loading
Hỏi Đáp Phật Pháp

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 11-12-2019

Câu hỏi:

Dạ con kính đảnh lễ Sư Ông.
Con năm nay 27 tuổi, không biết do nhân duyên gì con cảm thấy mình đã hiểu rất rõ tài, tình, danh, lợi, hôn nhân gia đình, con biết được nếu kết hôn sau này con phải gặp những khó khăn gì, tâm con phản ứng ra sao, rồi nó xử lý ra sao con đều thấy rõ.
Con có ý nguyện xuất gia cách đây 5 năm, chưa bao giờ ý nguyên đó trong con bị lay động. Bây giờ là lúc con quyết định đi xuất gia thì ba mẹ người thân của con rất đau buồn, mẹ con thì bị bệnh tim nữa. Hằng ngày con nhìn ba mẹ buồn bã, thẩn thờ, không ngủ gầy đi trông thấy con không biết mình phải làm sao.
Bản thân con thì thật sự muốn học bài học của người xuất gia.
Xin Người cho con lời khuyên.
Con cảm ơn Sư Ông rất nhiều ạ.
Kính chúc Người thân thể Khinh an ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy, con thấy ai làm gì cũng đúng tính cách của họ nên khi trái í mình (dù mình đúng hay sai) mà mình chấp với họ là làm mình và họ đều khổ, vậy nên con nguyện thân-khẩu-ý chỉ hành thiện để mình và muôn loài được an lạc, nguyện như vậy có đúng là Nguyện Lực Ba-la-mật không ạ? Xin Thầy chỉ dạy thêm cho con.
Với tất cả tấm lòng con xin đảnh lễ Thầy tôn kính!
Con, Tâm Chánh Tín.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Kính bạch sư ông.
Sư ông cho con chia sẻ với bạn đặt câu hỏi là có phải bạn ấy tu càng ngày càng kém vì dễ khóc dễ cười và bạn ấy cho rằng trọn vẹn với khóc cười như thế là đúng hay sai.
Con xin phép chia sẻ 1 chút với sư ông và bạn ấy và cũng mong sư ông giải đáp cho con rõ. Do đạo Phật của mình có quá nhiều danh từ và khi con đặt câu hỏi, con luôn hạn chế sử dụng các danh từ quen thuộc mà sư ông giảng, vì như thế sẽ làm sư ông hiểu lầm câu hỏi, có thể từ đó sư ông nghĩ con đã hiểu hoàn toàn nhưng thực tế con chỉ hiểu 1 phần, nó chưa trọn vẹn như sư ông nói và đây cũng là mấu chốt mà các Phật tử hay hành sai. Các danh từ của sư ông nói nó bao hàm rất nhiều cái kèm theo như câu: "như lý tác ý", thực tế ở cuộc sống có rất nhiều "lý" và khi ta chưa hiểu hết cái bản ngã thì coi chừng cái tác ý sẽ sinh ra cái lý khác mà bản ngã đã hướng đi. Việc bạn dễ khóc, dễ cười xem ra bạn đã không hiểu bản chất sự việc thật trọn vẹn, bạn chưa hiểu thật sự cái tôi của mình, và cái hành vô ngã của bạn chưa thấu triệt... nên khi "lý" đến bạn hành trên cái tôi (ngã) của mình nên bạn mới dễ cười, dễ khóc là vậy. Nếu ai đó đã nói bạn tu "kém" thì bạn nên cám ơn và tìm cách hỏi xem có phải như mình nói với bạn không nhé.
Mình nghe pháp rất nhiều, hành miên mật không ngừng. Hầu như các thầy điều nói phương pháp, duy chỉ có sư ông đây nói về nguyên lý, cái mà không ai nói được. Phải nói là sư ông cho con biết 1 sự thật mà trong lòng con luôn thấy nhưng chưa tìm được ai đồng cảm, duy nhất chỉ có sư ông cho con 1 cái nhìn toàn diện, tâm con vững chắc tự tin, vì có những cái con hiểu nhưng không có danh từ "gán" vào cái mà con hiểu. Khi nghe sư ông giảng con mới biết cái hiểu đó là từ gì, ví dụ câu hỏi hôm trước của con, con dùng từ "công tâm", "phân tích" thoạt nghe ai cũng cho là lý trí phân tích, nhưng thực tế nó tương thích với câu chánh niệm tỉnh giác (thấy như thật) nhìn công tâm là nhìn như thật, trên cơ sở chánh niệm của tâm.
Bác sĩ có 2 dạng là bác sĩ nội khoa và ngoại khoa. Khám bệnh thì cần bs nội khoa, nhưng có 1 số bịnh phải cần được mổ xẻ thì bác sĩ ngoại khoa sẽ ra tay. Tâm mình cũng vậy, khi chưa đạt đến chỗ tịch tỉnh như các quý sư thì cũng cần các thầy dạy phương pháp và chúng ta phải hành cho miên mật, phần nào thuần thục thì ta buông và sống trọn vẹn như sư ông đã dạy, phần nào chưa thì phải "mổ xẻ" và hành, cứ như thế đến khi nào "trọn vẹn" mới thôi. Mà theo con nghĩ 2 chữ trọn vẹn này mà "hành" cũng vài a-tăng-kỳ kiếp chứ hổng phải vài kiếp đâu!
Không biết con nói vậy có đúng không, mong sư ông rộng lượng chỉ dạy cho con biết ạ. Con cám ơn sư ông nhiều lắm. Kính chúc sư ông sức khỏe và bình an.
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Dạ vâng, con cảm ơn sư ông, con nghe pháp sư ông rất nhiều mà hỏi sư ông mới biết vẫn hiểu sai và hành sai. Thật may là có trang web này nên con mới được sư ông chỉ bảo những sai lầm trong suy nghĩ và nhận thức còn nhiều thiếu sót của con.
Thưa sư ông, tức là con không cần quá thận trọng quan sát tiến trình thân tâm hay hành động đơn giản hằng ngày mà cứ để tâm thoải mái, tự nhiên, vì tự nhiên nên có thể sẽ bị phóng tâm cũng không sao và khi biết thì biết vậy thôi, đó là lúc bình thường. Còn lúc nào hữu sự, có chuyện nổi bật hơn ví dụ tham, sân hay chuyện gì lớn hơn con mới cần dụng tâm nhiều hơn, còn bình thường cứ sống giản dị lặng lẽ bình yên, không mong cầu, không quá phóng tâm vọng tưởng là được đúng không ạ?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Thưa Thầy! Thầy cho con xin hỏi: thái độ trong đời sống thường là thể hiện lý trí của con người nhiều hơn, như 1 người nghiêm túc trong công việc tuy gđ có chuyện vẫn giữ thái độ siêng năng trong công việc, đây là việc cố gắng của trí năng.
Còn trạng thái thì lại mang tính khó cưỡng cầu, như 1 người thất bại trong cuộc sống rơi vào nghịch cảnh, tâm trạng bất an, trạng thái đau khổ dù cố dùng lý trí vẫn ko thoát ra được! Họ cần chỗ để bám và sống tiếp!
Vậy trạng thái này nếu gồng sẽ ra thái độ kia! Nếu vậy họ sẽ gục ngã!
Cả hai loại này đều ko là giải thoát ạ!
Ngôn từ ko diễn đạt được hết! Con kính nhờ Thầy giúp con hiểu hơn về sự trở về thật sự ạ! Con cảm ơn Thầy!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy!
Cũng đã lâu rồi con không viết thư trên trang, Thầy vẫn khỏe chứ ạ và việc Phật sự chắc vẫn rất nhiều, bận rộn phải không ạ?
Thời gian trước, sau một thời gian nghe pháp thoại, đọc kinh, thực hành thì con thấy tương đối thông suốt. Con nhận thấy rằng dù Pháp Phật, lời thầy dạy là mênh mông, chìa khóa cũng là gói gọn trong chữ hiện tại. Chỉ cần sống được trong hiện tại là đủ hết rồi, chứ không phải làm thêm gì nữa. Và trong hiện tại đó con chỉ cần thận trọng, chú tâm, quan sát là được rồi. Con thấy như thế có đúng không thưa Thầy?
Rồi khi mà đã thông suốt được điều đó, con gác những cuốn kinh, những bài pháp thoại để trở về đời sống thực. Nói là gác lại nhưng thực ra con vẫn nghe pháp thoại nhưng ko nhiều như trước và chỉ nghe như một món giải trí, yêu thích hay cho dễ ngủ. Hoặc có khi bận quá cũng ko nghe. Con dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động sống thực, công việc, nấu ăn, chơi với trẻ con, học thêm chuyên môn nghề nghiệp. Những công việc mà trước đây vài năm khi thời gian có biến cố đến trong cuộc sống của con, con đã chán ngán không còn muốn đụng vào nó nữa thì giờ con đã lấy lại được những niềm vui sống khi làm nó, giờ với con những hoạt động sống, nghề nghiệp, va chạm con xem nó là những cơ hội để học ra những bài học cuộc sống, học bài nộp bài, trả bài rồi học lại và con muốn học đến khi nào thuộc bài thì thôi.
Trong mỗi hoạt động sống đó, giờ con ưa thích được sống trọn vẹn cùng nó. Con thấy việc cứ đến đi, người này đến đi như một pháp đến đi trong bài học của con. Mỗi giây phút sống, làm việc, học tập đó con cũng ko nhắc mình cần phải như thế nào nhưng rồi nó cũng tự chuyên chú, trọn vẹn trong đó, càng làm con càng thấy sản sinh nhiều niềm vui và nhẹ nhàng, chứ ko thấy mệt là bao. Còn khi đi thì bước chân còn non kém trong chánh niệm tỉnh giác nhưng con cũng thấy tự động tâm con chuyển đến vị trí cảm nhận sự xúc chạm của chân với mặt đất, cũng rất là hỷ lạc thưa Thầy.
Nhưng có điều, sao giờ trong niềm tin của con với Tam bảo nó không như trước. Con xin lỗi vì đã nói như vậy. Nhưng trước đây con vô cùng kính ngưỡng, tin tưởng sự nâng đỡ của Tam bảo thì nay con vẫn tin, vẫn kính ngưỡng Phật Pháp Tăng nhưng con lại thấy không tin vào thứ gì cả, mà chỉ là tin ở chính bản thân mình, rằng trong những bài học cuộc sống, nhờ khả năng học bài và điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình sao cho bớt sai xấu, dần đúng tốt hơn thì dần dần mình sẽ càng có khả năng sống tùy duyên thuận pháp, mỗi một ngày tâm sẽ động, sầu ít dần đi.
Và thêm nữa con trở nên hay cười hay khóc như trẻ con hơn, có những chuyện khó buồn quá con cũng đau vật vã. Nhưng xong lúc đó là thôi, con thấy rất nhẹ nhàng. Trước đây con tu tập con thường cứ giữ hết vào bên trong, buồn hay đau đớn gì còn tránh vào một góc nhiếp tâm vào hơi thở như lời vị thầy trước của con đã dạy nên ai thấy con cũng bảo con bình an nhưng tâm con có khi vẫn có sóng trào tích tụ. Nhưng giờ con lại muốn sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc, từng niềm vui, nỗi buồn. Chỉ khi nào tâm quá là động loạn con mới niệm phật hoặc hướng tâm có chủ ý vào hơi thở nhưng hầu như là rất hiếm khi vì khi còn khả năng thì con không lựa chọn phương pháp đó, mà con sẽ quan sát tâm bất an của chính mình, quan sát tim của mình đang đập nhanh hồi hộp thế nào, thân căng thẳng thế nào. Đôi khi có xung đột thậm chí con không cố giữ im lặng quá như trước mà con cũng nói ra, xong rồi có khi lại đi xin lỗi và thấy có lỗi. Nhưng con lại thấy không sao cả vì nó cho con được học ra nhiều bài học và những chuyện đã qua thì để nó qua thôi, cũng không vướng bận, gây nội kết gì trong tâm con, rồi con cũng quên lãng nó đi.
Có người bạn đồng tu của con nhận xét: sao giờ con tu tập kém quá vậy? Tu tập gì mà hay khóc, buồn, tầm thường, thật kém xa nhiều người tu khác, luôn vui vẻ bình an.
Con thì con thấy gặp chuyện buồn quá thì con khóc cũng là lẽ thường, khóc xong thì con lại vui thôi, chứ ko có gì. Nhưng lời bạn nhận xét khiến con ko biết mình có đang thực hành sai gì không ạ? Vì càng ngày con càng thấy mình tầm thường đi và sống lặng lẽ hơn.
Kính mong Thầy soi sáng giùm con về sự thắc mắc trong thực hành mà con vừa trình bày để con kịp thời điều chỉnh lại nhận nhận thức và hành vi sai nếu có.
Vì sự thực hành của con còn non kém nên thư con viết có sai sót gì trong sử dụng ngôn ngữ, con mong thầy lượng thứ cho con ạ.
Con kính tri ân Thầy! Con chúc Thầy thường mạnh khỏe, công việc Phật sự hanh thông!
Con kính chào Thầy!
Con

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Thưa sư ông, hôm nay lúc con ngồi thiền quan sát hơi thở, con thấy đau lưng và ghi nhận trạng thái đau lưng đó, con ghi nhận được tác ý muốn duỗi thẳng lưng lên cho đỡ mỏi, khi duỗi lưng con ghi nhận được cảm giác chuyển động ở lưng đồng thời ghi nhận được cảm thọ lạc dần dần sinh khởi. Khi duỗi thẳng lưng rồi thì con lại thấy hơi thở ra vào không được bình thường và lại thấy khó chịu, khi khó chịu con lại có tác ý muốn hơi cúi lưng xuống, cúi lưng xuống một chút con ghi nhận được cảm thọ dễ chịu, sau đó con lại có tác ý muốn quay về quan sát sự phồng xẹt ở bụng, rồi con ghi nhận được tác ý muốn hít vào, biết không khí đi vào, biết bụng mình đang phồng căng dần lên đến khi không phồng lên được nữa thì dừng lại một chút và tác ý muốn thở ra, thở ra con ghi nhận được sự chuyển động của bụng xẹp xuống đến khi hết không khí thì nó dừng lại, sau đó con lại tác ý muốn hít vào... (vì thiền sư muốn con ghi nhận toàn bộ tiến trình thở từ lúc đầu, giữa và cuối nên con đã tác ý làm chậm lại để quan sát kĩ)
Con nhận thấy rằng mỗi một hành động đó đều có sự tác ý (Ý dẫn đầu các pháp, ý chủ ý tạo tác).

Sau đó hết giờ thiền có tiếng chuông báo hết giờ, khi nghe thấy tiếng chuông tai con ghi nhận âm thanh đó và liền xuất hiện cảm thọ vui (vì ngồi lâu con muốn xả thiền), con tác ý mở mắt ra khi mở mắt ánh sáng chiếu vào mắt con ghi nhận cảm thọ khó chịu nên con lại muốn nhắm mắt lại, con thả lỏng người gục mặt xuống thì cũng ghi nhận được cảm thọ dễ chịu thoải mái và muốn nằm như này chút nữa... Lúc này con thấy trong mỗi hành động dù nhỏ nhất cũng đều có ý muốn (dục ái) đưa đến hành động để rồi thọ khổ, lạc và trong đó sẽ sinh tâm dính mắc (hữu ái) và tâm muốn loại bỏ (phi hữu ái). Vậy thì cái dục ái này có mặt liên tục sai sử mình làm chuyện này làm chuyện kia nên chính nó đưa mình đi luân hồi sinh tử. Nếu một ý muốn thiện thì khiến mình làm thiện để nhận quả an vui, với ý muốn bất thiện sẽ khiến mình làm điều bất thiện để nhận quả khổ. Thật đúng như lời sư ông nói trong kinh Phật là trong cái thân một trượng này là thế giới tập khởi dẫn đến cái kia diệt. Và mình là người tu hành thì cần phải thận trọng chú tâm quan sát thân thọ tâm pháp ngay trên mắt tai mũi lưỡi thân ý, để điều chỉnh nhận thức và hành vi ngay từ khi nó vừa sinh khởi (chết từ thủa lọt lòng).

Và mỗi hành động nếu chú tâm thấy thì thân thọ tâm pháp không tách rời nhau mà theo nhau cùng sinh khởi và cùng diệt phải không thưa sư ông?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-12-2019

Câu hỏi:

Kính thầy, con chân thành cám ơn thầy và các bạn đã động viên con. Nhiều khi con nghĩ, báo trước như vậy mình mới tỉnh ngộ ra, con cần phải dạy làm người cho nó một cách cấp tốc mà phải tùy duyên thuận pháp, con sẽ chia sẻ cho nó những gì mà con học được về pháp để nó càng tiếp thu được càng nhiều càng tốt. Tuổi nó còn nhỏ quá nên không nghe pháp thoại được. Hành trình mới bắt đầu mà hành trình cũng là điểm đến. Con sẽ cố gắng hết mình. Con xin cám ơn thầy và các bạn.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-12-2019

Câu hỏi:

Namo Buddhāya
Con thành kính dâng Thày bài thơ, con kính chúc Thày mạnh khỏe, an khang! Phật sự viên thành!

Ơn Thày

Ơn Thày khai thị đạo mầu
Chúng con thành kính cùng nhau trở về
Bờ giác ngay giữa sông mê
Tan sương thì ánh trăng ngời sáng trong.

Chúng con bao thủa long đong
Ngược xuôi mang nặng đèo bòng xách mang
Buông ra khỏi những mơ màng
Ngay đây! Thày gọi, lang thang mãi rồi.


Trở về nơi Phật Pháp Tăng
Là viên ngọc sáng con hằng mang theo
Chẳng cầu Tam bảo nơi ngoài
Mà ba đức tính ở ngay tâm mình.

Sáng suốt, Định tĩnh, Trong lành
Mỗi người sẵn có tìm quanh nơi nào
Trở về giữa cuộc chiêm bao
Bờ mê bến giác có nào cách xa.

Niết-bàn thì thấy Niết-bàn
Não phiền thì thấy não phiền khởi sinh
Chẳng níu giữ, chẳng đuổi chê
Sáng soi thực tại đi về như nhiên.

Tỉnh ra ngay giữa não phiền
Tương giao vô ngại tùy duyên giữa đời
Nhưng nhớ thuận pháp con ơi
Vị tha vô ngã thảnh thơi đi về.

Thương trần gian lạc bến mê
Lòng từ soi sáng lối về cố hương
Tỉnh ra ngay giữa mộng trường
Hạc vàng chỉ rõ tỏ tường chân như.

Đường đời muôn dặm xa xôi
Vầng trăng vô thỉ vẫn ngời sáng trong
Dẫu cho góc bể chân trời
Lửa Thày đã thắp suốt đời chẳng phai./.

Con

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-12-2019

Câu hỏi:

Thưa sư ông, con đang bị dính mắc một chuyện mà mãi con không thoát ra được. Con cần phải cư xử thế nào với người ghét con, con thấy khó xử quá ạ, hàng tuần gặp nhau làm việc con chào người ta không thèm trả lời mặc dù con không hiểu con đã làm gì để bị ghét như vậy. Khi về nhà con thấy đã soi lại chính mình mà vẫn không thoát ra được phiền não. Xin sư ông khai thị giúp con ạ!

Chủ đề liên quan:

Xem Câu Trả Lời »