loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 12-07-2016

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Con xin trình bày pháp học của con để Thầy nhận xét chỉ dạy.
Con đọc một số sách Thầy viết và nghe pháp thoại thì con thấy thường nhấn mạnh 4 nguyên lý nhưng đã nói lên tất cả sự thật trên đời này (Bao gồm Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo):
1- Tuỳ duyên thuận pháp, vô ngã vị tha.
2- Bốn cách thể hiện giới định tuệ trong tinh tấn chánh niệm tỉnh giác là: a) thận trọng, chú tâm, quan sát; b) trở về, trọn vẹn, tỉnh thức; c) trong lành, định tĩnh, sáng suốt; 4) rỗng rang, lặng lẽ, trong sáng.
3- "Khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nhiễm là phúc lành cao thượng".
4- "Không bước tới không dừng lại Như Lai thoát khỏi bộc lưu" (trong những điều đó bao gồm Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo).

Trong sách Thầy viết có một đoạn kể rằng Đức Phật trước khi thành đạo đã đắc các tầng thiền nhưng Ngài cảm thấy không giác ngộ giải thoát hoàn toàn nên Ngài vẫn tiếp tục đi tìm chánh pháp. Một đêm trăng tròn Ngài chợt nhớ lại thời ấu thơ được vua cha dẫn đi xem lễ Hạ Điền, lúc đó tâm hồn Ngài còn hồn nhiên trong sáng, thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe, biết chỉ biết... không một chút suy tư, vướng bận nào nên cũng không có gì đau khổ, Ngài liền sử dụng tâm ấy để quan sát các pháp đến đi và ngay trong đêm ấy Ngài đã giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Đó chính là thiền tịch tịnh chiếu soi mà Đức Phật giác ngộ và Thầy cũng đã khai thị chỉ dạy cho chúng con, chỉ tánh biết hồn nhiên trong sáng tự thấy biết tất cả, không phụ thuộc hay dính mắc vào bất cứ phương pháp nào.
Con đã đọc và suy ngẫm 4 điều ấy: câu tùy duyên thuận pháp vô ngã vị tha, con thấy rất kỳ diệu và nhiệm mầu, cũng như khi tâm hồn trở về như đứa trẻ thơ hồn nhiên trong sáng thì đạo mầu xuất hiện kỳ diệu. Lòng từ bi đại lượng của Đức Phật cũng như Thầy đã vì Phật tử, chúng sanh mà khai thị chỉ dạy tùy theo trình độ căn cơ của mỗi người. Con ngẫm nghĩ thấm thía lúc ấy nước mắt con tự chảy, con khóc vì thấy vui và hạnh phúc, may mắn duyên lành được gặp Thầy nghe Thầy giảng về chánh pháp. Mà Thầy không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, xuất thân hay địa vị, Thầy đều chỉ dạy như nhau.

Trong 4 điều trên, con còn lờ mờ chưa thấu triệt được đoạn: "không bước tới không dừng lại Như Lai thoát khỏi bộc lưu". Xin Thầy khai thị cho.
Kính bạch Thầy chỉ dạy. Con thành kính tri ân Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-07-2016

Câu hỏi:

Kính đảnh lễ Thầy!
Con kính vấn an sức khỏe Thầy.

Thầy ơi, mới đó mà đã gần 2 tháng Thầy rời châu Âu về lại chùa. Bây giờ bước vào mùa an cư nhập hạ, con mong là Thầy có thể nghỉ ngơi, ít phải đi ra ngoài.
Từ hôm Thầy về chùa đến nay, con lo tu sửa lại bức tường đá bị xói mòn phía trước nhà, dọn dẹp cỏ dại và làm bờ gạch để chống đá lăn trên bờ dốc trong vườn. Công việc thì nặng nhọc, những lúc nghỉ làm ở sở, con một mình cần cù làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, mỗi ngày một chút chút. Tuy là mệt nhưng con thật vui với trải nghiệm tuyệt vời này. Trước đây con trói gà không chặt, đóng cây đinh vào tường cũng không xong mà bây giờ, khuân vác mấy tấn gạch đá, bê tông..., và làm những việc chưa bao giờ làm. Con không ngờ là khi làm, mình lại thấy nó gần gũi, quen thuộc đến lạ kỳ!

Mấy năm nay được Thầy chỉ dạy, con thấm nhuần sự tùy duyên thuận pháp. Nhưng đến bây giờ, con mới có dịp trải nghiệm và thấu hiểu lời dạy vô ngã vị tha. Trải nghiệm tùy duyên thuận pháp đã là một món quà Pháp tuyệt vời, buông xả bao nhiêu là gánh nặng tử sinh, nhưng mở rộng hơn vô ngã vị tha thật sự là Pháp mới trọn vẹn. Con bây giờ đã có thể cảm nhận và hòa với lời dạy của Thầy rằng "Tâm không làm muôn việc" và "Phục vụ để hoàn toàn – Hoàn toàn để phục vụ".

Con không có gì để dâng lên Thầy trong mùa an cư này, kính xin gửi đến Thầy một chút tâm sự thay lời trình pháp của đứa con pháp ở nơi xa xôi luôn nhớ về những lời dạy của Thầy:
Thỏng tay vào sự mới hay
Thân làm muôn việc, tâm này vẫn không
Rỗng rang trong chốn bộn bề
Chẳng vì ta cũng chẳng hề vì ai
Mới hay lời dạy bi từ
Vị tha vô ngã uyên như vô cùng
Thuận tùy chèo nhịp pháp duyên
Mồ hôi nhẹ rớt mặt thuyền vô ưu.

Con kính mong Thầy thường khỏe, và thành kính đảnh lễ Thầy!
Con Đăng!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-07-2016

Câu hỏi:

Thầy kính quý.
Khi nhận ra tánh biết giữa những phiền não của cuộc đời, con mới hiểu những lời dạy sâu sắc của Thầy trong bài thơ Chân Huyễn:
Thế gian ơi, đời vẫn là cuộc lữ
Bước đi - về như huyễn cũng như chân
Thấy Niết-bàn trong sinh tử phù vân
Ai ngờ được bờ mê là bến giác!
Con quỳ dưới chân Thầy xin đảnh lễ với tấm lòng tri ân vô hạn.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-07-2016

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!
Con có câu hỏi này muốn hiểu mong Thầy giúp đỡ: Cái mình thấy là do giác quan tiếp xúc với trần cảnh thuộc về hữu Thức
Vậy con muốn hỏi là: Tướng (thực tướng) của pháp là do Thức tạo ra hay Tướng vốn nằm sẵn nơi pháp mà ta có năng lực nhìn thấy được tướng của pháp? (Nếu Tướng là do Thức tạo thì thế giới hiện tượng là do tâm tạo thì sự vô thường, duyên khởi đều là sự thật nơi tâm là tục đế, còn nếu Tướng nằm sẵn nơi pháp thì thế giới hiện tượng là sự thật ngoài Tâm thì vô thường, duyên khởi là Chân đế).
Con xin chân thành cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 07-07-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy! Con xin phép trình bày về một số sự thật.
Niệm tưởng hay vọng niệm, giống như cành nhánh mà gốc của nó là ham muốn, sân hận, si mê dốt nát. Không khác gì các hành tinh quay quanh mặt trời. Mặt trời tắt thì các hành tinh xung quanh cũng tiêu vong. Không cần diệt niệm, khi quan sát chúng ta biết nguồn gốc của chúng.

Tâm thức thì vướng trong mạng lưới của ngôn ngữ, cái đã biết, những gì ta tri giác và được gọi tên thì là ký ức, do đó ta không thấy biết cái đang đó, cái đang đó thì mới mẻ vô ngôn. Thưa thầy, khi ta bước qua hàng cây xanh, thì ta tri giác được vẻ đẹp của chúng, màu xanh diệu kỳ mới mẻ của chiếc lá, khi ta nhìn người ta yêu với con mắt của tâm vô ngôn, ta nhận ra vẻ đẹp riêng, ký ức thì tuột mất không dấu vết nào. Khi đó tâm là cái Không. Không có gì mà lại có. Thật kỳ lạ và tuyệt diệu.

Nỗi buồn là cảm thức của thiếu thốn, của bất toại nguyện khi tâm theo đuổi quan niệm về sự toàn hảo, quan điểm hạnh phúc của riêng nó. Không hiểu được điều này thì tâm suốt đời chỉ tìm bóng mà quên gương.

Tư tưởng là công cụ ta sử dụng suốt cả đời, nhưng khi tư tưởng vận hành trong lĩnh vực của trở thành, của cái muốn hoàn hảo, thì nó đã tự buộc mình trong sợ hãi. Trong đó luôn có nỗ lực của việc biến đổi cái đang đó thành cái nên là. Khi ta phóng chiếu hình ảnh của việc nên nói gì trước công chúng, nói làm sao cho thuyết phục, có cảm tính,... thì sợ hãi đã hiện diện. Khi tâm không chuẩn bị, không chứa một vật thì nó chuyển động không va chạm.

Khi tâm hiện hữu cùng thực tại đang đó thì không có vấn đề, không có chuyện hãy buông xả hay chấp nhận. Khi đó có hài hoà yên bình.
Con vẫn đang tiếp tục xem pháp vận hành, cảm ơn Thầy đã lắng nghe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 05-07-2016

Câu hỏi:

Kính Thưa Thầy!
Tối hôm qua, con đọc đi đọc lại câu trả lời của Thầy: “Đó là bí mật của Pháp, có những lúc Pháp vận hành rất kỳ lạ…” rồi chiêm nghiệm lại những sự kỳ lạ xảy ra với con trong nhiều năm nay và thấy như bừng sáng ra một điều gì đó, hiểu ra một số vấn đề gì đó. Con xin trình Thầy để Thầy kiểm tra lại xem con hiểu có đúng không?
Con gặp rất nhiều sự kỳ lạ trong cuộc sống đời thường cũng như trong tu tập. Con nghĩ là có vị Bồ Tát nào đó hay có Tha Lực nào đó đang theo dõi con, trợ duyên cho con trong từng sát na nên dần dần con buông xả mọi thứ dễ hơn. Nhưng sự buông xả này chỉ là do nghĩ rằng “đằng nào cũng có người lo cho mình, hơi đâu mà mình phải nghĩ cho mệt”.
Khi đọc câu trả lời của Thầy, suy ngẫm, chiêm nghiệm lại con hiểu rằng: mỗi Pháp đều có nhân và quả riêng của nó. Có những Pháp rất đơn giản nhưng giá trị của nó to lớn vô cùng, vấn đề là mình có thấy giá trị của nó hay không. Khi thấy được rồi thì cũng sẽ hiểu được rằng ”Vạn Pháp chẳng có Pháp nào liên quan đến ta cả”. Vì vậy mà con sống chung được với bệnh tật, con thấy trạng thái thiền khi giao tiếp, vì vậy mà con thấy mình có hai thân nhưng chẳng có thân nào là con cả. Sự buông xả của con trước đây cũng chỉ là của bản ngã mà thôi.
Con không biết cách diễn tả hết cảm nhận của con, con cũng thấy ngôn từ chẳng nói hết được nhưng con biết Thầy hiểu con đang nói gì.
Kính xin Thầy chỉ cho con biết con hiểu như vậy có đúng không? Nếu đúng thì con làm gì để thấu triệt hoàn toàn vấn đề này.
Con thành kính đảnh lễ Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 27-06-2016

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy, cho con trình pháp:
1. Vì mình không thấy được sự trọn vẹn hoàn hảo nơi chính mình nên mới sinh ra sự tìm kiếm bên ngoài, trong khi thứ nào có sinh thì sẽ có diệt nghĩa là luôn luôn biến đổi, mà mình lại muốn "đóng đinh" nó để sở hữu. Chỉ khi nào thật sự trở về với chính mình để nhìn thấy mọi thứ trong sự im lặng tuyệt đối thì lúc đó mình mới học ra được mọi thứ nó vận hành như nó đang là. Nhưng mà trong cuộc sống đôi khi mình phải đưa ra những quyết định mà cơ sở là dựa trên cái kinh nghiệm, trải nghiệm. Cho nên sai đúng cũng là cái để mình học ra sự vận hành của pháp thôi đúng không Thầy? Quan trọng nhất vẫn là thái độ của mình.
2. Trong Tử Vi thì nói tới hạn, có hạn tốt và xấu nhưng con nghĩ nếu lệ thuộc vào những điều này lúc đó tâm mình sẽ không còn trong sáng, thanh tịnh nữa vì đã tự tạo thêm trói buộc cho mình. Thái độ được như câu chuyện anh tiều phu và thần chết thì tuyệt vời quá Thầy nhỉ!
3. Con có nghe pháp thoại Sư Giới Đức có nói tuệ khô. Có phải ý Sư là tuệ khô là tuệ có được mà không cần hành thiền định phải không Thầy?
Con cảm ơn Thầy và xin chúc Thầy sức khỏe!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 25-06-2016

Câu hỏi:

Thầy nói vui vậy thôi chớ con biết nếu mắc quai thì ai cũng mắc quai rồi phải không? Và thấy có mắc quai hay không là do mình còn thấy có lời hay không. Và biết là mắc quai nhưng vì muốn khai ngộ cho người khác mà từ xưa các bậc thánh nhân đành chịu mang tiếng mắc quai vậy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 24-06-2016

Câu hỏi:

Kính thưa Thầy, con xin được trình pháp:
Mê là tâm mê
Ngộ là tâm ngộ
Ngộ rồi biết không tâm
Không tâm còn chẳng có
Mê ngộ chỗ nào thành!

Tâm chạy theo cảnh
Cảnh lại sinh tâm
Đầu? Đuôi? Trụ xứ?
Chỉ bảo là lầm!

”Ai?” Là chỗ sống chết!
Biết được ai, ai biết
Người này thỏng hai tay
Vào chợ không còn mất!

Liễu sanh tức thoát tử
Đạt Lý là Sự thành
Sinh tử vốn không hai
Sự lý đâu trình thử!

Vô lượng lần sinh diệt
Dòng nhân quả luân lưu
Do mê mờ bản tánh
Thấy có ra có vào!

Chết đây lại sanh kia
Chúng sanh nhiều hay ít
Hình dung như bọt nổi
Biển nước chưa từng lìa

Pháp không sanh chẳng diệt
Tâm chưa từng đến đi
Đất bằng luôn dậy sóng
Chỉ tự mình phân ly

Tâm cảnh như hoa đốm
Lúc nào cũng lăng xăng
Chớ cầu tìm an ổn
Chỗ này hay chỗ kia

Bổn lai vốn là Biết
Lại muốn biết cái gì
Nên năng sở vọng lập
Có Phật có Chúng sinh

Không Thiền cũng chẳng Tịnh
Mật tu theo tâm mình
Tâm tâm chưa từng dính
Nói gì tu chẳng tu

Đạo không có đường vào
Vì nó không có cửa
Cửa là do mê lập
Bỏ vọng liền được vào

Tự tâm bị điều kiện hóa nên sản sinh ra sự sự lý lý, rồi vô số vấn đề sinh ra, rồi bị cột trói bởi nó. Rồi cũng tự tâm tạo tác học tập phương pháp để giải quyết vấn đề, rồi cũng tự tâm chứng đắc. Lại đi tìm đạo sư để ấn chứng cho, vì không biết Đạo sư chính là Tự Tâm mình, đầy đủ không thiếu thốn dù vô minh hay bất cứ phẩm tính nào.
Chúc Thầy dồi dào sức khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-06-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy!
Sáng nay con tự nhiên nhắm mắt buông xả khoảng 10 phút con đã thật sự thấy được cái "đang là" mà Thầy đã dạy cho chúng con, mà chỉ khi tâm rỗng lặng thì mới thấy được. Vì lúc đó không có 1 khái niệm gì cả, pháp như thế nào thì chỉ thấy như thế không có sự phân tích hay đánh giá gì nữa. Sáng nay con ăn sáng xong con hơi khó chịu bao tử con nhắm mắt lại con thấy rõ pháp đang vận hành, có 1 lượng hơi nóng từ bao tử đi lên lồng ngực làm cho lồng ngực nóng lên con thấy rõ sự sanh trụ diệt của pháp khoảng 1 chút rồi nó diệt. Trong lúc đó con thấy tâm mình hoàn toàn không động chỉ thấy pháp như nó đang là mà thôi. Càng trải nghiệm thì càng hiểu rõ về nguyên lý mà Thầy đã chỉ dạy cho chúng con.
Con xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »