loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 13-08-2017

Câu hỏi:

Kính thưa thầy!
Con là người đã đến gặp thầy vào chiều thứ năm, 10/8/2017. Con thà là một cô tu nữ tu đúng theo đạo Phật còn hơn là một tỳ kheo loanh quanh với những dính mắc vào pháp môn và những quy cũ. Con không ham thích chức vụ, học vị, nhưng vì mong muốn sau này có đóng góp cho ni đoàn nên nghĩ một tu nữ nhỏ bé nói đạo người khác không nghe, tu nữ chưa được thọ giới tỳ kheo thì không giúp được nhiều cho ni đoàn. Nghe thầy chỉ dạy thì con đã hiểu. Con chỉ cần sáng suốt, định tĩnh, trong lành như thầy đã dạy cho con. Còn việc cống hiến thì khi đủ duyên sẽ làm được. Nếu có trải nghiệm (thực chứng) thì làm việc và nói đạo mới đúng và có lợi ích, còn việc ai nghe theo hay không là tùy nhân duyên của mỗi người nữa.
Con xin được tri ân thầy!
Con, Diệu Hân

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-08-2017

Câu hỏi:

Dạ kính thưa Thầy kính mến của con. Hôm nay con xin trình sự trải nghiệm của con sau nhiều năm bị bệnh tật hoành hành mà con đã học ra được bài hoc để trình với Thầy và cũng là trải nghiệm chung cho những bạn hữu nào khi có bệnh để giảm được cái khổ tâm.
- Khi thân đau là cơ hội để quay về biết thân đang đau là niệm thân.
- Khi thân đau thấy khổ khởi sanh biết thọ khổ khởi sanh là niệm thọ.
- Khi thân đau thấy tâm đang bất an lo âu sợ hãi, chống đối loại bỏ loại trừ... là niệm tâm.
- Khi thân đau tâm bị dính mắt vào trong cái đau ấy gây lên sự trói buộc làm cho mình phải khổ sở thêm về cái đau ấy là niệm pháp.
Khi quay vể chính mình trọn vẹn với cái đau ấy là cơ hội để cho mình tu tập thì không còn lo âu và sợ hãi với cái bệnh nữa, chỉ có cái bệnh như nó đang là mà không có cái "Ta" bệnh. Mỗi lần bệnh khởi sanh lên là khổ vì có cái "Ta" xen vào muốn loại bỏ loại trừ không thích, tìm kiếm, tạo tác... nên sinh khổ. Vì mình chưa thật sự biết trọn vẹn với cái bệnh ấy và không đủ sức nhẫn nại với bệnh ấy nên sinh khổ càng lăng xăng chống đối thì khổ càng thêm khổ gây nên căng thẳng và mệt mỏi.
Trải qua nhiều cơn bệnh trên thân con luôn luôn điều chỉnh lại nhận thức của mình cho đúng tốt. Hôm nay con xin trình trải nghiệm nay với Thầy, có điều nào sai mong Thầy khai thị thêm cho con. Con xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-08-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy,
Con mới chỉ biết đến thiền vipassanā và Phật Giáo Nguyên Thủy được khoảng một năm. Trước khi biết đến thiền, hành động và lời nói của con thường nhanh nhẩu, tự phát theo cái bản ngã. Sau khi tu tập, con có thấy được những cái tâm tham sân si nổi lên mỗi khi gặp phải một hoàn cảnh bất như ý. Khi thấy những tâm tham sân si đó, con thường tự nhắc nhở bản thân rằng đây không phải là cách hành động đúng, chỉ nhắc nhở như vậy chứ không phán xét hay ghét bỏ những trạng thái tâm đó, và rồi những tâm tham sân si đó mất đi.
Con muốn hỏi rằng liệu sự nhắc nhở đó là cái tâm của con đang lên tiếng, hay cũng chỉ là một cái bản ngã vô minh đang tự đặt cho mình một quy tắc sống hợp đạo lý? Liệu sự nhắc nhở đó có nằm trong quá trình quan sát trọn vẹn mọi thứ hay chăng?

Con cám ơn sự chỉ dạy của Thầy. Con xin thành kinh đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-08-2017

Câu hỏi:

Kính thưa Sư Ông,
Con chân thành cảm ơn Sư Ông, đã luôn trả lời cho những câu hỏi của con. Con rất tri ân tấm lòng từ bi của Sư Ông ạ. Con là Phật tử ngồi thiền và nghe tiếng chim hót buổi sáng sớm ạ. Con xin trình pháp mới hôm kia thôi, sau buổi cơm chiều con hoàn tất mọi việc, con ra sân ngồi thiền thư giãn buông xả và sau đó là nằm nghỉ ngơi trước sân, khi nằm nhìn mây trời thì con thấy con rất bình an, vô nghĩ, hoàn toàn thư thả buông thư. Con nhớ tới câu nói của Ngài Huệ Năng, "không nghĩ thiện không nghĩ ác thì chính lúc đó cái gì là bản lai diện mục?" Khi kết thúc câu nói đó con chợt chạm mặt rõ hơn nữa về bản tâm chân thật của mình ạ. Mây trời thấy rõ, tiếng chim hót gần đó nghe rõ ràng, một cái tâm bạt ngàn không hề một niệm mà vẫn phân biệt rõ ràng ạ. Con xin phép kết thúc bài trình pháp. Vì con thấy biết còn nông cạn, kính xin Sư Ông từ bi dẫn lối để con không phải lạc đường tà ạ. Con chân thành tri ân và kính đảnh lễ Sư Ông ạ.
Kính,
Con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 12-08-2017

Câu hỏi:

Con kính thưa Thầy!
Trong một lần khi rửa tay, ngẫu nhiên con thấy chỉ có hai cái tay đang rửa dưới vòi nước, không thấy hình dáng con đang đứng rửa, mọi thứ xung quanh lặng hết, cả vũ trụ như chỉ có đôi tay dưới vòi nước. Lần đầu tiên con thấy rõ như vậy. Con cũng không thấy hỉ, lạc... hay gì đó, rất bình thường Thầy ạ.
Kính xin Thầy chỉ dạy thêm cho con.
Con !

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-08-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy, đã 1 tháng rồi con thường hay bị đau đầu, hiện tượng đau của những năm trước muốn tái phát, nhớ lời Thầy dạy con đã buông thư thuận pháp. Cách đây mấy ngày, khi đi xe giường nằm, đường xa 150km, vì hết chỗ ngồi nên con phải nằm ở tầng trên gần cuối xe, con đang đau đầu lại dễ bị say xe. Đi được vài km con tưởng chừng như mình hết chịu nổi. Lúc đó trong con nảy ra 2 ý tứ: 1 là xin bịch để nôn, 2 là bằng lòng với hiện tại. Thế là con quyết định trở về với chính mình, ghi nhận cơn đau và cái cảm giác khó chịu của cơn say xe. Thế rồi con hít sâu, thở ra hơi dài, khoảng 3 phút sau hơi thở dần ngắn lại và nhịp nhàng, không có cái tôi ta xen vào điều chỉnh. Rồi cứ vậy sự nhịp nhàng ấy hòa trong vũ trụ bao la, con tự cảm và đặt tên sự chuyển động của vũ trụ như một lá phổi vô cùng vô tận. Vì con không biết dụng văn tự thế nào để miêu tả nên mượn tạm ngôn mà trình với Thầy như vậy.
Chặng đường kéo dài cả trăm cây số mà con ngỡ như đi vài chục phút. Đúng lúc con cảm nghe đầu đã hết đau, hết say xe, thân, tâm nhẹ nhàng, mát mẻ, khinh an, rỗng rang, trong sáng thì bỗng nhiên tài xế bật nhạc. Lúc này nhớ lời Thầy dạy, con tiếp tục ứng pháp trên các pháp, lời ca tiếng hát của các cô ca sĩ hòa vào trong những cái cảm giác của xe bị lắc ngang nhanh chậm, lên xuống ổ gà, cứ như con đang trên mặt biển. Con thuận pháp xen lẫn chút vui, cũng vờ như mình đang nằm bồng bềnh lướt sóng chơi, trạng thái thật hoan hỉ với cuộc hòa trong pháp xưa nay chưa từng có.
Vâng thưa Thầy thật là bất khả tư nghì: "phiền não tức bồ đề, sanh tử tức niết-bàn". Nếu thấy mình bị khó chịu, ắt có sự đối đãi nên cảm thọ nơi ảo hóa. Thấy mình được trải nghiệm tức trọn vẹn với pháp, sẽ thấy ra nhiều điều vi diệu ngay nơi thân tâm cảnh.
Dạ thưa Thầy, từ bữa đi trên xe tới hôm nay đã 1 tuần trôi qua, con buông thư thuận pháp, mỗi bước con đi trong từng nhịp thở nơi niệm niệm sanh, niệm niệm tử, con đều trực nhận, thấy ra trên bài học của pháp như Thầy đã dạy. Con vô cùng hoan hỉ viết bài trình pháp gửi lên Thầy với lòng biết ơn sâu sắc. Con thành kính đảnh lễ tri ân Thầy tận đáy lòng thẳm sâu vô lượng. Con D.A Bình Phước.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-08-2017

Câu hỏi:

Con xin chào Thầy,

Con kính chúc Thầy sức khỏe và an vui. Con cám ơn Thầy rất nhiều đã dạy cho con thấu hiểu đạo là gì. Con xin trình pháp và chia sẻ ạ.
Vốn là hôm qua con dẫn đứa con gái con đi mua dress để đi dự tiệc. Con đến tiệm thì thấy một cô bé ra phục vụ. Khi cô bé đó thấy con thì bỗng nhiên định bỏ trốn. Con nhìn kỹ lại thì ra bé đó lúc xưa là nhân viên làm ở quầy tính tiền cho gia đình con, bé trộm tiền bị bắt gặp và bị anh con cho nghỉ việc.
Thoạt đầu tâm con nhảy ra bao nhiêu thứ quá khứ xấu về bé, phán xét đủ điều. Bỗng con thấy, nhìn bên ngoài bé đó mắc cỡ khi thấy con, bên trong con không thích bé đó phục vụ. Khi thấy bên ngoài bên trong như thế, con liền trọn vẹn cảm nhận cả, một tình thương cảm thông ở đâu xuất hiện, con liền quay lại thay đổi thái độ của mình, đối xử với bé thật là mới mẻ, như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Hai cô cháu cười cười nói nói và bé đó phục vụ con rất nhiệt tình, đem mười mấy cái dresses ra cho con gái con thử, xong còn bớt giá cho con nữa! Ra về, 2 bên vui vẻ và xong việc.

Lạ Thầy nhỉ? Khi mình thấy pháp bên ngoài ra sao, thấy bên trong tâm mình ra sao thì tự nhiên có một sự chuyển hoá ngay lập tức. Đạo của Thầy soi sáng cho chúng con thật là mới mẻ, thú vị và nhiệm mầu. Chúng con xin đa tạ Thầy, đa tạ pháp đã miệt mài chỉ dạy cho chúng con từng bài học hay.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-08-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy con làm quen với Phật giáo hơn 10 năm nay. Khoảng thời gian gần đây con hay có những giấc mơ mà con gọi là "giấc mơ lành". Con thấy mình bay trong không trung nhìn xuống sông núi, rừng cây. Có lúc mơ thấy sông biển được tạo bởi những màu sắc rất đẹp không như màu sắc trên trái đất này.
Con thấy mình đi qua những miền đất xa lạ, con người và động vật nơi đây đều rất cao ráo sạch sẽ, hiền lành. Con thấy họ nhưng họ không thấy con.
Như tối qua nằm mơ thấy mặt trăng sáng như kim cương to lớn như núi, ánh trăng tỏa sáng cả một vùng biển lúc bình minh.
Thưa thầy có phải do tâm con bớt dơ bẩn nên có những giấc mơ đẹp?
Con có đọc một cuốn sách, vị thầy Tây Tạng này nói rằng có thể nơi đó con đã từng sống qua hay sẽ là nơi con sẽ tái sanh tới.
Cảm ơn Thầy đã đọc câu hỏi của con.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-08-2017

Câu hỏi:

Con kính chào thầy,
Kính thưa thầy, nói về sở đắc cái tâm được nhiếp, con có một kỷ niệm đặc biệt với bác Trần Đới. Lúc ấy con đến chùa Kỳ Viên như mọi hôm, nhưng lần này thì khác, đột nhiên trước khi con về bác Đới có quở con một câu ”Thiếu lễ thì nên lễ, đủ lễ không cần phải lễ”, câu nói này như ghim vào tim con, rồi nó lan ra tới óc, sau đó nó chạy khắp người con làm cho con vào lớp không học hành gì được cả. Tan học con chẳng muốn về, con đi ra ngoài sân trường không có bóng người, con bèn đến góc Phượng ngồi trong tâm trạng như là quên hết sự đời, lúc ấy thân và tâm con hoàn toàn buông hết mọi sự, thì đột nhiên trong con như có luồng sáng chạy qua, thân tâm con nhẹ nhàng, an lạc không tả nổi, con thốt lên, ”A! tâm Phật, tâm Phật! đây rồi” và đột nhiên trong lúc ấy con có luôn câu trả lời của Bác Trần Đới tặng cho con rằng Con “vô–lễ”
Vì muốn bỏ “Lễ” còn “Vô”
Nên con “Vô” mà không “Lễ”,
Bỏ “Lễ” được rồi con cứ “Vô-Lễ"

Nhưng khi vào gặp bác, con không nói cho bác nghe, vì trả lời hơi bị muộn rồi, vả lại con nghĩ, chắc là không phải bác nói đâu, hình như có vị nào đọc cho bác nghe, rồi bác đọc lại cho con nghe, chứ trước đó bác vui vẻ với con lắm, đâu có như vậy. Cái ánh sáng đó, làm tâm con sáng ra, con tự hào về điều đó, từ đó bản ngã con tăng trưởng dần, đã làm cho con bị bệnh.
Sau đó con bị bệnh nằm liệt địa mấy năm, vì cái mụt ghẻ trên cổ con tự nhiên mọc bự bằng bàn tay người lớn, con thấy mình tệ hại hơn cục phân khô, bản ngã con biến mất, con tìm lại cái ánh sáng mà con gọi là “Tâm Phật” như lúc trước, cũng không được nữa, con thấy cái “Tâm Phật“ cũng vô thường. Trong lúc bệnh con ngẫm nghĩ, bệnh này thứ nhất là do ăn uống mà ra, nên con tập ăn gạo lứt, muối mè. Thứ hai là bệnh do tâm mà ra, con chuyển qua kiểm soát cái tâm tham, sân, si, ngã mạn... con dọn sạch từ lần, giống như dọn cỏ trong sân nhà mình. Thứ ba là bệnh này do nghiệp mà ra, con xin sám hối với Phật, xin Phật cho con hết bệnh để làm việc giúp ích cho người, cho đời, con không thể nằm đây mãi được, con tiếp tục sám hối như thế, cho đến khi con hết bệnh và con đã đứng dậy được, làm việc và sống như mọi người cho đến nay.
Thưa thầy, đó là cái kinh nghiệm xương máu về bản ngã trong đời con, con rất sợ bản ngã con “sở đắc cái gì” là con bị bệnh ngay, nên con không dám.
Mình cũng không thể đi tìm cái mà mình không hề biết rõ mặt mũi nó ra sao và cảm nhận nó là ”cái gì”, nên cho dù là có Niết-bàn hay không có Niết-bàn, cho dù có kiếp sau hay không có kiếp sau, cho dù có nhân quả hay không có nhân quả... gì đó, thì lúc nào mình cũng sống trong tỉnh thức và chánh niệm, vì ngay trong chánh niệm và tỉnh thức ta có được sự bình an ngay trong nội tại của chính mình rồi.
Con kính bái thầy, kính chúc thầy nhiều sức khỏe, con xin cám ơn thầy đã chịu khó đọc bài viết của con. Con biết thầy hiện có giảng pháp vào chủ nhật ở chùa Bửu Long, nhưng con không đi nghe giảng pháp và thăm viếng thầy được, vì từ khi con nghỉ hưu bốn năm nay, con phải chăm sóc một người bạn bị liệt nặng do tai biến nên con chỉ nghe pháp trên mạng thôi.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-08-2017

Câu hỏi:

Kính bạch thầy!
Con thường có thói quen nói nhiều hơn cần thiết, con luôn nhắc mình nên lắng nghe và đặt câu hỏi nhiều và chỉ nói khi thực sự cần thiết nhưng thường là sau khi thao thao bất tuyệt xong thì con mới chợt nhận ra mình đã nói quá nhiều. Con bắt đầu thực hành việc quan sát cái tâm tham nói của con nhưng chỉ thỉnh thoảng con mới "bắt" được nó. Con mong thầy chỉ dạy cho con cách để đối trị cái tâm tham nói của con.
Con cảm ơn Thầy rất nhiều.
Con chúc Thầy thân tâm thường an lạc.

Xem Câu Trả Lời »