loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 19-02-2014

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy, con được có duyên lành nghe Thầy giảng đã lâu, đọc các sách, các câu hỏi đáp và nghe các bài giảng của Thầy. Con còn nhớ, ngay từ buổi đầu tiên đi nghe Thầy giảng Pháp, con đã cảm thấy thật ngạc nhiên khó hiểu, khi Thầy giảng về chuyện: "Bàn tay nào cũng có mặt trắng và mặt đen, muốn có cả bàn tay thì phải chấp nhận cả hai mặt đen trắng ấy", rồi "thận trọng, chú tâm, quan sát". Trong suốt một thời gian dài, con thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, con thắc mắc tại sao con người phải trải qua đau khổ thì mới hiểu ý nghĩa cuộc đời, con thắc mắc nếu con người ta chấp nhận hết mọi thứ nghĩa là sẽ không có phấn đấu, vươn lên, con thắc mắc nếu con người không có lòng tham thì nghĩa là không ai tìm tòi, phát triển xã hội... <p>

Con thắc mắc nhiều, nhưng con để đó, và đọc và quan sát, và nghe. Bỗng dưng gần đây con trực nhận ra, bỗng dưng mọi thắc mắc bừng sáng, nhất là sau khi con tìm đọc quyển "Cặn bã ký ức" của bác Hai Như Sanh mà Thầy đã đề cập trong một bài viết trong Thư viện, thì mọi cái trở nên rõ ràng hơn nữa. <p>

Thầy ơi, nay con hiểu là thật ra ý nghĩa của cuộc đời là tận cho đến cuối cùng con người phải hiểu mình là ai, hiểu tất cả những hỉ nộ ái ố của chính mình đối với cuộc đời, để rồi từ đó hiểu người hơn, hiểu thế gian hơn, từ đó biết được cách sống đúng đắn sao cho không hại mình, hại người, không làm ai tổn thương. Mà muốn được như vậy, thì trong từng khoảnh khắc của cuộc sống ta phải thận trọng, chú tâm, quan sát từng thay đổi nhỏ nhất của tâm ta để có thái độ và cách ứng xử đúng nhất. Khi quan sát tâm mình thì mình mới biết rằng tâm mình thay đổi từng khoảnh khắc, có lúc đó là tâm tốt, có lúc là tâm xấu, nhưng do nhận biết nên ta kịp thời điều chỉnh, và rồi ta cảm thấy chính mình cũng có lúc trắng lúc đen, thì người cũng vậy, ta dễ dàng chấp nhận tha nhân hơn... Và rồi ai muốn làm gì cũng được, làm giàu cũng được, nhưng hãy cẩn thận ta làm giàu với tâm gì, trong từng hành động hàng ngày của ta, trong công việc của ta, ta làm với tâm gì, nếu với tâm đúng tốt thì là đúng tốt... Rồi thì chọn lựa nào cũng giống nhau vì ở đâu cũng vậy cũng là những bài học về đối nhân xử thế, đối xử với chính mình và người khác... Và rồi chợt thấy cái ta mờ nhạt dần, chợt thấy không còn muốn bắt người khác phải nghĩ như mình, làm như mình, chợt thấy họ là họ là điều bình thường... <p>

Ôi, bao nhiêu điều và cũng chỉ là những gì Thầy đã nói, và bao nhiêu vị Thầy đã nói, nhưng tự nhiên bây giờ con cảm thấy thật rõ ràng... <p>
Đó là điều con đang cảm thấy trong giai đoạn này. Trong con chợt tràn ngập lòng biết ơn sâu sắc...



Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-01-2014

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy. <p>
Chúng con xin tri ân Thầy đã trả lời câu hỏi của chúng con. Tuy nhiên chúng con vẫn còn có điều chưa hiểu. Theo như chúng con được biết thì từ muôn vạn kiếp trước Đức Phật Thích Ca cũng đã từng là nai, là sư tử, là chúng sinh bị đọa ở địa ngục,... như vậy Ngài đã nhờ nhân duyên nào mà trở thành người để tu tập cho đến Chánh đẳng Chánh giác? Và chúng con phải lý giải như thế nào về sự khác biệt giữa những con chó được chủ cưng chiều như con chó của Elizabeth Taylor và những con chó bị làm thịt? Chúng con còn được dạy rằng nếu tạo nghiệp bất thiện sẽ bị đọa vào các cõi địa ngục hoặc súc sinh, nếu bị đọa vào đó thì sẽ đến lúc nào mới được trở ra làm người? Chúng con ngu muội, kính xin Thầy từ bi chỉ giáo. <p>
Chúng con kính Thầy được nhiều sức khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-12-2013

Câu hỏi:

Thầy quý kính, <p>

Thắm thoát, mà con đã học Pháp hàm thụ với Thầy gần tròn một năm rồi, tâm trạng lần đầu tiên con được nghe Pháp Thầy dạy, thật là không biết nói sao. <p>

Trước ngày được gặp Thầy, con đã trải qua một thời gian khá dài, để dồn tất cả mọi nỗ lực theo học và thực hành một phương pháp cứng ngắt, khuôn khổ, khắc nghiệt, nên con đã hoàn toàn kiệt sức. <p>

Con bèn quyết định từ bỏ phương pháp mà con đã khổ công tu bấy lâu nay này, bởi cảm giác: “càng tu, con càng cảm thấy mù mịt.” Có nhiều lần, con tự hỏi: “Có phải, mình đang đi ngược đường?” “Tại sao tâm mình càng ngày, càng trở nên, chai lì như thế này?” Con cứ như là con nhộng trong cái kén, cứ loay hoay mãi mà không biết làm sao để thoát ra!<p>

Con có quá nhiều câu hỏi, nhưng lại không biết hỏi ai, nên mỗi đêm, giữa khuya thanh vắng, trong tâm trạng khắc khoải, tuyệt vọng và đau khổ cùng cực, con ra quỳ dưới chân Đức Thế Tôn, và con cảm nhận được lòng từ của Ngài, con tâm sự với Ngài về “nỗi lòng học Đạo” của con. <p>

Và như Thầy đã thường khẳng định với chúng con: “Pháp tự nó vốn đã hoàn hảo, không cần chúng ta xen vào.” Thế rồi có những duyên đưa đẩy đến, giúp cho “Hết cơn bỉ cực, đến hồi thới lại.” <p>

Thật là hạnh phúc tuyệt diệu biết bao sự vận hành tự nhiên của Pháp, con có đủ duyên lành để học Pháp của Thầy, một điều hạnh phúc hơn nữa là, “Thầy chính là vị Thầy con mơ ước, mà con lại hoàn toàn không hay biết là qua những lời mà con đã kể lể với Đức Thế Tôn, thì chính trong thâm tâm con đã thầm mơ ước có được một vị Thầy Đại Từ, Đại Bi như vậy.” <p>

Con cám ơn Pháp đã giúp cho con có cơ hội để được trải nghiệm những nỗi đau khổ cùng cực, do cái ngã bị tổn thương trầm trọng, những vấp ngã từ sự thực hành sai, trước khi được gặp Thầy, nên lần đầu tiên ngay khi nghe Thầy dạy, con đã nhận được tài sản vô giá mà Thầy đang tìm đủ mọi cách để trao lại tận tay cho chúng con. <p>

Với niềm tin vững chắc ở nơi Thầy, nên con không phải mất một chút thời gian quý báu nhỏ nào hết cho những thắc mắc, đối chiếu, so sánh, hoặc phải bơi trong rừng chữ nghĩa để tìm kiếm một điều gì, mà con chỉ một lòng, một dạ ứng dụng ngay Pháp đơn giản, thiết thực, hiện tiền, mà Thầy đã thực chứng từ những trải nghiệm của chính bản thân mình trong cuộc sống. <p>

Thưa Thầy, nhờ con luôn “Nhớ” và “Biết” đúng lúc, nên việc thực hành Pháp Thầy dạy, đối với con nhẹ nhàng và thú vị lắm, và đôi lúc con cũng hưởng được hương vị cao quý của Pháp Bảo chút chút. <p>

Thầy ơi! Có một điều thật thú vị, là ngay cả một đứa bé, mới biết đi chập chững, lại ứng dụng Pháp “Thận Trọng, Chú Tâm, Quan Sát” điêu luyện vô cùng. <p>

Con có đứa cháu vừa mới chập chững biết đi, mỗi lần mấy đứa cháu của con có dịp tụ hội về nhà con để thăm Bà, thì chúng cứ dẫn nhau chạy lên, chạy xuống tầng lầu như mắc cưỡi, cháu mới biết đi chập chững này, nó cũng ráng sức theo anh chị của nó để lên xuống cầu thang. <p>
Con ngồi quan sát để coi chừng mấy đứa nhỏ đang chạy chơi, và thử xem cháu nhỏ nhất nó làm sao? Con thấy: Lần đầu tiên khi cháu muốn đi xuống cầu thang, nó nhìn xuống phía dưới trước, có lẽ nó thấy độ cao nên sợ, nó bèn xoay lưng lại, và giữ tư thế xoay lưng về phía trước để đi xuống cầu thang, tay cháu thì vịn chắc bậc thang trên để làm điểm tựa thủ thế, còn chân thì cứ cẩn thận dò từng bàn chân một, để đặt bàn chân lên nấc cầu thang dưới kế tiếp, cháu làm từ từ như vậy, và cuối cùng đã đi xuống được tới đất, mà không cần đến sự giúp đỡ của ai hết. <p>

Con thấy tức cười là, trong khi cháu đang thận trọng đi xuống cầu thang, thì mấy đứa kia đã chạy lên, chạy xuống, đuổi bắt nhau được mấy vòng rồi, mỗi lần mấy đứa kia chen đi ngang, miệng bóp kèn “tin tin” thì cháu nhỏ đứng nép qua một bên, cho anh chị nó chạy qua, xong nó lại tiếp tục kiên nhẫn học tiếp bài học đi cầu thang của nó. <p>

Đến khi xuống tới đất rồi, thì cháu lại chậm rãi, hoan hỉ leo ngược trở lên lầu một cách kiên nhẫn, không quan tâm tới việc, anh chị của nó đang làm gì, nó cứ chăm chỉ dùng bàn chân nhỏ xíu của nó, thận trọng bước những bước chập chững của nó mà thôi. <p>

Con thành kính đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 21-11-2013

Câu hỏi:

Thành kính đảnh lễ Thầy, <p>
Kính thưa Thầy, thời gian gần đây trong tâm con hay xảy ra hiện tượng như sau: con rất thường hay trải qua trạng thái "tắt-mở" ở giữa hai trạng thái tĩnh lặng (thấy biết không vọng động) và động (suy nghĩ, làm việc). <p>
Từ tĩnh chuyển sang động, sự "tắt-mở" tương đối vi tế, không gây cho con nhiều sự chú ý. Ngược lại, từ đang động chuyển về tĩnh, cảm giác của lúc "mở-tắt" mạnh hơn nhiều, đôi khi giống như 1 sự rùng mình rất là vi tế của cảm giác hỷ lạc. Dù là rất vi tế nhưng nó mạnh hơn "tắt-mở" nhiều. <p>
Cái trạng thái trung gian này, trước đây trong thời gian khi tu học với Thầy và sau đó, con ít gặp. Chỉ là vài tuần gần đây xảy ra thường xuyên hơn. Và con trở về trạng thái tĩnh lặng cũng thường xuyên hơn. <p>
Con cũng chỉ ghi nhận như vậy, không chủ tâm thêm bớt gì. Nay con kính trình lên Thầy sự việc này. <p>
Con vừa đọc những lời Pháp thoại của Thầy, kính xin dâng Thầy một chút cảm xúc nhỏ của con: ,p>

Thân thọ tâm pháp sẵn đấy thôi <p>
Trọn vẹn thấy nghe, thế đủ rồi <p>
Thêm chi đề mục hư hư ảo <p>
Rồi dòm ngó với TA lăn trôi!<p>

Kính mong Thầy luôn khỏe, tứ đại điều hòa. <p>
Con thành kính đảnh lễ Thầy, lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba.
Đứa con Pháp của Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-11-2013

Câu hỏi:

Kính thưa thầy!<p>
Con vừa phát hiện một chuyện thật buồn cười là cuộc sống của con từ trước cho đến bây giờ như một giấc mộng hay nói đúng hơn đó chỉ là trò chơi đuổi bắt của bản ngã và pháp. Khi có một pháp xuất hiện thì cái ta ảo tưởng liền được khởi lên chạy theo nắm bắt nhìn nhận rồi đánh giá phản ứng. Pháp liền biến hóa muôn hình vạn trạng. Để cố đuổi bắt pháp, bản ngã cũng cố biến đổi để chạy theo. Quá trình diễn ra liên tục đan xen chồng chất làm cho bản ngã không ngừng giải quyết nhưng đến khi nó quá mệt mỏi với trò chơi đuổi bắt. Cứ để mặc cho pháp tự do vận hành thì pháp lại trở nên hiền lành và trở về bản chất thật của nó.
Con xin cảm ơn và chúc thầy nhiều sức khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-11-2013

Câu hỏi:

Bạch thầy, con đã đọc lời chia sẻ của một chị có người chồng không chung thuỷ. Con thấy chị thật là tuyệt vời biết bao, nhờ chị mà con nhận ra bản thân mình luôn trốn tránh những gì không đẹp làm con phật ý và con luôn tìm cách giải quyết nó, rồi sau đó con lại đau khổ, con không được vững vàng, quen sống dựa vào sự chăm lo của người khác. Khi không vui lại tìm cách trả thù những người đó. Nhờ chị mà con đã biết rằng con sai rất nhiều và nỗi đau là do con đã can thiệp vào sự vận hành của vạn pháp và gây ra đau khổ cho nhiều người. Xin thầy cho con gởi lời cảm ơn chân thành đến chị và chúc chị luôn được vui vẻ, sống vô ngã vị tha, hưởng hương vị giác ngộ giải thoát. Con sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để biết mình và nhớ những lời khuyên hữu ích thầy đã dạy. Con rất dở trong việc ăn nói, có sai sót mong thầy mở lượng từ bi chỉ dạy. Kính chúc thầy an lạc.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-09-2013

Câu hỏi:

Con kính thưa thầy! <p>
Thầy kính mến, sau những ngày chú tâm quan sát khi các suy nghĩ cảm thọ khởi sinh, con chợt nhận ra mỗi khi tâm con khởi ra tham, sân, hay sợ hãi... liền bị ách bức bởi dòng sinh diệt của các cảm xúc và suy nghĩ, con cảm thấy hiểu hơn về vòng sinh tử, một cảm thọ này phát sinh và rồi diệt đi, một cảm thọ khác lại thay thế, nó cứ như vậy làm tâm và thân con bị ách bức bởi tham ái, lăng xăng tạo tác bao điều. Quan sát nó một cách tự nhiên không đồng hóa mình với nó rồi nó cũng qua đi, nhưng rồi cảm thọ khác lại thay thế, chỉ khi con buông tất cả không còn suy nghĩ mà vẫn hay biết mọi thứ thì không còn bị ách bức nữa, con thấy tự do, khi không còn đánh giá hay gì cả mà vẫn hay biết mọi chuyện. <p>
Mọi việc ở trong cuộc sống không cho bản ngã xen vào thì thật nhẹ nhàng biết bao thầy nhỉ! Khi đó con thấy được tình thương trong mình. Có khi vì thiếu định tĩnh con bị cảm thọ này kéo đi tạo tác, nhưng cái việc mà con tạo tác ấy lại chẳng bằng việc để cho tâm rộng lặng trong sáng, cái tâm không bị ràng buộc, nó vốn bình an thầy ạ. Con bỗng chẳng còn khái niệm hạnh phúc và khổ đau nữa, con thấy nó chỉ là sự thay đổi thôi, nhưng vì nó mà làm thật nhiều điều, khi việc đơn giản hơn là con quay lại tâm mình mà bao lâu con không hề biết.<p>
Con cảm ơn thầy nhiều lắm, mong thầy thân tâm an lạc ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-07-2013

Câu hỏi:

Thưa Thầy.
Đọc vi tiếu của Thầy con thấy hay quá nên cũng tập tành viết một câu chuyện con xin tặng Thầy.<p>
Có một chú tiểu bao năm qua nhờ ơn Thầy dạy dỗ nên trong lòng rất xúc động vì biết ơn Thầy. Một hôm chú đến gặp Thầy và thưa: Thưa Thầy bao năm qua nhờ ơn Thầy dạy dỗ mà con đã học được rất nhiều điều hay lẽ phải con cảm thấy con đã trưởng thành lên rất nhiều con rất nhớ ơn Thầy. Thầy lặng nhìn chú tiểu mà chỉ nói hai từ "chấp pháp"!
Chú tiểu tiu nghỉu quay về trong lòng rất băn khoăn mà vẫn chưa hiểu vì sao. Hôm sau chú tiểu lại đến gặp Thầy và thưa: Thưa Thầy đêm qua con đã nằm mơ trong giấc mơ con không nhớ con đã nói gì mà Thầy vẫn bảo "lại chấp pháp". Nhưng thật lạ kỳ lúc đó con lại cười, một nụ cười rất hồn nhiên trong sáng.<p>
Vị Thầy đã xoa đầu chú tiểu mỉm cười và hát:<p>
Vạn pháp xưa nay vốn tịch tịnh/
Chỉ vì vọng tưởng mới có-không/
Có có-không không cùng một gốc/
Chỉ nở trên môi một nụ cười.<p>
Cũng từ đó chú tiểu đã thấy trên môi Thầy luôn nở một nụ cười đầy đạo vị.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 26-06-2013

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy,<p>

Đầu thư con kính thăm sức khỏe Thầy. Con có vài việc chưa được rõ, kính xin Thầy từ bi hoan hỉ chỉ dạy thêm cho con được rõ. <p>
Trước đây con có đọc đâu đó dường như trong cuốn Mặt Hồ Tĩnh Lặng của Ngài Achan Chah. Trong đó, Ngài có viết: <p> “Bạn tham thiền để tìm bình an tĩnh lặng. Sự bình an tĩnh lặng mà người ta nói là sự bình an tĩnh lặng làm dịu tâm chứ không phải là bình an tĩnh lặng để loại trừ phiền não. Khi tâm bình an thì phiền não tạm thời bị đè nén như tảng đá tạm thời đè lên cỏ. Khi nhấc tảng đá đi thì chỉ trong một thời gian ngắn cỏ lại mọc lên như cũ. Cỏ không bị chết thật mà chỉ bị đè thôi. Khi ngồi thiền cũng tương tự như vậy. Tâm bình an tĩnh lặng nhưng phiền não chưa được tận diệt. Bởi thế, nếu chỉ định tâm thì chỉ là an tĩnh tạm thời. Muốn thật sự tìm bình an tĩnh lặng, bạn phải phát triển trí tuệ. Sự bình an tĩnh lặng đến từ trí tuệ thì phiền não sẽ bị tận diệt”.<p>
Như vậy, theo như Ngài Achan Chah nói thì con phải làm sao để phát triển trí tuệ? Có phải là cần phải quán chiếu? Quán thế nào? Quán nhân duyên hay xoay lại xem xét cái nào chân cái nào giả? Trong khi Hòa Thượng Bổn Sư của con thì dạy chỉ cần nhìn cho ra mình đang khởi vọng thì nó tự tan biến. Riêng Thầy thì dạy không cần làm gì cả chỉ cần thận trọng quan sát các pháp (tâm tư cảm xúc của mình) như nó đang là. Thật ra con đang bị lúng túng không biết phải làm sao. <p>
Mấy năm trước, con tu rất vất vả, khi phiền não đến con không biết cách buông, con cứ kẹt trong đúng và sai không thoát ra được. Đến một hôm con mới nhận ra rằng nếu con cứ chấp vào đúng & sai thì muôn đời sẽ khổ, và nếu con cứ suy nghĩ hoài thì con càng nuôi vọng tưởng, càng điên đảo, giống như con bị sa vào vũng bùn vậy. Hiểu được vậy nên một hai năm nay con cảm thấy nhẹ nhàng hơn đôi chút. Con chỉ phiền não một chút thôi, sau đó không thèm suy nghĩ đến nó nữa, thì nó cũng nhẹ nhàng trôi qua. Tuy nhiên con cũng còn rất dễ nổi nóng, khi gặp việc hơi trái ý là trong lòng như một cái lò lửa, quạt hơi nhẹ là lửa phực lên liền. Con rất khổ tâm vì tập khí của mình. Có người nói vì bản ngã của con lớn quá. Con hay chủ quan thường cho rằng mình đúng người khác sai nên mới dễ nổi sân như vậy. Nghĩ lại thấy người đó nói rất chí lý. Mấy ngày nay, con cố gắng tập, nhưng khi sự việc xảy ra là con lại nổi sân trong lòng. Con biết mình đang nóng, nên không dám nói gì với người đối phương. Có lúc chịu không nổi con đã trả lời lại vài câu. Sau đó mới thấy mình lỡ lời. Con cảm thấy những lúc đó con đã bị đồng hóa mình với tâm thức rồi. <p>
Kính xin Thầy chỉ dạy. <p>
Kính, <p>
Con xin đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 25-06-2013

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy.
Con cám ơn Thầy và vui mừng thọ nhận lời phúc chúc của Thầy.<p>
Kính bạch Thầy,
Hôm nay con học tới bài Kệ: <p>
Trải qua những bước thăng trầm/
Mới hay bậc trí giữ tâm làm đầu/
An nhiên giữa cuộc bể dâu/
Khổ đau nhẫn được, đạo mầu chẳng xa!<p>
Con thấy thấm lắm! Và con biết chắc là những bài Kệ Thầy đã viết ra, đều là kinh nghiệm thực chứng của Thầy hết.<p>
Thầy ơi! Con rất là hoan hỉ vì tất cả những gì Thầy dạy, con đã có thể bắt đầu ứng dụng ngay trong cuộc sống rồi.
Con nhận thấy trong khi mình làm bất cứ chuyện gì, dù nhỏ nhặt đến đâu mà có tâm tham ở trong đó, cũng sẽ không thành công hết, như trường hợp lúc con đang làm bếp, trong khi con nấu nồi canh, vì thiếu sự thận trọng và chú tâm quan sát, nên khi có tâm tham khởi lên, con lập tức bị nó dẫn đi, và con đã nêm đường lỡ tay, do đó vị của nồi canh không được như ý con muốn!<p>
Sau khi rút kinh nghiệm được từ điều sai lầm đó, đến khi nấu món xào, con bèn luôn thận trọng, chú tâm, quan sát, cho nên ngay mỗi khi có tâm tham khởi lên, thúc dục con làm này, làm nọ, tâm con biết được ngay, cho nên tâm tham nó mắc cỡ, biến đi mất, nhờ vậy mà khẩu vị của món xào con nấu thật là đậm đà vừa ý. <p>
Cả ngày, con cứ luôn thận trọng, chú tâm, quan sát, nên con làm chuyện gì cũng tròn vo hết!<p>
Con cám ơn Thầy thật nhiều nhiều.
Con thành kính đảnh lễ Thầy.

Xem Câu Trả Lời »