Hỏi Đáp Phật Pháp
Mục này được thực hiện nhằm tạo cơ hội cho chư huynh đệ, đạo hữu sống cách xa nhau có thể chia sẻ kinh nghiệm tu tập, hoặc trao đổi những vấn đề nan giải trong Pháp học cũng như Pháp hành, để cùng nhau tìm hiểu, bàn bạc, góp ý bổ túc, hầu giúp nhau điều chỉnh chánh kiến trong biển Phật Pháp mênh mông, sâu thẳm và vi diệu.
Với tiêu chí đó, đề nghị quý vị không nên đặt những câu hỏi quá xa vời thực tại tu học của mình hoặc những vấn đề chi ly có tính tầm chương trích cú trong kinh điển, vì điều đó mỗi người có thể tự tra cứu lấy để khỏi làm mất thì giờ của huynh đệ đồng đạo.
Để gởi câu hỏi, xin nhập vào mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ cập nhật câu trả lời lên website trong thời gian sớm nhất.
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Ngày gửi: 30-11-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, dạo này tâm con bất an. Con cảm thấy hình như có 1 cưỡng lực làm cho thân tâm con mệt mỏi. Con cảm thấy con ghét cái bản ngã. Nhưng khi con muốn diệt trừ nó, thân tâm con lại càng bất an. Xin thầy chỉ cho con 1 nguyên nhân nhất định tại sao tâm con lại như thế? Cám ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Bất an là một trạng thái tâm bị chi phối bởi quá khứ, bị lôi cuốn vào tương lai hoặc bị đắm chìm trong hiện tại, nên không thể an ổn tại đây và bây giờ. Khi tâm bị chi phối như vậy không còn ý thức được thực tại thân tâm một cách rõ ràng minh bạch. Sự mê mờ về chính mình gọi là thất niệm, bất giác. Tình trạng này tạo điều kiện cho tâm vọng động bất an. Dịch lý gọi là THẦN không minh thì Ý dao động, Ý bất ổn thì KHÍ phân tán, KHÍ tán loạn thì HÌNH mệt mỏi. Cái mà con gọi là cưỡng lực gì đó chính là lực xung động của ý tạo ra sự xáo trộn của khí và hình. Đây đúng là quy trình tạo tác của bản ngã, nhưng nếu con ghét nó, muốn tiêu diệt nó thì chỉ làm cho thân tâm xáo trộn bất an thêm mà thôi.
Tóm lại, nguyên nhân chính của bất an là không biết mình (do thiếu chánh niệm tỉnh giác, hay không đủ thận trọng, chú tâm, quan sát thực tại thân tâm) nên để cho ý niệm, tư tưởng, thời gian xen vào hình thành cái ta ảo tưởng. Nếu biết quay trở lại trọn vẹn với thực tại (chánh niệm) không bị tham ưu che lấp thì tánh biết liền thấy rõ thực tánh pháp (tỉnh giác). Ngay lúc đó không có cái ta ảo tưởng nên cũng không có bất an. Nhớ là càng đối kháng càng tạo ra bất an. Hãy lắng nghe quan sát nỗi bất an một cách tự nhiên, trọn vẹn, không đối kháng, thì bất an sẽ tự biến mất.
Ngày gửi: 29-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa thầy, con may mắn được nghe trực tiếp một số buổi thầy giảng. Con xin thầy chỉ bảo một số điều là: Như thầy dạy mọi việc phải: thận trọng, chú tâm và quan sát. Thường ngày con thực hiện đúng theo như pháp mà thầy đã dạy ở trên, nhưng khi đối diện với những việc gay cấn, bị chọc tức con đã cố gắng kìm chế nhưng thường không được nên bị sân lắm. Con muốn thầy chỉ bảo tu tập như thế nào? Nhân đây con cũng nói là khoảng 2-3 năm về đây con thường tu thiền ban đầu theo hơi thở (chủ yếu chú trọng thân, thọ) sau tiếp tu thiền định theo tứ niệm xứ (chú trọng theo dõi hơi thở ra, hơi thở vào, lúc có thể chuyển sang theo dõi phồng xẹt của bụng) con tu tập theo phương pháp này là chủ yếu, và hình thức là tọa thiền (Việc tu tập trên con học chủ yếu ở sách có tham khảo một số người đã thực hiện trước. Sau khi nghe thầy giảng pháp, con thấy mình chấp quá (vì con chỉ muốn "định" nên con chỉ muốn ngồi lâu, muốn tâm được an) như thế thì tuệ giác không phát triển (và việc tọa thiền chỉ là một trong biện pháp trợ duyên của Phật Pháp). Hiện nay như con đã nói ở trên con đã chuyển sang hình thức như thầy đã giảng song có lẽ con còn vướng mắc hình thức cũ chăng? (lúc nào con cũng muốn kìm nén, nếu có việc bức xúc là con buông bỏ bằng cách chú tâm vào việc gì đó như phần bụng, hoặc quán chiếu sang phần khác chẳng hạn...) Thật ra con học tu thiền xuất phát từ yêu thích (vì tự con thấy mình nóng tính lắm, và còn hay mất bình tĩnh nữa - nên con nghĩ đây là cứu cánh phù hợp). Kính thầy chỉ bảo cho con điều phù hợp lúc này.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Chính vì anh thích định nên nôn nóng muốn thoát ra khỏi tình trạng không định, đó là tâm sân; và mong muốn mau đạt được đinh, đó là tâm tham. Như vậy sự nôn nóng này nuôi dưỡng tham và sân. Sự xung đột giữa tham và sân tạo ra phân vân nghi hoặc; phân vân đưa đến trạo cử phóng tâm, và phóng tâm đưa đến trạng thái mệt mỏi chán nản của hôn trầm. Toàn bộ những điều này làm cho bệnh sân của anh càng gia tăng. Khi sân anh lại cố kìm chế làm cho nó bị dồn nén vào vô thức để chờ dịp bùng ra khi có điều kiện, như khi bị chọc tức chẳng hạn.
Anh nên tiếp tục thận trong, chú tâm, quan sát một cách tự nhiên mọi hoạt động bình thường hàng ngày của thân - thọ - tâm - pháp thì chánh niệm tỉnh giác tự động sung mãn. Khi không làm gì hoặc khi đang làm việc căng thẳng anh nên buông ra cho thân tâm hoàn toàn nghỉ ngơi vô sự một lát. Ngay lúc đó tâm tự phục hồi sự sáng suốt, định tĩnh, trong lành một cách tự nhiên. Nghĩa là giới-định-tuệ được phát huy mà không cần rèn luyện thiền định hay cố gắng tập chú vào vào đâu cả. Thói quen tập chú tâm trên một đối tượng nhất định đã chọn sẵn, tuy có thể giúp định tâm được, nhưng đó là định hữu vi tạo tác của bản ngã, không phải là tâm thực sự an định tự nhiên vô ngã. Thói quen này khiến khi gặp việc gay cấn anh không thích đối diện để thấy ra chính mình mà lập tức trốn vào đối tượng của định để làm chỗ ẩn trú. Nếu khi sân anh thận trọng chú tâm quan sát lại trạng thái đang sân đó thì chính là anh đang hành pháp niệm tâm. Đó là cách trực diện với sự thât để nhẫn nại, từ bi phát sinh ngay đó, đồng thời thấy cơn sân có sinh có diệt, chẳng có gì đáng sợ đáng ghét cả. Không phải nhờ nó mà anh thấy ra chính mình sao? Không thấy ra chính mình làm sao giác ngộ giải thoát được?
Ngày gửi: 28-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Sư. Cho con hỏi: 1. Trong khóa giảng thiền Thầy nói rằng Niết-bàn ở trong tâm ta không ở đâu cả. Vậy khi Đức Phật tịch về cõi Niết-bàn mà kinh sách thường nói là ở đâu? Theo con nghĩ Niết-bàn là 1 cõi mà Đức Phật đã về ở vì Ngài đã thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì không thể thành tro bụi được, cũng như bên Bắc Tông quý Thầy nói cõi Cực lạc Tây phương của Đức Phật A-di-đà vậy. Theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy tu như PHẬT sẽ thành PHẬT rồi về đâu? 2. Trong phần mở đầu bài giảng thiền Thầy có nói bà hoàng hậu (con cũng không biết tên) sai người chờ Đức PHẬT kinh hành đến thành trì sẽ chửi Đức PHẬT, mà Ngài vẫn đến, sau cùng giáo hóa được họ. Trong khi đức vua cha của nàng Da-du-đà-la cũng chờ Đức PHẬT đến để chửi mà Ngài lại rẽ sang đường khác vì không muốn đức vua mang thêm nghiệp. Sao con thấy có 2 cách hành xử khác nhau thế. Vì thời giờ eo hẹp con không dám hỏi Thầy trong khóa học. Xin Thầy hoan hỷ chỉ dẫn con. Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
1) Thẳng thắn mà nói thì việc tìm hiểu Niết-bàn ở đâu không ích gì cho sự trực nhận thực tại để thoát ly điên đảo mộng tưởng cả. Đã là Phật thì ở đâu mà chẳng là Niêt-bàn. Niết-bàn được đức Phật định nghĩa là đoạn tận tham, đoạn tân sân, đoạn tận si. Vậy ỏ đâu không có tham sân si ở đó là Niết-bàn. Nếu Niết-bàn có một chỗ để trụ thì đã không gọi là Vô Sở Trụ hay Vô Thủ Trước Niết-bàn rồi. Bậc giác ngộ, thấy Pháp, sống thuận Pháp và thể nhập Pháp tánh nên lấy Pháp giới tánh làm Pháp Thân (Dhammakaya) không còn nương tựa hay bám trụ trên bất cứ tướng nào (Anissito viharati na kinci loke upadiyati).
Sở dĩ thầy nói: "Ngay đây không tham sân si là Niết-bàn" để mọi người đừng lăng xăng tìm kiếm bên ngoài (vọng ngoại), ở tương lai hay một nơi xa xăm nào đó. Hãy trở về mà thấy (ehipassiko), ngay tại đây (sanditthiko) và bây giờ (akaliko), trên tự thân thực tại (opanayiko) mà mỗi người có thể chứng nghiệm được (paccattam veditabbo vinnuhi). Và đó là lý do vì sao đức Phật dạy chúng ta trở về chánh niệm tỉnh giác ngay nơi thực tại thân tâm này thì ở đó thấy Niết-bàn.
2) Câu hỏi thứ hai thì sau khi hỏi anh đã tự trả lời được rồi nên có lẽ không cần phải trả lời nữa phải không?
Ngày gửi: 28-11-2010
Câu hỏi:
Con có một câu hỏi rất quan trọng đối với việc tu tập của con, xin Thầy cho con lời chỉ dạy. Vốn con rất sợ cảm giác đau đớn nên từ lâu con đã chuẩn bị bằng cách tu tập thiền định để khi chết tâm con không tán loạn vì sự đau đớn. Nhưng khi nghe Thầy giảng về thái độ buông rỗng lặng trong sáng tự nhiên của tánh biết, thì con lại thấy nhất niệm hay nhất tâm của thiền định vẫn còn chỗ dính mắc bám trụ, tuy tâm không tán loạn nhưng cũng không thật sự nhẹ nhàng thanh thoát. Vậy con có nên buông luôn cả Thiền Định để cảm nhận rõ mà không đối kháng với sự đau đớn, hay sự chết hầu thấy sự sinh diệt của tất cả các Pháp lúc đó? Như con đã nói con rất sợ đau đớn, liệu bài học đau đớn (nếu có) cuối cùng này con có thể kham nổi hay không? Sự phân vân của con là nên duy trì hay nên bỏ thiền định để đối mặt với nỗi đau và cái chết?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Lúc lâm chung, với người đời thì được nhất niệm hay cận định (do niệm) hoặc nhất tâm (do định) là tốt rồi, như vậy sẽ không tái sinh vào các đường ác (cõi khổ). Nếu chết với tâm nhất niệm hay cận định thì được sinh vào các cõi trời Dục Giới, nếu chết với nhất tâm từ sơ thiền cho đến tứ thiền thì sẽ tái sinh vào cõi Sắc Giới, nếu chết với một trong 4 tâm thiền "đối tượng không" thì sẽ tái sinh vào cõi Vô Sắc Giới. Nhưng vì tam giới vẫn còn vô minh ái dục, nghĩa là vẫn còn bản ngã nên vẫn chưa giác ngộ giải thoát được, do đó người tu buông luôn cái ngã, sẵn sàng đối diện với thực tánh pháp, dù đó là đau đớn hay an lạc. Thật ra, sợ hãi chỉ là một ảo tưởng khi con tưởng tượng đến cơn đau, nhưng khi cơn đau thực sự đến thì con có thể trải nghiệm nó, không có gì đáng sợ.
Tánh biết vốn rỗng lặng trong sáng nhưng bị cái ta ảo tưởng tham sân si, lo lắng, sợ hãi... che lấp nên mới không an lạc được. Không an lạc nên bản ngã lăng xăng tìm kiếm và chuốc lấy bất an. Khi bản ngã đã bất an thì nó lại muốn trú vào định để được an lạc. Đó là lý do vì sao nhiều người ham thích thiền định. Nhưng trú vào định thì vẫn còn vô minh ái dục nên không bao giờ thấy được thực tánh pháp. Đó không phải là pháp đưa đến giác ngộ giải thoát. Nếu con muốn giải phóng mọi nỗi sợ hãi thì đừng trú vào đâu và đừng trốn tránh sự thật. Hãy buông cái ta đầy sợ hãi ấy ra thì ngay đó tánh biết liền đầy đủ giới định tuệ (vốn viên mãn bên trong) chứ không phải trạng thái định hữu hạn do bản ngã tạo tác bên ngoài.
Ngày gửi: 27-11-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy! Có những khoảnh khắc con đã buông và không mong muốn bất cứ điều gì. Nhưng đúng như thầy đã nói, con thấy ngay sau đó bản ngã ở đâu lại ùn ùn kéo đến với ý đồ muốn giữ sự an lạc nơi thân và nơi tâm.
1. Vậy cho con hỏi, cái khoảnh khắc "không mong muốn" đó có phải là "chánh niệm tỉnh giác" chưa hay mới chỉ là "thấy vết trâu" thôi ạ?
2. Mặc dù con biết trạng thái đó đến và đi là việc của Pháp, song con vẫn muốn nhận thêm lời khuyên cụ thể hơn từ thầy. Mong thầy hoan hỷ cho con lời khuyên ạ. Con thành kính tri ân thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Con vẫn chưa thấy rõ trạng thái buông và thái độ buông khác nhau thế nào. Buông không quan trọng ở trạng thái mà ở thái độ. Nếu là buông trạng thái thì buông được trạng thái này vẫn còn trạng thái khác, như vậy chỉ thay đổi trạng thái chứ không phải thực sự buông. Cho nên buông trạng thái thì vẫn còn là hành động hữu vi tạo tác. Buông như vậy có thể chỉ là lấy bản ngã này loại trừ bản ngã kia, hay nói dễ hiểu hơn là lấy tư tưởng buông để buông tư tưởng, và dĩ nhiên trạng thái buông ấy chỉ là kết quả của tư tưởng (bản ngã) mà thôi. Trong thái độ buông không có bản ngã lăng xăng tạo tác, hay nói cách khác, không có hành động buông nào cả mà ngay khi vắng bặt cái ta ảo tưởng lăng xăng tạo tác thì tánh biết liền sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác nên gọi là buông .
Không mong muốn không hẳn là chánh niệm tỉnh giác mà có thể là tâm si. Vấn đề không phải mong muốn hay không mong muốn mà có sáng suốt, định tĩnh, trong lành để thấy mong muốn đó hay không. Nếu mong muốn phát xuất từ bản ngã tham ái thì không có chánh niệm tỉnh giác. Nếu mong muốn phát xuất từ trí tuệ thì đương nhiên là có chánh niệm tỉnh giác rồi.
Ngày gửi: 24-11-2010
Câu hỏi:
Thưa Thầy, nếu trước khi chết tâm vẫn giữ được chánh niệm tỉnh giác thì kiếp sau tái sinh cõi nào?
Con cám ơn Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Nếu con phân vân không biết mình sẽ tái sinh cõi nào thì làm sao mà chánh niệm tỉnh giác được, còn nếu con thật sự chánh niệm tỉnh giác thì đâu cần phải quan tâm sau khi chết sinh về đâu!
Ngày gửi: 23-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy!
Nghe theo lời Thầy dạy: Khi ngồi Thiền nên buông ra, không cần lập trình thời gian ngồi, tùy duyên thuận pháp. Hiện nay con hành thiền thường xuyên vào buổi sáng trước khi đi làm: khi thì lúc 5 giờ, khi thì 5:30 hay 6 giờ... Còn buổi tối thì không cố định, lúc có lúc không, có lúc 6 giờ, có lúc 10 giờ, có khi ngủ một giấc rồi dậy ngồi thiền lúc 1, 2 giờ khuya. Khi ngổi thì có lúc buông ra, thả lỏng, có lúc niệm hơi thở, có lúc tâm biết sự xúc chạm, cảm thọ trong thân, có lúc thấy mình đang ngồi, hay nghe âm thanh, có lúc cảm thấy dễ chịu vì biết tâm đang định và an lạc, có lúc phóng tâm một hồi sau mới biết. Việc thay đổi đối tượng này tự động xảy ra, con không cố ý, cứ để tâm buông xả và tự động thay đổi đối tượng. Có lúc tâm xao động con cũng biết và để nó tự động một lúc thì hết. Có bữa tự nhiên con thích niệm hơi thở, con cứ làm thế một hồi lâu đến khi tự động nó thấy không thích nữa thì con buông ra. Thời gian ngồi con cũng không quan tâm, khi thì 45 phút, 1 tiếng hay có bữa đến 1 tiếng rưỡi. Hiện nay con cũng đang tập chánh niệm cái "tâm thấy". Khi thấy và nhìn sự vật chung quanh con tập chánh niệm sự thấy và nhìn này. Nói chung, con cảm thấy việc tu tập theo hướng như Thầy dạy là thận trọng chú tâm quan sát khi hành động hàng ngày và khi ngồi Thiền thì buông ra, tùy duyên, không gò ép tâm, không cố gắng tâm phải thế này thế kia thì con thấy việc Tu và Thiền rất dễ dàng, dễ chịu. Trong công việc và cuộc sống con cũng đang áp dụng theo như vậy: cứ để pháp vận hành, không lo lắng thái quá. Có lẽ tu hành theo cách này hợp với căn cơ trình độ của con. Còn việc tiến bộ đến đâu, nhanh hay chậm là việc của Pháp.
Con kính trình Thầy và xin Thầy chỉ dạy. Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cứ hành tự nhiên như vậy là tốt. Chủ yếu là thấy pháp đúng với bản chất tự nhiên của nó chứ không phải là làm theo ý đồ muốn trở thành, muốn đạt được của bản ngã. Trong thiền tùy duyên thuận pháp, đối tượng không quan trọng mà thái độ thấy biết mới là chủ yếu. Khi thái độ thấy biết rỗng lặng trong sáng - không bị cái ta ảo tưởng xen vào, thì mọi đối tượng được trả về thực tánh nên gọi là thấy thực tánh. Đừng cố gắng đạt được hay duy trì trạng thái nào mà quan trọng là thái độ buông mọi ý đồ lăng xăng của bản ngã để cho tâm trở về với tự tánh sáng suốt, định tĩnh, trong lành của nó, để nó tự soi chiếu một cách vô tâm, vô ngã. Nên để đối tượng tự đến tự đi hơn là chọn lựa đối tượng nhất định. Giống như người canh gác chỉ lo phát hiện đối tượng chứ không đặc biệt canh giữ một đối tượng nào, trừ phi đối tượng ấy buộc anh ta phải theo dõi. Thiền không tính bằng thời gian bao lâu, mà tính bằng từng phút giây trọn vẹn với hiện tại. Và cũng không ràng buộc vào thế ngồi mà là sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong mọi tư thế ở mọi lúc mọi nơi.
Ngày gửi: 22-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Sư,
Con có chánh báo tương đối tốt nhưng y báo không tốt. Con đã phải chứng kiến nhưng mưu mô, lừa đảo của những người trong gia đình bên chồng và bên gia đình con. Những chuyện nhơ bẩn, lường gạt như vậy cứ ám ảnh con nhưng con không chia sẻ được với ai vì những vị đó có thế đứng vững chắc, đóng kịch rất giỏi. Vì sợ con tiết lộ với người khác lại còn đi đến những người quen thông báo với họ là con bị thần kinh nên nếu có nghe chi thì đừng tin con. Thưa Sư con phải có thái độ như thế nào? Con kính tri ân Sư
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Trong thời đức Phật có một vị thánh nữ Tu-đà-hoàn lấy chồng là một người thợ săn, điều này gây ra sự bàn tán xôn xao. Nghi vấn đặt ra là liệu vị thánh nữ này có bị cộng nghiệp với người thợ săn không. Đức Phật khẳng định là không. Giống như cái vá múc canh tuy ở trong nồi canh nhưng không bị ảnh hưởng mùi vị chua cay... gì cả. Cũng vậy, Ngài Huệ Năng sau khi ngộ phải trốn trong rừng với nhóm thợ săn, ăn chung ở chung với họ, nhưng hòa mà không đồng. Cuộc đời vốn là vậy, không ở nơi này thì nơi khác chúng ta luôn phải đối mặt với cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, cái được cái mất... đó là tính bất toàn của đời sống. Nhưng nhờ thấy ra tính bất toàn đó mà người trí mới giác ngộ giải thoát. Nhờ sống trong y báo đó mà con thấy ra những mưu mô ám muội, nhận diện được những bộ mặt giả dối... để con biết thế nào là thiện là ác, là chân là giả hầu tránh được những sai lâm cho mình và không để vẻ bên ngoài đánh lừa được nữa. Nếu con không có cách gì để chuyển hóa họ được, thì hãy để đó cho Pháp chuyền hóa họ. Trước tiên con chỉ lo sống đạo đức và thường sáng suốt định tĩnh để đừng bị ảnh hưởng bởi người xấu xung quanh, đồng thời không để cho tâm con buồn phiền, bực bội.
Ngày xưa, Khuất Nguyên làm việc trong triều đình, thấy bá quan văn võ phần lớn đều ghê gớm dữ dội hơn tình trạng con vừa mô tả nhiều, nên ông buồn chán than trách chốn quan trường, một người lái đò nghe vậy đã khuyên ông bằng hai câu thơ:
"Thương Lương chi thủy thanh hề khả dĩ trạc ngã anh
Thương Lương chi thủy trược hề khả dĩ trạc ngã túc"
(Nước sông Thương Lương trong, ta giặt dải nón
Nước sông Thương Lương đục, ta dùng rửa chân)
Gặp chuyện bất bình người Pháp thường nói: "C'est la vie!". Khi thầy qua Ấn Độ thấy người dân Ấn gặp rắc rối gì họ đều nói: "No problem!", còn người Việt Nam chúng ta nói tỉnh queo: "Chuyện nhỏ!" hay "Bình thường thôi!". Hãy chọn cho mình một thái độ sao cho trước tiên là con vẫn bình tĩnh sáng suốt là được. Đạo Thiên Chúa có câu nói đáng chiêm nghiệm: "Con hãy lo việc của Chúa còn việc của con để Chúa lo". Câu này cũng có nghĩa là con cứ sống cho thật tốt còn chuyện thị phi kia sẽ có luật nhân quả trả lời đích đáng. Chúc con một nội tâm thật sáng suốt và an bình .
Ngày gửi: 21-11-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy, xin thầy từ bi, hoan hỷ cho con hỏi câu hỏi liên quan đến việc thực hành tứ niệm xứ.
Con đọc trong kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có dạy: "Này Tỷ-kheo, khi nào Ông được giới khéo thanh tịnh và tri kiến chánh trực, này Tỷ-kheo, Ông hãy y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập bốn niệm xứ".
Vậy như thế nào là giới khéo thanh tịnh? Như thế nào là tri kiến chánh trực?
Cách con đang hành hiện nay theo lời dạy của Thầy, con thận trọng trong ý nghĩ, lời nói và hành động phải chăng là con đang an trú trên giới, là giới khéo thanh tịnh? Con chú tâm, tỉnh thức trên đối tượng trước mắt theo đúng thực tánh của nó, phải chăng đó là tri kiến thanh tịnh và cũng chính là đang tu tập bốn niệm xứ rồi? Xin Thầy hoan hỷ giải thích rõ hơn cho chúng con về lời dạy trên. Kính tri ân Thầy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Giới chính là sự thận trọng đối với thân hành, khẩu hành. Khi thận trọng trên thân, thọ, tâm, pháp chính là y cứ trên giới, an trú trên giới để tu tập Tứ Niệm Xứ. Tri kiến thanh tịnh chính là sự soi chiếu quan sát thân thọ tâm pháp một cách rõ ràng minh bạch, không bị điều gì che lấp, không bị ý nệm xen vào. Như vậy, anh đang hành đúng Tứ Niệm Xứ.
Ngày gửi: 19-11-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, trong giao tiếp con phát hiện ra thỉnh thoảng mình tỏ ra "kiểu cách" về động tác hoặc ngôn ngữ thì đôi lúc nó khiến con tự tin hơn. Nhưng có khi con thấy nó thật trẻ con! Con nên xử lý cái tật này ra sao ạ?
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất nhiên trong thực tánh chân đế thì không cần kiểu cách gì cả, mọi pháp hoàn toàn tự nhiên và chân thực, nhưng trong tướng dụng tục đế thì có khi phải kiểu cách một chút cũng là chuyện thường tình, đó là tùy thuận chúng sanh mà ứng xử tinh tế, miễn là thấy được đang kiểu cách thì không sao.