Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Ngày gửi: 23-12-2010
Câu hỏi:
Kính bạch sư. Con hành pháp buông xả từ khi sư qua Úc giảng bài pháp Tứ Diệu Đế đến nay. Con thấy con thật may mắn được gặp Chánh Pháp của Đức Bổn Sư cũng như con được khai mở diệu pháp từ sự giảng dạy của sư. Và mới đây nhất con được nghe thêm bài giảng Tứ Diệu Đế ở Tổ đình Bửu Long mà con download từ trên website xuống. Không có gì bằng là vừa hành vừa có thể hỏi thầy nên con xin sư chỉ dạy thêm cho con xem con đang thực tập có sai hay không.
Sự buông xả thật là vi diệu, con thấy các pháp như nó đang là. Hiện con quan sát nhiều hơn những ý niệm trong tâm vì những ý niệm này làm cho con bận rộn hơn hết. Con quan sát tự nhiên khi ý niệm sanh đến lúc diệt thật là thân thương chứ không còn là kẻ thù như trước đây nữa. Con thấy con hoan hỷ trầm tĩnh hơn xưa, thong dong và dễ dàng thấy các pháp như nó đang là, hoan hỷ biết rằng đây là chánh pháp.
Con phải chánh tinh tấn mà hành vì thấy nghiệp quá khứ làm cho con lúc tỉnh thức quan sát, lúc quên một hồi rồi mới nhớ quán tâm. Kính xin sư chỉ dạy thêm cho con về pháp quán tâm và giải thích thêm về vô thức, con chưa hiểu rõ. Con chỉ hiểu vô thức tức là không ý thức, vì diệt vọng tưởng bằng cách đè bẹp không quan sát tự nhiên như nó đang là nên vô thức cứ xuất hiện trong vô minh. Nếu vô thức xuất hiện mà quan sát bình đẳng trong sự tỉnh giác không quên thì những gì xảy ra trong vô thức là pháp đang vận hành có đúng không ạ? Con xin cám ơn sư.
Ngày gửi: 22-12-2010
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Con nghe nói là một người chết sẽ đi tái sinh vào cảnh giới này, cảnh giới nọ. Nhưng hình như con cảm nhận được ngay trong cuộc sống này cũng đã nói lên người này đang sống ở cảnh giới nào rồi. Cũng đang ở cõi người, nhưng một người sống rất nóng nảy, sân hận, dính mắc, tham sân si nhiều quá thì lúc đó họ đang ở cảnh giới khổ, Ngạ Quỷ, Atula, v.v… Còn nếu một người luôn nhẹ nhàng, mát mẻ, thanh tịnh là người đó đang ở cảnh giới chư thiên. Đâu phải đợi đến chết mới biết người đó ở cảnh giới nào, phải không Thầy? Nhìn hiện tại là biết được quá khứ và tương lai rồi, sống thể hiện thế nào thì chết sẽ như thế đó. Nếu đúng như thế thì mọi người cần phải luôn ý thức để nhận biết rõ mình đang như thế nào. Đó là con nhận thấy vậy. Xin Thầy khai mở thêm cho chúng con. Cảm ơn Thầy.
Ngày gửi: 22-12-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, xin sư giải thích rõ hơn về sự khác biệt giữa chánh niệm trong hiện tại và đắm chìm trong hiện tại? Liệu chánh niệm tỉnh giác có loại trừ niềm vui trong hiện tại không? Liệu chánh niệm tỉnh giác có loại trừ niềm vui khi ngắm một cảnh hoàng hôn, nghe một tiếng chim hót, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một đứa trẻ, một người phụ nữ hay đàn ông?
Ngày gửi: 21-12-2010
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy, cho con xin hỏi: Theo con hiểu, cho dù là Nam hay Nữ miễn sao thấy rõ sự vận hành của pháp và sống thuận theo pháp thì sẽ giác ngộ giải thoát. Vậy tại sao trong kinh Tăng Chi, đức Phật nói rằng, đối với người phụ nữ thì không thể xảy ra? Xin Thầy xem con trích dẫn dưới đây:
"12. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sự kiện này không xảy ra. Sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Người đàn ông có thể là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, sự kiện này có xảy ra".
13. Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là vị Chuyển Luân Vương, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo: Một người đàn ông có thể là vị Chuyển Luân Vương, sự kiện này có xảy ra.
14-16 Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một phụ nữ có thể là vị Ðế Thích (Sakka)... là Ác Ma... là Phạm Thiên, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, một người đàn ông có thể là Vị Ðế Thích... là Ác Ma... là Phạm Thiên, sự kiện này có xảy ra."
Con xin Thầy từ bi chỉ dạy!
Học trò, Viên Ngộ
Ngày gửi: 21-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy cho con hỏi.
1. Thực tánh pháp là cái có sẵn, quay lại nhìn là thấy. Vậy sao chúng sanh phải huân tu 10 ba-la-mật trong nhiều đại kiếp mới có thể giải thoát?
2. Bố thí cúng dường nhiều có gây trở ngại cho việc tu tập đời sau không, vì con nghĩ phước nhiều sẽ sanh trong gia đình giàu sang sung sướng, không thấy sự khổ nên khó giác ngộ chân lý?
Con cám ơn thầy.
Ngày gửi: 20-12-2010
Câu hỏi:
Kính bạch Thầy! Con rất may mắn được tiếp xúc và học hỏi với Thầy (tham dự khóa học ở Bửu Long, tham vấn riêng, nghe băng Thầy giảng ở Hà Nội, ở Úc và đọc sách). Con đã sang 200 CD do Thầy giảng và 50 quyển sách Thực tại hiện tiền để tặng cho mọi người hữu duyên. Một năm nay, nhờ học hỏi từ Thầy mà con tiến bộ rất nhiều. Đời sống rất nhẹ nhàng, an ổn nhờ con biết sống thuận theo pháp.
Con rất tri ân Thầy đã giúp cho con thấy được sự vận hành của pháp, và để sống hài hòa với pháp một cách trọn vẹn.
Học trò, Viên Ngộ.
Ngày gửi: 20-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, qua mục hỏi đáp này có một bạn có hỏi về vấn đề chánh niệm được "tạo đà" hay không và nếu như vậy có biến tỉnh giác thành một thói quen và trở thành thiếu tỉnh giác hay không (câu hỏi ngày 02/12/2010). Chúng con thấy câu hỏi và chủ đề này rất hay nên có trao đổi với nhau và có thắc mắc một vài điều trong này.
Theo cá nhân con thì con hiểu ý thầy muốn nói là, chánh niệm tỉnh giác là sống với hiện tại 100% nên không cần chuẩn bị lấy đà hay tạo thành thói quen hay hứa hẹn điều gì cho ngày mai. Và khi có hứa hẹn, mong muốn hay rèn luyện một điều gì cho ngày mai thì không còn là chánh niệm tỉnh giác nữa. Việc chọn lựa một vài đối tượng theo chủ ý ban đầu thường sử dụng tới yếu tố tầm tứ và bị lạc sang thiền định.
Và theo con hiểu ở một góc độ nào đấy khi thiền sinh này đang tu tập giữ chánh niệm thì cũng hiểu một phần rằng đấy cũng không hẳn là chánh niệm trong sáng thực thụ vì ở đây vẫn còn sử dụng đến ý chí, dù rất nhẹ như chỉ để duy trì hay biết mà thôi.
Về đoạn này không biết con đã hiểu được ý của thấy chưa: "Chánh niệm tỉnh giác không phải là công cụ của bản ngã để đạt được mục đích của nó, mà chính là khi buông cái ngã lăng xăng tạo tác xuống thì chánh niệm tỉnh giác liền xuất hiện một cách tự nhiên, vô ngã", nhưng con nghĩ dẫu sao cũng cần một nỗ lực để duy trì hay biết, tức cũng chưa hẳn đã là chánh niệm tỉnh giác trong sáng.
Vì vậy theo con nếu giả sử đặt lại câu hỏi ban đầu là thiền sinh đang tu tập để tiến tới chánh niệm tỉnh giác trong sáng thực thụ trọn vẹn thì có được không ạ?
Còn điều này nữa, nếu con không nhầm thì ở trong Tuyển tập thư thầy bức thư số 34 thầy cũng có nói qua về điều này, con xin được trích dẫn: "... như một giai đoạn chuyển tiếp để chuẩn bị cho tâm có đủ chánh niệm tỉnh giác khả dĩ thâm nhập thực tại như thị của đệ nhất nghĩa đế, như vậy giai đoạn trên chỉ là dự bị cho hành giả trước khi vào thiền Vipassanà, chúng ta tạm gọi là "giai đoạn tiền Vipassanà". Khi nào hành tướng của hầu hết thân, thọ, tâm, pháp đều được gọi đúng tên ngay khi nó diễn ra, không trước không sau, thì hành giả bắt đầu có khả năng đi thẳng vào thiền Vipassanà như giai đoạn sau đây ..... "
Theo các điều con thắc mắc và hiểu là vậy, con mong được chỉ bảo của thầy. Con cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 19-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, Con có băn khoăn về câu hỏi của một bạn trong mục này về việc nhẹ vía và buổi đêm đi ngủ thường có cảm giác như đang nói chuyện với ai và ngủ xong thấy mệt mỏi.
Thưa sư, theo như con biết thì hình như ở một vài trường phái tâm linh khác cũng có khi chủ động làm việc này như "xuất vía đi học hỏi trao đổi từ nơi này nơi kia hoặc làm một số việc này khác". Như vậy thì ở một góc độ khác việc này cũng không phải là vấn đề gì lắm, nếu mình thực sự có thể hiểu và chủ động trong việc này.
Lại nữa, thầy có nói nên niệm ARAHAM SAMMÀ SAMBUDDHO là hai trong 9 ân đức của đức Phật, là đức tính hoàn toàn thanh tịnh trong sáng của chư Phật. Con cũng không hiểu về niệm Phật lắm nhưng con nghĩ chắc niệm Phật hay niệm một điều gì khác cũng mang lại định tâm thôi.
Và có đoạn này con cũng hơi thắc mắc: "Nếu có dịp đến chùa thầy tặng con một tượng Phật để đeo sẽ không còn hiện tượng đó nữa", con cũng băn khoăn không biết tượng Phật có tác dụng nhiều không ạ vì con thấy bên Phật giáo Nguyên thủy ít nói tới vấn đề tha lực.
Những điều trên theo con hiểu là vậy, không biết con có bị thiếu đức tin vào những điều thiêng liêng không?
Con mong thầy chỉ bảo những sai thiếu cho con. Con xin cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 19-12-2010
Câu hỏi:
Thưa thầy, con xin được hỏi, trong một vài chia sẻ hỏi đáp gần đây con có thấy thầy có nói tới một vài chỗ như đi sâu vào vấn đề tiềm thức hay vô thức. Theo con hiểu tiềm thức hay vô thức là những thứ nằm bên dưới thúc đẩy dẫn dắt chúng ta hành xử theo điều đó, nó có thể là các cảm nhận, nhận thức, hiểu biết, muốn hay không muốn một điều gì đó và thường chúng ta biết rất ít về hoạt động của nó.
Và tiềm thức hay vô thức chỉ có thể thấy được phần nào thông qua việc quan sát học hỏi từ các cảm xúc tư tưởng hay qua những ứng xử, hành động của chúng ta trong cuộc sống.
Con hiểu về tiềm thức và vô thức là như vậy. Con cũng đọc được một ít sách có nói về điều này nhưng chưa thấy giải đáp nào cặn kẽ. Con mong được thầy chỉ bảo về điều này. Con xin cảm ơn thầy.
Ngày gửi: 18-12-2010
Câu hỏi:
Thưa Sư, con là Phật tử được duyên may học Pháp và đã có thể áp dụng được một ít vào cuộc sống, khi bình thường thì con hành sự mọi việc rất điềm tĩnh, nhưng đôi lúc không kiềm chế được bản thân, nhất là khi dục vọng trổi lên! Nhiều lúc con thấy mình trong lúc đó như loài quỷ! Con xin sám hối với Sư, mong Sư cho con lời khuyên để đoạn trừ bớt dục vọng và kiềm chế được bản ngã! Con ước gì mình được như thầy Ananda, được đức Phật thấy biết kịp thời ngăn lại và cho 1 bài Pháp để không bị nhấn chìm vào ái dục! Xin cảm ơn Sư!