loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 12-10-2016

Câu hỏi:

Thầy ơi,

Thầy hay nói về chuyện cây xoài là chính nó thì đủ rồi, không cần phải cố làm gì giúp xung quanh khi bản thân chưa tu sửa xong. Pháp dạy con bài học về "giá trị" đã lâu nhưng con vẫn không hiểu, cứ hễ làm gì để bản thân mình có giá trị thì đều thất bại, đôi khi còn hại ngược lại mình. Nhưng trong tục đế, sống mà không có khả năng làm gì dù chỉ là việc nhỏ (như rửa chén bát) cũng làm con thấy mình "không có giá trị" gì và sinh ra bất an, phiền não.

Khi con cố làm gì đó, không thất bại thì cũng bị người cản lại không cho làm, nên con sinh ra chán nản và mệt mỏi vì tìm cầu không được. Trong tục đế nơi mà mọi thứ đều có giá trị và vai trò, nhưng nếu không thấy bản thân mình có giá trị hay giúp được gì hết thì làm sao Thầy ạ? Hằng ngày nhìn người ta làm này làm nọ còn con bất lực không làm được gì, như gánh nặng của họ, nên tâm con dần mở ra lỗ trống để bản ngã tham lam tìm cái gì thu vào lắp đầy, rồi tâm con lại chùng xuống khổ sở. Từ đó mà nó như một quả bom ngấm ngầm, châm ngòi là nổ ngay. Thầy ơi, cái khổ sở đó nó sinh ra và phát triển nhưng nó vẫn còn đó chưa diệt. Bản ngã vẫn xen vào cho là, nên là, phải là, làm con chông chênh không biết tục đế và chân đế là như thế nào?

Con xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ, con xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 11-10-2016

Câu hỏi:

Còn kính chào Thầy,
Xin Thầy cho con hỏi: Thực tại là một sự trôi chảy sống động, sinh diệt (Vô Thường) mà mình chỉ có thể thấy biết mọi thứ như nó đang là chứ không thể nắm bắt được thực tại. Khi Tâm trở về với tự tánh rỗng lặng trong sáng đó mở rộng ra thì nó có thể bao trùm cả quá khứ, hiện tại, tương lai.
- Và khi Tâm trở nên tự do rộng lớn thì đó là Tâm thức vũ trụ (vũ trụ Tâm) có phải không ạ?
- Sự rỗng lặng trong sáng là đặc tính bao trùm khắp cả vũ trụ chứ không phải của riêng ai cả có phải không ạ?
Đây là sự chiêm nghiệm của con khi thực hành pháp và đã cảm nhận được sự bao la rộng lớn nơi Tâm mình. Khi buông hết mọi ý đồ, nổ lực của Bản Ngã và cảm nhận được cái không là gì cả nơi mình.
Kính mong sự chỉ dạy của Thầy. Con xin cảm ơn và tri ân Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-10-2016

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Chỉ mới gần đây, con được nghe các bài giảng của Thầy về Giới – Định – Tuệ. Con có hiểu ra một số vấn đề, hiểu được mình đang ở đâu, chuyện gì đang xảy ra với con.
Con hiểu được mình sống vô minh, nhiều sân, đầy bản ngã, chưa thấy pháp.
Con bắt đầu biết không phản ứng với xuân hạ thu đông, bình tĩnh với sinh lão bệnh tử, ngậm nghe cho đến hết kiếp này, nghiệm khổ để sáng ra nhiều thứ.
Thận trọng, chú tâm, quan sát
Sáng suốt, định tĩnh, trong lành
Hôm nay, con xin hỏi Thầy những điều con còn vướng về bản ngã mong muốn.

1. Nghe Thầy giảng, con dễ dàng phát tâm buông bỏ, vì trong con cũng không nhiều ham muốn.
Nhưng vì điều gì hơi khó là bỏ nên con dễ đứng yên, thậm chí là lùi lại phía sau, và tách khỏi mọi người.
Muốn chồng bớt vui tiệc tùng tiếp khách (cho dù là công việc), biết đủ với sắc dục.
Muốn dạy con cẩn trọng, chú tâm, quan sát.
Muốn người khác ngưng làm điều sai trái.
Muốn cha mẹ đừng yêu cầu, đừng làm những điều mà con cháu không chiều được (muốn này rất khó).
Ngay cả cái mong muốn chia sẻ điều tích cực cho những người thân cũng đã là bản ngã khó khăn và mệt mỏi. Buông bản ngã thì sống không tích cực, ôm bản ngã thì mệt, có khi như là ôm phao trên sông, và không thể buông phao tùy tiện.

2. Con người thường sống với bản ngã đầy tham vọng, mong muốn và sự nổ lực cố gắng không ngừng.
Con thì vẫn là người hay đứng ở lưng chừng đồi vì thiếu cố gắng đến cùng, dễ buông bỏ nữa chừng vì thấy mệt và biết đủ.
Nhưng con lại thấy khó khi dạy con cái, động viên học trò đi học phải nổ lực vượt khó để học giỏi hơn và học giỏi nhất. Khi học trò không đứng hạng nhất, con an ủi bạn nhường niềm vui cho gia đình và bạn bè của bạn đang đứng nhất, nhưng trò không nghe.
Nếu con là Thầy Cô giáo, con cũng cần nỗ lực dạy học và mong muốn học trò học giỏi.

3. Người khuyết tật.
Hơn ai hết, họ luôn cố gắng vượt qua số phận.
Đối với họ, thần chú là không có ước mơ nào không thể thực hiện nếu có niềm tin.
Vậy, bản ngã của họ lớn lắm sao? So ra họ sinh ra đã thiệt thòi lại còn còn khổ đồng hành với bản ngã vượt khó.
Thưa Thầy con hiểu sai hay hiểu chưa tới?

4. Đốt nhang niệm Phật cầu mong cho gia đình bình an đã mang màu mong muốn.
Sinh nhật, đám cưới phải nói lới chúc hạnh phúc cho dù biết hạnh phúc nào rồi cũng dẫn đến khổ đau, chẳng lẽ là “chúc khổ đau về sau”.
Tết là dịp chúc nhau ra rả, chúc người già sống lâu trăm tuổi (dù biết sống già sống dai sống dở), chúc người tu hành đắc đạo, Niết-bàn.
Con rất tiết kiệm lời chúc, phần vì lung túng, phần vì thấy sáo rỗng, ảo vọng.
Xin Thầy giảng thêm về lời chúc, cách chúc giữa những người biết Phật Pháp với nhau.

Kính thư.


Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 10-10-2016

Câu hỏi:

Con kính chào Thầy!

Con xin có 2 câu hỏi:

(1) Khi đi ngủ con quan sát chính mình bằng sự rỗng lặng trong sáng của Tâm, con nhận thấy cái nhận thức trong mình nó giảm dần và rồi chìm vào trong giấc ngủ. Đó là một giấc ngủ sâu và khi thức dậy thì nhận thức bắt đầu trở lại nhiệm vụ của nó, và Tâm có khởi một vài ý nghĩ nhưng đều được thấy biết rõ ràng.
Vậy khi chìm vào giấc ngủ thì cái Biết ở trong mình vẫn hay biết, cảm nhận được đó là một giấc ngủ sâu, không có mộng mị. Tức là dù thức hay ngủ thì cái Tánh Biết đó vẫn luôn hiện diện để biết, nhưng do những ý niệm, vọng tưởng, ý đồ của bản ngã làm che lấp đi cái Biết trong sáng, rỗng lặng thuần túy này. Sự tịch tịnh trong sáng này có phải là đặc tính vốn có của Tâm?

(2) Con muốn lên chùa ở lại một vài ngày để tu tập, làm công quả và hỏi đạo trực tiếp với Thầy thì phải là thế nào ạ?

Con thành kính tri ân Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 09-10-2016

Câu hỏi:

Dạ Thưa Thầy,

Chị con giận dữ với con vì cho con lăng nhăng với chồng của bạn gái chị. Khi con muốn ba mặt một lời để làm rõ thì chị càng làm ầm ỉ lên (con nói chuyện nhỏ nhẹ). Con biết chuyện gì xảy đến với mình rồi vì thế con không kiềm chế được cảm xúc nên lên phòng gọi điện cho một người bạn đồng tu nói chuyện. Sau đó con bình tâm trở lại.

Nhìn bề ngoài không thể hiểu rõ, con trong nhà và con quá quen thuộc "sự sân hận con người mình khủng khiếp lắm". Con sợ mình đối diện cảnh bình tâm không nổi nên con gửi tin cho Thầy. Sau khi nhắn tin con xuống nhà ăn cơm, bước chân con vẫn nhẹ nhàng, biết và nghe thấy mọi việc thân-tâm-cảnh, cảm nhận thức ăn đang nhai,... tâm con thấy "chúng sinh (chị) đó đang khổ" (hoàn cảnh chị đang lâm vào, chắc chứa nhiều nổi đau quá và con là nạn nhân) và con cũng là một chúng sanh đang đau khổ và con cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đừng có oan trái lẫn nhau. Thường khi anh chị nóng giận thì con hay né vì họ hay tay chân nhưng lần này thì con không sợ, nếu xảy ra con sẽ chấp nhận, không chống cự và quan sát, quan sát thôi nhưng chuyện này không có xảy ra. Sau khi ăn cơm xong con thưa chuyện với chị, "nếu anh chị cần em phụ giúp tiếp thì em ở, nếu không cần thì em dọn đi", con đứng đợi câu trả lời nhưng chị im lặng, khi con đi khuất thì chị gọi điện đến cho người này người kia mắng nhiếc chửi bới than phiền về con (con cũng chỉ nghe âm thanh thôi).

Con bị oan những chuyện như thế này nhiều rồi nhưng con luôn im lặng. Vì người ta hiểu nhầm nên mình mới oan, nếu hiểu nhầm thì nói cách nào họ cũng không hiểu, từ từ khi nào họ hiểu ra thì hiểu, quan trọng là tính cách và phẩm hạnh sống của mình.

Nhưng Thầy ơi, trước đây thì còn có vài thông tin liên quan để khơi gợi vu oan. Con cũng cẩn trọng với sự việc này vì biết đây là nghiệp của mình do mình đã từng tạo rồi. Hôm nay thì hoàn toàn, con gặp người này lâu lắm rồi thoáng vài lần khi gia đình họ ghé nhà và đi liền, gặp thì gật đầu chào và hỏi thăm được vài câu. Giờ con cũng chỉ bật cười thôi.
Chưa chắc ngày mai chuyện xấu không đến với con. Nhưng con tin mình bình tâm chấp nhận tất cả, sóng gió, bão bùng quá nhiều rồi. Những chuyện họ đối xử với mình thì họ phải biết rõ hơn mình chứ.

Có điều gì khuyết xin Thầy chỉ dạy thêm cho con. Con được ngày hôm nay là con mang ơn Phật, mang ơn Pháp, mang ơn Chư Thánh Hiền Tăng và mang ơn bạn bè đồng tu nữa.

Con mang ơn Thầy đã luôn sát cánh với bọn học trò như tụi con. Con cảm ơn Thầy!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-10-2016

Câu hỏi:

Bạch Thầy,
Nhờ có bài kệ của thầy có câu "Về chiêm ngoạn chính mình", thầy có giảng có ý thưởng thức ở trong đó. Con trước hay bị rơi vào trạng thái hôn trầm thụy miên, tức là hay chán chán không muốn gặp ai làm gì. Nhưng tự nhiên hôm nay con tự trở về chiêm ngoạn từ những cái nhỏ nhất trong đời sống tự nhiên con thấy khác hẳn ạ. Dạ con thấy thực sự hay là chiêm ngoạn chứ không phải hỷ lạc... sẽ tạo nên tham. Con cảm ơn Thầy rất nhiều.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Con xin đảnh lễ Thầy.
Con khoảng một tháng nay đã được nghe nhiều bài pháp của Thầy giúp con nhận ra nhiều điều. Bao lâu nay con cứ nghĩ mình đọc nhiều, nghiên cứu nhiều kinh Phật là cách giúp hoàn thiện bản thân. Nhưng qua bao nhiêu năm, con vẫn cảm thấy bản thân mình không khắc phục được các tập khí của mình và vẫn luôn cảm thấy mình có nhiều tính cách không tốt mà không thay đổi được. Nay nhờ các bài pháp của Thầy con đã quán sát tâm của mình và nhận ra tất cả vấn đề của con đều là do bản ngã của con quá lớn dẫn đến những tính cách không tốt hiện tại con đang mang. Nay con mong được Thầy hướng dẫn con, khi đã nhận ra như vậy thì bước tiếp theo con cần làm gì để có thể từ từ giảm bản ngã của bản thân để trở về với tự tánh chân thật.
Con mong Thầy hoan hỉ hướng dẫn con.
Xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 06-10-2016

Câu hỏi:

Con thành kính đảnh lễ Thầy.

Thưa thầy con xin trình pháp:
Nguyên lý để giữ được thăng bằng trong đời sống đó là trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Muốn trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại thì phải thấy ra những nguyên nhân đánh mất thực tại. Nguyên nhân đánh mất thực tại là do quá khứ chi phối, tương lại chi phối và đặc biệt là bên ngoài chi phối. Chỉ cần thấy ra chứ không cần tìm kiếm, không cần rèn luyện để đạt được. Vì khi thấy ra pháp ảo cũng sẽ đồng thời thấy ra pháp thực và tất yếu là sẽ sống với cái thực. Như vậy cốt lõi của vấn đề là phát huy cái thấy, cái thấy là thấy biết pháp chứ không phải chỉ là mắt thấy. Thiền tứ niệm xứ giúp mỗi người phát huy cái thấy, chính xác là tánh biết thấy pháp. Thiền tứ niệm xứ bao gồm: niệm thân, thọ, tâm, pháp.

Tuy nhiên thân, thọ, tâm, pháp chỉ là khái niệm tục đế. Không thể tách ra để niệm, theo từng mức độ mà niệm thân hay thọ hay tâm hay pháp là tùy duyên. Nói chính xác là không niệm gì cả. Mà là tánh biết tự thấy, tự ứng. ví dụ: khi đi trọn vẹn với cái đi, khi đau trọn vẹn với cái đau, khi sân thì biết nguyên nhân đưa đến sân, sân sinh lên rồi diệt đi. Như vậy niệm thân, thọ, tâm, pháp chính là thường biết mình, biết mình trong tất cả các hoạt động đời sống. Thường biết mình chính là trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Thực tại thì luôn biến động nhưng trên mỗi tình trạng của thực tại thì tánh biết vẫn luôn trọn vẹn tỉnh thức với thực tại đó (Thời – vị - tính), ví dụ: khi ngồi thì biết ngồi thì đó là niệm thân nhưng thực ra không ai niệm theo kiểu ta biết thân ta đang ngồi và ta đang niệm thân. Mà chỉ đơn giản là tâm trọn vẹn tỉnh thức với thân đang ngồi và tất yếu là tâm sẽ tự động cảm nhận được các tình trạng của thân như: dễ chịu, đau mõi… khi không có khoảng cách giữa thân và tâm thì tâm sẽ trọn vẹn tỉnh thức trên tâm như là một thực thể thống nhất. Như vậy chỉ cần loại trừ đi cái niệm sai lầm là được, vi dụ:

1. Khi đã biết thân, thọ, tâm, pháp thì bỏ khái niệm thân thọ tâm pháp đi. Như vậy khi tiếp ứng không cần phải khái niệm hóa đây là thân, đây là thọ, đây là tâm, đây là trói buộc.

2. Không cần phân tích tìm hiểu thân, thọ, tâm, pháp vì đó là lý trí bản ngã cản trở tánh biết thấy pháp.

3. Bỏ đi cái ta tu tập, cái ta thấy pháp, cái khả năng trí tuệ của ta thấy được pháp đang vận hành.

Loại trừ đi những sai lầm chính là tiến trình giản dị lại, giản dị đến không là gì cả tức là loại luôn cả cái ta là gì cả thì chỉ còn lại tánh biết thấy pháp. Pháp là gì thì tánh biết sẽ tự thấy pháp ấy như vậy chứ không cần phải lập trình (ta niệm thân, ta niệm thọ…). Chỉ có bản ngã mới lập trình. Ví dụ: khi ăn thì cái ăn là nổi trội thì tánh biết sẽ trọn vẹn tỉnh thức với cái ăn ở mức độ nổi trội hơn. Hoạt động trọn vẹn tỉnh thức này là hoạt động tự nhiên của tánh biết, mà tánh biết là pháp nên đây cũng là hoạt động tự nhiên của pháp chứ không phải của ai cả. Chỉ cần buông ra những cái ngăn trở (niệm sai lầm) thì tánh biết sẽ tự động trở về trọn vẹn tỉnh thức với thực tại. Còn thực tại là cái gì thì tánh biết cũng sẽ tự động trọn vẹn tỉnh thức trên cái ấy (pháp ấy), chứ không có cái ta nỗ lực trọn vẹn tĩnh thức trong thân thọ tâm pháp. (lập trình).

Con thành kính tri ân Thầy đã khai thị và đọc trình pháp của con. Con chúc Thầy luôn mạnh khỏe.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 03-10-2016

Câu hỏi:

Con cảm ơn Thầy đã giúp con hiểu hơn về sự nghiêm túc, nhiệt tâm. Xin Thầy xem con hiểu vậy đúng không ạ:

1. Nếu điều mình lên kế hoạch làm là tốt và trong khả năng, thì mình cứ hành động trọn vẹn trong hiện tại, ngay đó chính là nghiêm túc và nhiệt tâm. Khi cần đánh giá lại (do khả năng, hoặc do điều kiện ngoại duyên chưa biết thay đổi thế nào) khiến tự động (thọ / cảm xúc) đôi lúc có nỗ lực, đôi lúc có lười chán, thì mình cứ chánh niệm cảm nhận các trạng thái thọ đó, rồi trọn vẹn giải quyết tuỳ duyên thuận pháp theo trình độ nhận thức của mình, không mong cầu theo ý riêng. Xong rồi tiếp tục hành động trọn vẹn với hiện tại. Như vậy thì suốt quá trình, không có cái tôi bản ngã xen vào. Con hiểu vậy đúng ko Thầy?

2. Chỗ khi cảm xúc nỗ lực hoặc lười chán đó nổi lên, nếu tâm mình không chánh niệm, cứ muốn theo ý riêng thái quá, sinh ra lo lắng, dính kẹt, hoặc phấn khích/bị kích động/buồn khổ thì mình sẽ càng nỗ lực, hoặc bị lười chán, càng bế tắc thêm, do mình không còn giải quyết thuận pháp nữa mà thuận sự xen vào của bản ngã. Con hiểu vậy phải không Thầy?

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 01-10-2016

Câu hỏi:

Con xin được thành tâm đảnh lễ thầy.
Hôm nay con mới chợt nhận thấy rằng sự sáng suốt định tĩnh, thận trọng chú tâm quan sát lúc nào cũng có sẵn trong con thầy ạ, và nó đã có sẵn từ lâu lắm rồi.
Khổ nỗi nó như thế này: khi phần biết của con chủ đạo hơn phần làm, thì con thấy người nhẹ nhàng thoải mái. Nhưng con không thực hiện được việc "thường" hoặc "luôn" thận trọng chú tâm quan sát thầy ạ. Con cứ làm được điều đó 5 phút là con lại quay về thói quen cũ: đọc truyện hoặc lướt web, chỉ khi đó con mới quên đi được sự để ý quan sát mọi sự của thân tâm.
Xin thầy cho con hướng đi tiếp theo ạ.

Xem Câu Trả Lời »