiền tuệ dễ hơn thôi nên không làm hỏng thiền tuệ. Trái lại nếu hành thiền tuệ không đúng từ đầu thì khó mà điều chỉnh lại. Ví dụ như người đánh máy vi tính, đã đánh quen 2 ngón thì khó mà tập lại đánh 10 ngón, nên từ đầu phải tập đánh 10 ngón ngay mới được. Học đàn cũng vậy, phải học sử dụng ngón tay đúng từ đầu, đã quen sử dụng ngón tay sai sau chỉnh lại khó lắm. Ví dụ nhìn các dây đàn càng chứng tỏ đàn dây nào nhìn dây đó chứ không thể nhìn vào một dây đàn nhất định nào được.
Cái sai của nhiều người là không phân biệt được thiền định và thiền tuệ nên đã đem thiền định vào thiền tuệ mà hành, tưởng định tâm càng nhiều càng tốt! Thực ra định tâm nhiều thì hết hành thiền tuệ được. Phải dùng pháp hóa giải thiền định đó đi mới vào thiền tuệ được. Trong thiền tuệ chỉ sử dụng sát-na định và tùy thời định mà thôi (xem Chương 8 - Sống Trong Thực Tại). Nhiều người hiểu lầm đã dùng phương pháp niệm phồng xẹp của Ngài Mahasi như đề mục thiền định, thậm chí còn đắc những ấn chứng của thiền định mà họ tưởng đã đắc tuệ! Vì vậy chỉ dừng lại ở đó không thể vào thiền tuệ được. Khi đã dùng một đề mục nhất định để thiền tức là đã rơi vào thiền định rồi.
Thiền tuệ là cái thấy trong sáng không dự định trước, đã dự định hành thiền tuệ theo cách (phương pháp) nào đó có sẵn thì không còn là thiền tuệ nữa. Buông hết mọi dự định để cho tâm rỗng rang trong sáng tự nhiên thì ngay đó bất cứ đối tượng nào cũng là đối tượng của thiền tuệ được cả. Tâm thiền tuệ phải giống như tấm gương trong sáng, đối tượng nào vào thì thấy, không vào thì thôi, chứ không đi tìm đối tượng, khác xa với thiền định là phải tìm đối tượng nhất định để chuyên chú. Vậy đừng nên hành thiền tuệ theo kiểu thiền định mà cả định lẫn tuệ đều chẳng tới đâu!
Câu hỏi:
Thưa Thầy, tuy con biết rằng cuộc sống này chỉ có tính chất tạm bợ mà thôi, tất cả những vật chất mà con có được rồi cũng sẽ không thể theo con khi con chết, nhưng sao con không thể làm chủ được bản thân mình, nhất là khi con thấy những bạn bè cùng trang lứa với con có công việc thu nhập cao hay có những vật chất gì hơn con. Trong tâm con rất thích nơi yên tĩnh, con thích đời sống của một nữ tu, nhưng gia đình con còn 1 món nợ khá lớn không thể ích kỷ mà bỏ cho cha mẹ và chị gánh nợ một mình được. Nhà con có khá nhiều đất đai nhưng vẫn chưa bán được. Nhiều khi thấy mẹ con đi vay nợ bị người ta khinh thường con rất buồn Thầy à! Những lúc như thế trong tâm con chỉ muốn học cho giỏi, làm cho thật nhiều tiền để cho cuộc sống của cha mẹ con sung sướng hơn những người cho vay kia; mặt khác, con lại nghĩ vật chất sao có thể giúp cha mẹ đem theo về thế giới bên kia được, huống gì con thích đi tu hơn và nghành con học chưa chắc gì thu được số tiền lớn đến thế! Thầy ơi, con phải làm sao đây? Trong tâm con giờ có 1 hướng giải quyết là con sẽ cố gắng học cho tốt, sau này đi làm có tiền giúp cha mẹ một phần. Và trong thời gian này, con sẽ cố gắng tu tập và tích lũy phước để cho con có đủ duyên sống nơi con thích. Thưa Thầy, con nghĩ vậy có đúng không? Con xin Thầy giúp con với, con đang rất mệt mỏi Thầy à! Con xin cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con nghĩ làm gì đúng tốt nhất thì cứ làm, nhưng không phải như thế là giải quyết được mọi vấn đề đời sống. Cái đó còn tùy duyên nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, con sẽ lấy đó làm bài học để thấy ra chỗ đúng sai của mình và bản chất của đời sống. Nếu con không thấy ra bản chất cuộc đời, không tự biết thế nào là đúng sai thì dù con có đi tu cũng chẳng được gì cả. Không thấy được chính mình và đời sống thì không thể giác ngộ giải thoát. Báo hiếu cha mẹ là việc làm tất yếu, cứ làm hết mình, còn được bao nhiêu hay không được gì cả lại là chuyện khác. Điều mà thầy có thể giúp con được là khuyên con nên thường sáng suốt định tĩnh để tự biết mình trong mọi hành động, nói năng, suy nghĩ. Thường thận trọng, chú tâm, quan sát việc mình đang làm hay đang giao tiếp ứng xử với người khác. Có như vậy con sẽ vừa dễ thành công, vừa được an lạc trong mọi lúc mọi nơi. Đó chính là con đang tu chứ không phải vào chùa mới tu. Nếu làm được như vậy, sau này có điều kiện vào chùa tu lúc đó con sẽ là một tu nữ xuất sắc đấy con ạ.
Câu hỏi:
Kính thưa sư, bên Bắc tông có kinh Vu Lan báo hiếu cha mẹ gồm hai phần, một phần kể về ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm mẹ, một phần Đức Phật dạy hàng đệ tử về công ơn cha mẹ. Có vị Hòa Thượng pháp sư thuyết pháp nói rằng không có việc ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục mà do ngài nhớ những chuyện mẹ ngài đã làm nên mới xin nhờ Đức Phật dạy cách để mong hồi hướng cho mẹ. Qua đây con muốn hỏi những kinh điển mà không do Phật thuyết hay do mọi người hư cấu thêm bớt vào thì có phải là kinh không? Mọi người đọc tụng làm thế nào phân biệt được? Ngoài ra giữa kinh Nam tông và Bắc tông có nhiều khác biệt, xin sư chỉ dạy để chúng con hiểu rõ đâu đúng đâu sai để được học theo đúng lời Phật dạy. Con cảm ơn sư.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Kinh Vu-lan báo hiếu là do người sau soạn ra, trong đó một phần có dựa trên sự kiện có thực vào thời đức Phật, như việc Ngài Moggallana nhớ lại kiếp xưa bất hiếu với mẹ, và thấy ngạ quỷ sống đói khát đau khổ nên hỏi Phật làm thế nào để giúp cho hạng chúng sinh này thoát khỏi cảnh khổ. Đức Phật dạy đặt bát cúng dường chư Tăng để hồi hướng phước trợ duyên cho loài ngạ quỷ này được nương phước lực và tâm lực mà thoát khỏi cảnh khổ của mình. Còn những chuyện khác, như Đức Phật quỳ lạy đống xương mà khóc vì thấy đó là cha mẹ mình trong kiếp quá khứ, hoặc Ngài Mục-kiền-liên đem cơm xuống địa nguc.. cơm biến thành than v.v... là hư cấu. Người sau soạn kinh này chủ yếu là để khuyến khích lòng hiếu thảo đối với cha mẹ nên cũng tốt, nhưng muốn báo hiếu thật sự thì phải làm cho đúng pháp mới có kết quả, nếu chỉ cúng giỗ hoặc cầu nguyện không thôi thì không được lợi ích gì cả.
Câu hỏi về KInh Nam Tông và Bắc Tông hơi rộng, thầy đang viết về điều này trong Chương 10 cuốn sách Sống Trong Thực Tại (Thực tại hiện tiền 2), con nhớ đón đọc. Có một điều dễ nhận nhất là Kinh Nam Tông viết bằng tiếng Pali, và cố gắng giữ trung thực lời dạy của đức Phật. Kinh Bắc Tông viết bằng tiếng Sanskrit lâu sau đức Phật Niết-bàn, cố gắng triển khai lời dạy đức Phật cho hợp với căn cơ trình độ mọi người.
Câu hỏi:
Con nghe nhiều vị giảng sư thuyết pháp rất hay, nhưng làm sao để biết vị ấy giảng đúng hay sai? Xin thầy chỉ dẫn cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vui lòng đọc bài
Kinh Kalama (Tăng Chi Bộ Kinh / Chương Ba Pháp / Phẩm VII: Phẩm Lớn / 65) thì sẽ được chính Đức Phật trả lời câu hỏi này một cách rất đầy đủ. Thầy xin trích một đoạn chính trong Kinh như sau:
“Này các người Kālāma, đừng vội tin vì nghe kể lại, đừng vội tin vì theo truyền thống, đừng vội tin vì lời đồn đãi, đừng vội tin vì kinh điển lưu truyền, đừng vội tin vì lý luận hay, đừng vội tin vì có công thức, đừng vội tin vì có suy tư về sự kiện, đừng vội tin vì chấp nhận định kiến, đừng vội tin vì có vẻ thích hợp, đừng vội tin vì “vị Sa môn này là thầy mình”. Này các người Kālāma, khi nào tự mình biết rõ: Đây là pháp bất thiện, đây là pháp lầm lỗi, đây là pháp bị người trí chỉ trích, pháp này nếu đem thực hành sẽ đưa đến khổ đau bất hạnh; thì này các người Kālāma, các người hãy từ bỏ chúng. Nhưng này các người Kālāma, khi nào tự mình biết rõ: Đây là pháp thiện, đây là pháp không lầm lỗi, đây là pháp được người trí ca ngợi, pháp này nếu đem thực hành sẽ đưa đến an lạc hạnh phúc, thì này các người Kālāma, các người hãy chấp nhận và hành trì”.
Câu hỏi:
Kính Bạch Thầy. Thầy cho phép con được hỏi: Con có xem băng đĩa của một giảng sư nọ. Thầy đó có nói ở những nước quốc giáo (Phật Giáo) người Phật tử thường đọc bài Kinh Hạnh Phúc và dùng nó làm kim chỉ nam. Mà con tìm trong web nầy không biết ở đâu. Vậy xin thầy chỉ cho con. Con chúc Thầy nhiều sức khỏe để dìu dắt chúng con trên đường đạo.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Để thầy cho đưa bài Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta) cả nguyên văn Pàli lẫn Việt ngữ lên mục Thư Viện để con đọc. Bài kinh này dạy người Phật tử 38 pháp để sống đời sống hạnh phúc cao thượng. Đoạn cuối của bài Kinh là : "Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sấu, tự tại và vô nhiễm, là phúc lành cao thượng".