loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 26-01-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy,

Con thấy pháp như thế này không biết như thế nào, kính bạch Thầy nhận xét chỉ dạy.

Dù tu học như thế nào đi chăng nữa, thuộc Tam Tạng kinh điển, học vị Tiến Sỹ Phật học hay không, đắc thần thông hay không đắc cuối cùng chung quy của một đời tu học hay toàn bộ vũ trụ cũng chỉ là 3 nguyên lý lớn nhưng đã bao hàm đầy đủ hết. Còn những vấn đề khác chỉ là sự biến hóa thêm cho phù hợp mà thôi.

1. Niềm tin (đức tin), tiềm thức, định luật vạn vật hấp dẫn và tánh biết
2. Vô cực, thái cực, lưỡng nghi, ngũ hành, bát quái kỳ môn độn giáp. (dịch lý = 64 quẻ dịch mà Thầy có lần nói cũng là 121 tiến trình tâm)
3. Phật Pháp Tăng cũng là sáng suốt, định tĩnh, trong lành. (Trí tuệ và từ bi) cũng là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo trong cái vô thường khổ vô ngã.

Nhưng trong 3 nguyên lý đó đã đầy đủ, tròn đầy, viên mãn gom lại thành một cuối cùng đó chính là: cái TÂM của chúng ta đã tạo nên vô cùng vô tận và tánh biết tự thấy biết tất cả. Khi mà TÂM trở về hồn nhiên trong sáng, lặng lẽ rỗng rang như đứa trẻ thơ, trong thấy chỉ thấy, trong nghe chỉ nghe, trong biết chỉ biết, kinh nghiệm chỉ là kinh nghiệm... lúc đó cũng là đầy đủ thiền định tuệ thì đó chính là Phật, bậc A La Hán giác ngộ giải thoát (Niết bàn) dù thuộc Tam Tạng kinh điển hay không thì chân lý chung quy cũng chỉ có bao nhiêu đó thôi.

Giống như khi nấu một nồi canh bao gồm rất nhiều nguyên liệu, thực phẩm gia vị khác nhau, tùy theo khẩu vị và sở thích của mỗi người để tạo nên một nồi canh ngon, đa dạng, từng vùng miền và sở thích mỗi người. Nhưng cuối cùng nước là gốc rễ để taọ nên một nồi canh dù ngon hay dỡ, nếu không có nước thì dù bao nhiêu nguyên liệu ngon hay dở cho vào thì cũng không tạo nên một nồi canh được.

Kính bạch Thầy nhận xét chỉ dạy cho con được mở mang trí tuệ và thông suốt ạ. Con thành kính đảnh lễ và cảm ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 25-01-2017

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy,

Con xin trình pháp. Thưa Thầy đúng là khi bản ngã chìm xuống thì tánh biết nhận ra mọi hoạt động của thân và tâm trong đời sống hằng ngày là hoạt động tự nhiên. Tánh biết nhận ra tướng biết cũng đồng thời là nhận ra cái ta chỉ là ảo tưởng. Chính cái ta ảo tưởng cướp công pháp, ăn trộm pháp và cản trở pháp nên không thấy thân tâm đang vận hành mà cứ nhận là ta đang ăn, ta đang suy nghĩ, ta đang làm việc … Sự giác ngộ chính là hoạt động tự nhiên của tánh biết vì tánh biết biết pháp và hòa đồng với pháp nên cái ta ảo tưởng không đánh lừa được. Bản chất của cái ta ảo tưởng là ảo nên không qua mặt được tánh biết vì vậy mà nó phải rút lui. Vì bản chất của tánh biết biết pháp và hòa đồng với pháp nên tánh biết sẽ giúp tướng biết tự điều chỉnh lại trong sự tương giao với đời sống.
Con nhớ đến bài kệ của Thầy có đoạn: "buông hết một phen đừng luyến tiếc". Thì ra đó là cánh mở cửa để đi vào đạo.
Con thành kính tri ân những lời dạy bảo của Thầy. Con xin chào Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-01-2017

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy!
Thưa Thầy, thì ra mọi sự rắc rối trong đời chỉ nằm trong tiến trình ngũ uẩn. Thiền là soi sáng lại tiến trình này. Khi nội tâm đủ thanh tịnh, sáng suốt thì bản ngã có thể sinh rồi diệt chứ không che lấp tánh biết được nữa. Lực của tánh biết càng mạnh thì con cảm nhận được thuật ngữ Phật tánh và độ chúng sinh. Trí tuệ và từ bi là phẩm chất sẵn có của tánh biết. Khi quan sát lại chính mình con thấy nhân quả, địa ngục … đều nằm trong ngũ uẩn. Gỡ ra một trói buộc thì nhân quả nghiệp báo đã thể hiện đầy đủ trong đó rồi. Nhân quả bên ngoài con thấy chỉ có 2 giá trị: với tục đế thì có giá trị ổn định đời sống, với chân đế thì nhân quả là những bài học giúp cho mỗi người thoát ra khỏi luân hồi sinh tử.
Con thành kính tri ân những lời dạy bảo của Thầy. Con xin chào Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-01-2017

Câu hỏi:

Bạch Thầy,
Khi con quan sát thân tâm một thời gian con thấy cái tâm con có 2 trạng thái. Con cũng ko biết nó là gì con chỉ có thể mô tả. Một là tâm lúc đó hơi uể oải như thể là hơi buông tâm quá đà. Lúc trước khi đi ngủ để tâm như vậy rất dễ ngủ nhưng ban ngày có việc mà để tâm như vậy rất dễ sinh lười nhác, buồn chán. Một trạng thái nữa là tâm nó tỉnh táo, nhìn nghe pháp đến đi rất rõ ràng cùng lúc mà không cần cố gắng nỗ lực gì cả.
Con muốn hỏi thầy là giờ con có thể tự mình thay đổi qua lại giữa 2 trạng thái tâm này bất cứ khi nào con muốn thì như vậy có Tự Nhiên chưa ạ. Và con tu như vậy có chỗ nào sai hướng mong thầy khai thị. Con cảm ơn thầy ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 22-01-2017

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy,

Con là Tâm An Tịnh ạ, con chân thành tri ân Thầy đã dành thời gian tham vấn cho con chiều qua. Mỗi lần được Thầy gỡ rối là con nhẹ nhàng hơn nhiều ạ. Tuy nhiên do con không hiểu nhiều danh từ chuyên môn Phật học và còn mệt do đi đường xa, nên nhiều khi cách con trình bày chưa được rõ ràng rành mạch, mong Thầy từ bi hoan hỷ giúp con ạ.
Con xin được tóm lại những gì con hiểu như sau: Thiền là luôn biết mình, từ thân tâm và cảnh, thấy rõ mình thì sẽ tự điều chỉnh lại nhận thức và hành vi cho phù hợp chứ không phải là chìm đắm trong một trạng thái nhẹ nhàng nào. Và con xin trình pháp Thầy nghe hoàn cảnh con làm bài thơ:
"Trăng thanh, tiếng dế không ngoài tánh
Gió lay cành trúc hiện toàn chân"
Là lúc con đang tập thể dục, vô tình trong trạng thái vắng lặng mà nhìn qua khu đất trống có tiếng dế, có trăng tròn mà thấy là trong mình có cái hằng nghe và thấy. Tánh bên trong của con không ngoài những pháp bên ngoài ạ. Dạ đó là những gì con thấy và hiểu ạ, dù cách con trình bày còn lủng củng nhưng con vẫn mạnh dạn trình thầy xem để thầy từ bi điều chỉnh giúp con. Con thành kính đảnh lễ Thầy và kính chúc Thầy luôn thật nhiều sức khoẻ để tụi con có nơi nương về mỗi khi có vướng mắc trên con đường học Phật ạ.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Kính,
Con Tâm An Tịnh.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 20-01-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy,
Con có một thắc mắc thế này. Cái chết của vị A-la-hán và cái chết của phàm nhân thực sự không khác gì nhau cả. Một mặt là chết đi, không còn tái sinh. Một mặt là chấm dứt đời sống của cái bản ngã này, lập tức tái sinh lại là cái bản ngã khác, do vô minh nên nó tự thấy mình độc lập, hoàn toàn không liên quan gì đến bản ngã của đời sống trước. Như vậy dưới góc độ của "bản ngã quan" hay nhân sinh quan, tất cả đều chấm dứt tại cái chết. Vậy thì chứng Niết-bàn hay không đâu khác gì nhau? Cái khác chỉ là một bậc A-la-hán sau khi chứng được Niết-bàn, sống thêm một thời gian nữa trước khi nhập diệt sẽ an lạc hạnh phúc hơn thôi. Nhưng nhìn tổng thể xuyên suốt trong một kiếp sống, thì cũng chưa hẳn là như vậy.

Vậy giải thoát để làm gì, khi mà ai sinh ra cũng đều bắt nguồn từ vô minh, nếu không tu thì có minh hơn chút nào đâu mà thấy cần phải giải thoát? Nếu giải thoát chỉ để diệt khổ trong thời gian còn lại của 1 kiếp sống, thì sẽ có quan điểm khổ đau, hạnh phúc, thậm chí cả sai lầm, nó làm nên ý nghĩa của cuộc sống này. Hay ý nghĩa của đạo đế là chỉ dành cho những người đã quá bế tắc với khổ và thực sự cần đến nó?

Không cần đến tu tập, phàm nhân cũng có thể thấy được vô thường, khổ não qua những thô tướng như là sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người. Nhưng đâu phải vì thấy được mà họ trở nên chán ghét, muốn lìa bỏ kiếp sống này đâu? Tại sao khi hành giả thấy được cái vô thường, khổ của thực tính Pháp lại sinh ra yếm ly, và muốn ly tham, đoạn diệt?

Trên đây là những hoài nghi của con. Mong thầy soi sáng giúp. Con cảm ơn thầy ạ.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-01-2017

Câu hỏi:

Thưa thầy,
Vừa đọc được chia sẻ của một đạo hữu về việc nhận ra bản chất của trung đạo, con cũng muốn chia sẻ thêm một chút về điều này. Thực ra 2 thái cực chính là thuận cảnh, nghịch cảnh của thói đời. Phàm nhân thấy thuận thì vui sướng, thấy nghịch thì buồn khổ - nhưng với người đã liễu ngộ, thì thuận hay nghịch cũng đều là vô thường cả. Đã vô thường thì ắt có sinh, diệt. Nên người thấy pháp sẽ khéo tác ý để không bị cuốn trôi, cũng không bị chìm đắm vào nó, chỉ bình thản thấy nó như chính nó là thôi. Và nếu sáng suốt thấy rõ mà tâm không động trước quá trình sinh diệt của nó tức đã giải thoát rồi, sẽ không còn sinh diệt nữa.

Hôm nay con cũng hoan hỷ chia sẻ với thầy vì con đã thực sự khám phá được con đường phù hợp với mình. Không còn máy móc theo Phật, theo thầy hay theo bất cứ ai nữa. Chỉ cần nắm vững không rời xa nguyên lý là được.
Con cảm ơn thầy rất nhiều.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-01-2017

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy.

Thưa Thầy con xin trình pháp.

Nguyên lý tu tập gắn liền với nguyên lý vận hành của pháp. Hai thái cực sung sướng và đau khổ đều đưa đến đau khổ. Cái gì tạo nên sung sướng cái đó tạo nên đau khổ, cái gì tạo nên đau khổ cái đó tạo nên đau khổ. Tu tập là khám phá ra sự thật đã bị che lấp. Hạnh phúc là cái có sẵn cùng với trí tuệ thấy sự thật như nó đang là.

Con đường trung đạo không phải là ở khoảng giữa các thái cực mà là thấy ra 2 thái cực đều đưa đến đau khổ. Nhờ thấy ra cả 2 thái cực này nên mới tự tại hay thoát ra vòng xoáy của luân hồi sinh tử. Hạnh phúc thật sự thì không có điều kiện, nói ngược lại chính là còn nương tựa vào điều kiện nào thì sẽ bị trói buộc ở điều kiện đó, còn trói buộc thì còn phiền não khổ đau. Nếu bản ngã là tội phạm thì phiền não khổ đau chính là tòa án. Phiền não khổ đau là người thầy giúp tánh biết nhận ra thực tại đang sai lầm và giúp tánh biết phát huy để thấy ra sự thật. Tánh biết khi thấy ra 2 thái cực đều đem đến đau khổ thì tánh biết cũng thấy ra thực tại đang là vốn bình an và hạnh phúc.

Con đã nghe hết tất cả các bài pháp của thầy và nghe đi, nghe lại nhiều lần, có chỗ con hiểu, có chỗ không. Bây giờ con buông hết không quan trọng hiểu, hay không hiểu nữa chỉ để tánh biết tự khám phá sự thật. Kiến thức và kinh nghiệm là vũ khí của bản ngã cản trở và che lấp sự thật. Chính khi buông ra hết chỉ để tánh biết khám phá sự thật thì một ngày sống học ra rất nhiều bài học. Còn bài học đó được gọi là gì thì hoàn toàn không quan trọng, có thể nói là sai lầm khi lấy khái niệm thế gian để định danh cho sự thật như nó đang là. Thấy ra sự thật và sống với sự thật phi ngôn ngữ giản dị nhưng không dao động. Chỉ có phức tạp mới đưa đến dao động. Có dao động thì có sai lầm, có đau khổ.

Con thấy nguyên nhân nơi con chưa sống với sự thật hoàn toàn là do chưa học hết các bài học cần học. Khi học ra bài học mà pháp mang đến thì liền nhận ra trong quá khứ pháp đã đưa đến nhiều lần rồi, chỉ tại không chịu học, Vậy là cứ tiếp tục học thôi, cứ tiếp tục học thôi cũng là sự thật. Con đường đưa đến giác ngộ giải thoát đúng pháp hay không đúng pháp là ở chỗ học những bài học mà pháp mang đến hay lờ đi và tìm kiếm cái lý tưởng cao xa nào đó.

Thưa Thầy con đã thấy ra cuộc đời đúng là một trường thiền giúp cho mỗi người thấy ra sự thật. Năm 2016 là năm con thất bại trong kinh doanh và phá sản, nợ nần. Nhưng con cám ơn pháp đã đem đến những hoàn cảnh thuận nghịch giúp con khám phá sự thật nơi chính mình và đời sống.

Cám ơn Thầy luôn soi đường cho con. Con thành kính tri ân những lời dạy bảo của Thầy. Con xin chào Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-01-2017

Câu hỏi:

Kính bạch Thầy!

Thầy có khỏe không ạ? Thầy cho phép con được có vài dòng tâm sự ạ. Vì bây giờ con hạnh phúc quá.

Mỗi khi nghe bài giảng của Thầy con thấy trong con tràn ngập cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng, thư thái, có lúc cảm giác hạnh phúc đến rơi nước mắt vì nghe Thầy giảng con được khai mở ra rất nhiều. Và cả những lúc trong cuộc sống cũng vậy, lúc ngồi, lúc đứng, lúc đi, lúc nằm, lúc làm việc... một cảm giác nhẹ nhàng, mát mẻ, hạnh phúc làm sao!

Thưa Thầy, thì ra lúc ban đầu con học đạo với tâm trong sáng, không mong cầu giải thoát mà chỉ cần giác ngộ thì con lại thấy ra nhiều điều hơn khi con cố gắng muốn học nhiều, muốn biết nhiều Phật pháp. Càng muốn biết nhiều kiến thức thì con lại càng bị kẹt vào đó. Nên con đã tự học đạo theo cách riêng của mình tự mày mò. Một ngày nọ con đang đau khổ vì tình yêu thì đột nhiên con phát hiện ra bản ngã của mình khi đọc một câu nói của vị phu nhân Mạt Lợi trong truyện Phật giáo, thì đó cũng chính là lúc con muốn quỳ sụp dưới chân Đức Thế Tôn. Đó là trải nghiệm đầu tiên khi con học đạo.

Rồi mọi giải đáp cho những thắc mắc về đạo đến với con một cách kỳ diệu, như từng mắc xích liên tiếp liên tiếp nhau. Có lúc đọc sách, có lúc đọc được chỉ vài dòng ngắn ngủi của một vị thiền sư hoặc một đoạn ngắn trích trong kinh mà con cảm giác như có luồng điện chạy dọc thân người, có khi rơi nước mắt. Có những lúc bất chợt thấy ra cũng giống như tia chớp lóe sáng rồi tắt, có lúc như mở mắt ra tỉnh ngủ, nhưng chia sẻ với người khác thì bạn không hiểu mà còn cho rằng con tu sai. Bạn hiểu biết nhiều về Phật pháp nên con không nói nữa và nghĩ có khi mình tu sai thật, không chừng mình bị tẩu hỏa nhập ma rồi, nhưng lại nghĩ tẩu hỏa nhập ma thì tâm không thể sáng suốt và bình an như vậy nên con chỉ im lặng rồi lại tiếp tục mày mò. Lúc đó con không cố gắng tu gì cả, chỉ quay về với chính mình, sống trọn vẹn với hiện tại vì thấy mình chỉ có thể thực sự sống ở hiện tại mà thôi, nếu không sống trọn vẹn từng giây từng phút thì cũng giống như mình đã chết rồi nhưng đợi tới lúc tắt thở mới đem chôn. Rồi con mới thấy à thì ra mình khổ là do thái độ, mình khổ là do chính cái bản ngã thêu dệt lên, mình khổ là do mình bám víu, chỉ cần mình buông đi cái thái độ bám víu, buông đi cái bản ngã là hết khổ ngay (điều này do có một lần con bị bệnh nặng mà tự trải nghiệm nhận ra).

Cuộc sống này dạy cho ta những bài học bổ ích, con không còn sợ đau khổ mà còn có cảm giác biết ơn, lấy đau khổ làm bài học giác ngộ cho mình (dù có lúc cũng khổ sở lắm con mới học ra), ai rồi cũng sẽ học bài học giác ngộ của mình. Đó là điều thứ hai khi con học đạo. Và rất nhiều điều kỳ diệu mà con không thể kể hết ở đây. Theo đó là những duyên lành liên tiếp đưa con biết đến Phật giáo nguyên thủy và đưa con đến gặp thầy, nghe thầy giảng. Thật hạnh phúc làm sao!

Con biết đến Phật pháp chưa bao lâu, đọc sách cũng chưa được bao nhiêu, nghe giảng cũng chưa nhiều nên diễn đạt có khi còn lủng củng và không biết nhiều từ ngữ chuyên môn Phật học, con chỉ xin được nói lên tâm sự, chia sẻ trải nghiệm về niềm hạnh phúc khi được sống trong chánh pháp với thầy và ai đọc được những dòng này. Nếu có điều gì con thấy ra chưa đúng con mong thầy chỉ dạy. Con thành kính đảnh lễ và tri ân thầy! Con kính chúc thầy được nhiều sức khỏe, luôn được an lành!

Con, Diệu Hân.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-01-2017

Câu hỏi:

Con biết THẤY rồi Thầy ơi. Con cám ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »